Ngọn lửa trong chiếc ghè!

Đọc xong "Chuyện Phiếm Thầy Tu" của Toại Khanh, gấp sách lại, tôi thẫn thờ, trầm ngâm... rồi đi tới đi lui trong phòng vắng! Buồn mênh mang! Một nỗi buồn thiên cổ trầm mặc! Cái đọng lại mồn một trong tôi là hình ảnh của một "phong trần khách" trong câu thơ của Trần Thái Tông:

"Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình
".



Nếu “phong trần khách" của Trần Thái Tông “ là thân phận lênh đênh của những hữu tồn sanh diệt; là định mệnh tại thế của những khổ đau, vô minh nghiệt ngã; là cái gì tất hữu của cuộc tử sinh lang thang không bến, không bờ; là cuộc ra đi chung thân viễn mộng, mỗi ngày mỗi xa cách quê hương... thì nội hàm “phong trần khách" của Toại Khanh hoàn toàn khác thế! Nó là ánh trăng nguyên sơ “tuỳ hứng" qua lại giữa hai bờ mê giác. Nó là chiếc lá, cánh hoa, là làn khói sương của thơ, văn, ca từ, hình tượng, biểu tượng, tư tưởng... bàng bạc mỹ học lại thích la cà rong chơi khắp tất thảy mọi thiên nhai, hải giác! Nó lại như là một đốm lửa hiu hắt, bập bùng trong hang núi, tự đốt cháy mình để hoàn thành sứ mạng oan khiên, đoạ đày “lao viễn mộng" của sức lửa tâm linh! Nó còn như một tiếng chim hót cô liêu trong bóng núi xa mù lạnh giá, chỉ như là một phụng hiến vô danh, âm thầm nhưng thiết tha và bi tráng đến nao lòng!
Tôi đọc những hàng chữ và cả giữa hai hàng chữ, đọc được cả sau những câu hỏi tu từ và cả bỏ lửng những ngữ nghĩa... để cảm nhận cả những điều mà tác giả không muốn nói tới do ngại đao to, búa lớn, ngại rao giảng ồn ào! Đấy là hoàng hôn thê lương của triết học, của chủ nghĩa, của quan điểm, của tư tưởng nhân loại! Là sự bế tắc của mọi cuộc tìm về, của những cánh buồm nhân sinh dạt trôi không bến đổ! Là sự tha hóa của mọi lý tưởng, của mọi nhân danh chỉ còn là xác chữ khô rỗng, đã mòn trơ sự sống! Là nỗi đau thầm lặng của những trí thức, chân tu trên đời này! Là tuyệt lộ của tất thảy mọi tưởng tri, mọi thức tri tìm kiếm! Là trò chơi thiếu nghiêm túc của trần gian khi họ không tuân thủ luật chơi! Là những luận tri, luận thức ồn ào, đa ngôn, kênh kiệu, từ chương, kinh viện... của một số luận sư bộ phái đã quên mất thông điệp đầu nguồn khái niệm: “ Tri lập tri tức vô minh bổn!". Và còn nhiều nữa, nhiều nữa...
Ôi! Nói là chuyện phiếm nhưng nó chẳng "phiếm" tí nào. Là cái gì quan trọng và thành khẩn nhất cho những người học Phật thời nay vào buổi tăng tàn, pháp mạt, mà cũng là tuyên ngôn muôn đời của giáo pháp: Một sự nhìn ngắm chân thực vào nơi sâu thẳm nhất của lòng mình! Và đây chính là điều cốt lõi, là điểm tựa đầu tiên cho những người học Phật và tu Phật vậy!
Thật đáng mến làm sao khi tác giả tự nhận mình chỉ là kẻ phàm phu, mắt thịt với tất cả cảm xúc dung phàm. Chỉ là một lữ khách lầm lũi bộ hành lang thang khắp trái đất, với tư lương vô sản, bần hàn và chưa hề chọn cho mình một chỗ dừng chân, vì "hành đạo" là "đạo đi", là "đạo đi trên đường ", luôn là trên đường, luôn "bị " xả ly, luôn "bị" buông bỏ, không dính mắc cái gì, không dính mắc bất kỳ đâu! Và một hôm nào đó, đứng trên đỉnh đồi cao của tư tưởng, chợt nhận ra mình là một người "khách lạ" trên mọi quê hương, trên mọi xứ sở, trên mọi chân trời!
Và điều đáng nói nữa, ngòi bút của Toại Khanh là lưỡi kiếm của một dũng sĩ, đã dám xuyên phá đến những cõi miền mà không ai dám đụng tới: Đó là một vài tình cảm, thói, tật rất dễ thương, rất người của chính mình; là một tâm hồn mẫn cảm tha thiết yêu thương cuộc đời nhưng không "dại gì", "ngu gì" mà "vác đá cục nợ trên vai"! Chàng tự tại, tự do thưởng ngoạn cái đẹp của trần gian bằng pháp môn "khách sáo" rất minh triết, "tạm ví" như con ong hút mật nhụy mà không làm tổn thương cánh hoa, nhụy hoa như trong kinh Pháp Cú! Trái tim của chàng lãng tử phong trần này, đáng quý hơn hết là còn cất giấu trong một góc linh thiêng "Đức Phật của lòng mình", hình ảnh "người mẹ viết hoa" cùng quê hương sông nước, lúa rạ đồng chiêm!
Cuối cùng tôi muốn giới thiệu với các bạn rằng: "Chuyện Phiếm Thầy Tu" quả thật là một tác phẩm văn học Phật Giáo rất hiếm thấy trong thời gian ba bốn mươi năm trở lại đây, cả trong và ngoài nước. Với lối viết rất riêng, ngôn ngữ rất riêng, đưa đôi mắt tỉnh táo, tinh tường ngắm nhìn những sự việc, những hiện tượng rất đỗi bình thường, không ai để ý... lại cho ta những cảm nhận tinh tế, dí dỏm, thâm trầm, sâu sắc... Điều ấy chứng tỏ tác giả có cái "học thật" vững chắc, có kiến văn rộng rãi tạm "đủ xài", có tâm hồn nghệ sĩ "mù biên phương", không dẫm theo lối mòn, cứ tiêu sái, thung dung mà đi, theo sự thật mà nói. Như những chú ong tìm mật khẽ đụng cánh hoa nhưng chẳng hề làm người khác đau; mà trái lại, nếu có đau thì cũng ráng căng tai nghe thiên hạ chửi. Không mượn cái đầu của thiên hạ, đôi chân trần của mình cứ trên "đất thực" mà dạo bước, lại còn mài miệt trau dồi ngôn ngữ và học thuật nhưng luôn luôn tự khiêm hơi quá là mình "dốt"!
Đọc xong tác phẩm này, rất cám ơn Toại Khanh đã cho tôi một vài ngọn gió hư vô buốt lạnh, một vài cảm giác tê điếng hoặc nổi gai cả người, rất hiếm, bởi do bao năm đã trơ lì cảm xúc! Tôi lại còn có thể lên gân "dũng cảm" để nhận ra mình vẫn còn là một lãng tử phong trần, một thầy tu còn nhiều bụi bặm, một người làm thơ đang còn ham thích chơi văn, giỡn chữ, một hành nhân sắm thuyền, sắm bè thúc giục mọi người "gate, gate, paragate, parasaṃgate..." nhưng mình lại còn chần chừ chưa muốn sang sông!
Một tác phẩm văn học với vóc dáng khả mảnh mai so với thiên hạ văn mặc, nhưng chắc người có có cặp mắt xanh sẽ tâm đắc câu cổ thi:
"Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung
!"

Viết tại Mai Trúc Am
Xuân Giáp Ngọ - 2014
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(thay lời giới thiệu)

TỰA

Nội dung cuốn sách này là toàn bộ những bài viết của tôi cho mục Tản Mạn trên trang điện tử Nam Tông từ mười năm nay.
Ở tuổi trung niên này, với vô vàn những xây xát dặm đời, và lời kinh Phật trong tim, tôi tuyệt không muốn đặt mình vào một xó riêng nào để nhìn ra hay nói về thiên hạ. Thế giới luôn thay đổi, cái gì cũng là giải pháp tạm thời. Không một nguyên tắc nào trong đạo hay ngoài đời đáng được xem là tuyệt đối cả. Tôi cứ thấy ngạt thở với những chiếu khung, những lồng chậu, những lối mòn. Thế là tôi viết. Trước là cho tôi, sau có thể là ai đó đồng điệu tình cờ đọc được.
Tôi phải nói lời cảm ơn những người đã đọc tôi nhiều năm qua. Tôi không hiểu vì sao họ chịu đọc tôi, nhưng tôi muốn xem họ là những người đồng điệu mà tôi vừa nói.
Người Tây phương có câu này: Vấn đề lớn của thế giới là người ta đã xây lên quá nhiều những bức tường ngăn cách, thay vì là những chiếc cầu cảm thông. Tôi viết và in mấy bài này chính là muốn để lại một chiếc cầu. Cầu khỉ cũng được, miễn là nối được hai bờ cho thiên hạ gần nhau hơn. Những chỗ trong sách dễ gây phiền lòng ai đó, xin được coi là mấy mắt tre không sao gọt sạch. Mong lắm vậy thay!

Toại Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét