Carol Lee, người phụ nữ hiếu thảo

Carol Lee và mẹ
Liệu một người con gái có thể phải hy sinh sự nghiệp bản thân để săn sóc cha mẹ đã tới tuổi già dù ngày nhỏ cô bị cha mẹ, vì chỉ lo hạnh phúc vợ chồng, không quan tâm tới cô?
Khi cha mẹ của Carol Lee bệnh hoạn, cô đã phải đối phó với một cuộc xung đột nội tâm, tiếp tục sự nghiệp hoặc quay về săn sóc cha mẹ, trong khi bản thân vẫn còn bất bình với họ vì trong tuổi ấu thơ Carol đã bị gửi về sống với ông bà nội để song thân được sống và làm việc tự do thoải mái ở Phi châu!


Sau đây là đoạn trích từ hồi ký Out of Winter của Carol Lee (xuất bản đầu năm 2014) nêu gương hiếu thảo của một phụ nữ trong thế kỷ 21 ở Anh:
“Ba tôi hạ thấp giọng, đôi mắt bồn chồn lo lắng nhìn ra hành lang xem có ai nghe lén chúng tôi đang trò chuyện hay không: “Con hãy gọi cảnh sát tới và mang ba đi. Họ muốn giết ba!”
Ba tôi trông yếu ớt trong chiếc áo khoác kẻ sọc màu nâu quen thuộc, nhưng giọng ông vẫn còn chút dư âm của quyền uy của ngày còn là huấn luyện viên trong Không lực Hoàng gia (RAF) và trước đó trong Thế chiến II với phi đội Bomber Command Lancasters khét tiếng từng oanh tạc vào nước Đức. Ông bảo tôi: “Ba nói thực đấy, không còn thì giờ chần chừ đâu con ạ!”
Khi ấy tôi đang ở với cha mẹ ở South Wales sau khi điện thoại cho mẹ tôi từ nơi tôi ở là North London và biết ba tôi bệnh nên tôi về ngay. Tôi hỏi vội: “Ba bệnh ra sao hở mẹ?”
Mẹ tôi ngập ngừng bảo tôi: “Mẹ không rõ, chắc là chứng sưng màng phổi (pleurisy)!”
Tôi lo cuống lên và trấn an mẹ: “Con về ngay!” và bắt đầu chuẩn bị hành trang.
Và lúc đó tôi đối diện với một chọn lựa nan giải mà nhiều nữ giới độc thân như tôi khi biết cha mẹ già yếu: liệu có thể từ bỏ cuốc sống phồn hoa, bận rộn, bỏ nghề nghiệp và sự độc lập của bản thân để quay về nơi thôn quê săn sóc cha mẹ già yếu hay không? Nếu không, sẽ bị tiếng đời mai mỉa vì không làm tròn bổn phận làm con!
Với ba mẹ tôi, vấn đề càng phức tạp và khó khăn hơn nữa. Tôi không thể nói tôi không yêu thương họ, nhưng tôi vẫn trách họ về những năm tháng hồi tôi còn nhỏ phải sống trong cảnh thê lương và cô đơn. Cha tôi là một kỹ sư và thường cùng mẹ tôi phải di chuyển nhiều nơi trên thế giới, và trong những năm tôi mới tới tuổi cắp sách tới trường thì họ quyết định không mang tôi theo nữa.
Như thế họ đã bỏ rơi tôi, nhưng nay nếu tôi không quay về săn sóc họ thì tôi có mang tội hay không? Và tôi phải săn sóc họ bao nhiêu mới tròn bổn phận?
Cuối hành trình 200 dặm đường tới bệnh viện Llanelli, tôi gặp ba tôi, Vic, ở tuổi 85, mắc một chứng sưng phổi chưa rõ nguyên nhân hơn một tuần, bệnh tới mức kiệt quệ vì thiếu nước và thận gần như không hoạt động được nữa.
Lần trước gặp ba, người còn khỏe mạnh. Nhưng giờ đây, người gần như mất trí. Việc tôi phải làm lúc đó là ngọt ngào với ông và dụ ông trở về phòng bệnh mà y tá cho tôi biết ông từ chối mọi trị liệu, ăn uống kể từ lúc nhập viện. Tôi biết vì không chịu ăn uống nên cơ thể ông mất nước và khiến ông rơi vào tình trạng mê sảng, nếu dụ ông uống được chút nước thì chứng trạng sẽ giảm đi. Tôi bèn ngon ngọt dỗ dành ông và ông chẳng khác một đứa bé, bắt đầu uống nước.
Nhưng điều tôi không yên tâm là chẳng những ba tôi suy sụp mà cả mẹ tôi nữa. Mẹ tôi là Joan, 81 tuổi, đêm trước khi về đây tôi đã điện thoại cho mẹ để hỏi thăm và muốn nói chuyện với ba thì mẹ tôi chỉ nói “không thể được” mà không nói rõ chi tiết gì hơn ngoài “ông đang ở đây” thôi.
Giờ đây tôi mới biết đã biết bao rắc rối xảy đến với song thân tôi kể từ lần cuối tôi về viếng thăm họ cách đây sáu hay bảy tuần. Tôi nhận thấy họ yếu ớt hơn, gầy guộc hơn, nhưng tôi không ngờ họ lâm vào tình trạng tồi tệ như hiện nay. Cha tôi đau nặng, và mẹ tôi, vốn là mẫu người vui tươi nhanh nhẹn, nay cứ ngơ ngẩn như người mất hồn. Tôi không ngờ trí nhớ của bà suy thoái nhanh như vậy.
Thế là cái ngày tháng bảy năm 2006 đã thay đổi đời tôi. Xưa nay tôi vẫn coi song thân tôi là tấm gương nghị lực và tuyệt đối độc lập. Như nhiều người trong thế hệ của họ, họ nghĩ rằng chẳng có gì có thể làm tổn hại họ.
Họ đã từng có những chuỗi ngày đầy đủ và lý thú ở Phi châu, Ai Cập và Trung Đông, những nơi mà ba tôi đến làm việc. Họ đã hồi hưu sớm cách đây 20 năm và quay về sống trong một làng mỏ cũ ở Trimsaran vùng Carmarthensire, quê quán của mẹ tôi và cũng là nơi mẹ tôi có nhiều thân thích còn sống quanh đó. Trước đây cứ vài tháng tôi lại về thăm họ một lần. Và tôi không mấy bận tâm nhiều về họ vì cuộc sống của tôi ở London cũng rất bận rộn. Tôi không lập gia đình, không con cái, nghề nghiệp của tôi là cầm bút và giảng dạy ở Alexander, một y viện; và sở thích của tôi là chơi tennis, khiêu vũ và gặp gỡ bạn bè. Tôi cũng là giảng sư thỉnh giảng của phân khoa báo chí Đại học London và của Quỹ nghiên cứu Royal Literary Fund tại Đại học Westminster. Gánh nặng giờ đây tôi biết xử sao đây, nào là nghề nghiệp nào là săn sóc cha mẹ!
Ngày quay lại Wales, tôi bắt đầu đi chợ, nấu ăn và dọn dẹp. Tủ thức ăn của mẹ tôi toàn là những thứ đã quá hạn, rau trái hư thối và tủ lạnh thì trống trơn.
Ngày hôm sau tới thăm ba tôi ở bệnh viện, tôi thấy người nằm ngay đơ, miệng méo xệch, tay giá lạnh. Tôi gào lên: “Ba, Ba ơi!” Và thấy mắt ba tôi trợn ngược lên.
Nước mắt tràn mi tôi gọi ngay bác sĩ. Tôi gào to: “Mau lên, mau lên. Ba tôi sắp chết”. May mà bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân là kim truyền nước biển đã bị lơi ra, và dần dần cứu tỉnh ba tôi. Nhưng buổi chiều ngày hôm đó, nhìn ông thiu thiu ngủ trên giường bệnh, trong lòng tôi vừa buồn vừa bất bình. Bao nhiêu năm nay giữa ba tôi và tôi đã có nhiều mâu thuẫn. Ngay từ thuở ấu thơ, lúc mới bốn hay năm tuổi đầu, tôi đã nhận biết cái tính hay cáu gắt bất ngờ của ba tôi. Ba tôi thường hay bất chợt đuổi tôi về phòng vì những lỗi lầm dẫu là nhỏ nhặt nhất như tôi làm đổ nước lên bàn chẳng hạn. Ông là đầu mối của mọi căng thẳng trong gia đình, nên em trai tôi, Chris, một kỹ sư, vẫn độc thân ở tuổi gần 50, và tôi phải dọn nhà ra ở riêng.
Lớn lên tôi dần hiểu ra tính tình khó chịu của ông có lẽ là do hậu quả của Thế chiến thứ hai, khi những oanh tạc cơ của lực lượng Không quân Hoàng gia bay dồn dập trên miền duyên hải phía nam trong những giờ đầu của lễ Valentine 1945 tới Dresden, khi ấy ba tôi tròn 24 tuổi và ở trong phi đội thả bom trong đêm tối.
Cơ may sống sót của một phi công trong những chuyến bay như thế rất mỏng manh, nhưng ba tôi đã thoát hiểm dù bay đêm hàng chục lần. Chiến tranh kết thúc, ba tôi được tưởng thưởng bội tinh phi hành anh dũng DFM (Distinguished Flying Medal) nhưng tình trạng sức khỏe về tinh thần của ông chưa bao giờ được chẩn đoán, dù tôi chắc chắn ba tôi đã “bị trầm cảm do hậu chấn động gây ra” một dạng bệnh tinh thần có tên PTSD (post-traumatic stress disorder).Hồi còn bé, tôi thường phải sống xa gia đình. Vào tuổi lên 9, tôi, mẹ và ba tôi sống ở một tiền đồn ở vùng thôn quê ở Rhodesia. Ở đó không có trường cho tôi theo học nên tôi được gửi về Wales sống với ông bà; nhưng lúc tôi vẫy tay chào ba mẹ để lên máy bay tôi chẳng hiểu gì. Tiếp đó, là hai năm sau mới gặp một trong hai người họ.
Tôi nhớ mẹ tôi nhất. Tôi không biết làm sao để quen với khoảng trống vắng quen thuộc luôn có mẹ bên cạnh. Sau đó tôi cho rằng họ bỏ rơi tôi là do họ không thương yêu tôi, và cảm giác bơ vơ cứ ám ảnh tôi mãi. Tới lúc trưởng thành tôi đã tạo cho mình cái vẻ bề ngoài cứng rắn để đối phó, nhưng với cái vỏ tự tin ấy không phải lúc nào tôi cũng cảm thấy yên tâm.
Sự thiếu vắng săn sóc của ba mẹ đối với tôi trong hai năm tôi ở Wales ấy đã tạo thành vết rạn nứt tình cảm giữa chúng tôi. Mặc dù tôi vẫn tiếp xúc với họ nhưng với vẻ hờ hững xa lạ khác thường.
Giờ đây lúc họ bỗng nhiên cần tôi, tôi cảm thấy bị mâu thuẫn giằng co. Bổn phận chữ hiếu của một người con gái đối với cha mẹ buộc tôi phải săn sóc họ. Nhưng thâm tâm tôi, một đứa trẻ bị bỏ rơi, cứ hậm hực không yên. Tôi tự hỏi tôi nợ công ơn họ tới mức nào?
Sau khi ba tôi đòi rời khỏi bệnh viện tám ngày sau khi nằm viện, tôi đã để hai năm rưỡi tìm câu trả lời.
Đôi khi mẹ và ba tôi làm tôi bất bình vì họ làm như tôi không có mặt, dù họ cần tôi giúp. Nhưng nhiều lúc thấy họ tội nghiệp vì họ câm nín và chịu đựng làm tôi ứa lệ.
Mặc cảm tội lỗi lúc nào cũng ám ảnh tôi. Tôi phải từ bỏ cuộc sống ở London để về trông coi ba mẹ? Hay tôi chỉ cần năng lui tới trên xa lộ và trong khoảng thời gian không có tôi hiện diện thì đành mặc họ cho may rủi. Ban đầu tôi và em tôi, Chris sống ở Bristol, cứ hai tuần một lần thay phiên nhau thăm viếng ba mẹ tôi?
Nhưng tôi không mấy tin tưởng ở cậu em này trong việc săn sóc họ. Chris có thể làm được những việc lặt vặt như thông bồn rửa hay khóa vòi nước nhỏ giọt, nhưng chừa lại cho tôi trách nhiệm lo mọi việc trong nhà và lo lắng cho ba mẹ lúc không có chúng tôi bên cạnh.
Tâm sự với bè bạn rằng tôi luôn mang mặc cảm tội lỗi, thì họ cũng không thể hiểu sao tôi cứ tin rằng tôi đã không hết lòng phụng dưỡng song thân. Có người bảo tôi: “Tôi không thể làm như bạn cứ đi đi về về như thế!” Có người thì an ủi tôi: “Bạn là người con gái hiếu thảo!” Nhưng tôi không cảm nhận như họ, và vì thiếu người cộng tác giúp đỡ trong nhà riêng của tôi, tôi cảm thấy sinh hoạt của mình căng thẳng như sợi dây đàn. Tôi càng khó chịu khi một vài thân thích của tôi bảo tôi rằng tôi phải bỏ mọi việc và cuộc sống ở London và vì là phụ nữ không chồng con thì phải dành hết thì giờ săn sóc cha mẹ!
Hiển nhiên, ba và mẹ tôi cần nhiều săn sóc hơn nữa nhưng họ không mở miệng nói ra. Mal, một người láng giềng, cho tôi biết ông ta đề nghị đi chợ giúp cho ba mẹ tôi nhưng bà thường gạt đi: “Chúng tôi lo được mà, cám ơn nhé!”. Tôi tự hỏi: “Không hiểu mẹ tôi có hiểu rằng bà không làm nổi việc này hay không? Hay bà quên rằng trong nhà không còn thực phẩm”.
Tôi phải lo nhiều việc khác, nào là hẹn tái khám ở bệnh viện, giao dịch ngân hàng cho họ, lo sợ việc lái xe loạng quạng của ba tôi, xếp thực phẩm vào tủ lạnh, thay tấm ra trải gường và giặt giũ quần áo. Những ngày cuối tuần, tôi thường bận rộn hàng tá việc như thế.
Thời gian trôi nhanh. Sức khỏe của ba tôi càng suy thoái. Một hôm ông bảo muốn tôi ôm hôn ông và tôi cảm thấy người ông chỉ còn da bọc xương.
Vào cuối 2007 mặt ba tôi trở nên hốc hác và trông ông lờ đờ. Tôi nhận rõ trí tuệ ông không còn minh mẫn nữa. Khi tôi muốn giải thích với ông một vài điểm cần chú ý về hóa đơn chi dụng trong nhà thì thấy ông chớp mắt như cố gắng muốn hiểu điều tôi nói nhưng không thể hiểu nổi.
Không giống như mẹ tôi, rõ ràng là mất trí nhớ, ba tôi hiểu rằng không phải trí nhớ ông kém đi mà khả năng lãnh hội của ông không còn nữa và không làm sao cứu vãn tình trạng. Ông biết rằng ông đã thất bại và dằn vặt về việc này và truyền nỗi thất vọng đó sang tôi.
Khi tôi ở London, tôi biết rằng ba mẹ tôi phải sống trong mò mẫm. Khi mẹ tôi bị ngờ rằng nhiễm trùng phổi và phải vào bệnh viện chiếu X-quang, tôi không dám hỏi xem làm cách nào bà tới nơi hẹn.
Trừ phi tôi chuẩn bị về ở với họ, nếu không sẽ phải sống trong phập phồng lo sợ, là cái giá tôi phải trả cho sự tự do của tôi. Và khi tôi điện thoại cho bà và hỏi bằng cách nào họ tới được bệnh viện, bà vui vẻ nói cười và bảo tôi bà nghĩ chính bà đã đưa ba vào bệnh viện, nhưng thực ra chính ba làm việc này cho mẹ.
Tôi trân trọng khả năng làm sinh động cho cuộc sống nơi bà, biểu lộ lạc quan là món quà quý báu cho mọi người chung quanh.
Và chúng tôi còn có niềm vui chung. Tôi đọc thơ cho ba mẹ tôi nghe, mỗi người ngồi một bên cạnh tôi và họ ngồi yên lặng như hai đứa trẻ. Mẹ mỉm cười với một vài vần thơ thích thú. Cả hai đều bảo tôi, khi tôi đọc xong bài thơ: “Cám ơn con. Bài thơ tuyệt vời!”
Nhưng ngoài những thời khắc đáng trân quý này, là những lo lắng và bực bội thường xuyên ám ảnh tôi. Tôi cố gắng nhiều lần muốn cuộc sống của họ an toàn hơn, dễ dàng hơn và thoải mái hơn chẳng hạn như xếp đặt cho họ vào nơi dưỡng lão nhưng họ khăng khăng từ chối.
Trong thời gian kế tiếp sức khỏe của ba tôi tiếp tục suy thoái, bác sĩ toàn khoa cho tôi biết vào tháng 11, 2007 rằng ba tôi có thể bị một chứng ung bướu nào đó, nhưng ba tôi từ chối chữa trị vì muốn ở nhà.
Vào đầu tháng 12, 2008, rõ ràng ông sắp từ trần. Ngồi bên cạnh ông trên giường bệnh, tôi bảo ông: “Ba đã phấn đấu đủ rồi. Các con và mẹ rất thương ba. Bây giờ đến lúc ba buông xả tất cả thì vừa!”
Ba tôi hỏi tôi: “Buông bỏ tất cả bằng các nào?” Tôi đặt tay lên ngực xương xẩu hổn hển nhịp thở của ông và nói: “Bằng cách đừng phấn đấu nữa, Ba ơi! Hãy để tâm hồn bình yên!”
Mẹ tôi bảo tôi trong nước mắt vào ngày hôm sau ba qua đời: “Thế là lễ tình nhân của mẹ đã kết thúc!”
Mẹ ngọt ngào, nhiều lúc mắt đẫm lệ. Mẹ bảo: “Mẹ cảm thấy trống rỗng, con ạ!”
Khi mẹ tôi nhắm mắt vào 31 tháng một, 2009, chỉ tám tuần sau khi ba tôi qua đời, trái tim tôi trầm xuống như ngừng đập. Vì mẹ không hề đau trước khi tạ thế. Hai ngày trước bà nhập phòng cấp cứu bệnh viện Llanelli, có tôi bên cạnh, và bác sĩ cho biết mẹ tôi bị tắc nghẽn mạch máu phổi (embolism) vì một cục máu đông chạy vào phổi bà.
Khi mẹ tôi rơi vào hôn mê. Tôi thấy tôi không thể lay tỉnh bà. Ngồi bên cạnh bà, vuốt tóc bà, tôi muốn nói với bà: “Mẹ ơi, con là Carol đây!”
Bà không tỉnh lại. Vào sáng thứ bảy, bệnh viện gọi điện thoại cho tôi và báo cho tôi biết bà trở cơn. 7 giờ sáng tôi tới bệnh viện, tôi thấy bà rên la không ngớt vì đau đớn. Tôi giục giã: “Chích morphine cho mẹ tôi”. Bác sĩ cho biết: “Chúng tôi đã chích cho bà một mũi”.
Tôi nghe mẹ tôi rên la to hơn, tôi nói trong tuyệt vọng: “Mẹ tôi cần thêm liều giảm đau!”. Trước đây tôi chưa từng nghe mẹ tôi rên la như thế nên tôi hối thúc: “Xin chích thêm cho bà ấy!” Thế là họ làm việc này, kết thúc mau chóng giờ phút cuối cùng của người tôi yêu dấu.
Lệ tràn khóe mi tôi hỏi họ: “Mẹ tôi còn sống được bao lâu nữa?”. Có người trả lời: “Có lẽ vài ngày!”
Nhưng đó là ngày cuối cùng của bà và là ngày dài nhất trong đời tôi. Bên ngoài trời lạnh, một bầu trời ảm đạm vào tháng 01, trong khi tôi ngồi và ca cho mẹ tôi nghe những bài hát thuở ấu thơ, ngón tay của mẹ quờ quạng trên tay tôi cho tới khi ngừng hẳn.
Ba năm cuộc sống của tôi bị giằng co giữa thế giới của ba mẹ tôi ở Wales và của riêng tôi ở London. Mãi hai năm sau nữa tôi mới trở lại cuộc sống bình thường.
Cho đến nay một câu hỏi vẫn ở trong trí óc tôi: phần việc tôi dành săn sóc cha mẹ đã đủ hay chưa hay tôi còn phải làm hơn thế nữa mới đủ? Liệu chúng ta có thể so đo thời gian chúng ta săn sóc cha mẹ với thời gian cha mẹ dành cho chúng ta hay không?
Chắc chắn tôi không tin điều này”.

Chu Nguyễn

(Trích hồi ký Out of Winter của Carol Lee)