Nhẫn
...Chữ “Nhẫn” có vị trí quan trọng như thế nào trong giáo lý của Phật giáo? Phải chăng đây là một triết lý, một phương châm xử thế được cô đọng đến mức chỉ còn chữ nhẫn, có nghĩa là nhịn hay tự kiềm chế, tự chế ngự bản thân qua nội tâm và ngoại cảnh. Chúng ta nhẫn không phải vì để được người đời tán thán khen ngợi, không phải vì sợ trước oai lực của kẻ khác, không phải vì không biết nhục nhã thiếu nhân cách. Nếu vì những lý do đó mà ta nhẫn thì cái “Nhẫn” này còn nguy hại hơn sự phẫn nộ giận sân. Bởi nó là tay sai đắc lực của dục vọng tham lam ích kỷ, kiêu mạn, v.v… Chúng ta thực hành hạnh nhẫn, tu tập tâm nhẫn, dưỡng nuôi đức tánh nhẫn là vì một đại nguyện, mục đích cao cả, tình thương lớn lao, một trí tuệ sáng suốt nhằm để tịnh hoá ba nghiệp.
Nhẫn là chiến đấu với chính mình, đấu tranh với những thói hư tật xấu của mình, là cuộc chiến đấu liên tục và thầm lặng. Vì những kẻ thù ở trong ta vô ảnh vô hình, nó thường lẩn tránh một cách tinh ma, nó được ông thần Tự Ái trong ta che chở giúp đỡ. Sự rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân mỗi người chúng ta phải phấn đấu suốt đời, đấu tranh ngay trong những lúc nghỉ ngơi. Trong cuộc chiến này, ta không có ai giúp sức mà cũng chẳng mấy khi được khen thưởng ca khúc khải hoàn. Nhẫn để chiến đấu mình, chẳng những không đối lập mà còn hỗ trợ cho nỗ lực chinh phục những thử thách và gian khổ đến từ bên ngoài. Đó là mối quan hệ mật thiết giữa tu sửa bản thân và cải tạo xã hội, khi mỗi cá nhân đã biết cố gắng xử lý những việc bất thường một cách sáng suốt và khách quan. Nói cách khác, nhẫn là điều kiện tiên quyết để thực hiện pháp tu Giới Định Tuệ, nhằm đoạn trừ các nguyên nhân gây đau khổ và tiến tới giải thoát. Có thể nói tâm nhẫn là chìa khoá vàng đầu tiên dùng để mở rộng lực tâm hay thiền tâm. Trong Kinh Trung Bộ Icó đoạn nói về kham nhẫn đoạn trừ lậu hoặc như sau. “Này các Tỳ-kheo, nếu các vị ấy không kham nhẫn, như vậy các lậu hoặc tàn hại về nhiệt não sẽ khởi lên. Nếu các vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại về nhiệt não không còn nữa. Này các Tỳ-kheo, pháp ấy được gọi là lậu hoặc do kham nhẫn đoạn trừ”.
Chữ “Nhẫn” có ý nghĩa rất tích cực. Nó nói lên ý chí quyết tâm dũng cảm, sức chịu đựng và khắc phục những khó khăn gian khổ vì những mục tiêu cao quý, gắn bó với các mục tiêu ấy trong hoàn cảnh đặc biệt. Người quán triệt chữ nhẫn có thể chấp nhận những tình huống éo le, với cả bên ngoài là chịu nhục, nhưng thực chất đó là sự hy sinh tạm thời lòng tự ái và sĩ diện cá nhân, nhằm tranh thủ điều kiện thuận lợi để thực hiện mục đích cao đẹp mong muốn. Chẳng những các nhà tu hành quan trọng đến chữ nhẫn mà trong cuộc sống bình thường nó cũng có tác dụng to lớn. Trước hết muốn sống đoàn kết vui vẻ có hạnh phúc phải thực hành chữ nhẫn. Từ rất lâu đời ông cha ta đã có câu: “Một sự nhịn, chín sự lành” để nói lên vị trí của nó trong đời sống xã hội và gia đình trong việc giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người.
“Đời chỉ đẹp khi lòng ta cởi mở
Biết khoan dung và khắc phục tâm mình
Trải lòng từ đến khắp cả nhân sinh
Để từ đó vườn hoa tâm hé mở”.
Bất cứ ai không tự biết mình và làm chủ bản thân, xem thường nhẫn, luôn bị dục vọng cá nhân và sân tâm lôi kéo, kiêu căng ngạo mạn, chủ quan thì dù có tài năng và tạm thời giành được thắng lợi bao nhiêu, chắc chắn cũng sẽ gặp thất bại. Để thành công trong bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ, đặc biệt là trong những tình huống khó khăn phức tạp, đều phải thực hành tốt hạnh nhẫn. Bởi vì quyết tâm và năng lực chủ quan thôi chưa đủ, chúng ta còn cần những điều kiện khách quan phù hợp và phải biết kết hợp hài hoà giữa khách quan với chủ quan, phải biết chờ đợi các điều kiện chín mùi và đánh giá chính xác khả năng, mức độ có thể thành công. Lẽ tất nhiên không nên rụt rè đề ra yêu cầu quá thấp, nhưng tuyệt đối không vì nôn nóng say sưa hay do một động cơ cá nhân như hiếu danh, ham lợi, cay cú v.v… mà vượt quá giới hạn. Mọi sự quá trớn đều dẫn đến thất bại.
Theo cách viết của chữ Hán, chúng ta thấy nền của chữ “Nhẫn” là chữ “Tâm”. Phải chăng người xưa đã nhận thức được chữ nhẫn phải dựa trên cơ sở của một tấm lòng và chính nghĩa? Lẽ tất nhiên cũng không phải bất cứ ai có tấm lòng, có chính nghĩa đều có thể dễ dàng nắm vững chữ nhẫn, bởi vì đây là một việc rất khó, đòi hỏi phải có nghị lực cao và sự rèn luyện trong cuộc sống hàng ngày.
Tóm lại, nhẫn nhục là pháp tu vi diệu của chư Phật, Bồ-tát và chư Tổ. Từ xưa đến nay các bậc Hiền Thánh đều tán thán công đức của người tu hạnh nhẫn nhục. Pháp tu tâm nhẫn đưa người hành trì trở về với thể tánh thanh tịnh của chính mình. Người thành tựu trọn vẹn pháp nhẫn một cách thù thắng là người diệt trừ bản ngã, mở ra con đường trong sạch rốt ráo cho ba nghiệp, từ đó mới được thăng hoa trên con đường tu tập, thẳng tiến đến sự giải thoát và an vui tối hậu.
Liên Chi
(Tịnh xá Ngọc Phương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét