Tôn Giáo Hoàn Hảo

Hồi còn đang là một thiếu niên, có một lần tôi được chị tôi đưa đến chùa giới thiệu với một vị hoà thượng để xin quy y với ngài. Vị đại sư này tuổi ngoài lục tuần, tiếng tăm về đạo hạnh rất lớn. Tôi theo chị tôi vào làm lễ và quỳ trước mặt ngài ở hậu điện. Phong thái trang nghiêm, ngài ngồi trên sập và bắt đầu cuộc gặp gỡ bằng một câu thuyết giáo:
– Các con phải biết rằng Phật giáo là tôn giáo hoàn hảo, tốt nhất so với những tôn giáo khác..
Ngài vừa nói ngang đấy thì tôi đã vội lên tiếng ngắt lời:
– Bạch hòa thượng, con không đồng ý như thế vì theo con nghĩ, tôn giáo nào cũng đều tốt cả, chỉ vì…
Tôi chưa dứt câu thì đã nhìn thấy bà chị tôi trừng mắt nhìn tôi giận dữ. Vị đại sư ngồi yên, không nói thêm một lời nhìn chị tôi lúng túng dẫn tôi ra ngoài. Nhưng rồi chị tôi cũng không rầy la tôi nhiều, có lẽ chị nghĩ là tôi còn trẻ người non dạ, tính khí bồng bột, cũng chưa nên quy y vội. Riêng tôi, dù vị đại sư kia đạo hạnh rất lớn, tôi vẫn không bỏ được thành kiến với các vị tu sĩ, nói chung, nên khi nghe hòa thượng vừa mở lời, tôi đã thấy không đồng ý rồi. Tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng dĩ nhiên những người theo tôn giáo nào thì luôn luôn cho rằng tôn giáo của họ là tốt nhất. Nhưng thế sao Phật giáo lại ít tín đồ hơn Công giáo, Hồi giáo… Tôn giáo nào lại chẳng có mục đích dẫn con người đến chỗ toàn thiện?
Suốt một thời gian dài đến mấy mươi năm sau, vì phải vật vã với cuộc sống, tôi cũng ít thì giờ để bận bịu với những vấn đề về tôn giáo, dù căn bản, tôi là một Phật tử, thỉnh thoảng cũng đi chùa hay cũng đi nghe giảng kinh, cũng thường đọc sách về Phật giáo, nhưng vẫn chưa bao giờ quan tâm đến việc tìm hiểu về giáo lý. Cũng dễ hiểu vì tôi vẫn chưa thấy cần đến tôn giáo. Tôi chưa hề nghĩ ra là tôn giáo có thể giúp cho mình được gì, và nói đúng hơn là tôi thấy chưa cần thiết phải tìm đến một nơi nương tựa cho tâm hồn. Đời sống tục lụy đã làm tôi bận rộn không ngừng với công việc làm ăn và chưa có dịp nghĩ đến những điều đó.
Khi còn trẻ, nghe tin một người thân lớn tuổi qua đời, dù có đôi chút đau buồn, cũng không thấy cái chết liên hệ đến mình nhiều. Ngay cả nghe một người bạn cùng tuổi ra đi một cách bất ngờ, cũng chỉ biết là tai nạn hay một cơn bạo bệnh đã cướp mất anh ta đi mà thôi. Tôi vẫn chưa có thì giờ để suy nghĩ nhiều về bốn chữ Sinh Lão Bệnh Tử hay cái lẽ Vô thường của cuộc đời mà chỉ biết lao đầu vào hơn thua với cuộc sống.
Mãi cho đến khi ngoài sáu mươi, ở tuổi về hưu, tôi chẳng có công việc gì nhiều để bận rộn, phần nhiều thì giờ chỉ dành để vui chơi với người thân và bạn bè. Nhưng chính ở cái tuổi rảnh rang này người ta mới thường suy nghĩ về cuộc sống thực tại. Con cháu càng lớn, mới thấy mình càng mau già và dù không sợ chết thì cũng phần nào sợ không đủ thời gian gần gũi với chúng nó. Bây giờ mỗi lần nghe tin một người bạn cùng thời ra đi, mới cảm thấy có điều gì đó không ổn. Hình như nó gần mình quá. Lúc đó mới tự hỏi không biết chừng nào mới đến lượt mình. Tới lúc đó mới nghĩ đến, mới cần đến một sự yên tĩnh để an trú trong thực tại. Và con đường tìm đến sự an trú ấy, bây giờ mới thấy ra chỉ bản thân mình mới có thể tìm được mà thôi vì tôi vốn không tin vào một đấng thần linh nào có thể giúp mình điều đó. Cho đến bây giờ tôi mới có thì giờ để tìm hiểu về tôn giáo, nhất là cái chân lý của sự giải thoát mà Đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước đã tìm ra, dẫn dắt cho chúng sinh theo chân Ngài để tự tìm con đường giải thoát khỏi những đau khổ trầm luân của sinh tử luân hồi.
Ngoại trừ Phật giáo, tôn giáo nào cũng có một đấng tối cao, có đủ quyền năng của một vị thần linh để đưa tín đồ đến sự cứu rỗi. Nhưng có thật như thế không. Một đấng quyền năng như Thượng đế có đủ thẩm quyền để tha thứ những tội ác của tín đồ phạm phải không? Con người sống trong cuộc đời trải qua biết bao nhiêu nỗi khổ và có thực là ngài có thể giải quyết những nỗi khổ của con người không? Ngài thực có thể đưa con chiên của ngài lên thiên đàng sau khi họ chết không? Và nếu Thượng đế có quyền năng như thế thì Chúa có giúp đỡ hoặc trừng phạt những người không theo chân ngài không? Có nhiều tôn giáo độc thần đòi hỏi tín đồ phải hoàn toàn tuân phục mọi ý chỉ của các đấng sáng tạo được giải thích bởi các thánh tông đồ, liệt tất cả những ai không tuân phục ý chỉ đó đều là kẻ ngoại đạo và đôi khi không chấp nhận người ngoại đạo. Tóm lại, muốn là một tín đồ của những tôn giáo đó thì phải tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của một đấng chúa trời để có thể giao phó cả cuộc đời mình cho vị đó.
Nếu vậy thì mục đích của một người khi gia nhập một tôn giáo – không phải là Phật giáo – là chỉ để được một đấng quyền năng nào ban ơn, xóa tôi và cho lên thiên đường mà thôi. Một tín đồ tôn giáo tin tưởng vào quyền năng tuyệt đối của đấng Tối cao theo giáo lý của tôn giáo mình, khi họ phạm vào một trọng tội, chỉ cần xin đấng Tối cao đó tha tội là xong ngay. Nhưng bản thân người đó, trong thâm tâm, có thực sự yên ổn sau khi được tha tội không? Một tín đồ cuồng tín mang bom vào người để cùng chết với những người vô tội bị sát hại, có chắc là họ được lên thiên đàng không? Và nếu những tín đồ phạm tội giết người đều được đấng Tối cao cho lên thiên đàng, thì ở trên đó, có đúng là thiên đàng thực không? Một số tôn giáo lấy chiêu bài “Thiên Đàng” để thu hút tín đồ. Con người vốn yếu đuối nên thường tin vào những quyền năng có thể giải thoát cho họ.
Riêng Phật giáo không có một đấng quyền năng tối thượng nào cả. Đức Phật chỉ là người dẫn đường cho chúng sanh đi theo bước chân của Ngài để tìm con đường giải thoát. Việc giải thoát là việc của chính bản thân mỗi người. Vì thế Phật giáo không bao giờ hứa hẹn với Phật tử một điều gì cho tương lai. Phật giáo chủ trương làm điều lành, tránh điều ác và bản thân mỗi con người đều phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm… để cuối cùng có thể tìm thấy được sự an lạc chính trong bản thân mình.
Nếu vậy thì so với các tôn giáo khác, Phật giáo không có một điều kiện nào để sinh ra bạo lực. Có thể nói Phật giáo là một tôn giáo từ bi, là một tôn giáo tốt nhất so với những tôn giáo khác.
Mới đây, trong cuộc trò chuyện với một vị giáo sư rất uyên thâm Phật giáo, tôi vui miệng kể lại với anh ấy chuyện ngày xưa đã u mê từ chối quy y với một vị đại sư như đã kể trên. Vị giáo sư này cười: “Tôi thấy vị đại sư này nói quá sức là đúng, vì từ khá lâu, tôi đã thấy được chân lý đó, nghĩa là không có một tôn giáo nào tốt hơn đạo Phật được”.
Dĩ nhiên là bây giờ thì tôi đã đồng ý hoàn toàn với vị giáo sư này rồi, nhất là từ khi tìm được một vị sư phụ đã khai thị cho tôi nhiều hiểu biết về giáo lý của Đức Phật. Tôi nghĩ, nếu có một tôn giáo có thể giúp cho con người tìm thấy sự an lạc trong đời sống mong manh này thì chỉ có đạo Phật. Nếu có một tôn giáo có thể giúp cho con người tìm được những giải pháp để giải quyết những vấn đề tinh thần trong cuộc sống tục lụy này thì chỉ có Phật giáo. Đức Phật là một con người bình thường mà siêu việt. Đạo Phật là đạo của từ bi. Đạo Phật chủ trương tránh việc sát sanh và không một ai có quyền tha thứ một Phật tử có tội ngoài sự hối cải và hành thiện của chính bản thân người đó. Đạo Phật là đạo của giải thoát. Giải thoát khỏi những vướng bận về hình tướng bên ngoài để có thể tâm an bên trong. Tôi không nói đến chuyện nghiên cứu kinh sách để tìm hiểu Phật giáo mà chỉ nói đến những điều đơn giản nhất để một người Phật tử ít hiểu biết về kinh sách cũng có thể ngộ được lẽ huyền bí của Phật giáo, như chỉ cần hiểu cho trọn một chữ Không, một chữ Ngã để có thể tìm đến sự an lạc thân tâm. Chỉ cần hiểu cho được sự liên hệ giũa hai chữ Từ bi và Trí tuệ thì có thể thấy được sự đơn giản của cuộc sống.
Con người sinh ra, vốn chẳng ai không sợ chết. Nếu tin vào lời dạy của Đức Phật thì sẽ làm điều thiện tránh điều ác để khi nhắm mắt thân tâm được an lạc, chưa cần nói đến chuyện nghiệp báo luân hồi. Nhưng chẳng phải ai cũng làm được điều đó, vì thực tâm, nhiều người không phải sợ chết rồi có thể bị đày xuống địa ngục vì mình đã làm điều xấu, mà người ta sợ chết vì chết là hết. Chết là không còn sống để hưởng thụ những điều mình đang có. Người giàu có thì tiếc nuối những tiện nghi giàu sang của họ. Người nghèo khó thì tiếc nuối những liên hệ tình cảm máu mủ của mình.
Hiểu được những lời dạy của Đức Phật thì sẽ hiểu rõ cái vô thường của cuộc đời và dù có tiếc nuối, cũng biết là không thể nào tránh được để thấy ít nhất là được an lòng khi phải ra đi mà thôi.
Mãi đến lúc này, tôi mới nhận thức được Phật giáo là một tôn giáo hoàn hảo, vì Đức Phật là một người hoàn hảo, một trí tuệ siêu việt.
Một học giả Đức đã phát biểu như sau: “Đức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài…”.
Đức Phật là người đã giúp con người có thể giải thoát khỏi mọi phiền não. Đạo Phật là một tôn giáo hoàn hảo. Càng ngày, những triết gia, khoa học gia… trên thế giới đều nhìn nhận điều đó. Albert Einstein cũng đã từng nói về Phật giáo và theo ông, đó là một tôn giáo hoàn hảo nhất so với những tôn giáo khác, và câu nói hay nhất của nhà khoa học thiên tài này là: “Tôi là một người không có tôn giáo. Nhưng nếu có tôn giáo thì tôi phải là một Phật tử, vì những gì tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua Đức Phật đã nói hết rồi”. ■„

Hoàng Tá Thích

Văn Hoá Phật Giáo số 198

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét