THƯƠNG VÀ GHÉT

Tất cả đam mê trong đời đều khởi đi từ đam mê trong thân của mình , từ thân của mình thì mình có nhu cầu ăn, mặc, ở, sử dụng vật chất, từ thân nó mới ra các nhu cầu, từ các nhu cầu nó mới nảy sinh ra bao nhiêu thứ khái niệm đam mê khác.
Ví dụ như chúng ta có các nhu cầu về mặc đẹp, trước hết là chúng ta có nhu cầu mặc ấm vì có thân chúng ta sợ lạnh, sợ nóng cho nên nó mới nảy ra nhu cầu y phục mặc ấm mặc để che thân. Từ nhu cầu mặc ấm lâu ngày đối với những người có phước có điều kiện nảy ra nhu cầu thứ hai đó là nhu cầu mặc đẹp, từ nhu cầu mặc đẹp nảy ra vô vàn những nhu cầu khác liên quan, thí dụ như đẹp nhưng phải là đồ hiệu mới được. Như vậy ấm rồi đẹp, đẹp rồi chuyển qua sang nổi tiếng đắc tiền, chứ nếu không phải đồ đắc tiền thiên hạ không ngưỡng mộ thì mình cũng không muốn mặc.
Rồi ăn cũng vậy, ăn no rồi nảy ra ăn ngon, ăn sang, rồi lui tới những chỗ nổi tiếng để cho người ta biết mặt mình là ăn uống những nơi như vậy.
Ở cũng vậy lúc đầu mình chỉ cần ở những chỗ che thân nắng, mưa, nóng, lạnh gió, sương, sau đó nó mới nảy ra nhà cao cửa rộng ..v...v nói chung là bao nhiêu thứ nhu cầu đam mê trong đời đều khởi đi từ chuyện mình có cái thân, rồi từ chuyện có thân thì bắt đầu hễ có thích ở đâu thì có ghét ở đó.
Cho nên khi hành giả sống với nội tâm nhàm chán xem nhẹ thân này thì mọi sự ở đời sẽ nhẹ theo bởi vì thân này là gốc.
Khi chúng ta sống ở đời này chúng ta có người để mình thương thì dứt khoát có người để mình ghét. Tất thảy chúng sanh trong đời này chia làm 2 hạng, hạng để chúng sanh phàm phu thương và hạng để ghét. Còn hạng thứ 3 không kể là người dân nước lã, hạng này là nằm trong diện trừ bị, có nghĩa là nói họ là người dưng hôm nay nhưng ngày mai chỉ cần có điều kiện nào đó thì mình sẽ thương họ hoặc mình sẽ ghét họ.
Để sống an lạc giữa đời này người trí người tu hành người cầu giải thoát tuyệt đối không để mình phải ở vào thái cực nào trong tình cảm. Thương người, yêu người, thích người, cũng là cực đoan tâm lý, cực đoan tình cảm, thù người hận người cũng là một cực đoan tình cảm.
- Phúc thay cho kẻ nào sống giữa đời này chỉ có thể thương người khác nhưng không nặng lòng vì người khác.
- Phúc thay cho kẻ nào sống ở đời này có người mình không thấy hợp nhưng không vì mình không hợp mà mình lại ghét, không để cho cái ghét, cái ác cảm, cái thành kiến đó nó trở thành gánh nặng tâm lý của mình. Như vậy để sống lìa bỏ 2 cực đoan tình cảm ghét và thương thì tất cả chúng ta bắt buộc phải tu tập bốn vô lượng tâm.
Từ là mong cho người có được nhân lành quả lành
Bi là mong cho người đừng sống trong nhân xấu quả xấu
Hỷ là vui với nhân lành quả lành của người
Xả là luôn luôn sống trong nhận thức rõ ràng đầy đủ rằng , tất cả những người chúng ta thương , tất cả người chúng ta ghét , kể cả những người chúng ta không có tình cảm đặc biệt nổi trội thì tất thảy đều có vốn liếng nghiệp riêng . Thí dụ như người đó mình có khinh ghét họ cách mấy đi nữa thì họ cũng có nghiệp riêng của họ, mai chiều họ lăn đùng ra chết , người đó mình kính phục họ, thần tượng họ cũng có thể mai chiều họ lăn đùng ra chết.
Chư Phật ba đời mười phương là đỉnh cao của danh vọng vũ trụ, không có ai trong đời này kể cả vua Chuyển Luân Vương, Ác Ma Thiên Tử , Đế Thích , Phạm Thiên mà có được sự thương quý kính nể của vô lượng chúng sinh như là chư Phật, ấy vậy mà cái gì rồi cũng phải qua đi.
Tình cảm nào trên đời này rồi cũng phải qua đi, và nó qua đi nhiều cách :
1- Mình là người thương , người ghét mình chết,
2- Là kẻ đối tượng mình thương mình ghét cũng chết
3- Là cả hai đều lăn đùng ra chết.
4- Là vì chướng duyên nào đó cái thương đó nó phai hoặc cái hận đó nó giảm .
Như vậy có nghĩa là thương ghét ở đời này nó không quan trọng là bởi vì kẻ được thương hoặc kẻ bị ghét sớm muộn gì cũng chết , rồi bản thân người thương người ghét sớm muộn gì cũng chết , rồi bản thân tình cảm đó sớm muộn gì theo ngày dài tháng rộng nó cũng thử thách bởi vô vàn những trở ngại trở lực , nó bị tác động bởi vô vàn điều kiện này nọ , nó không tiếp tục còn nữa .
Xúc động nhất là tôi đọc trong kinh chỗ Đề Bà Đạt Đa trước lúc lìa đời chấp tay hướng về Phật và nói câu kệ này:
Con xin đảnh lễ đấng tối thắng Tôn
Ngài có lòng đại bi
Ngài xem La Hầu La
Hay là kẻ hại Ngài như là một .
Có nghĩa là với câu nói này Đề Bà Đạt Đa đã khép lại trang quyết sử hận thù giữa ông và Bồ Tát Tất Đạt sau vô lượng kiếp.
Kiếp cuối cùng khi Bồ Tát Tất Đạt trở thành vị Phật, thì Đề Bà Đạt Đa vẫn tiếp tục hại , nhưng chung cuộc thì Đề Bà Đạt Đa đã không toại nguyện và đã ra đi bằng một cái chết không đẹp không êm ái .
Như vậy sống ở đời cái khổ chúng ta là chìm sâu trong một cái cực đoan tình cảm nào đó, thí dụ như ghét hoặc thương. Để sống an lạc chúng ta cứ tâm niệm: trên đời này không có ai để ghét, cũng không có ai để yêu, trên đời này chỉ có 2 hạng người đó là đáng thương và dễ thương. Người lành là người dễ thương và người xấu là người đáng thương.
Để sống được trong nhận thức này, trong tình cảm này đối với muôn loài chúng sinh thì bắt buộc chúng ta phải sống ở trong từ, bi, hỷ, xả.

SƯ GIÁC NGUYÊN-TOẠI KHANH
(trích buổi giảng Paltalk)
Nguồn: FB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét