Điều được gọi là tình yêu

Phần đông, người ta có cảm tưởng rằng họ có thể suy nghĩ cặn kẽ
về cuộc đời mình. Nhưng đó chỉ là một sự nhầm lẫn. Chúng ta chỉ là đối tượng của những cảm xúc của chính mình và chúng ta suy nghĩ theo những cách dựa trên các cảm xúc ấy. Cho nên, điều hết sức quan trọng là phải làm gì đó để chế ngự cảm xúc.
Hệt như đường lối mà Đức Phật dạy ta Tứ vô lượng tâm để đối trị tâm. Về Tứ chính cần để đối trị tuệ, chúng ta biết đó là 1/ Không để sinh khởi những tà hạnh chưa sinh khởi; 2/ Không tiếp tục trưởng dưỡng những tà hạnh đã sinh khởi; 3/ Làm sinh khởi những thiện hạnh chưa sinh khởi; và 4/ Tiếp tục trưởng dưỡng những thiện hạnh đã sinh khởi. Tứ vô lượng tâm, gồm có từ (Metta), bi (Karuna), hỷ (Mudita) và xả (Upekkha), thường được gọi là chỗ an trú của bậc Thánh. Khi thành tựu được Tứ vô lượng tâm, chúng ta đã thực hiện được cõi thiên đường trên trần thế, hay cõi cực lạc trong tâm thức.
Tôi cho là mọi người đều biết rằng phía trên chúng ta chỉ là một bầu trời chứ chẳng làm gì có thiên đường. Nhưng chúng ta chứa đựng cả thiên đường lẫn địa ngục ngay trong tâm mình, và đó là một điều có thể trải nghiệm một cách dễ dàng. Cho nên, ngay cả khi chúng ta khôngđạt tới định và tuệ trong thiền tập, Tứ vô lượng tâm cũng có thể cho phép chúng ta sống trong một mức độ nhất định về sự chân thực, sự thương yêu, sự an lạc và sự chắc chắn, những điều đem lại cho cuộc đời một phẩm chất hoàn toàn mới mẻ. Khi chúng ta có thể khởi tâm thương yêu không vì bất kỳ một lý do nào,mà chỉ vì lòng yêu thương chính là phẩm chất của tâm, khi đó chúng ta sẽ cảm tháy an lạc. Chẳng thế nào mua được sự an toàn mặc dù biết bao nhiêu người mong muốn điều đó. Những công ty bảo hiểm sở hữu nhiều tòa nhà to lớn vì con người cố gắng mua lấy sự an toàn. Nhưng một khi chúng ta đã tạo được sự chắc chắn ngay bên trong mình thông qua một tâm yêu thương, chúng ta cảm nhận được một cách chắc chắn rằng mọi phản ứng và cảm tưởng của mình sẽ không làm thiệt hại cho sự an vui của chính mình cũng như của người khác.
Từ – tâm đầu tiên trong Tứ vô lượng tâm- thường được hiểu như lòng thương yêu. Nhưng lòng thương yêu này không có cùng một tác động như tình yêu, một thứ tình cảm có vẻ chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn đối với con người nói chung. Chúng ta có nhiều ý niệm về tinh yêu. Tư tưởng sâu sắc nhất mà chúng ta có về tình yêu thường được chuyên chở trong tiểu thuyết, trong phim ảnh hay trong những tấm áp-phích, là quan điểm cho rằng tình yêu chỉ hiện hữu giữa hai người, thường là những người trẻ tuổi và xinh đẹp, được coi là thích hợp với nhau nhất, và ở những người vì một lý do kỳ quặc nào đó chứa đựng các yếu tố hấp dẫn nhau. Thế nhưng chẳng có tình yêu nào trong những loại ấy có thể tồn tại mãi. Hầu hết người ta phát hiện rằng trong suốt cuộcđời mình tình yêu là một điều huyền hoặc, rằng tình yêu không hề tác động như vậy. Bấy giờ, phần lớn người ta nghĩ rằng, nếu tình yêu không tồn tại mãi, thì có lỗi của ai đó hay có lỗi của cả hai, và rồi họ sẽ thử tìm kiếm những mối quan hệ mới. Sau những lần thử nghiệm thứ ba, thứ tư rồi thứ năm, có thể người ta hiểu đúng hơn, nhưng có nhiều người vẫn tiếp tục thử tìm kiếm những mối quan hệ kế tiếp nữa. Chính những điều đó là thường được gọi là tình yêu trong xã hội loài người chúng ta.
Thực ra, tình yêu chính là một phẩm chất của tâm thức. Tâm của chúng ta chẳng có chức năng nào khác. Nếu chúng ta nhận thức rằng tất cả chúng ta đều chứa đựng tình yêu trong tâm thức mình, và nếu chúng ta có thể phát triển và nuôi lớn tình yêu ấy, chắc chắn chúng ta sẽ dành cho tình yêu một sự quan tâm nhiều hơn điều mà chúng ta vẫn nghĩ. Ở tất cả những xã hội phát triển, luôn luôn có những cơ sở khuyến khích sự mở rộng trí tuệ cho con người từ lúc lên ba đến tận khi già chết. Nhưng xã hội chưa có cơ sở nào để phát triển tâm thức, vì thế, chúng ta phải tự do phát triển tâm thức cho chính mình. Hầu hết người ta cứ như một loại đàn dây chờ cho có người khảy mới rung lên giai điệu hay phải gắn vào một con người đặc biệt nào đó mới có thể làm cho họ cảm nhận được tình yêu. Nhưng loại tình yêu đó bị ngăn trở bởi sự sợ hãi, mà sợ hãi chính là một thành phần của sân hận. Điều làm cho chúng ta giận ghét là cái ý nghĩ cho rằng con người đặc biệt kia có thể chết, có thể bỏ đi, có thể có những cảm xúc khác hoặc cứ nghĩ ngợi đâu đâu ấy; sự sợ hãi về việc tình yêu có thể chấm dứt, vì chúng ta tin rằng tình yêu chỉ có thể nằm ở ngay trong con người đặc biệt ấy. Nhưng trên hành tinh này có tới vài tỷ con người, cho nên suy nghĩ ấy thật là lố bịch. Thế mà hầu hết con người vẫn nghĩ là khả năng thương yêu của mình phụ thuộc vào một người và có con người ấy ở đâu đó quanh ta. Suy nghĩ ấy tạo nên nỗi lo về sự mất mát, và tình yêu bị cản trở bởi sự sợ hãi không thể là tình yêu thuần khiết. Chúng ta cứ tạo nên sự lệ thuộc vào một người, và như thế, lệ thuộc vào cảm xúc và quan điểm của người ấy. Trong một tình yêu như thế, không hề có sự tự do, không hề có tự do thương yêu.
Nhưng nếu chúng ta có thể thấy một cách rõ rằng tình yêu là một phẩm chất mà mọi người đều có sẵn, chúng ta có thể bắt đầu phát triển cái khả năng yêu thương ấy. Bất kỳ khả năng nàochúng ta cũng chỉ có thể có được nhờ việc thực hành. Nếu chúng ta học gõ máy chữ, chúng ta phải thực tập việc gõ chữ trên một bàn phím. Chúng ta có thể thực hànhvề tình yêu để dần dần chúng ta có được khả năng ấy. Thương yêu chẳng liên quan gì đến việc tìm kiếm một ai đó đáng được yêu hoặc kiểm tra xem người ấy có thật sự đáng yêu hay không. Nếu chúng ta tự vấn mình một cách đủ trung thực, chúng ta cũng sẽ thấy rằng chính mình cũng chẳng đáng yêu gì, vậy tại sao chúng ta lại trông đợi một người nào khác hoàn toàn đáng yêu? Tình yêu chẳng liên quan gì đến phẩm tính của người khác, hoặc người ấy có muốn được yêu hay không, có sẵn sàng yêu lại mình hay không, hoặc có cần tình yêu hay không. Mọi người đều cần tình yêu. Vì chúng ta biết rõ hơn ai hết những lỗi lầm của chính mình, khi có ai đó yêu ta, ta nghĩ, “Ồ, thật là cao thượng, người này yêu mình và chẳng cần biết rằng mình là người có vô số vấn đề”. Chúng ta tìm kiếm người nào đó yêu mình để hỗ trợ cho một hình ảnh nhất định nào đó về chính mình. Nếu không tìm ra một người nào như vậy, chúng ta cảm thấy có một sự mất mát. Khi ấy người ta trở nên thất vọng hoặc tìm kiếm những lối thoát. Tất cả những cách thức hành xử ấy đều là lầm lẫn.
Trên con đường tâm thức, chẳng có gì để giành lấy mà cũng chẳng có gì để gạt bỏ. Tất nhiên, điều đầu tiên cần buông bỏ là việc cố giành lấy tình yêu,thay vào đó hãy cho đi. Đó chính là điều bí mật của con đường…tâm linh. Người ta phải biết toàn tâm dâng hiến. Bất kỳ điều gì chúng ta thực hiện bằng một nửa tâm lý, chúng ta chỉ gặt được một nửa kết quả. Chúng ta có thể toàn tâm dâng hiến như thế nào? Bằng cách đừng giữ lại điều gì. Bằng cách đừng mong cầu điều gì cho chính mình. Nếu chúng ta muốn được yêu, chúng ta chỉ đang tìm kiếm một hệ thống nâng đỡ. Nếu chúng ta muốn yêu, chúng ta đang tìm kiếm việc phát triển tâm thức. Ghét người khác thì dễ dàng hơn biết mấy. Ai cũng có thể ghét người khác và biện minh cho sự ghét bỏ ấy, vì, tất nhiên, con người thường chẳng mấy thông minh và chẳng hề hành động theo cái cách mà chúng ta muốn. Sự ghét bỏ tạo ra những hào rãnh trong tâm ta, và việc lọt xuống những hào rãnh ấy càng lúc càng dễ dàng hơn. Chúng ta không chỉ ghét bỏ người khác, chúng ta tự ghét bỏ chính mình. Nếu một người biết yêu chính mình, người ấy cũng dễ dàng yêu thương người khác, đó chính là vì sao mà chúng ta thường bắt đầu thièn định về lòng từ bằng cách tập trung lòng từ vào chính mình. Điều này không phải là tính ích kỷ. Nếu chúng ta không ưa chính mình chỉ vì chúng ta có lỗi hoặc vì chúng ta đã phạm những sai lầm, chúng ta sẽ chuyển sự ghét bỏ đó sang người khác và đánh giá về người khác một cách phù hợp. Nhưng chúng ta chẳng hiện hữu ở cuộc đời này để làm quan tòa hay vào bồi thẩm đoàn. Trước hết, chúng ta không xứng đáng. Lại nữa, việc ấy là một nhiệm vụ hết sức không thỏa đáng, chẳng được trả công, và chỉ làm cho người khác đau khổ.
Người ta thường có cảm giác là phải hành xử như vậy để tự bảo vệ mình. Nhưng chúng ta cần phải bảo vệ chính mình trước điều gì chứ? Chúng ta phải bảo vệ thân thể chúng ta để đừng bị thương tật. Chúng ta có cần bảo vệ mình để khỏi yêu thương không? Chúng ta cũng có mặt trong cuộc đời này với nhau, sống trên cùng hành tinh này trong cùng một khoảng thời gian, hít thở cùng một bầu khí quyển. Chúng ta cùng có tứ chi như nhau, những tư tưởng như nhau, những cảm xúc như nhau. Quan điểm cho rằng chúng ta là những thực thể khác biệt chỉ là một ảo tưởng. Nếu chúng ta thực hành thiền định một cách chăm chỉ và kiên trì, một ngày nào đó, chúng ta sẽ vượt thoát cái ảo tưởng về sự khác biệt ấy. Sự thiền định giúp cho việc thấy được tính toàn thể của mọi vận hành là một việc có thể xảy ra. Có một sự tạo tác và tất cả chúng ta đều dự phần vào sự tạo tác ấy. Chúng ta có thể sợ hãi điều gì? Chúng ta sợ phải yêu chính mình, sợ phải yêu sự tạo tác, sự phải yêu người khác vì chúng ta biết rõ những điều xấu về chính mình. Biết rằng chúng ta đang làm những điều xấu về chính mình. Biết rằng chúng ta đang làm những điều sai trái, rằng chúng ta có những tư tưởng xấu ác, không phải là lý do để không yêu thương. Một bà mẹ yêu thương đứa con chẳng hề không yêu thương đứa con ấy nữa chỉ vì nó hư hỏng hay nó làm những điều sai trái. Những đứa trẻ nít có thể có hàng trăm suy nghĩ xấu ác mỗi ngày và gào to lên những ý nghĩ xấu ác ấy. Chúng ta cũng thế, nhưng chúng ta không biểu hiện mà thôi.
Vậy, nếu người mẹ có thể yêu đứa con chỉ gây những chuyện rắc rối cho mình, tại sao chúng ta không thể tự yêu mình? Tự thương mình và biết rõ về mình không phải là cùng một việc. Tình yêu là sự ấm áp của con tim, là sự quan hệ, sự bảo vệ, sự chăm sóc, sự quan tâm, sự bảo bọc đến từ sự chấp nhận và sự hiểu biết về chính mình. Thực tập được điều ấy, chúng ta ở một vị trí tốt đẹp hơn rất nhiều để có thể thực tập tình yêu hướng đến người khác. Họ cũng chẳng đáng yêu gì như chính chúng ta, và họ cũng có vô số những suy nghĩ xấu ác. Nhưng điều đó có hề chi. Chúng ta chẳng phải là quan tòa, chẳng ở trong bồi thẩm đoàn. Khi nhận thức rằng chúng ta có thể thực sự yêu thương chính mình, chúng ta có một cảm giác thanh thản. Chúng ta không phải thường trực ở một tâm trạng cố gắng trở nên hay tỏ ra là một người nào đó. Chúng ta có thể chỉ là chính mình như mình đang là. Thật là dễ chịu khi là chính mình chứ không là “một ai đó”. Tình yêu làm cho điều đó trở nên có thể có được. Vì lẽ đó, khi chúng ta có thể hiểu và thông cảm người khác, chúng ta có thể để cho họ là chính họ và yêu thương họ. Tất cả chúng ta đều có những cơ hội để thực tập điều đó hàng ngày. Đó chính là một kỹ năng, như tất cả mọi tài khéo khác.


Ni sư Ayya Khema sinh năm 1923 ở Berlin, Đức quốc, trong một gia đình người Ayya Khema Do Thái, Ayya Khema thoát khỏi nanh vuốt Đức Quốc xã vào năm 1938 trong một chuyến đào thoát tới Glasgow cùng 200 trẻ em khác. Hai năm sau, bà gặp lại cha mẹ tại Thượng Hải, nơi mà gia đình bà bị đưa vào một trại tù binh Nhật sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt. Tại đó, cha bà qua đời. Bốn năm sau, khi trại tù binh đó bị giải thể, bà di cư sang Hoa Kỳ, lập gia đình và có hai người con. Trong thời gian du lịch sang Á châu từ 1960 đến 1964, bà học về thiền định và đến năm 1975, bà bắt đầu việc giảng dạy. Năm 1978,bà thành lập một tu viện theo truyền thống tòng lâm Nguyên thủy Thái Lan gần Sydney, Úc. Vào năm 1979, bà thọ giới Tỳ-kheo ni tại Sri Lanka. Hiện nay bà đang trú trì một tự viện khác ở Đức cũng do bà thành lập, Bà là tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt như Khi nào chim sắt bay (When the Iron Eagle Flies) và Vô ngã, vô ưu (Being Nobody, Going Nowhere).

Chuyển ngữ: Lâm Hạnh Nhiên

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 88/ tapchivanhoaphatgiao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét