HAPPY VALENTINE DAY!

1.
Có những người có vẻ không tha thiết trong năm dục, do nhiều nhân duyên chớ không phải họ là người thiểu dục tu hành nhiều kiếp. Có thể do điều kiện của họ không cho phép thấy biết được những thứ thật sự hấp dẫn đối với họ. Trong kinh nói nhiều kiếp Bồ tát không thích phụ nữ vì ngài ở trên Phạm thiên xuống. Ngài không chịu lấy vợ. Cha mẹ ngài đành để cho ngài thấy ai mà thích thì chọn. Hai ông bà bày binh bố trận để cho Bồ tát đi đâu cũng có các cô gái lảng vảng, và cuối cùng thì ngài cũng gặp được người ngài thích, thường thì đó là nàng Yasodhara. Những người trước đó đầu mày cuối mắt nhìn ngang liếc dọc ngài không ưa, trong khi nàng thì kín đáo nói năng cẩn trọng, lại có vẻ không cần. Theo tình tình chạy chạy tình theo, ngài bị cuốn hút. Ngài ngộ ra là chẳng qua mình chưa tìm đúng đối tượng.
Bồ tát phải tu nhiều kiếp nên cái dục càng lúc càng mỏng càng mòn. Đến lúc cuối cùng, năm 29 tuổi, đi dạo cửa thành thấy bốn cảnh lão, bệnh, tử, tăng, đêm đó nghe tin Yasodhara có con trai đầu lòng. Hăm chín tuổi, tuổi của hoa mộng và tràn trề sinh lực vậy mà nghe tin con chào đời ngài nói: “Rāhu jāto bandhanaṃ jātan”, thêm một sợi dây trói buộc nữa rồi. Lúc đó hầu cận nghe liền mách với vua Tịnh Phạn rằng Thái tử đã nói vậy. Vua nghe mừng rỡ: “Hay quá, thế là ta sẽ đặt tên cháu nội của ta tên là Rāhula”. Rāhula, nghĩa đen là sự trói buộc. Rahula theo tiếng Hán có thể gọi là “Thằng Thúc” (sự trói buộc). Đến kiếp cuối cùng, khi nghe có đứa con đầu lòng ngài không thấy vui. Đêm đó trong cung tổ chức tiệc tùng linh đình. Bao nhiêu trai thanh gái lịch đổ về, rượu thịt ê hề, hoa đăng rực rỡ. Hoàng thân quốc thích, mọi người, no say chè chén rồi ngủ quên. Đêm đó ngài đi ngang phòng thấy các cô cung tần đầu hôm lòe loẹt giờ đây nhòe nhoẹt, xiêm áo xộc xệch, tóc tai rũ rượi, nằm không đoan chính gác lên nhau mà ngủ, mắt mở trừng trừng, ngáy, nghiến răng trèo trẹo. Nản quá, ngài dứt khoát phải ra đi. Ngài bước qua phòng nàng Yasodhara thấy hoàng tử Rahula nằm cạnh nàng, ngài nghĩ ngày thành đạo sẽ quay về độ cho hai mẹ con nàng. Ngài quay lưng đi không nhìn lại.

Sáng hôm sau, nàng Yasodhara hay tin, một lòng thủ tiết thờ chồng nuôi con, nàng không còn sống như một đệ nhất phu nhân nữa mà cho người tìm vải nâu sòng về mặc và sống giản dị như một nữ tu trong đan viện dòng kín, không còn phấn son trang điểm châu ngọc như thuở nào nữa.

Bảy năm sau, ngày Đức Phật trở về cung, thuyết pháp độ cho vua Tịnh Phạn đắc Tu-đà-hoàn, Ngài hỏi: “Có phụ vương ở đây, có di mẫu Gotami ở đây, có tất cả mọi người ở đây sao không thấy Yasodhara?” Vua nói Yasodhara không đến và nói nếu Thế Tôn có nghĩ đến nàng thì đến chớ Yasodhara không dám có mặt. Đi bên cạnh Ngài lúc ấy là hai mươi ngàn tỳ kheo, Ngài nói, tất cả chư tăng ở lại bên ngoài chỉ có hai vị Thượng thủ và Như Lai vào thẩm cung mà thôi. Ngài dặn hai vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên nếu thấy gì cũng lặng yên không can thiệp. Khi đi vào thâm cung, Ngài thấy chỗ ngồi ngày xưa của Ngài vẫn nguyên vẹn như ngày nào cách đây bảy năm. Mỗi ngày đều có hoa tươi, chỗ ngồi luôn sạch bóng như thể người xưa lát nữa sẽ trở về. Khi Ngài ngồi xuống thì nàng “tóc nhung phủ lấy chân ngài, như lau cát bụi non đoài còn vương”. Nàng phủ phục dưới chân Ngài và khóc.
Ngài giảng cho nàng nghe một câu có nội dung các pháp do duyên mà có, có rồi phải mất; mọi hiện hữu là khổ, mọi đam mê chỉ là đam mê trong khổ, sự vắng mặt đam mê chính là cứu cánh thoát khổ, đi ngược lại tinh thần của niềm đam mê chính là con đường thoát khổ. Lập tức nàng chứng Tu-đà-hoàn và lùi ngay ra xa. Nàng biết con người đang ngồi trước mặt mình là bậc Đạo sư Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Tứ sanh từ phụ, Thiên nhân chi Đạo sư. Nàng có thể chết bao nhiêu lần nhưng không thể nào chạm một sợi tóc vào gót chân của con người này nữa, vì đây là Phật bảo.

2.
Bà Yasodhara đã đi theo Bồ tát Tất Đạt từ 4 a-tăng-kỳ trở về trước. Tức là lúc dưới chân Đức Phật Dipankāra (Nhiên Đăng), Bồ tát Thích Ca Mâu Ni (lúc đó là đã nguyện thành Phật) nằm dưới đất cho Đức Phật và chư tăng dẫm lên, vì đoạn đường đó đầy sình. Bà quỳ kế bên. Khi Đức Phật thọ ký, Ngài nói với Bồ tát: “Ngươi sẽ thành Phật giống như ta.” Chư thiên mừng hoan hỉ, sādhu vang trời. Khi đó bà Yasodhara cầm 8 bông sen. Bà nghĩ, nếu chia đôi thì chẳng lẽ bà coi Bồ tát ngang với bà hay sao, bà tinh ý sắc sảo lắm. Bà cho ngài thấy, trong lòng bà, ngài quan trọng hơn, nên bà chia cho ngài 5 cái. Vậy mới là hồng nhan tri kỷ chứ. Bà đưa cho Bồ tát để cúng Phật, nguyện đi theo Bồ tát. Lúc đó Đức Phật xác nhận “Người nữ này sẽ đi theo ngươi cùng trời cuối đất, hỗ trợ Ba-la-mật cho ngươi”. Kể từ dạo ấy, suốt 4 a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp (trừ những khi chướng duyên nghịch cảnh hai người lìa nhau mà thôi), hễ có duyên có phước gặp nhau trên trời dưới đất, trong rừng dưới biển là chàng đâu thiếp đó. Đến lúc đại công cáo thành, kiếp chót bà thành Yasodhara, đi xuất gia, đắc La-Hán. Bà sống được 78 tuổi, khi đó Thế Tôn cũng 78 tuổi, bà xét thấy chư Phật quá khứ lúc nào những vị đại Thinh Văn hàng đầu cũng phải tịch trước, và đến bà cũng phải đi trước. Bà thấy rằng hai vị tả hữu cũng đi trước, bà cũng phải nằm trong số phải đi trước (như bà Gotami cũng đi trước), bà vào lạy Phật xin được ra đi, viên tịch. Trong dịp đó, bà kể lại một lần cuối cùng: “Con đã theo Thế Tôn trong chừng ấy năm, nếu có lầm lỗi gì về thân, về khẩu, về ý xin Thế Tôn bỏ qua cho con. Con vui là vì con đã giúp cho Ngài hoàn thành đạo nghiệp. Con vui là vì con đã làm người bạn đường xuất sắc cho Ngài. Con nhớ ngày xưa nhiều và nhiều kiếp con đã theo Ngài, Ngài cho nhà cho cửa, cho hết tài sản, mình phải dắt díu nhau lên rừng xuống biển, mà sống, đói lạnh con vẫn vui. Con nhớ bao nhiêu kiếp Ngài đã cho hết không còn gì để cho, Ngài xách cả con mà cho, con cũng vừa đi vừa cười trong nước mắt…”
Đọc đoạn đó buồn lắm, cảm động lắm quí vị. Không phải tôi vẽ thêm, thiệt như vậy đó. Bà kể xong xuôi rồi bà lạy Đức Phật. Và Đức Phật nói rằng: Thuyết pháp đi, dùng thần thông hóa hiện cho người ta nhìn thấy ngươi đã tu hành như thế nào, thuyết pháp và độ người đi…


Sư Giác Nguyên (giảng)
Facebook Toaikhanh.reader

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét