Chuyện Người Kỳ Nữ



Ảnh minh họa
Tung rải từ tâm khắp vũ trụ
Mở rộng tình thương không giới hạn
Tầng trên, phía dưới và khoảng giữa
Không vướng mắc, oán thù, ghét bỏ (2)
Bỗng nhiên nàng thấy mình đi từ thế giới này qua thế giới khác, như đi suốt cả vũ trụ. Tâm tư thế nào, thế giới ấy liền hiển lộ, không hề vướng mắc. Mỗi thế giới đều có một thanh âm khác nhau, chỗ nhẹ nhàng, nơi bi lụy, chốn say đm, nơi thâm trầm. Nàng sực nhớ lời người lữ khách "Trong các loại thanh âm, thì im lặng là thanh âm vi diệu nhất". Vừa nhớ tới câu đó, một thế giới thù thắng hiện ra, đầy âm thanh mỹ diệu trầm bổng mà nàng chưa bao giờ được nghe.
Vùng nọ, có một đô thị sầm uất, dân cư đông đúc, khí hậu điều hòa. Thương thuyền lui tới tấp nập bất kể ngày đêm, người đi như hội.
Đô thị ngày càng mở rộng nhưng chỗ đẹp nhất vẫn là khu phố cổ, nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp ẩn mình dưới hàng liễu rũ xanh tươi. Khách xa tới đây đều tấm tắc khen là thiên đường hạ giới.
Trong khu phố cổ có một kỹ viện, xây dựng lên từ đời nào không rõ. Kỹ viện có nhiều nàng kỹ nữ xinh đẹp, múa hát rất hay. Thương nhân đến đây lắm kẻ quên đường về.
Trong các nàng kỹ nữ, có một nàng kiều nữ, mặt đẹp như ngọc. Nàng không múa bao giờ, chỉ ca hát. Đặc biệt nàng tự ôm đàn, vừa đàn vừa ca, không hát cùng ai, không để cho ai đàn hát họa theo. Hàm răng trắng đều, nàng thường nở nụ cười truyệt đẹp. Khách ra về bâng khuâng không biết lưu luyến tiếng hát hay nụ cười. Tông tích người kỹ nữ này không ai rõ, chỉ biết rằng nàng đã vào kỹ viện rất sớm. Cũng không biết ai đã dạy nàng hát, chỉ thấy rằng mỗi lần hát, nàng đưa hồn vào lời ca tiếng hát, khách nghe đôi khi không biết mộng hay thực. Khách yêu tiếng hát thì nhiều nhưng không ai dám hỏi nàng làm vợ. Còn nàng hình như cũng chẳng thiết tha tới ai, sống một mình một bóng.
Ngày qua ngày, người kỹ nữ hát càng điêu luyện, nhưng nàng chỉ còn thích hát một vài bài đắc ý, mỗi lần hát hầu như nàng lạc qua một thế giới khác.
*
Một buổi chiều kia, trời mưa dầm, nàng cảm thấy cô đơn vô hạn. Khách nghe thì nhiều nhưng thế giới hầu như trống rỗng, vắng lặng. Nàng nhìn mưa rơi tự hỏi "trời đất bao la thế này thôi sao, trương phu quân tử chỉ chừng đó thôi sao?"
Nàng bất giác ôm hồ cầm:
Tích tịch tình tang
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ.
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường hề! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu
Rót về Đông phương,
Biển Đông nổi sóng sinh cuồng loạn
Rót về Bắc phương,
ngọn Bắc phong heo hút cát chạy đá giương
Rót về Tây phương,
mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về phương Nam, trời Nam mờ mịt.
Có người quá chén như điên như cuồng. (1)
Hát xong lệ tuôn như mưa, khách nghe ngậm ngùi, không ai nói điều gì.
Bỗng trong đám người nghe, có một người khách lạ đứng dậy nắm lấy cây hồ cầm. Người này có vẻ là một lữ hành, áo quần mang nét phong sương, mặt còn trẻ, dáng điệu đôi chút bối rối. Vừa so dây, người lữ hành vừa nói:
- Mời nàng hát lại bài Hồ Trường, lần này ta xin đàn cho nàng hát.
Người kỹ nữ ngỡ ngàng nhìn lữ khách. Nàng chưa kịp nói gì thì y đã tấu lên vài tiếng nhạc. Đàn hồ cầm vốn quen nhạc réo rắt, nhưng trong tay kẻ lữ hành lại khác hẳn. Âm sắc vang lên ấm như mùa Xuân, tươi như hoa nở, sáng như bình minh.
Tích tịch tình tang
Nào ai tỉnh, nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta hay.
Nam nhi sư nghiệp ư hồ thỉ.
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây. (1)
Cùng tiếng đàn của người khác lạ, nàng cảm giác như có đôi nam nữ sóng vai nhìn bốn phương tám hướng, niềm cô đon tan biết tự bao giờ.
Nàng vừa hát xong, còn vương niềm vui sướng, người lữ khách đã đặt cây hồ cầm lại chỗ cũ, nói:
- Đường vào đạo có tám vạn bồn ngàn ngõ, thanh âm cũng là đạo. Trong các loại thanh âm thì im lặng là thanh âm vi diệu nhất.
Người kỹ nữ nghe câu nói, không kịp suy nghĩ gì thêm. Nàng ngướic nhìn lữ khách, mắt long lanh, muốn hỏi tên tuổi. Y im lặng đầm ấm nhìn lại, khoong nói gì, xoay người đi thẳng.
*
Một sáng kia, còn chưa tỉnh giấc, nàng bỗng nghe tiếng hát:
Như mẹ hiền thương yêu con một
Dám hy sinh bảo vệ cho con
Với muôn loài ân cần không khác
Lòng ái từ như bể, như non (2)
Nàng nhìn qua cửa sổ, thì ra đó là tiếng hát của một bà cụ ăn xin. Cụ bà ngồi bên vệ đường, đầy người qua, kẻ lại. Mặt mày ủ dột, vai mang một cái bị nhỏ bạc màu. Gọng người ăn xin yếu ớt, sắc âm thô kệch, nhưng lời ca nghe rõ từng tiếng. Khách qua đường không mấy ai đề ý, nàng thương xót sai trẻ cho ít nắm cơm.
*
Ngày tháng trôi qua, tuy không nguôi thương nhớ người lữ hành ngày xưa, nàng kỹ nữ cũng không còn mong ngày gặp lại. Còn bà cụ ăn xin ngày nào cũng ngồi xin gần cửa sổ của phòng nàng, chỉ thuộc vỏn vẹn một bài hát, hát lui, hát tới chỉ một bài đó. Nàng kỹ nữ nghe hoài cũng thuộc lòng.
Một buổi sáng kia, nàng thức dậy lúc bình minh chưa rạng hẳn. Đứng ngắm mặt trời vừa lên, nàng bỗng nhớ âm sắc rực sáng của tiếng đàn người lữ khách chiều nọ. Hốt nhiên nàng cất tiếng hát bài ca của bà cụ ăn xin, đưa hồn vào từng ý nhạc. Nàng đứng nghe tiếng mình như nghe tiếng ai khác. Đến đoạn:
Có hình tướng hay không hình tướng
Ở gần ta hoặc ở nơi xa
Đã sinh rồi, hoặc sắp sinh ra
Cầu cho tất cả đều an lạc (2)
Bỗng nhiên nàng như lại vào thế giới của chim chóc đang sống chung quanh. Tiếng chim hót dường như không phải chỉ có nhạc mà còn có lời, bỗng một tiếng chim cất lên:
- Vái chào cô nương! Vái chào cô nương...
*
Nàng ngỡ ngàng nhìn quanh. Bỗng một con chim câu sà xuống bên cạnh, nàng nhìn chằm chặp, hỏi chim:
- Ngươi hiểu tiếng người, hiểu ta nói chăng?
Chim đáp:
- Em hiểu cô nương, hiểu cả ý tứ cô nương nữa. Cô nương hát hay lắm nhưng thanh âm buồn quá.
Nàng kỹ nữ ngạc nhiên cười khanh khách nhưng giọng bỗng chùng xuống:
- Ta buồn làm sao ngươi biết được?
Chim câu thong thả trả lời:
- Cô nương buồn vì gã thiền sư đó, ai lại không biết.
Nàng kỹ nữ ngạc nhiên cực độ. Chim hiểu ý nói tiếp:
- Người gảy đàn cho cô nương mấy năm về trước là một gã thiền sư phiêu bạt, không gia đình, không bè bạn.
Nàng nửa tin, nửa ngờ hỏi:
- Thiền sư sao vào kỹ viện nghe hát?
- Gã thiền sư đó đã tu dưỡng tới trình độ phi thường, nhưng y vướng nghiệp mê tiếng hát của cô nương....
Nghe nói đến người lữ khách, nàng hỏi dồn dập:
- Thế bây giờ y ở đâu, ta còn gặp y được nữa không?
Chim lắc đầu:
- Y đã qua cảnh giới hòa âm thiên, một thế giới xây dựng thuần túy bằng thanh âm. Y không trở lại đời này nữa.
Nghe xong. Nàng kỹ nữ hết sức đau đớn. Nàng ôm đàn nức nở:
Giờ còn mong chi người hát theo đàn
Giờ còn mong chi hợp cánh hoa tàn
Lời đàn năm xưa ta kết đôi lòng
Lời đàn năm nay đôi lứa xa vời (3)
Tiếng đàn giọng hát chưa bao giờ u uất như vậy. Cùng tiếng hát, nàng bỗng chốc đi vào một thế giới mưa gió sầu thảm, xa xa có tiếng suối reo sóng vỗ. Khắp nơi nước xanh trong một màu, không còn tiếng chim chóc nữa.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, nàng lại cất tiếng hát với ước mong gặp lại chim để hỏi chuyện gã thiền sư. Nhưng lần này nàng không rời bỏ được tâm ý loài người. Nàng hát suốt một bài ca ăn xin với hy vọng nghe hiểu được tiếng loài chim nhưng vẫn không được.
*
Ngày tháng trôi qua, nàng kỹ nữ thương nhớ người lữ khách vô hạn nhưng tâm tư nhẹ nhàng thảnh thơi. Một ngày kia, nàng ngạc nhiên thấy mình rũ bỏ tâm bi lụy tự bao giờ. Tiếng hát nàng vút cao:
....Nhưng thôi, tiếc mà chi,
Chim rồi bay, anh rồi đi
Đường trần quên lối cũ
Người đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng
Gửi gió cho mây ngàn bay..... (4)
Một đêm nọ, trăng sao vằng vặc, nàng ngắm ánh trăng trong mát, soi sáng muôn vật, không sở cầu, không phân biệt. Lòng không gợn chút cầu mong, hồn nhiên như ánh trăng, nàng bỗng hát bài ca người ăn xin. Đến đoạn:
Tung rải từ tâm khắp vũ trụ
Mở rộng tình thương không giới hạn
Tầng trên, phía dưới và khoảng giữa
Không vướng mắc, oán thù, ghét bỏ (2)
Bỗng nhiên nàng thấy mình đi từ thế giới này qua thế giới khác, như đi suốt cả vũ trụ. Tâm tư thế nào, thế giới ấy liền hiển lộ, không hề vướng mắc. Mỗi thế giới đều có một thanh âm khác nhau, chỗ nhẹ nhàng, nơi bi lụy, chốn say đm, nơi thâm trầm. Nàng sực nhớ lời người lữ khách "Trong các loại thanh âm, thì im lặng là thanh âm vi diệu nhất". Vừa nhớ tới câu đó, một thế giới thù thắng hiện ra, đầy âm thanh mỹ diệu trầm bổng mà nàng chưa bao giờ được nghe.
Nàng đang bỡ ngỡ thì kẻ lữ khách năm xưa hiện ra, ánh mắt đầm ấm không hề thay đổi. Nàng bồi hồi cầm tay người lữ khách, mắt long lanh. Y cầm sẵn trong tay một cây đàn, vừa tấu lên vài tiếng nhạc, nàng cảm thấy sung sướng không thể nào tả xiết.
Từ đó trong thế giới hòa âm đầy thiên nhạc có tiếng tịch tình tang của một cây hồ cầm.
*
Một ngày kia, nàng kỹ nữ muốn trở về thăm quê cũ. Lấy nhân trạng của một bà già, nàng quay lại phố xưa. Đô thị nọ ngày càng phát triển nhưng khu phố cổ với những ngõ ngách dưới rặng liểu xanh vẫn không thay đổi. Kỹ viện xưa vẫn còn, kẻ ra người vào không ngớt. Nàng đi lần đến cửa sổ phòng ngày xưa của mình, cảnh vật không hề đổi thay, kẻ ăn xin ngày nay nhiều hơn trước. Tại chỗ bà cụ ngồi ngày xưa, ai đã xây một cái miếu thờ, đề chữ "Hành Khất Miếu". Nàng ngạc nhiên hỏi chuyện thì có cụ già giải thích:
- Mấy mươi năm trước, có một bà cụ ăn xin ngồi đây từ năm này qua năm khác. Bỗng một buổi tối sáng trăng, cụ đứng dậy bỏ đi. Có người hỏi đi đâu, cụ nói: "Chuyện cần làm đã làm xong, ta không trở lại đời này nữa". Nói xong biến mất. Có lẽ đó là một bà tiên giáng phàm thử lòng người trần. Từ đó dân chúng ở đay xây miếu thờ, hương khói không khi nào dứt.
Nàng kỹ nữ rùng mình, tới trước miếu thờ vái lạy. Trên bệ miếu, nàng thấy lại túi vải bạc màu của bà cụ ngày xưa. Mở túi vải ra chỉ có một cuốn sách nhỏ nhàu nát ghi mấy hàng chữ, đọc kỹ chính là bài ca ngày đó. Gấp cuốn sách lại, bìa đề ba chữ "Kinh Từ Bi" (2)
Người kỹ nữ nao nao trong dạ. Thì ra bài này là một bài kinh, tên gọi là "Kinh Từ Bi" . Bất giác nàng ngồi xuống vệ đường, thương nhớ và biết ơn cụ già vô hạn, ca lại bài ca.
Trẻ con thấy một người ra vẻ ăn xin ca bài ca lạ tai, vỗ tay reo cười.
Trong kỹ viện, có ai đó vừa ngưng đàn.
(1) Trích Hồ Trường. Một sáng tác của Nguyễn Bá Trạc (đầu thế kỷ 20)
(2) Kinh Từ Bi (Metta-Sutta). Kinh ngắn gồm 10 đoạn, mỗi đoạn 4 câu
(3) Trích Cung Đàn Xưa, nhạc của Văn Cao
(4) Trích Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, nhạc của Đoàn Chuẩn, Từ Linh
Trích trong tuyển tập truyện ngắn "Đêm qua sân trước một cành mai" của Nguyễn Tường Bách.
Nguồn: vnthuquan.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét