"Truyện Kiều" của Nguyễn Du qua trang thơ "Vương Trọng"





MÔ -TIP THÚY VÂN

Người đầy đặn, má bầu bầu bánh đúc
Không thích đàn, chả để ý gì thơ
Đặt mình xuống chẳng biết chi trời đất
Ngáy thường nhiều hơn những giấc mơ.

Nhà có việc, coi như người ngoài cuộc
Vẫn ăn no, ngủ kỹ như không
Cần chi hẹn hò, cần chi thề thốt
Chẳng yêu đương cũng lấy được chồng...

Ta lạc lõng giữa cuộc đời trần tục
Thi ca ơi, ngươi phù phiếm vô ngần
Quanh ngày tháng phố phường ta gặp
Vắng Thúy Kiều và chen chúc Thúy Vân!


THƠ VUI
TẶNG CÁC BÀ VỢ HAY GHEN


Ghen tuông mới mẻ gì đâu
Trước em, thiên hạ từ lâu ghen nhiều:
Tuần Ti, Đào Huế trong chèo
Hoạn Thư khuynh đảo Truyện Kiều một phen
Tranh Hồ, giấy mỏng mực đen
Nhọn dài mũi kéo đánh ghen quanh chồng...

Thương nhau ấp lạnh, quạt nồng
Học đòi sư tử Hà Đông làm gì?
Em từng đổi mới tư duy
Ghen tuông quá cũ vất đi mới là
Chồng mình tài giỏi, hào hoa
Mới em kia thích, mới bà nọ mê
Hay gì kẻ ghét, người chê
Thích chi thui thủi đi về một thân.

Mùa xuân, ừ nhỉ mùa xuân
Thiên nhiên cây lá muôn phần tốt tươi
Ước đi chỉ thấy nụ cười
Về nhà luôn được gặp người...không ghen.



ĐẠM TIÊN


Cỏ thanh minh tươi non tận chân trời
Chỉ nơi này héo úa
Một vùng ngổn ngang lớn cao phần mộ
Chỉ nơi đây nấm đất sè sè
Khói hương ấm áp bốn bề
Chỉ nơi này lạnh lẽo...

Đạm Tiên
Quá nhiều người đón đưa thời xuân sắc
Kiếp ca nhi một đời nàng hát
Ngàn bài ca chiều khách
Dành cho mình tiếng nấc
Chết một mình một góc
Nỗi cô đơn vùi xuống đáy mồ
Vùi nông một nấm đơn sơ.

Người đời vô tâm, người đời nhởn nhơ
Đạm Tiên mãi là mồ vô chủ
May còn có một Thuý Kiều
biết đau trước nấm đất dàu dàu ngọn cỏ
Nước mắt rơi khóc thân phạn đàn bà
Và Đạm Tiên hiện ra
Nhập vào đời Kiều, nhập vào đời ta
Xui thương cảm những kiếp ngưởi xấu số.

Còn thanh minh, còn khói hương tảo mộ
Xin lòng người một khoảnh khắc Đạm Tiên.



TẢN MẠN VỀ THƠ



- "Là rượu, không phải cơm" - ai nói đó về thơ
Muốn là rượu cũng phải có gạo, ngô và men cây, men lá
Chẳng có rượu cất lên từ nước lã
Chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ.

- "Ta đứng trên vai những vĩ nhân đi trước"
Đó là lời của các nhà khoa học
Với nhà thơ, không ai công kênh ai
Những đỉnh cao trong quá khứ mãi còn sừng sững phía tương lai.

Dòng suối sâu, nước càng trong càng thấy rõ độ sâu
Dòng suối cạn muốn doạ người rằng sâu chỉ có cách khuấy ngầu lên nước đục
Nông sâu là ý, tứ
Trong đục ấy ngôn từ.

Nếu Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ sinh ra ở thời này
Tác giả Truyện Kiều vẫn nghèo như thuở ấy
Những khách sạn năm sao dọc hành trình ta nhìn thấy
Phần nhiều của Uy Viễn Tướng Công!


NGUYỄN DU

Tóc bạc cám thương người phận mỏng
Lưng gầy trĩu nặng nỗi bể dâu
Ngực yếu, trái tim thì quá nặng
Nhờ thơ san sẻ bớt niềm đau. 



B
ÊN MỘ CỤ NGUYỄN DU

Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên

Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề


Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng im bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm


Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu
Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân


Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa...



PHÁC THẢO TIÊN ĐIỀN

Sỏi núi Hồng, cát sông Lam
Trộn nhau làm đất
Nơi nhiều sỏi thì dựng nhà làm làng, trồng thuốc, trồng rau rào quanh tre trúc
Tre trúc biết giúp người nuôi cây và ươm chữ
Chưa đến tuổi dùng bút lông, mực tàu, trẻ con đã biết vót tre xanh làm bút, mài sỏi đỏ làm son tập viết chữ Thánh hiền
Bài học đầu tiên ông bà, cha mẹ truyền dạy cháu con bắt đầu từ chữ Lễ.
Nơi lắm cát san ra làm ruộng, ruộng khó nuôi cây lúa thì trồng dưa, trồng lạc, trồng kê
Hạt kê nhỏ đã đành, củ lạc, quả dưa nơi này sinh ra trong sỏi cát, gánh nắng hạn, gió lào bỏng rát mà thắt lại cỏn con
Người thương cây không bao giờ chê quả
Như không ai chê cây tre Tiên Điền là nhỏ
Bởi ống tre ấy bao đời biết đựng lạc, đựng kê, đựng đỗ
Nuôi người qua kỳ giáp hạt tháng tám, tháng ba
Không chỉ sống để cày ruộng, chằm nón mà làm phú, làm thơ
Thơ phú đùa với cái nghèo, nghĩa là cái nghèo bao đời chẳng thể làm vật cản ngăn người Tiên Điền đến với Kinh đô.
Chẳng ai chê cây tre Tiên Điền ngắn
Bởi hiểu rằng thân tre ấy dư sức đẽo thành đòn gánh
Cho vợ gánh gạo nuôi chồng dằng dặc những mùa thi
Thân tre ấy dư sức
Làm đòn khênh võng điều những Quan trạng vinh quy.
Qua Tiên Điền, sông Lam khi thì thành sông Quế
Chở hương về miệt bể
Khi thì thành Đuôi Rồng(*) quẫy sóng đón người xuôi bến Giang Đình nhập hội Rồng mây.
Qua Tiên Điền
Mọi lời nói thường ngày ngỡ ngân nga thành lục bát
Khi trên mặt đồng đám kê, vạt lạc
Như những trang Kiều mở giữa mùa xuân.
Qua Tiên Điền
Ngay những người phàm tục
Cũng nhận ra mình có máu thi nhân.



(*): Thời Nguyễn Du, đoạn sông Lam từ Bến Thuỷ đến Cửa Hội còn có tên là Quế Giang hoặc Long Vĩ.



***=============***==============***


Lang thang bắt được những câu thơ
Hồn nhiên, quặn thắt
Có thể ngâm nga, có thể khóc
Mắt kính đầm đìa, chẳng cần lau.
...

Là tác giả hay là nhân vật
Là nhà thơ hay chính là Thơ?








Nhà thơ Vương Trọng tên thật là Vương Đình Trọng, sinh năm 1943 tại Đô Lương, Nghệ An. 

Các tác phẩm:
- Thơ người ra trận (1972)
- Khoảng trời quê hương (1979)
- Những ngày xa (1986)
- Về thôi nàng Vọng phu (1991)
- Đảo chìm (1994)
- Hồn quê (1994)
- Mèo đi câu (1996)
- Cánh chim Phay Khắt (1983
- Voi và hổ (1982)
- Người săn mèo rừng (1990)
- Chàng mắt nai (1990)

Giải thưởng văn chương:
- Giải thưởng văn chương Bộ Quốc phòng (1990) với tập thơ Những ngày xa
- Giải thưởng văn chương Bộ Quốc phòng (1994) với tập Đảo chìm

http://vuongtrong.vnweblogs.com/