Thể thơ Lục bát do đâu mà có, xuất hiện từ thời nào? Quá trình hình thành và phát triển ra sao, thật khó có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên có một điều đáng nói là giữa câu Lục bát và quẻ Dịch có những điểm tương đồng quá diệu kỳ. Khó có bằng chứng nói rằng Lục bát khởi nguyên từ Kinh Dịch, nhưng sao giữa một thể thơ và một quẻ Dịch tưởng chừng như xa lạ lại có quan hệ như huyết thống đến thế!
Lục bát là thể thơ gồm một câu 6 tiếng và một câu 8 tiếng, tiếng cuối câu lục vần với tiếng thứ 6 câu bát. Tiếng cuối câu bát lại vần với tiếng cuối câu lục tiếp sau. Về thanh, thường là tiếng thứ hai thanh bằng, tiếng thứ tư thanh trắc, tiếng thứ sáu và tiếng thứ tám thanh bằng, còn các tiếng ở vị trí lẻ thì tự do theo luật "nhất, tam, ngũ bất luận". Nếu có tiểu đối ở câu lục thì có thể thay đổi thanh. Về thanh còn có luật cao - thấp. Nếu tiếng thứ sáu của câu bát là thanh ngang thì tiếng thứ tám của câu thơ ấy là thanh huyền và ngược lại.
Quẻ Dịch hình thành do sự kết hợp giữa các hào âm và hào dương. Có hai loại quẻ:
- Quẻ đơn gồm có ba hào, có tất cả 8 quẻ đơn Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
- Loại quẻ kép gồm có 6 hào, có tất cả 64 quẻ kép.
Trước hết hãy nói về câu Lục.
Câu Lục có 6 tiếng tức là 6 đơn vị tương đồng quẻ kép có 6 hào cũng là 6 đơn vị.
Để tạo nhạc điệu trầm bổng cho thơ, Lục bát sử dụng 6 dấu giọng: không dấu, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Có hai loại thanh.
Thanh bằng: ngang (không dấu) và huyền. Loại này tương ứng với hào âm trong Kinh Dịch
Thanh trắc: sắc, nặng, hỏi, ngã. Loại này tương đương với hào dương trong Kinh Dịch.
Thơ Lục bát chính thể phải tuân theo luật bằng trắc.
Lục Bát luật bằng, chữ thứ 2, 6, 8 thanh bằng; chữ thứ 4, 7 thanh trắc.
Ngày xưa Lục Bát được viết bằng chữ Nôm, câu thơ được viết theo chiều dọc chứ không viết theo chiều ngang như với mẫu tự La tinh ngày nay. Nên về hình thức câu Lục càng có dạng sát với dạng quẻ Dịch hơn:
Chữ Hào
(hào âm --), (Hào dương ----)
Trăm --
năm -- trong -- cõi ---- người -- ta -- (câu Lục này về hình thức tương đương quẻ Địa Sơn Khiêm)
Đã ----
đày -- vào -- kiếp ---- phong -- trần -- (câu Lục này về hình thức tương đương quẻ Thuần Cấn)
Lục bát thường dùng cơ số chẵn (6, 8), thiên về luật bằng (chữ thứ 2, 6, 8 thanh bằng) nghĩa là thiên về âm hơn dương. Âm thuộc về đất, về mẹ cho nên Lục bát chính là mảnh đất màu mỡ cho tình cảm đơm hoa kết trái, là thể thơ đắc dụng cho loại thơ trữ tình.
Câu Lục thường có nhịp đôi 2/2/2:
Chập chờn / cơn tỉnh / cơn mê
Người đâu / gặp gỡ / làm chi Còn non / còn nước / còn dài Đội trời / đạp đất / ở đời
Trong một quẻ Dịch cũng thường chia làm 3 vế hay 3 đoạn. Mỗi đoạn có 2 hào. Hào 6 và hào 5 (kể từ dưới lên) thường nói về trời (thiên). Hào 4 và hào 3 thường nói về người (nhân). Hào 2 và hào 1 thường nói về đất (địa). Dưới đây là quẻ Càn:
Hào 6: Kháng long hữu hối (Rồng lên cao quá, có hối hận)
Hào 5: Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân (Rồng bay lên trời, có lợi khi gặp đại nhân) Hào 4: Hoặc dược tại uyên, vô cữu (Hoặc nhảy, hoặc nằm vực sâu, không lỗi) Hào 3: Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch, nhược, lệ, vô cựu (Quân tử suốt ngày cứng cõi, chiều tối vẫn thận trọng lo sợ, không lỗi) Hào 2: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân (Rồng hiện ra ruộng,có lợi gặp đại nhân) Hào 1: Tiềm long vật dụng (Rồng còn ẩn náu, chớ dùng)
Ta thấy ở quẻ này phân đoạn 2/2/2 rất rõ. Hào 1 và hào 2 có chữ điền là ruộng, rồng hiện ở ruộng, chỉ đất (đạp đất). Hào 3 và 4 có chữ quân tử, người quân tử suốt ngày phải cứng cõi chỉ người (ở đời). Hào 5, hào 6 có chữ Thiên, rồng bay lên trời, chỉ trời (đội trời). Câu thơ "đội trời, đạp đất, ở đời" của Nguyễn Du về hình thức có điểm tương đồng với quẻ Dịch.
Khi có tiểu đối, câu Lục được viết theo nhịp 3/3. Lúc này thì chữ thứ hai có thể biến luật, bằng có thể đổi thành trắc:
Mai cốt cách / tuyết tinh thần
Làn thu thuỷ / nét xuân sơn Đau đớn thay / phận đàn bà
Quẻ kép 6 hào, gồm hai quẻ đơn 3 hào, như vậy về hình thức cũng tương đồng với câu Lục 3 / 3, như quẻ Địa Sơn Khiêm gồm quẻ Địa và quẻ Sơn, quẻ Thuần Cấn gồm quẻ Cấn (đơn), quẻ Thuần Càn gồm hai quẻ Càn (đơn).
Khi câu Lục ở dạng 3 / 3 câu thơ sẽ tạo thành một cặp tiểu đối, như câu "Làn thu thuỷ, nét xuân sơn" có hai vế đối nhau, từng chữ đối nhau:
Làn / nét, thu / xuân, thuỷ / sơn.
Đối cũng là tố chất đặc biệt của Dịch, trong 8 quẻ đơn, các quẻ đối nhau từng đôi một:
Càn (trời) / Khôn (đất)
Khảm (nước) / Ly (lửa) Tốn (gió) / Chấn (sấm) Cấn (núi) / Đoài (đầm)
Có thể thấy sau đây mấy dạng tương đồng:
Sương -- / ---- Tuyết
In -- / -- pha mặt ---- / -- thân (quẻ Lôi) / (quẻ Sơn)
(Theo Dịch đây là quẻ Lôi Sơn Tiểu quá, quẻ Lôi là lật ngược của quẻ Sơn)
Mai -- / ---- Tuyết
cốt ---- / -- tinh cách ---- / -- thần (quẻ Trạch) / (quẻ Sơn)
(Quẻ Trạch Sơn Hàm, Trạch (đầm) đối với Sơn ( núi), âm đối với dương,bằng đối với trắc).
Điều thú vị là đôi khi ngẫu nhiên mà ý của câu thơ với nghĩa của quẻ lại hô ứng với nhau cách kỳ lạ, nhất là đối với thiên tài Nguyễn Du, sự trùng hợp như thế này không chỉ xuất hiện một lần.
Cách thay đổi tiết tấu, độ bổng trầm, lực âm dương trong câu lục làm cho nhạc tính đồn dập hơn, tha thiết hơn khiến câu thơ giàu thi ảnh, hiệu ứng cảm thụ cao hơn, như câu "Đau đớn thay, phận đàn bà" không những hay về ý mà còn phong phú về âm. Câu này nếu chuyển qua dạng quẻ là quẻ Thuỷ Sơn Kiển, nghĩa của quẻ là gặp nạn, gặp khó khăn, nguy hiểm.
Khi nỗi đau đớn của Kiều lên đến tột đỉnh, Nguyễn Du sử dụng độ bằng trắc tương ứng cấu trúc quẻ Sơn, thể hiện nỗi khổ của Kiều càng ê chề hơn:
Ối Kim lang, hỡi Kim lang (hai quẻ Sơn)
Đã đày vào kiếp phong trần (hai quẻ Sơn) Bắt phong trần, phải phong trần (hai quẻ Sơn) Kiếp hồng nhan, có mong manh (hai quẻ Sơn) ( t b b / t b b ) (---- -- -- / ---- -- -- )
Câu thơ vút lên như tiếng thét rồi đổ xuống theo độ bổng trầm, dương đổ xuống âm, có hình dáng thế núi của quẻ Sơn, như những nỗi khổ chồng chất đè nặng trên kiếp người vừa gợi ý, vừa gợi thanh vừa gợi hình, rất sinh động.
Câu "Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi" là gồm quẻ Hoả và quẻ Sơn tức quẻ Hoả Sơn Lữ, chữ lữ trong chữ lữ khách, chỉ kẻ xa nhà, ý câu và nghĩa quẻ thật phù hợp với nhau.
Lúc Thuý Kiều bị đày ra Quan Âm Các, Nguyễn Du viết:
Có thảo thụ, có sơn hồ,
Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh.
thì câu lục có dạng quẻ Thiên Sơn Độn, Độn nghĩa là đi trốn, đi ở ẩn. Nguyễn Du ít khi dùng một vế có ba thanh trắc, thế mà ở đây nhà thơ lại viết như vậy, có phải là ngẫu nhiên chăng?
Tam Hợp đạo cô nói về kiếp nạn của Thuý Kiều:
Hết nạn ấy, đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần
Thì câu lục được cấu tạo theo dạng quẻ Thiên Phong Cấu. Cấu là gặp.
Lúc Thuý Kiều lọt vào tay Bạc Bà, Nguyễn Du đã viết:
Khéo oan gia, của phá gia
Câu này tương ứng dạng quẻ Sơn Phong Cổ. Cổ có nghĩa là đổ nát.
Lần đầu tiên, Kim Trọng gặp Thuý Kiều, Nguyễn Du hạ bút:
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Kim Trọng hợp hôn với Thuý Vân, tác giả khen:
Người yểu điệu, khách văn chương,
hai câu Lục trên đều có dạng quẻ Trạch Sơn Hàm. Hàm là cảm nhau. Và cả câu Lục:
Càng yêu vì nết, càng say vì tình,
Thêm nến giá, nối hương bình,
cũng là dạng Trạch Sơn Hàm.
Về câu Bát
Câu Bát thường có nhịp 2/2/2/2 hay 4/4.
8 quẻ đơn trên vòng Hậu Thiên Đồ, đọc theo thứ tự tiết điệu chẳng khác gì câu Bát: Càn Khảm / Cấn Chấn / Tốn Ly / Khôn Đoài.
Tám quẻ đơn thường chia làm hai loại: 4 quẻ Dương (Càn, Khảm, Cấn, Chấn) đối với 4 quẻ Âm (Khôn, Ly, Tốn, Đoài), hào âm đối với hào dương. (4/4)
Trên vòng Tiên Thiên Đồ, 8 quẻ đơn cũng được chia thành 2 vế: Càn Đoài Ly Chấn và Tốn Khảm Cấn Khôn. Các quẻ này đối nhau qua tâm:
Càn / Khôn, Đoài / Cấn, Ly / Khảm, Chấn / Tốn.
Câu Bát có khi cũng được ngắt theo nhịp 4/4 và thường đối nhau theo vế:
Khuôn trăng đầy đặn / nét ngài nở nang
Mây thua nước tóc / tuyết nhường màu da Hoa ghen thua thắm / liễu hờn kém xanh
Chúng ta sống trong thế giới của sóng và hạt. Mỗi thanh điệu đều gây chấn động, tác động đến mỹ cảm của con người.
Kinh Dịch thể hiện trí tuệ tuyệt vời của nhân loại, hầu như đã nắm bắt được quy luật vận hành của vũ trụ, trong đó có luật âm dương tương tác.
Nguyễn Du khi sáng tác Truyện Kiều cũng đã đạt đến mức cảm ứng hài hoà với quy luật thanh âm của vũ trụ, đã hoà nhập được với bước sóng của vũ trụ nên có nhiều mối đồng thanh tương ứng với Kinh Dịch, phải chăng nhờ thế mà nhà thơ đã thiết lập được nhiều điểm tương đồng giữa Truyện Kiều và Kinh Dịch, giữa quẻ Dịch và thơ Lục Bát.
Nguyễn Thiếu Dũng
|
Những điểm tương đồng giữa lục bát và quẻ dịch
Dân tộc nào cũng có một thể thơ, một điệu nhạc phù hợp với cách điệu cuộc sống của dân tộc đó. Lục bát là thể thơ hài hoà với nhịp đập của con tim, nếp nghĩ, cách sinh hoạt của người dân Việt Nam. Những truyện thơ vĩ đại nhất của Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên đều được thể hiện bằng hình thức thơ Lục bát. Ca dao tiếng nói mang đầy âm sắc dân tộc cũng được chuyển tải bằng con thuyền Lục bát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét