NGANG BẰNG VỚI PHẠM THIÊN (Sabrahmakasutta)

Có một chuyện chúng ta phải lưu ý là trong bản Pāḷi, chữ ‘Sabrahmaka’ có nghĩa là ‘có’ nhưng trong bản tiếng Việt được dịch là ‘ngang bằng’. Bản kinh tiếng Việt: “Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận [ngang bằng] với Phạm Thiên”. Xin thưa rằng trong bản Pāḷi thì chữ này nghĩa khác “Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. ‘Có’ Phạm thiên chứ làm sao ‘ngang bằng’ được.
Cha mẹ được gọi là Phạm thiên đối với con cái, cha mẹ là những vị thầy đầu tiên của con cái cho nên gia đình nào mà cha mẹ được con cái thương quý, chăm sóc phụng dưỡng thì những gia đình đó được xem là gia đình có Phạm thiên. Còn những gia đình nào con cái bất hiếu, coi rẻ, coi nhẹ cha mẹ thì không kể là gia đình có Phạm thiên. Gia đình nào con cái hiếu thảo thì coi như là có sự hiện diện của Phạm thiên ở trong nhà. Cha mẹ trước sau gì cũng vậy thôi, nhưng nếu con cái không có hiếu thì coi như không có Phạm thiên. Vì sao cha mẹ là Phạm thiên của con cái? Trong kinh ghi, một người mà muốn sanh về các cõi Phạm thiên chuyện đầu tiên tối thiểu là người này phải đắc Sơ thiền.
Có vô lượng thế giới nhưng trong mỗi một thế giới có nhiều cõi và được chia làm 3 tầng: 1.Dục giới, 2.Sắc giới và 3.Vô sắc giới. Chúng sinh ở tầng 1 Dục Giới còn đam mê trong năm dục (sắc thinh, khí, vị, xúc). Chúng sinh ở tầng 2 Sắc Giới chán năm dục không còn đam mê trong năm dục. Tầng Sắc giới gồm nhiều cõi, tương ứng với các tầng thiền, ví dụ như Cõi Sơ thiền cho người đắc Sơ thiền, Cõi Nhị thiền cho người đắc Nhị thiền, Cõi Tứ thiền cho người đắc Tứ thiền, Cõi Vô sắc cho người đắc thiền Vô sắc. Muốn sanh về cõi Phạm thiên thấp nhất là chuyện đầu tiên căn bản là phải chấm dứt (dĩ nhiên tạm thời thôi) năm triền cái (tham dục, sân hận, hôn thụy, trạo hối và hoài nghi). Bỏ được 5 triền cái thì mới đắc Sơ thiền và sanh về Cõi Phạm thiên.
Chỉ có thánh nhân mới dứt hẳn Dục ái và Sân nhưng phàm phu chúng sinh muốn sanh về cõi Phạm thiên thì chuyện đầu tiên là phải dứt hẳn Dục ái và Sân. Điều này rất quan trọng bởi đây là hai thứ phiền não gốc tạo ra bao nhiêu là thứ rắc rối trong cuộc đời này. Do có Dục ái nên mới có tình cảm nam nữ. Do có Dục ái người ta mới ham danh ham lợi. Do có Sân người ta mới ganh tị, bỏn xẻn, oán thù. Hãy tưởng tượng khi không còn tình cảm nam nữ, không còn ham danh ham lợi, không còn ham tích lũy tài sản, không còn ham hưởng thụ thì thế giới này nhẹ hết bao nhiêu phần trăm rồi. Rồi tiếp theo là không còn sợ hãi, ganh tị, ghen tuông, giận hờn, bủn xỉn, bón rít thì nhẹ hơn bao nhiêu nữa. Vì vậy không cần kể hết 5 triền cái mà chỉ kể 2 cái (dục ái và sân) này thì đã thấy Phạm thiên an lạc cỡ nào. Do không còn dục ái nên không còn ham danh ham lợi, không còn bị dây dưa trong thị phi, không tích lũy tài sản. Do không còn sân nên không còn hờn giận oán thù, ghen tuông, bủn xỉn. Và chính vì không còn tình cảm nam nữ nên người đắc thiền đối với chúng sanh không có tình riêng như người còn hưởng dục. Tình cảm của họ không còn dựa vào “Ông này là bà con của tôi”, “ông này là chồng của tôi”, “ông này là cha, là anh, là chú, là cậu của tôi”, “đây là vợ tôi”, “đây là mẹ tôi”, “đây là em gái , chị gái của tôi”… mà chỉ còn tình cảm xuất phát từ Tứ vô lượng tâm. Chính vì vậy mà tầng Phạm thiên thấp nhất là tầng Sơ thiền, những vị ở đây nhìn chúng sanh bằng một tình thương cực kỳ trong sáng và tuyệt đối không có một chút riêng tư. Cho nên hễ nói đến Phạm thiên là phải nói đến từ - bi- hỷ- xả, và phải hiểu tại sao Phạm thiên luôn đối với chúng sanh bằng từ - bi- hỷ- xả. Anh muốn có từ - bi- hỷ- xả với tôi thì chuyện đầu tiên là anh không có tình cảm riêng tư, không còn thương kiểu tình riêng, kiểu nam nữ và cũng không còn ghét, giận gì hết. Không còn Dục ái và Sân thì mới có được cái từ - bi- hỷ- xả đối với chúng sanh. Đây là chìa khóa cực kỳ quan trọng. Muốn có từ - bi- hỷ- xả thì phải vắng mặt Dục ái và Sân. Đây là lý do tại sao một vị A-na-hàm dầu chưa từng tu thiền Samatha lần nào hết, chưa từng đắc tầng thiền nào hết mà khi đã đắc A-na-hàm rồi thì không còn cách nào quay trở lại tái sanh ở trong cõi Dục nữa, vì vị ấy không còn Dục ái và Sân. Trong khi đó những chúng sanh các tầng khác hễ không đắc thiền thì bắt buộc phải sanh về cõi Dục. Riêng tầng A-na-hàm do đã chấm dứt Dục ái và Sân nên dầu không đắc tầng thiền nào đi nữa, đến lúc tắt thở tự nhiên cũng có Sơ thiền để sanh về cõi Sơ thiền rồi từ đó tính tiếp. Nhưng dứt khoát người đã đắc A-na-hàm rồi thì không có cách chi sanh trở lại cõi Dục. Cho nên mới có tên gọi là A-na-hàm, tiếng Phạn gọi là Anāgāmi có nghĩa là bất lai (không thể quay lui), không thể trở lại cõi Dục.
Sở dĩ cha mẹ được gọi là Phạm thiên của con là bởi vì cha mẹ thường nghĩ về con bằng từ - bi- hỷ- xả.
Từ: mong cho người ta có nhân lành, quả lành. Mong cho người ta có nhân lành tức là mong cho người biết sống thiện, biết làm lành lánh dữ; mong cho người ta có quả lành là mong cho người được vui được sướng thân, sướng tâm.
Bi: mong cho người khác đừng có nhân xấu, quả xấu. Bi là lòng trắc ẩn, là sự rung động của mình khi thấy người ta gieo nhân xấu, gặt quả xấu, mong cho người ta đừng như vậy nữa.
Hỷ: vui theo nhân lành, quả lành của người. Hỷ là vui theo với nhân lành quả lành của người ta. Vui với nhân lành của người là vui khi thấy người biết bố thí, trì giới, thiền định, học hỏi, có niệm, có trí, có tuệ. Vui với quả lành là vui khi thấy người ta đẹp, người ta giàu, người ta sung sướng vui vẻ.
Xả: luôn luôn sống trong nhận thức rằng mong thì mong vậy nhưng mỗi người có nghiệp riêng.
Ngay cả chư Phật, chư thánh ba đời mười phương, vị nào cũng đối với chúng sinh bằng từ - bi- hỷ- xả nhưng thế giới vẫn khổ như điên vì dầu cho các ngài có mong thế nào đi nữa thì chúng sinh mỗi người có nghiệp riêng. Người hiền thánh thì tiếp tục hiền thánh, kẻ phàm phu thì tiếp tục phàm phu. Người hiền lành thì tiếp tục hiền lành, kẻ hung dữ thì tiếp tục hung dữ, kẻ đau khổ thì tiếp tục đau khổ. Giống như cha mẹ đối với con cái, cha mẹ nào cũng kỳ vọng hoài bão về con cái, nhưng dệt mộng là phần của cha mẹ còn con cái có được hay không là chuyện của chúng. Bởi vì mỗi đứa có nghiệp riêng. Khổ một chỗ, nếu không biết đạo thì cha mẹ chỉ có từ, có bi, có hỷ chứ còn xả thì trớt quớt vì xả chỉ có ở người biết chuyện. Chỉ người biết chuyện mới hiểu được điều thứ tư (xả) này. Cha mẹ mong cho con cái có được nhân lành quả lành, mong chúng đừng có nhân xấu quả xấu, nhưng nếu chúng tiếp tục tạo nhân xấu, tiếp tục chịu quả xấu thì cha mẹ cũng đành chịu vì con cái có nghiệp riêng.
Khi có được từ, có bi, có hỷ thì tự nhiên có xả. Khi có từ, có bi, có hỷ với chúng sinh thì sự bình thản của mình đối với chúng sanh mới gọi là xả vô lượng tâm. Còn như xưa giờ mình chưa từng có từ, bi, hỷ đối với đối tượng đó, bây giờ mình có hờ hững, lãnh đạm, thì thái độ bình thản đó không phải là xả mà đó là sự vô tâm lạnh lùng, là máu lạnh. Ngày xưa có một cô Phật tử (giờ đi tu rồi) cổ hỏi tôi một chuyện mà tôi hỡi ôi, dầu cổ rất thật lòng. Cổ hỏi: Ngày chưa biết đạo, chưa học A-tỳ-đàm thấy ai mà bị khổ (như là té xe ngoài đường) là con nhào tới giúp này giúp nọ. Tới lúc con biết đạo ba mớ con thấy ai khổ con nghĩ mỗi người có nghiệp riêng thì lòng con lạnh ngắt. Như vậy có phải là xả không? Tôi nhớ tôi có trả lời cổ bằng một câu hỏi: Trước khi cô lạnh ngắt với người ta như vậy cô có từng từ, bi, hỷ với người ta không? Nếu đối với đối tượng đó mà mình chưa từng có từ, bi, hỷ mà bây giờ mình lạnh ngắt thì đó là vô cảm là máu lạnh chứ không phải là Xả vô lượng tâm. Xả vô lượng tâm là đối với người đó mình sẵn sàng có từ, có bi, có hỷ. Nhưng bây giờ trước hoàn cảnh này không thể làm gì hơn nữa, mà mình vẫn bình thản đó mới gọi là ‘xả’. Học đạo phải học cho kỹ để tránh hiểu lầm ngộ nhận. Tôi thường nói, ớn nhất là tu theo kiểu lượm ve chai, nghe cái gì hay thì gom vô. Chính vì tu cái kiểu này mà nhiều khi không đắc thì tưởng đắc, không phải thiện pháp mà tưởng là thiện pháp. Thà là mình dành thời giờ để thấy tâm sân là tâm sân hay hơn là mình tưởng lầm ái là tâm từ, sự vô cảm là tâm xả, xu phụ nịnh bợ là tâm hỷ là chết. Tôi không phải là thiền sư, nhưng nếu ai đến tu thiền chung với tôi thì tôi sẽ đề nghị họ một pháp môn rất lạ, đó là cứ nhìn tâm bất thiện thôi. Tâm thiện có hay không thì kệ. Kiểu tu này nghe rất là kỳ, nghe như phản đạo, nhưng tôi tin kiểu tu này không sai. Bởi vì suốt một ngày mình có tâm thiện bao giờ đâu, chỉ toàn là tâm ác thôi, nên chỉ cứ nhìn tâm ác thì bản thân cái nhìn đó là thiện rồi. Thay vì nhìn mình có tâm từ tâm bi hay không thì cứ nhìn xem mình có tâm tham tâm sân hay không, có oán thù ai hay không, có tình riêng, có tham ái với ai không, nhìn như vậy chắc ăn hơn.
Cha mẹ là Phạm thiên của con vì cha mẹ thường có lòng từ, bi, hỷ, xả với con. Dĩ nhiên cha mẹ cũng có ái luyến với con vì nghĩ nó là con, là giọt máu, là sự kế thừa, là di sản của mình, nhưng bên cạnh đó không ít những giây phút cha mẹ thương con bằng một tấm lòng yêu thương vô điều kiện, không mong đợi sự hồi đáp trả ơn trả nghĩa của con. Cha mẹ chỉ đơn giản trong sáng thuần túy mong cho con được cái này cái kia, giây phút đó được gọi là vô lượng tâm, là phạm trú của cha mẹ đối với con, chính vì vậy cha mẹ được gọi là Phạm thiên của con. Cha mẹ là Phạm thiên của con chứ không phải là Phạm thiên, vì cha mẹ có bốn vô lượng tâm đối với con. Nghĩa là cha mẹ chỉ là Phạm thiên đối với con mà thôi, và trong khía cạnh bốn vô lượng tâm mà thôi. Má thằng Tèo là Phạm thiên của thằng Tèo chứ không phải của thằng Tý, thằng Tý là người dưng mà. Và cha mẹ giống Phạm thiên là giống trong khía cạnh từ, bi, hỷ, xả thôi chứ không thể bì với Phạm thiên về sự thanh tịnh được, bởi Phạm thiên thấp nhất cũng là Phạm thiên sơ thiền, đã là Phạm thiên sơ thiền thì ít nhất cũng phải trừ được năm triền cái. Có bao nhiêu bậc cha mẹ trên đời này được sạch sẽ như Phạm thiên.
“Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các Ðạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Ðáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ.”
Cha mẹ là vị thầy ban đầu của con (pubbācariyā). Thầy cô nào đi nữa cũng hướng dẫn mình khi mình ít nhất 4, 5 tuổi trở lên nhưng cha mẹ thì đã dạy cho mình từ lúc mình còn nằm nôi, bi bô ê a, không có thầy nào sớm hơn cha mẹ. Vì vậy cha mẹ được gọi là vị tiên sư của con.
Cha mẹ đáng được cúng dường đối với con. Pāḷi ghi rõ: “Āhuneyyā ca puttānaṃ”, đối với con mà thôi. Trong kinh ghi, nếu sanh ra trong thời kỳ không có chư Phật ra đời, chỉ cần người ta biết sống phải đạo với nhau thôi thì đó cũng là cơ hội để trở lại thân người hoặc thân tiên. Tiên trong đạo Phật khác với bên Đạo giáo của Trung Quốc. Khái niệm tiên trong Đạo giáo của TQ phải là nội đan, ngoại đan, luyện khí công, luyện thuốc trường sanh bất lão, cưỡi hạc sống trong núi trăm năm, còn tiên trong đạo Phật ám chỉ cho những vị Dục thiên, sống theo tinh thần Thập thiện, chết rồi sanh về cõi Dục thiên, làm Trời làm Tiên nhưng vẫn còn quẩn quanh trong năm dục.
Vì sao cha mẹ đáng được con lễ bái cúng dường? Cha mẹ trước hết là người ơn lớn nhất của con, cha mẹ luôn luôn sống trong tình cảm thiêng liêng trong sạch với con, vì vậy cha mẹ đáng được con lễ bái cúng dường. Trong kinh nói nếu không có chư Phật ra đời để hướng dẫn chánh pháp thì tối thiểu người ta biết sống với nhau cho phải đạo, biết kính nể người trưởng thượng, người hơn mình về tuổi tác về đạo đức, con cái hiếu thảo với cha mẹ, chồng đối xử tốt với vợ, vợ đối xử tốt với chồng, bạn bè chòm xóm, bà con thân thuộc quốc gia xã hội mỗi người đều sống tròn trách nhiệm của mình thì đó cũng là con đường sanh thiên.
Cakkadhamma: Những pháp đóng vai trò của bánh xe đưa chúng sinh đi về cõi nhân thiên. Chú giải Kinh Thi Ca La Việt Trường Bộ ghi rõ: tôn kính cha mẹ, thầy tổ những người tu hành, những người hơn mình, vợ chồng tôn trọng nhau, bạn bè thương kính nhau, chỉ cần sống tròn trách nhiệm trong 6 trường hợp đó thôi thì cũng đủ sanh thiên rồi. Dĩ nhiên ở đây nói làm tròn là đến mức độ nào đó chứ không phải lâu lâu rủ bạn về nhậu rồi khi chết là được sanh thiên. Đối xử với bạn bằng tấm lòng bất vụ lợi, bất cầu báo thì cũng là một phương cách để sanh thiên, nhưng phải là trong đường thiện. Người cư sĩ đối với người xuất gia, người xuất gia đây không hẳn là chư tăng vì sanh ra trong thời kỳ không có Phật pháp thì làm gì có chư tăng, nhưng đối với người tu hành bất kể đạo gì, mình để ý thấy ai chân tu, mình có lòng tôn kính thì tối thiểu với tấm lòng đó cũng có thể sanh thiên. Tất cả là 6 đường, nếu mình sống cho phải đạo phải phép thì đó cũng là 6 cơ hội để sanh thiên. Đây là lý do vì đâu cha mẹ là bậc đáng cúng dường đối với con.
Trách nhiệm của con cái ghi gọn lại có 3: Phụng dưỡng vật chất. Hỗ trợ đời sống tâm linh. Hồi hướng khi qua đời.
Khi cha mẹ còn sống thì phụng dưỡng bằng vật chất (ăn, ở, mặc, thuốc men, phương tiện đi lại, truyền thông). Hỗ trợ về đời sống tâm linh tinh thần cho cha mẹ. Hướng dẫn cha mẹ tu tập trở thành người chánh kiến, chánh tín, giới hạnh, bố thí. Cha mẹ mất rồi mình làm phước hồi hướng. “Mẹ cha khuất bóng non đoài. Làm lành hồi hướng cho hai thân nhờ”. Giàu hay nghèo cũng tìm dịp để hồi hướng cho cha mẹ. Nghèo quá thì quét lá, chùi cầu, rửa chén, làm việc công ích và hồi hướng nghĩ tưởng tới cha mẹ) Đối với cha mẹ, mình làm tròn bổn phận như vậy thì không có ray rứt tiếc nuối nữa.

Sư Giác Nguyên giảng
Nguồn: Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét