Học cách dạy trẻ



Kính bạch thầy!

Xin thầy hướng dẫn cho con cách dạy một đứa trẻ, một đứa trẻ hồn nhiên vui tươi, không làm cho trẻ sợ, không làm cho trẻ dại, vì trẻ là mầm non, nên dạy thận trọng, dạy sai trẻ đi theo đường sai, dạy đúng thì trẻ mới đi theo đường đó. Phải cho trẻ môi trường như thế nào, để trẻ thích nghi. Nhiều người nói cha mẹ sanh con trời sanh tánh, nhưng theo con nghĩ, đó là một lí do nghiệp trước của trẻ, nhưng hiện tại mới làm thay đổi quá khứ và tương lai. Thật sự con không biết hướng dẫn trẻ phải sống sao. Bạch thầy chỉ giúp con.


Trả lời:

Con trẻ giống như một mầm non đang phát triển, cha mẹ cần học cách bảo vệ và nuôi dưỡng cho trẻ phát triển hơn là uốn nắn trẻ theo mẫu mực của mình. Đến 4 tuổi trẻ đã học được một cách tự nhiên 50% nhận thức cơ bản trong đời sống, về sau nhờ học hỏi, trải nghiệm bản thân trong đời mà hoàn thiện nhận thức và hành vi của mình. Thực ra giáo dục nhà trường phần lớn dạy về những quy ước xã hội và những kỹ thuật hay phương tiện sống bên ngoài hơn là nhận thức bản thân, hoàn cảnh và nghệ thuật sống. Sinh ra trong gia đình và xã hội nào thì đành sống theo khuôn khổ của hoàn cảnh đó, vì vậy nên tính tự do sáng tạo đã bị bóp chết ngay từ khi còn non dại.
Mỗi đứa trẻ có một duyên nghiệp riêng nên cũng có tính cách và khuynh hướng riêng, mà cha mẹ cần hiểu trẻ để hướng dẫn hơn là áp đặt nguyên tắc. Cha mẹ nên giúp trẻ tự biết nhận thức điều đúng điều sai, điều lợi điều hại,điều tốt điều xấu bằng cách gợi ý, đặt câu hỏi để trẻ biết vận dụng trí tuệ của mình, nếu trẻ trả lời sai vì chưa thấy ra thì nên đặt nhiều tình huống khác nhau hoặc ngược lại để trẻ mở rộng tầm nhìn. Không nên nhồi nhét kiến thức và kinh nghiệm của cha mẹ vào đầu óc con trẻ, nên để trẻ tự khám phá học hỏi bằng cách để cho chúng tự trải nghiệm cuộc sống. "Đi cho biết đó biết đây / Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn" là vậy. Hành trang của trẻ chỉ cần là biết thận trọng, chú tâm, quan sát cũng đủ để sống và phát huy và hoàn thiện năng lực bản thân. 


Theo mục hỏi đáp TRUNG TÂM HỘ TÔNG





Phương pháp dạy học: Bí quyết dạy con


Trong cuộc sống bận rộn, không phải cha mẹ nào cũng có thời gian chăm sóc và dạy dỗ con cái thường xuyên. Chúng ta vẫn luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao mọi đứa trẻ sinh ra đều như nhau, mà lớn lên lại có đứa hư hỏng, khó bảo, nghích ngợm…?” Tất cả đều phụ thuộc vào phương pháp dạy con của cha mẹ.
Mỗi bậc phụ huynh lại có bí quyết dạy con riêng, và để có thể dạy con ngoan, cha mẹ không nên chỉ dạy kiến thức, ép các con học thật nhiều ngay từ khi còn nhỏ. Cổ nhân xưa có câu “ Tiên học lễ, hậu học văn”. Mọi sự học đều phải bắt đầu bằng việc học đạo đức, lễ nghĩa, học cách làm người. Mà trong đó, cha mẹ nên dạy con từ những kỹ năng sống đơn giản nhất ngay từ khi các con còn nhỏ. Có thể nói việc học kỹ năng sống sẽ trang bị cho các con ba kỹ năng nền tảng không thể thiếu ở trẻ em.

Kỹ năng tự chăm sóc bản thân

Một em bé sinh ra ở nông thôn có thể tự chăm lo cho mình những lúc bố mẹ vắng nhà, đi làm xa, hoặc những lúc ở nhà với ông bà. Các em sẽ làm rất tốt những công việc cá nhân như: tự ăn cơm, tự mặc quần áo, thậm trí ở nhà một mình. Tuy nhiên, kỹ năng này lại rất thiếu ở trẻ em sinh ra tại các thành phố lớn. Đặc biệt ở một số gia đình có điều kiện tốt về kinh tế, cha mẹ luôn chăm lo cho con từ những điều nhỏ nhặt nhất. Trẻ không ý thức đó là việc cá nhân, do đó tạo thành thói quen ỷ lại. Trẻ gặp khó khăn cả với những công việc nhỏ nhất của bản thân như tìm quần áo, rửa tay trước bữa ăn…
Tập cho trẻ thói quen tự chăm sóc bản thân, cũng là cách để các con của bạn rèn luyện tính tự lập trong cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ.

Kỹ năng kiềm chế cảm xúc


Trẻ em ở các độ tuổi khác nhau lại có những cảm xúc và tâm lý khác nhau. Tuy nhiên đa số cảm xúc của trẻ rất thất thường, trẻ chưa tự ý thức được đúng, sai trong hành động của mình. Trẻ hay nổi cáu, giận dỗi và dễ bị kích động cảm xúc. Cha mẹ cần phải biết được tâm lý riêng của con mình để từ đó có hướng điều chỉnh, giúp trẻ hiểu được hành vi cư xử đẹp, tránh đổ lỗi hay làm tổn thương người khác. Việc cha mẹ luôn “chạy” theo cảm xúc của con mà không phân tích đúng sai là nguyên nhân khiến cho trẻ thiếu kỹ năng quan trọng này.
Cha mẹ tuyệt đối không nổi giận, hay mắng mỏ con cái khi các con đang bị kích động cảm xúc, bởi trong những thời điểm nhạy cảm đó, nếu bị mắng, trẻ sẽ có suy nghĩ cha mẹ ghét bỏ mình. Đồng thời, nếu cha mẹ không phân biệt đúng sai trong hành vi cảm xúc của trẻ sẽ khiến trẻ không rút ra được những bài học về kỹ năng sống.
Tốt nhất, bạn nên dạy bé cách cư xử tốt đẹp hơn trong những lần tiếp theo hoặc mỗi khi bé cảm thấy thất vọng, tức giận... Bên cạnh đó, khi nói chuyện với bé, bạn hãy tạo không khí thoải mái, gần gũi nhưng vẫn nghiêm túc, không nên cười cợt hay có những cử chỉ không hay. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu tới hành vi của bé sau này.
Kỹ năng giải quyết vấn đề:
Trẻ em hiện nay đang được hưởng nền giáo dục rất tốt của cả gia đình, nhà trường, và xã hội. Điều đó giúp trẻ cư xử văn minh hơn trong các mối quan hệ với mọi người. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều rằng, bên cạnh các bé ngoan thì vẫn còn rất nhiều trẻ em có hành vi tiêu cực như: Ích kỷ, luôn coi bản thân là số 1, cãi lời người lớn, bắt nạt bạn. Hoặc có những trẻ bị bạn bắt nạt, không biết ứng phó trong các tình huống bất ngờ xảy ra với mình… Tất cả những điều đó đều xuất phát từ việc trẻ thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề.
Để thay đổi điều này, ba mẹ nên trang bị cho bé những phương pháp hiệu quả để đối phó với những vấn đề con có thể gặp phải. Quan trọng hơn, bạn cần giúp bé hiểu rằng, những rắc rối là một phần của cuộc sống, chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng ta luôn phải bình tĩnh và tỉnh táo để tìm ra phương pháp và bí quyết dạy con riêng cho mình.
Việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng cần thiết. Qua đó giúp các con hình thành được những thói quen và phản xạ nhanh nhạy trong mọi tình huống, đồng thời có một tâm thế vững vàng trong học tập, công việc và cuộc sống tương lai.

Theo:
Phương pháp dạy học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét