NGHỆ THUẬT CHẤP NHẬN

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục buổi pháp thoại hôm trước. Xin hỏi quý vị “hôm trước chúng ta đang nói về vấn đề gì nhỉ ?”. Hôm trước chúng ta đang nói về việc “Tại sao chúng ta cần phải thực hành thiền”, liên quan đến vấn đề này tôi đã giải thích về một ví dụ mà đức phật đưa ra.
Cho dù là loài người, chư thiên hay tất cả các loài súc sinh khi mà họ chết chỉ có rất ít được tái sinh trở lại cõi người hay cõi trời, còn lại rất nhiều trong số đó phải tái sinh trở lại những cõi khổ. Đây là điều mà Đức Phật muốn cho chúng ta hiểu rằng: “ Cơ hội để tái sinh trở lại làm người rất là khó khăn, Đức Phật đã nói rằng được tái sinh làm người thật là hy hữu, hy hữu thay được mang thân người, sau khi được mang thân người khó thay được gặp Đức Phật. Ngay cả khi chúng ta được gặp Đức Phật khó thay được nghe Chánh Pháp. Chỉ có một số rất ít người có cơ hội được nghe Chánh Pháp mà thôi, và rất hiếm người có Chánh kiến về sự vận hành của Nghiệp. 
Tất cả quý vị ở đây những người đệ tử của tôi quý vị đã có được cơ hội được làm người, và ở giữa rất nhiều người không có cơ hội được lắng nghe Chánh Pháp, quý vị có cơ hội được lắng nghe Chánh Pháp. Rất hiếm người có lòng tin nơi Đức Phật – Đức Pháp – Đức Tăng, và rất hiếm người có chánh kiến về nghiệp và quả của Nghiệp. May thay tất cả các quí vị ở đây đã có cơ hội tốt lành này, giữa những số người có niềm tin Đức Phật – Đức Pháp – Đức Tăng thì rất ít người có sự yêu mến đối với việc thực hành thiền và tất cả các quý vị ở đây đều yêu mến việc hành thiền, gắn bó với việc hành thiền và đang cố gắng bồi bổ Ba la mật, những điều quý vị đang làm đó là những điều rất tốt đẹp. 
Chúng tôi đang dạy những điều mà Đức Phật dạy đó là có thể thấy thánh đế thứ nhất, hay còn goi là Khổ Đế, và thánh đế thứ hai là nguyên nhân dẫn đến khổ (tập đế) và con đường để đoạn tật tất cả mọi khổ đau. Chúng tôi đã trích dẫn lời của Đức Phật đó là: “Này các tỳ kheo hãy phát triển Định, người có tâm Định sẽ thấy sự thật như nó là”.Chúng tôi dạy các thiền sinh thấy và biết được thánh đế thứ nhất, thánh đế thứ hai chỉ sau khi các vị thiền sinh đó đã phát triển được Định
1️. Thánh Đế thứ nhất đó chính là Danh & Sắc chân đế.
2️. Thánh đế thứ hai là nguyên nhân dẫn đến khổ.

Điều mà tôi muốn chia sẻ với quý vị ở đây đó là, đối với những người đã thực hành thiền và có thể quán về nhân và quả, họ có khả năng nhìn thấy những kiếp trước của mình thì hầu hết đối với các người đó họ nhìn thấy rằng: vào giây phút cận tử của kiếp trước “ Bố Thí” chính là nhân khiến cho họ gặp quả lành ở đời này. Và tôi tin rằng tất cả quý vị ở đây đã thực hành bố thí theo những cách khác nhau trong cuộc đời của quý vị. Và tất cả các thiện nghiệp này khi chín mùi sẽ cho quả tái sinh ở những cõi lành. Đức Phật có trí tuệ để biết rằng: “ Điều gì là có thể & điều gì là không thể” nói một cách khác Đức Phật đã thấy, đã biết và hiểu rằng những gì là có thể & những gì là không thể, đây là một trong 10 như lai thập lực của Đức Phật.
Ngài đã dạy rằng:
Không thể nào một nhân xấu mà cho ra một kết quả tốt, tương tự như vậy Đức Phật cũng dạy rằng: không thể nào một nhân lành mà có thể đưa đến một quả xấu. Tất cả chúng ta đều đã từng tích luỹ rất nhiều nghiệp bất thiện cũng như nghiệp thiện, không ai mà chưa từng làm những điều sai trái trong cuộc đời này cũng như không ai mà chưa từng làm những việc tốt. Chỉ có một điều chúng ta cần hiểu rằng đó là chúng ta không nên dày vò trong sự hối hận về những điều đã làm sai trái trong quá khứ.
Việc chúng ta cần phải tu tập thực hành đó là chúng ta sẽ cố gắng không lặp lại những điều sai trái mà chúng ta đã từng làm trong quá khứ và chúng ta cũng cần phải tu tập để thực hành chúng ta sẽ không làm những điều sai trái những điều xấu mà chúng ta chưa từng làm trong quá khứ, và chúng ta tiếp tục thực hành làm những thiện nghiệp mà chúng ta đã từng làm trong quá khứ trong thời hiện tại này cũng như chúng ta sẽ làm những thiện nghiệp mà chúng ta chưa từng làm. Đây là tất cả những điều mà chúng ta cần tu tập trong cuộc đời này. 
Một điều khác nữa có thể có những ai đó đã làm điều sai trái đối với chúng ta, chúng ta cần phải phát triển “tâm tha thứ” đối với những người đã làm những điều sai đối với chúng ta, cũng sẽ có những trường hợp, những nhân duyên mà chúng ta đã từng làm những điều sai trái , chúng ta không những phải phát triển tâm tha thứ đối với người khác mà chúng ta cũng cần phải phát triển tâm tha thứ đối với chính mình.
Tại sao? nếu chúng ta cảm thấy tức giận đối với hành động của người khác và chúng ta không thể nào tha thứ, chúng ta có cái tâm ân hận đối với những việc sai trái mà chúng ta đã làm thì chúng ta sẽ lãng phí rất nhiều thời gian quý báu của chúng ta. Chúng ta sẽ lặp đi lặp lại những hành động sai trái ấy trong tâm thức của chúng ta. Cảm thấy tức giận cảm thấy ân hận những cái tâm này sẽ phá huỷ cuộc đời của chúng ta. Nói chung hầu như tất cả mọi người trên thế giới này đều trải qua cuộc sống của mình theo cách như thế. Đây là cách của những người bình thường, những người phàm phu sống cuộc đời của họ. Đây là thái độ của những người phàm phu, chúng ta cần phát triển tư duy thái độ của mình trong cuộc sống. 
Tại sao mà tôi nói về điều này? Bởi vì nếu tất cả quý vị ở đây muốn gắn bó với việc thực hành thiền đến trọn đời thì chúng ta cần phải dựa rất nhiều vào những tâm thiện của chúng ta, cũng như chúng ta cần phải xả bỏ tất cả những điều bất thiện, chúng ta cần phải phát triển “ Chánh Tư Duy”, phát triển thái độ đúng đắn đối với cuộc sống.
Để tha thứ được cho người khác cũng như tha thứ cho chính mình, chúng ta cần phải có quan điểm này. Hàng ngày khi chúng ta gặp những người khác, chúng ta nên nhìn họ như một con người mới được sinh ra, hãy để cho người khác là một người mới được sinh ra và hãy để cho chính bạn cũng là một người mới được sinh ra. Quý vị có hiểu điều này không? Tôi không muốn quý vị lãng phí thời gian và hành hạ chính mình trong nhà tù giam cầm của quá khứ. Như quý vị đã biết con người thì thông minh, một vài người làm điều sai trái đối với chúng ta họ là những người thông minh và đôi khi chúng ta làm sai đối với những người khác chúng ta cũng là người thông minh. Sau khi chúng ta đã làm cái gì đó chúng ta tỉnh giác ra, chúng ta nhận thức được những việc mình đã làm, lúc chúng ta làm chúng ta không thể kiểm soát được chính mình do vậy đã làm sai. Chúng ta làm cho chúng ta tiến bộ bằng cách “quyết định sẽ không làm những việc sai trái đó nữa”.
Theo cách tương tự, có rất nhiều những người khác họ đã từng làm sai và họ đang thay đổi bản thân, họ cố gắng để không lặp lại những việc sai trái đó nữa. Quý vị đã có những việc làm sai và khi người khác nhìn vào quý vị họ phê phán, họ chê bai, họ nói với nhau rằng: “ Ồ người này đã từng làm việc sai trái đó” lúc đó bạn muốn nói gì với người ta: “ Thưa anh, thưa chị tôi đã thay đổi rồi, tôi đã không còn như trước nữa, hãy nhìn tôi như một con người mới được sinh ra”. Giống như vậy, những người khác họ có cũng có cảm nhận giống như vậy.
Nếu chúng ta nói xấu người nào đó thì chúng ta đang làm gì? Chúng ta đang tích luỹ những nghiệp bất thiện vốn là nguyên nhân đưa chúng ta vào bốn cõi khổ. Vậy thì hãy làm ơn nhìn tất cả mọi người trên thế giới này như là một con người mới được sinh ra và hãy nhìn chính mình như một con người mới được sinh ra mỗi ngày. Nếu có một người nào làm một việc tốt ngày hôm nay thì chúng ta hãy nhìn họ với một cặp mắt là một người tốt của ngày hôm nay, chúng ta nên phát triển thái độ đó. Đây là một điều rất thực tế đáng ứng dụng để chúng ta tu tập trong đời sống hàng ngày. Thái độ của người thành công cũng như thái độ của người không thành công là hoàn toàn khác nhau và tất cả chúng ta nên học hỏi nên bắt chước thái độ của người thành công mà không nên bắt chước thái độ của những người không thành công. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể phát triển cái tâm tha thứ trong cuộc sống này. Ai là người làm sai? Ai là người đã làm sai? Tại sao mọi người lại làm sai? Và ai là sai? Tại sao quý vị lại nói họ làm sai? Tại sao quý vị lại nói tôi làm sai? Cái gì là nguyên nhân dẫn đến việc làm sai? Nếu quý vị biết được nguyên nhân, biết được nguồn gốc của việc làm sai trái thì chúng ta có thể tha thứ một cách dễ dàng cho tha nhân và cho chính mình. Ai là người có tâm an lạc, an bình? Ai là người có tâm đau khổ? Người có tâm an bình là người có thể tha thứ và ngược lại người có tâm đau khổ là người không thể tha thứ. Câu trả lời của quý vị là gì? Tôi biết câu trả lời của quý vị, người có tâm tha thứ đối với tha nhân và với chình mình là người có thể sống một cuộc sống an bình. Để có thể tha thứ cho người khác và cho chính mình chúng ta phải tìm ra nguyên nhân của việc làm sai. Tôi đã viết một cuốn sách nhỏ với ngài đại trưởng lão Pa Auk gồm 3 cuốn bằng ngôn ngữ Myanmar, trong đó có một đoạn ngắn tôi đã từng viết, tôi muốn chia sẻ với tất cả quý vị để có thể hiểu nguyên nhân của việc làm sai trái. Tôi có thể nói bằng tiếng Myanmar được không? Ok, tôi sẽ dịch sang tiếng Anh.
“ Không phải bởi vì chúng ta được sinh làm người mà chúng ta trở thành người ngu hay kẻ trí. Mà chỉ bởi vì chúng ta có thể kiểm soát được tất cả các phiền não của mình mà chúng ta trở thành kẻ trí, và chỉ bởi chúng ta không thể kiểm soát được tất cả các phiền não của mình mà chúng ta trở thành kẻ ngu đần. Quý vị có đồng ý như vậy không? Ai là kẻ trí? Ai là người ngu? Làm ơn chỉ ra ai là kẻ trí, đó là chính quý vị ở những thời điểm, những lúc mà quý vị có thể kiểm soát được những phiền não của mình. Nếu muốn chỉ ra người nào là người trí thì cũng không cần chỉ ra bên ngoài mà hãy chỉ chính bản thân mình, bởi vì chính quý vị có thể kiểm soát những phiền não và lúc đó quý vị là người trí.
Tương tự như vậy, nếu bạn muốn chỉ ai đó là kẻ ngu thì cũng không cần chỉ ra bên ngoài hãy chỉ chính bản thân mình vì có những lúc chính quý vị không thể kiểm soát được phiền não của mình và quý vị trở thành kẻ ngu. Và do vậy chính quý vị là kẻ trí cũng chính quý vị là người ngu. Do vậy chúng ta nên chỉ ai? Làm ơn đừng chỉ ai hết bởi vì không có ai là hoàn hảo cả. Chúng ta nên chỉ ai, nếu không thể chỉ được vì vậy xin đừng nói xấu về người khác. Đức Phật dạy rằng:
“Không nên nhìn lỗi của người khác, không nên nhìn những khuyết điểm của người khác, và hãy quan sát chính mình có hay không đã làm những điều xấu. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tiến bộ mỗi ngày trong cuộc sống này”. Đây là thái độ chúng ta cần tu tập cần phát triển để chúng ta có thể đối diện với giây phút cận tử.
Nếu chúng ta không thể tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình, những thái độ này phát sinh vào giây phút cận tử thì sẽ rất là nguy hiểm cho quý vị. Nếu quý vị muốn phát triển sự tha thứ đối với bản thân cũng như đối với người khác quý vị phải nhìn vào nguyên nhân thật sự của việc làm đó. Nếu chúng ta không nhìn thấy, chúng ta không thật sự chú ý đến cái nguyên nhân của việc làm sai đó chính chỉ là những phiền não mà thôi thì chúng ta không thể nào tha thứ cho chính mình và cho tha nhân.
Chỉ khi nào chúng ta nhìn vào nguyên nhân thực sự của việc làm sai trái thì chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác, nguyên nhân đó chính là sự sai sử của những phiền não. Quý vị có hiểu những điều này không? Do vậy mà tôi xin lặp lại cái đoạn tôi đã viết trong cuốn sách Myanmar:
“ Không phải bởi vì chúng ta được sinh làm người mà chúng ta trở thành người ngu hay kẻ trí. Mà chỉ bởi chúng ta có thể kiểm soát được tất cả các phiền não của mình mà chúng ta trở thành kẻ trí, và chỉ bởi chúng ta không thể kiểm soát được các phiền não của mình mà chúng ta trở thành kẻ ngu đần”. Do vậy quý vị nên viết lại câu này câu này một cách suôn sẻ trong tiếng việt nếu không quý vị sẽ quên mất. Vâng, đây chính là cách để sống và cũng là cách để chết. Người nào mà không hiểu được cách sống thì người đó cũng không hiểu cách chết như thế nào. Đây là những điều chúng ta cần phải phát triển trong cuộc đời của mình. Cho dù là quý vị đang hành thiền hoặc sống đời sống bên ngoài đây là điều chúng ta cần tu tập, cần phát triển trong cuộc đời của mình.
Có rất nhiều thiền sinh vì họ không thể tha thứ cho người khác cho nên trong tâm của họ sẽ khởi nên rất nhiều sự sân hận trong lúc hành thiền, chính những tâm này là một chứng ngại rất là lớn cho họ. Đó là lý do tại sao tôi muốn giải thích, muốn chia sẻ điều này để giúp cho quý vị có thể hiểu cũng như nhận biết để quý vị tiến bộ hơn trong việc hành thiền cũng như trong đời sống hàng ngày của quý vị. Cách chúng ta phản ứng đối với đối tượng chúng ta ưa thích và không ưa thích thì vô cùng quan trọng.
Vì vậy tôi muốn giải thích, trước khi giải thích tôi muốn hỏi quý vị một câu hỏi: “quý vị có biết tám pháp thế gian không? Được và mất, có danh tiếng và mất danh tiếng, khen & chê, hạnh phúc & đau khổ, đó là tám pháp thế gian, tám pháp thế gian này luôn theo đuổi chúng ta và chúng ta cũng luôn theo đuổi tám pháp thế gian này. Quý vị có đồng ý với điều này không? Cho dù quý vị có muốn hay là không muốn tám pháp thế gian này đang theo đuổi quý vị. Quý vị đang tìm kiếm điều gì? Quý vị đang theo đuổi tám pháp thế gian này, quý vị muốn những điều khả ý, và trước khi quý vị muốn những điều khả ý một cách thành công thì quý vị gặp những điều bất khả ý. Tám pháp thế gian này luôn đi theo cặp, nói một cách khác có cái này thì có cái kia, chúng không bao giờ riêng rẽ. Quý vị có hiểu không? 
Tám pháp thế gian này đuổi theo chúng ta, và chúng ta đuổi theo tám pháp thế gian này. Cho dù quý vị muốn hay là không muốn quý vị kinh nghiệm được cả hai. Khi quý vị đạt được những điều khả ý, quý vị cảm thấy như thế nào? Quý vị phản ứng như thế nào? Quý vị cảm thấy vui vẻ sung sướng. Khi quý vị trải nghiệm những điều bất khả ý khi đó quý vị phản ứng như thế nào? Cảm thấy buồn bã, thất vọng, không thoả mãn. Khi quý vị có được những điều khả quý vị cảm thấy hạnh phúc, tương tự như vậy khi quý vị trải nghiệm những điều bất khả ý quý vị cảm thấy buồn bã. Hai điều này là thiện hay bất thiện? Cả hai đều là bất thiện. Điều đầu tiên khi quý vị đạt được những điều mà quý vị ước muốn, quý vị cảm thấy vui vẻ khi đó trạng thái tâm của quý vị rất hạnh phúc nhưng đó là những trạng thái tâm bất thiện, và như vậy quý vị đang theo đuổi một trạng thái tâm hạnh phúc bất thiện. Quý vị có thấy không?
Tương tự như vậy khi quý vị không đạt được những điều quý vị muốn quý vị cảm thấy không vui vẻ và đây là trạng thái tâm bất thiện. Đây chính là cách chúng ta phản ứng với những điều bất khả ý và khả ý. Cả hai thuộc về những cảm xúc. Mọi người trên thế giới nghĩ gì khi họ nói: Ôi tôi đang rất là hạnh phúc, đây là một loại cảm xúc. Ví dụ như khi họ cảm thấy rất là buồn bã, không vui, đây cũng là một dạng cảm xúc, và đây là cách mà chúng ta phản ứng đối với tám pháp thế gian đó là: Được & mất, có danh tiếng & mất danh tiếng, khen & chê, hạnh phúc & đau khổ, bây giờ chúng ta cần phải phát triển cách mà chúng ta phản ứng, nếu quý vị muốn chuẩn bị cho cái chết quý vị cần phải phát triển cách quý vị phản ứng đối với điều khả ý và bất khả ý. 
Đối với tám pháp thế gian này tất cả chúng ta đều muốn những pháp khả ý và chúng ta không muốn những pháp bất khả ý nhưng ai có thể tránh khỏi những điều bất khả ý trong cuộc sống này? Không có ai cả ngay cả Đức Phật cũng không thể tránh khỏi điều này, ngài là bậc Toàn Giác, bậc hoàn hảo, ngài không làm gì có lỗi trong đời này, nhưng đó là những lỗi lầm ở kiếp quá khứ của ngài. Và khi mà quả của nghiệp chín mùi chúng ta sẽ gặp vô số những điều khả ý và bất khả ý trong cuộc đời. Chỉ có một điều quan trọng đó chính là thái độ sự phản ứng của chúng ta đối với những điều khả ý và bất khả ý này. Như vậy làm thế nào để phát triển cách mà chúng ta phản ứng đối với hai điều khả ý & bất khả ý. Chúng ta cần phát triển tâm xả đối với cả hai thái cực tốt & xấu. Đối với những điều khả ý và bất khả ý nó chỉ giống như là những người khách viếng thăm chúng ta mà thôi, nó đến nó thăm viếng quý vị nhưng nó sẽ không ở với quý vị lâu, nó đến và nó sẽ đi. Quý vị có hiểu không? Ví dụ như những điều khả ý nó sẽ đến với quý vị nhưng chỉ như khách viếng thăm thôi, nó chỉ ở với quý vị một thời gian thôi sau đó nó sẽ ra đi, nó không ở lâu với quý vị. Và ngay cả khi quý vị không muốn những điều bất khả ý nhưng mà chắc chắn rằng nó sẽ viếng thăm quý vị nhưng nó cũng sẽ không ở lâu với quý vị sau khi viếng thăm nó sẽ ra đi.
Bởi vậy khi quý vị kinh nghiệm những điều khả ý thì lúc đó xin quý vị hãy nhắc nhở hãy dạy bảo cái tâm của chính mình rằng: Ồ cái điều này rồi cũng sẽ trôi qua. Cũng vậy khi mà quý vị gặp phải những điều mà quý vị không muốn lúc đó xin quý vị cũng hãy nhắc nhở dạy bảo cái tâm của chính mình rằng: Ồ cái điều này rồi cũng sẽ trôi qua. Để nhắc nhở chúng ta không khởi nên tâm ngã mạn khi chúng ta được điều thành công chúng ta cũng lên dạy bảo nhắn nhủ với cái tâm của mình rằng: Ồ cái điều này rồi cũng qua nhanh. Cũng tương tự như vậy khi quý vị gặp những khó khăn và những điều không như ý muốn của mình thì quý vị cũng nên nhắn nhủ dạy bảo cái tâm của mình rằng: Ồ những điều này rồi cũng sẽ trôi qua, quý vị không nên cảm thấy bị căng thẳng bị đau khổ bởi những điều này. Chỉ có khi đó quý vị mới có thể phát triển được tâm xả, tâm quân bình đối với hai thái cực; Tốt & Xấu. Đây chính là trách nhiệm phận sự mà tất cả quý vị nên nhận lấy và huấn luyện cái tâm của mình mỗi ngày.
Bây giờ tôi sẽ giải thích cho quý vị như thế nào việc hành thiền sẽ giúp quý vị phát triển thái độ của quý vị khi quý vị phản ứng đối với hai vấn đề Tốt & Xấu, bất khả ý & khả ý. Tại sao việc thực hành thiền lại quan trọng đến như vậy? Nó sẽ giúp cho quý vị phát triển thái độ đúng đắn đối với hai thái cực khả ý & bất khả ý. Và khả năng đối với hai đối tượng khả ý & bất khả ý sẽ được tiến triển. Trước khi giải thích hãy để tôi hỏi quý vị một câu hỏi: Có phải là khi quý vị hành thiền quý vị kinh nghiệm trên cả hai đối tượng khả ý & bất khả ý? Ai là người có thể thành công trong việc thiền tập? đó là người mà có thể đối diện với hai điều này một cách không ngoan.
Khi quý vị hành thiền quý vị phải ngồi thời gian lâu. Khi quý vị cảm thấy đau quý vị muốn làm gì? Quý vị muốn trở về nhà phải không? Đây chính là ý nghĩ khởi lên trong tất cả chúng ta vào giai đoạn đầu tiên, đây là cách chúng ta phản ứng đối với những điều bất khả ý, khi đó quý vị đi gặp thiền sư báo cáo với thiền sư, và thiền sư cho những lời khuyên, làm sao đối đầu với nó, làm sao giải quyết nó, sau đó quý vị sẽ biết cách để vượt qua nó. Khi mà quý vị đã hiểu ra cách vượt qua chướng ngại thì khi đó khả năng của quý vị đã phát triển. Và khi quý vị hành thiền quý vị gặp phải những cảm giác khó chịu thì lúc đó quý vị đang thực hành phát triển “ tâm kham nhẫn” vì thực chất quý vị chẳng muốn chút nào thực hành tâm kham nhẫn. Do nhận được những lời khuyên của những người đã trải qua những kinh nghiệm giống như vậy cho nên quý vị có xu hướng tiếp tục thực hành tiếp tục tu tập trong kham nhẫn, lúc đó cách quý vị phản ứng với những điều bất khả ý đã thay đổi và sau đó quý vị có thể tập trung tốt hơn, quý vị cảm nhận những cảm thọ rất là tốt, quý vị cảm thấy an bình, an lạc, lắng dịu, quý vị thưởng thức nó, và nó trở thành chướng ngại, bởi vì quý vị thưởng thức những sự khả ý này nên quý vị không thể tiến xa thêm nữa.
Trong suốt thời gian tôi dạy thiền cho quý vị tôi luôn luôn phải nhắc quý vị là: “Đừng thưởng thức những điều khả ý này” Tôi đã nói như vậy phải không? Tôi có nói hay không? Vâng, bởi vì quý vị cần phát triển tâm quân bình đối với điều khả ý cũng như bất khả ý. Nếu quý vị thưởng thức nó, những cảm thọ an lạc, những cảm thọ sung sướng nó sẽ trở thành một chướng ngại cho quý vị, nếu quý vị không thích những cảm thọ khó chịu thì nó cũng là một trở ngại cho quý vị trong việc thực hành thiền. Những triền cái là những chướng ngại cho quý vị. Vì vậy những hành giả thành công là những người có khả năng phát triển tâm quân bình đối với những điều khả ý và bất khả ý trong suốt hành trình tu tập thiền của họ. Thậm chí đối với những thiền sinh mà đã đắc vào sơ thiền chúng tôi cũng phải luôn luôn nhắc nhở họ về điều này. Vì họ đã đạt được sơ thiền thì trên thực tế 5 ngũ căn của họ đã rất quân bình nhưng đối với sơ thiền “ Hỷ” rất là mạnh thành ra thỉnh thoảng họ thưởng thức cái hỷ đó. Nếu họ thưởng thức cái hỷ lạc đó tâm của họ bắt đầu dao động và họ rớt khỏi sơ thiền, ra khỏi an chỉ định. Do vậy họ cần phải không để ý đến cảm giác hỷ lạc này. Cái tâm hỷ không phải là nguyên nhân mà chỉ là kết quả, đối tượng ở đây chính là Nimita (Định Tướng) và tất cả quý vị cần phát triển tâm quân bình đối với cả hai thái cực; khả ý (thích) & bất khả ý (không thích). Nên tập trung vào đối tượng nào chúng ta nên tập trung, chỉ khi đó chúng ta mới có một cái thiện xảo để chúng ta có thể tiếp tục duy trì tập trung trên đối tượng mà chúng ta cần phải tập trung.
Ở đây tôi muốn quý vị quán chiếu lại đối với cách mà chúng ta phản ứng đối với những điều khả ý & bất khả ý. Khi chúng ta đạt được những điều chúng ta muốn chúng ta phản ứng một cách vui vẻ. Khi chúng ta gặp phải những khó khăn chúng ta phản ứng một cách không vui vẻ. Quý vị hãy quán chiếu lại trong cuộc sống khi gặp phải những điều bất khả ý thì có lúc nào không chúng ta ở được với cái tâm an lạc, có không? Không có nhiều người sống được với tâm an lạc khi gặp điều bất khả ý. Chính vì lý do này hôm nay tôi muốn giải thích cho quý vị làm sao để phát triển “ Chánh Tri Kiến” để giữ được tâm an lạc. Hầu hết chúng ta khi gặp phải những điều bất khả ý thì chúng ta có cái tâm lo lắng bất an buồn bã đau khổ không có thỏa mãn và đây chính là cái cách chúng ta phản ứng đối với những điều bất khả ý và nó giống như một thói quen ký sinh với quý vị, nó cộng trú với quý vị. Một ngày nào đó quý vị sẽ gặp phải một pháp thế gian lớn nhất, quý vị có biết tôi đang đề cập đến điều gì không? Đó chính là cái “chết’, quý vị có muốn chết không? Quý vị có thích chết không? Nó có phải là điều bất khả ý không? Quý vị sẽ phản ứng với cái chết như thế nào đây? Chúng ta phản ứng với cái tâm không vui vẻ, tâm đau khổ, buồn bã, cái tâm bất mãn. Điều gì sẽ xảy ra nếu quý vị phản ứng với cái chết bằng những cái tâm này? Lúc đó quý vị có thể ở trên móng tay của đức Phật không? Và do vậy từ ngày hôm nay trở đi chúng ta hãy bắt đầu tu tập huấn luyện cái tâm của mình đối với hai thái cực tốt & xấu, khả ý & bất khả ý bằng một cái tâm an bình. Ai là người có thể chấp nhận cả điều tốt & xấu với cái tâm an bình? Ai là người có thể đối diện và giải quyết những điều khả ý & bất khả ý với một cái tâm an bình đó là người có thể phát triển được “ NGHỆ THUẬT CHẤP NHẬN”.
Hôm nay quý vị nghe một từ hoàn toàn mới: “nghệ thuật chấp nhận”, chấp nhận đó là một nghệ thuật, quý vị không muốn chấp nhận những điều bất khả ý và quý vị cũng không biết cách làm như thế nào để chấp nhận những điều bất khả ý. Nào, bây giờ chúng ta hãy chánh niệm, tôi không muốn nói rằng quý vị không muốn chấp nhận cái điều bất khả ý nhưng mà tôi muốn nói rằng: “ Quý vị không biết cách nào để chấp nhận những điều bất khả ý. Tôi xin nhắc lại: quý vị không muốn chấp nhận những điều bất khả ý và quý vị cũng không biết cách để chấp nhận những điều bất khả ý, vì vậy quý vị cần phải phát triển tu tập “nghệ thuật chấp nhận”.
Không có điều gì xảy ra mà không có nguyên nhân của nó, để có thể phát triển được nghệ thuật của sự chấp nhận chúng ta cần quán chiếu một cách sâu sắc sự vận hành của nghiệp, nghiệp và quả của nghiệp, khi chúng ta nhìn thấy những người thành công cảm giác của chúng ta là như thế nào? Ghen tị, đó chính bởi vì chúng ta không có được sự quán chiếu xâu xa về nghiệp và quả của nghiệp. Chẳng có điều gì xảy ra mà không có nguyên nhân của nó, nếu mà không có nguyên nhân thì sẽ không có người thành công, khi có một điều gì xảy ra thì nó có hai nguyên nhân: một là nguyên nhân từ quá khứ, và một là nguyên nhân ở hiện tại. Theo lời dạy của Đức Phật, khi chúng ta nhìn vào một kết quả cụ thể nào đó thì nó có hai nguyên nhân, một nguyên nhân chính ở trong quá khứ và một nguyên nhân hỗ trợ ở trong đời sống hiện tại. Chẳng ai là không muốn trở thành những người giầu có, hầu như tất cả chúng ta đều muốn trở thành người giầu có nhưng mà tất cả mọi người đều có thể đạt được ước nguyện đó không?
Không, Ngay cả chúng ta sống cùng thời với nhau, chúng ta được học tập, được giáo dục, được kiếm sống như nhau nhưng mà giữa bạn bè, người thân của chúng ta chỉ có một số rất ít trở thành những người giầu có. Giả sử như chúng ta đều xuất phát cùng một thời điểm trên con đường đi đến thành công, chúng ta rất nỗ lực, và một người khác họ cũng rất là nỗ lực, chúng ta thậm chí còn nỗ lực hơn rất nhiều so với họ nhưng chúng ta không thể thành công để trở thành người giầu có, nhưng họ lại trở thành người giầu có còn chúng ta thì không. Bởi vì chúng ta muốn trở thành những người giầu có vì vậy chúng ta cố gắng thử lại một lần nữa, một lần nữa, một lần nữa, nhưng kết quả vẫn không thể trở thành người giầu có. Lý do là tại sao? Bởi vì những người giầu có họ đã tích luỹ rất nhiều những nhân thiện nghiệp liên quan đến “Bố Thí” trong những kiếp sống quá khứ của mình. Bởi vì những thiện nghiệp của họ trong quá khứ nó là nguyên nhân chính và gặp sự hỗ trợ trong đời này đã cho ra quả của nó, và người kia trở thành người rất giầu có.
Do vậy mà mỗi khi chúng ta nghe, chúng ta thấy, chúng ta gặp những người nào thành công trong cuộc đời này chúng ta hãy nên lập tức quán chiếu về nghiệp và quả của nghiệp. Chẳng có điều gì xảy ra mà không có nguyên nhân của nó cả, vào lúc đó xin hãy hoan hỉ tuỳ hỉ với sự thành công của người đó, đây là cách mà tất cả chúng ta nên tu tập. Đấy quý vị thấy không chúng ta cũng không biết cách chấp nhận những điều khả ý cũng như những điều bất khả ý.
Không có gì xảy ra mà không có nguyên nhân của nó nếu những đối tượng bất khả ý xảy đến với chúng ta thì hẳn nó phải có nguyên nhân trong quá khứ. Bằng cách này nếu chúng ta quán chiếu một cách sâu xa chúng ta có thể phát triển nghệ thuật của sự chấp nhận. Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra cho dù tốt cho dù xấu chúng ta cũng nên phát triển nghệ thuật của sự chấp nhận. Chấp nhận ở đây mà không tham gia vào nó. Quý vị có hiểu không? Tức là chấp nhận mà không dự phần vào nó, chấp nhận sự thật như nó đang là, quý vị có hiểu không? Tất cả chúng ta cần huấn luyện tu tập để chấp nhận mà không tham gia dự phần vào nó. Chấp nhận như nó là đừng có tham gia vào nó một cách không khôn ngoan, nhưng ngược lại quý vị có thể tham gia dự phần vào nó một cách khôn ngoan, quý vị có hiểu không?
Khi quý vị hành thiền quý vị phát triển tâm quân bình tâm xả đối với cả hai đối tượng khả ý & bất khả ý bằng cách chấp nhận nó như nó là mà không tham gia không dự phần vào nó. Nếu quý vị thực tập cho đến hết cuộc đời còn lại của quý vị tập trung vào hơi thở, quý vị sẽ biết làm như thế nào để phát triển sự kham nhẫn, làm như thế nào để phát triển tâm quân bình đối sự hai thái cực tốt và xấu, đó là những thói quen tốt sẽ đồng hành với quý vị cho đến giây phút mà quý vị chết, và khi chết cho dù quý vị kinh nghiệm sự đau khổ cùng cực quý vị cũng sẽ phát triển được tâm kham nhẫn, tâm quân bình, tâm xả khi đó quý vị đối mặt với giây phút cuối cùng của đời mình với một cái tâm an bình. Điều này chỉ dành cho những người mà không thể phát triển định tâm sâu mà đối tượng quan sát chỉ là hơi thở mà thôi. Đối với những người có thể phát triển định tâm sâu hơn, định mạnh hơn thì sự lợi lạc nó sẽ lớn như thế nào. Sự lợi lạc lớn như thế nào thông qua sự tu tập huấn luyện tâm. Tôi sẽ giải thích cho quý vị cái sự vi diệu to lớn, cái sự vi diệu tuyệt vời cái lợi lạc tuyệt vời trong việc quý vị có thể phát triển định tâm một cách sâu sắc hơn trong buổi pháp thoại tiếp theo.
Lành thay – Lành thay – Lành thay

(Pháp thoại “Nghệ thuật chấp nhận” do thiền sư Revata giảng tại khoá thiền Tứ Niệm Xứ Pa Auk – Đà Lạt 13/11/2014, Helen Nguyen nghe lại từ file ghi âm & đánh máy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét