Phỏng vấn BS Đỗ Hồng Ngọc: Con đường “tìm thuốc"

-Với Ngàn cánh sen xanh biếc (NXB Tổng Hợp Tp.HCM) sắp ra mắt độc giả, anh muốn chia sẻ điều gì trong con đường “tìm thuốc” cứu mình, cứu người? Ngàn cánh sen xanh biếc là những cảm, những nghĩ, những “thấp thoáng” mà tôi đã học được từ trong kinh Diệu pháp Liên hoa (Pháp Hoa). Hơn 15 năm nay, tôi nghiền ngẫm và thực hành những lời Phật dạy, mong tìm trong đó phương cách chữa cái đau, cái khổ cho mình và cho người với cái nhìn khoa học, y học, hoàn toàn không mê tín dị đoan. Năm 2003, tôi viết Nghĩ từ trái tim từ Tâm kinh Bát Nhã; rồi năm 2008, viết Gươm báu trao tay từ kinh Kim Cang và nay, 2013, viết Ngàn cánh sen xanh biếc từ Pháp Hoa… Hình như cứ mỗi 5 năm thì tôi nghiền ngẫm được “một chuyện”! Tôi đã tìm thấy ở đó những minh triết và đặc biệt, tấm lòng người xưa. Khi nghiền ngẫm Pháp Hoa, tôi giật mình thấy ông bà mình từ xa xưa cũng đã “đúc kết” được Pháp Hoa (đã được Phật dạy từ hai ngàn năm trăm năm trước dưới chân núi Linh Thứu) bằng một bài ca dao tuyệt vời: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.Ở thời “mạt pháp” mà biết sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” chẳng phải tuyệt vời sao, chẳng phải hạnh phúc sao, vì đã rời xa mọi thứ tham sân si… Lòng tham con người không đáy, dẫn tới bao khổ đau cho mình và đồng loại. Lòng tham khởi lên chỉ vì thấy lấp lánh “lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng” tưởng bở, mà thực ra, rốt cuộc, cũng chỉ là “nhị vàng bông trắng lá xanh” đó thôi! Đó chính là điều Tâm Kinh đã nói: “bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”…Các vị Bồ tát trong Pháp Hoa tượng trưng cho những “hạnh” của một lối sống hạnh phúc: Chân thành. Tôn trọng, Thấu cảm, Từ bi hỷ xả…Tâm tịnh thì thế giới tịnh!

- Khám phá đạo Phật phải chăng cũng là một cách học của người bác sĩ, để chữa lành thân, tâm?
Người bác sĩ được học để chữa cái “đau” mà không chữa được cái “khổ”, chữa được cái “bệnh” mà không chữa được cái “hoạn”. Mà đau khổ và bệnh hoạn là những cặp “phạm trù” luôn quấn quít chằng chịt lấy nhau. Không phải vô cớ mà Phật được gọi là Y vương, vì Phật mới chữa được nỗi khổ của chúng sanh! Ta thấy khoa học y học ngày càng phát triển mà bệnh tật vẫn triền miên, ngày càng có vẻ trầm trọng hơn, nguy hiểm hơn. Sức khỏe không phải chỉ là không có bệnh, tật. Sức khỏe là sự sảng khoái (well-being) về cả ba mặt: thể chất, tâm thần và xã hội. Cho nên môi trường sống – môi trường thiên nhiên và cả môi trường xã hội – cũng như lối sống cá nhân quyết định tình trạng sức khỏe của họ. Một người có “tật” như Nick Vujicic đã cho thấy anh là một người có sức khỏe tốt. Trong khi đó, nhiều ca sĩ, tài tử xinh đẹp giàu có ở xứ Hàn xứ Nhật, một hôm tự tử chết vì những bức xúc khổ đau trong đời sống, vì những vấn đề tâm thần và xã hội không tìm ra lối thoát. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy có đến 90% các trường hợp đến khám bác sĩ vì bệnh này bệnh khác thực ra đằng sau đó là stress, sự căng thẳng trong lối sống, sự mất cân bằng trong đời sống. Mà bác sĩ chỉ thấy cái bệnh trước mắt, chữa cái bệnh trước mắt, không chữa được nỗi khổ sau lưng vì thế mà không thể chữa dứt hẳn “bệnh” được!
- Viết cho trẻ sơ sinh, viết cho tuổi mực tím, viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, viết cho doanh nhân, viết cho tuổi chớm già…Điều gì đã giúp anh thấu hiểu về người khác, về nỗi mất, để tạo nên năng lượng hóa giải sự khổ?
Khi viết cho tuổi mới lớn, thì tôi… ở tuổi mới lớn, sống cùng tuổi đó, sống với tuổi đó, nghĩ như họ, nói như họ. Tôi viết như mình đang được trực tiếp trò chuyện với họ, như họ đang ngồi trước mặt tôi. Khi viết cho tuổi chớm già… thì tôi đang ở tuổi chớm già… Tóm lại, phải “thấu cảm” (empathy) nghĩa là phải “sống với”, cho thấu suốt nguồn cơn…
- Ngay từ bài thơ lúc còn là sinh viên y “Thư cho bé sơ sinh”, rồi đến các tác phẩm Nghĩ từ trái tim, Gươm báu trao tay, Thiền và Sức khỏe …Thiền phải chăng là con đường để giải thoát khỏi nỗi cô đơn, sự sợ hãi, mất mát của chính mình?
Không, thiền giúp cho mình “dừng lại”, chớ không phải trốn chạy. Thiền chính là sống trong nỗi cô đơn tuyệt đối của mình, đến mức không thấy có mình, không còn có mình… Kinh Kim Cang bảo ở đó không còn có “ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng…”. Thiền là sống với “thực tướng vô tướng”, với “chân không diệu hữu”. Ngàn cánh sen xanh biếc đã bàn kỹ về vấn đề này vậy!
- Theo anh, những “tâm bệnh” trầm kha nào mà con người hiện đại đang bị dính mắc nhiều nhất? Làm thế nào để có thể tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống vốn quá đỗi bấp bênh?
Phải nhìn thẳng vào cuộc sống vốn “quá đỗi bấp bênh” đó đi đã, để thấy “bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi…” (Trịnh Công Sơn)… Nói khác đi, phải thấy “vô thường”. Thấy và hiểu nó, thương nó. Hiểu nó, thương nó, thì không cần phải làm cho nó khổ đau thêm. “Đời tôi ngốc dại tự làm khô héo tôi đây” (TCS). Con người sở dĩ khổ đau chính vì lòng “tham” không đáy của mình. Con người hiện đại lại càng tham lam hơn bao giờ hết. Có người đã bán đất trên mặt trăng, có người định làm bất động sản ở hành tinh khác. Khi lòng tham không đạt được thì nổi giận, hung hăng, đấm đá, thì đó chính là “sân”. Sân thì lọt ngay vào địa ngục! Vì sân thì đỏ mặt tía tai, lửa giận bừng bừng đốt cháy tâm can đó thôi. Mà nguồn gốc sâu xa cũng chỉ vì “si”, vì tưởng rằng… trời đất này là của ta, biển hồ này là của ta, nhân loại này là của ta, tưởng rằng ta trường sinh bất tử, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị…
- Những đoản thơ của anh dường như cũng phảng phất màu thiền?
Ôi, đâu có cần phân biệt màu thiền với màu không thiền! Vu Lan năm kia, nhớ mẹ mình mới mất, tôi viết: “Con cài bông hoa trắng/ Dành cho Mẹ đóa hồng/ Mẹ nhớ gài lên ngực/ Ngoại chờ bên kia sông”. Tôi nghĩ đó không phải là thơ thiền, thậm chí cũng chẳng phải là thơ nữa mà chỉ là một thứ “tiếng lòng”!
- Để viết cho mọi người đều hiểu, đều cảm, đều yêu mến, hẳn anh phải có nhiều kinh nghiệm trau dồi bút lực của mình?
Có trau dồi gì đâu! Có bút lực gì đâu! Toàn tùy hứng cả! Nhiều khi chẳng viết được chút gì, nhiều khi viết ào ào rồi để đó, chờ năm bảy ngày cho nó “hoai” đi, rồi đọc lại bằng một con mắt khác. Thấy được thì được. Trước đây có người hỏi tôi làm cách nào mà viết “lấy lòng” người, được nhiều lứa tuổi ưa thích, tôi nói tôi chỉ có mỗi một cách là “lấy lòng” mình để chia sẻ cùng nhau thôi. Chuyện viết lách với tôi là cái tình. “Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu…” (Chu Mạnh Trinh) vậy thôi!
- Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ cũng tìm đến với Yoga, Thiền, ăn chay… nhưng cũng rất bối rối, hoang mang, vì không biết mình có đi đúng đường, tìm đúng thầy… Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của riêng mình?
Tôi không có thầy và rất sợ… thầy – trừ bậc Y vương. Bởi thầy thường buộc mình phải theo “trường phái” này nọ của thầy mà quên rằng mỗi người có tâm sinh lý, bệnh lý… riêng của họ. Tôi thường nhắc các bạn trẻ phải thận trọng khi chọn thầy, học thầy. Nếu thấy thầy có “biểu hiện” gì có vẻ mê tín dị đoan, bày vẻ nọ kia, hoặc buộc ta nhất nhất phải làm y theo thầy thì phải cảnh giác! Bởi đã có những trường hợp ráng uốn dẻo theo thầy mà gẫy đốt sống! Nhiều thầy còn rất trẻ, cơ thể dẻo dai, tập luyện thuần thục nhiều năm, còn ta thì… hết trẻ, lại mới học, mà ráng thở theo thầy, ráng uốn theo thầy thì nguy! Cho nên Phật dạy: Hãy quay về nương tựa chính mình! Hiện nay có nhiều người ăn chay… trường nhưng với thức ăn quá béo bổ, đưa dến tình trạng béo phì, tim mạch, tiểu đường…Thậm chí nhiều người ăn chay nhưng tâm hồn thì “mặn”, như cách gọi tên các món ăn. Có lần tôi được mời ăn chay với món… “heo giả cầy”!
- Phẩm chất nào theo anh là quý giá nhất, để có thể tìm đến sự an tịnh trong tâm, hồi phục những bản năng tự nhiên đẹp đẽ của con người?
Khi “chẩn đoán” ra cái bệnh khổ của kiếp người là “tham, sân, si” thì bậc Y vương cũng đề ra cách chữa với các thuốc đặc trị là “giới, định, huệ”.Giới để chữa tham, Định để chữa sân và Huệ để chữa si. Tùy bệnh trạng mà phối hợp cả ba hoặc gia giảm nhiều ít. Đây là một tam giác cân, tác động hai chiều, có hiệu quả rõ rệt. Khi người ta bớt đi lòng tham, dứt lòng tham thì sân cũng tắt ngấm, và “huệ” sẽ phát triển, sẽ có được sự “an tịnh trong tâm, hồi phục những bản năng tự nhiên đẹp đẽ của con người” như vốn có, nói cách khác là trở lại với “bản tâm thanh tịnh” vậy./.


Phỏng vấn BS Đỗ Hồng Ngọc
Thế giới Tiếp thị số 02 ngày 10-16.3.2014