Đối với người Do Thái, ngoài việc giáo dục con cái phải chăm chỉ học tập, bồi dưỡng kiến thức, trau dồi trí tuệ và rèn luyện thân thể để có sức khỏe mà còn rất coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống. Họ luôn khuyến khích con cái tu dưỡng tính cách, cố gắng phấn đấu trở thành một con người có năng lực, có trình độ chuyên môn giỏi. Đặc biệt người Do Thái thường giáo dục cho con đức tính trung thực.
Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có ghi mẩu chuyện với nội dung như sau: Hôm đó, các sinh viên năm thứ ba đại học Y khoa bắt đầu đi thực tập lâm sàng, khám bệnh. Mọi người háo hức lắm, trong cặp ai cũng mang theo sách tham khảo và dụng cụ khám bệnh. Tuy nhiên, vị giáo sư người Do Thái yêu cầu tất cả các sinh viên phải để ống nghe ở nhà, không được mang theo trong người. Giáo sư dẫn sinh viên đến cạnh giường một bệnh nhân tại bệnh viện. Ông nhìn khắp lượt các sinh viên rồi nói:
- Tôi đã động viên kỹ anh thanh niên bị mắc bệnh này rồi, để anh ta sẵn sàng nhận cho nhiều sinh viên đến khám trong buổi sáng nay. Anh ta mắc bệnh tim mạch đã lâu ngày và đã điều trị tại bệnh viện này được một tuần lễ. Tuy bệnh tình của anh ta có thuyên giảm, nhưng hiện tại nhịp tim không đều, cứ một nhịp đập nghe rõ rồi lại có hai nhịp đập tiếp theo rất yếu. Bây giờ tất cả các anh chị thực tập nghe tim anh ta bằng ống nghe của tôi.
Nói xong, vị giáo sư liền giao ống nghe của mình cho một sinh viên đứng gần đó để họ thay nhau vào nghe tim bệnh nhân. Sau khi nghe xong, người nào cũng tỏ ra phấn khởi, thanh thản, thoải mái. Họ rất cảm kích vì giáo sư đã bố trí một buổi thực tập lý thú, lại được hướng dẫn tận tình bên giường người bệnh. Đồng thời, bệnh nhân cũng tỏ ra vui vẻ tiếp nhận năng lực thực tập của đám đông sinh viên.
Kết thúc buổi thực tập, vị giáo sư tập hợp tất cả sinh viên về tại phòng giao ban bệnh viện. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, ông mới hỏi:
- Thế nào? Các anh, chị đều nghe rõ nhịp tim đập của người bệnh chứ?
Tất cả các sinh viên nhao nhao đồng thanh trả lời rằng:
- Thưa giáo sư rõ lắm ạ, đúng là anh ta bị loạn nhịp tim ạ.
Nghe xong câu trả lời của các sinh viên đã lâu, nhưng vị giáo sư vẫn im lặng không nói gì. Mãi một lúc lâu sau, ông mới đưa tay vào túi áo và lấy ra một cái nhíp nhỏ. Sau đó, ông dùng cái nhíp nhỏ ấy để rút hai núm bông đã được nhét sâu trong hai tai của ống nghe. Thì ra ông đã cố ý làm cho ống nghe bị mất hiệu lực. Làm sao có thể dùng ống nghe này mà nghe được nhịp tim của người bệnh một cách chính xác?
Sau đó, vị giáo sư nhìn đám sinh viên đang đỏ mặt vì thẹn và ông nói:
- Từ nay về sau tôi mong các bạn trẻ đừng bao giờ làm như thế nữa. Mọi người cần phải thực thà. Nếu điều gì chưa rõ thì phải hỏi cho rõ, cái gì không biết thì đừng có giả vờ làm như đã biết. Các anh chị có thể nói dối người khác chứ làm sao nói dối được lòng mình.
Sưu tầm