Lễ Phật

Phật không ở ngoài ta, Phật ở trong ta.
Khi vào chùa, ta chắp tay lạy Phật. Ta thấy có người lạy (tức là ta) và người được lạy (tức là Phật) đang ngồi trên bàn thờ. Có hai cái rõ ràng đứng ngoài nhau: ta ở đây và Phật ở trên bàn thờ, hai người hoàn toàn khác nhau. Đó là trật tự ngoại nhiếp. Ta ở ngoài Phật và Phật ở ngoài ta. Nhưng nếu quán chiếu thì ta thấy Phật trong ta và ta ở trong Phật.

Trong kinh Mười nguyện Phổ Hiền ta có thể quán chiếu được có ta trong Phật, ở đâu có Phật là có ta.
Trước khi lạy xuống, ta phải quán chiếu theo giáo lý Hoa Nghiêm, có nghĩa là phải thấy Phật ở trong ta chứ không phải Phật ngồi trên bàn thờ: "Bạch Đức Thế Tôn, con quán chiếu rằng, Ngài không phải ở ngoài con, Ngài ở trong con và con có thể tiếp xúc được với Ngài ngay ở trong con.
Ở đâu có con là ở đó có Ngài, ở đâu có Ngài là ở đó có con." Thấy được thì mới nên lạy xuống. Người lạy và người được lạy không phải là hai thực thể riêng biệt. Như vậy, ta mới tiếp xúc được với Phật thật. Nếu không, ta chỉ tiếp xúc được với cái tượng Phật mà thôi.
Lạy Phật không phải là một sự cầu nguyện, một sự cầu xin hay một hành động tín mộ, mà là một sự quán chiếu.

" Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì "

Thực tập cho sâu sắc, cái lạy sẽ trở thành phương pháp thiền quán để quán chiếu sự tiếp xúc với Phật trong tự thân chứ không phải là sự cầu xin, tín mộ nữa. Ta thấy được sự tương tức giữa ta và Phật .
Ta không có mặc cảm ta là con số không, ta chỉ là khổ đau, còn Phật là tất cả. Có như vậy thì sự thực tập mới thành công, ta không còn mặc cảm thua sút, đau khổ nữa...

T.S Nhất Hạnh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét