Du khách sẵn lòng chi hàng chục triệu đồng nghỉ đêm trong chùa
(Dân trí) - Dù giá thuê rất cao nhưng không ít du khách sẵn lòng bỏ ra hàng chục triệu đồng để trải nghiệm dịch vụ qua đêm tại chùa.
Top 9 những ngôi chùa và đền thờ đẹp nhất Nhật Bản
Nghỉ qua đêm tại các ngôi chùa ở Nhật Bản đang dần trở thành một hoạt động phổ biến của nhóm du khách nước ngoài có mức thu nhập khá giả. Hiện khoảng 300 ngôi chùa tại Nhật đã mở dịch vụ lưu trú qua đêm cho du khách, trong bối cảnh dân số và tín đồ Phật giáo ở quốc gia này đang ngày càng giảm.
Một ngôi chùa cổ tại Nhật Bản
Khi tới thăm chùa, du khách có thể thiền định, dùng thư pháp Nhật Bản để sao chép kinh Phật. Số liệu từ Cơ quan du lịch Nhật Bản cho thấy, khoảng 80% khách tới trọ ở chùa trên núi Koya – một trong những Di sản Văn hóa Thế giới, đến từ các nước phương Tây.
“Khung cảnh rất đẹp với tiếng mưa rơi”, Viral Shah, du khách 31 tuổi người Na Uy đang ngồi thiền tại ngôi chùa trên núi Koya thuộc tỉnh Wakayama, phía tây Nhật Bản, cho biết.
Trong một nỗ lực để khách nước ngoài làm quen và hòa nhập với văn hóa Nhật Bản, tổ chức phi lợi nhuận Nippon Foundation có trụ sở tại Tokyo và một số ngôi đền ở Kyoto đã cùng nhau thành lập dự án "Iroha Nihon", với đối tượng hướng tới là khách du lịch nước ngoài giàu có.
Đây là dự án có mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa Nhật thông qua nhiều hoạt động tín ngưỡng như tụng kinh hay thưởng thức trà đạo.
Nhiều ngôi chùa tại Nhật đã có dịch vụ lưu trú cho khách ở lại qua đêm
Kể từ tháng 9/2016, các ngôi đền chùa tại Shinnyoji, Kaihoji, Eimei-in, Daijiin và Kounji ở Kyoto đã cung cấp chỗ nghỉ qua đêm cho du khách với giá 1410 USD/đêm (gần 33 triệu đồng). Đến nay, 148 nhóm với tổng số 476 khách đã lưu trú tại các ngôi chùa trên.
Từ tháng 5/2018, một Di sản Thế giới khác là chùa Ninnaji – ngôi chùa Phật giáo được Hoàng đế Uda thành lập năm 888 tại Kyoto, cũng mở cửa đón khách lưu trú. Khu vực nghỉ qua đêm bằng gỗ, được cải tạo lại trên sân chùa, với giá khoảng 9400 USD/đêm (217 triệu đồng).
Tại đây, du khách có thể thuê phòng theo phong cách Hoàng gia trong 3 tiếng, thưởng thức nhạc "gagaku” – một loại nhạc triều đình cổ xưa, tụng kinh Phật "shomyo".
Giá thuê mỗi phòng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/đêm
Dù giá thuê rất cao, nhưng tới nay, dịch vụ này vẫn được nhóm khách giàu có ưa chuộng, với tổng số 48 khách đã qua đêm tại chùa.
“Trải nghiệm xa xỉ là ở chỗ bạn có được sự yên tĩnh cho bản thân”, một du khách cho biết. “Tôi rất xúc động khi có thể ở lại một ngôi chùa với niên đại lịch sử trên 1000 năm tuổi”, một du khách khác nói.
Được biết, số tiền thuê phòng sẽ được sử dụng cho việc bảo tồn các ngôi chùa, đền thờ, nơi có khoảng 30.000 tài sản văn hóa và bảo vật quốc gia. “Phải mất khoản chi phí đáng kể để bảo tồn và duy trì chúng. Tiền công đức chưa đủ, bởi vậy, dịch vụ lưu trú tại chùa có mục đích đảm bảo nguồn kinh phí”, một quản lý tại chùa Ninnaji nói.
Ngoài ra, chùa Ninnaji và 5 ngôi đền khác ở Kyoto có kế hoạch phân bổ một phần doanh thu để khôi phục các di sản bị ảnh hưởng vì thiên tai.
“Ban đầu, chúng tôi sẽ thực hiện ở Kyoto và Nara, sau đó mở rộng tới 100 địa điểm trên khắp Nhật Bản”, người đại diện của quỹ Nippon nói về tương lai dự án Iroha Nihon.
“Trong bối cảnh dân số Nhật Bản giảm, số lượng Phật tử cũng sụt giảm, nhiều ngôi chùa có thêm dịch vụ nhà nghỉ, số khác lại muốn tạo cơ hội cho nhiều người tới tham quan. Chúng tôi muốn tăng số chùa trên hệ thống lên con số 100 vào cuối năm nay”, người điều hành của trang web Terahaku giới thiệu những ngôi chùa có dịch vụ lưu trú, cho biết.
Hoàng Hà
Theo Mainichi/ Lonelyplanet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét