Nhân quả và nghiệp báo

1/ Câu hỏi:

Kính thưa thầy, chúng con hay lẫn lộn giữa Nghiệp và luật nhân quả ạ. Con kính xin Thầy hoan hỷ giải thích cho chúng con sự khác biệt giữa hai điều này. Con kính cám ơn Thầy.



Trả lời:

 Nhân quả và nghiệp báo có chung nguyên lý vận hành nhưng nhân quả vận hành trong tự nhiên (loài vô tình), còn nghiệp báo vận hành trong ý đồ của loài hữu tình. Thí dụ mưa nắng là nhân quả tự nhiên, còn người thích mưa ghét nắng mà khổ hay vui là do nghiệp báo.

2/ Câu hỏi:

Thưa Thầy,
Con xin phép được hỏi: sinh mạng là thứ đi suốt một kiếp sống từ lúc đc sinh ra tới khi ngừng thở ngừng tim. Dù thân và tâm liên tục biến đổi nhưng sinh mạng dường như giúp cho kiếp sống đó đi hết một vòng đời. Kính mong Thầy giúp con phân biệt được rõ ràng sinh mạng với cái ta ảo tưởng là cái cũng đi cùng đời người rất bền bỉ ạ.
Con cảm ơn Thầy vì tất cả những gì Thầy đã kiên nhẫn chỉ dạy cho con. Con Phan Anh

Trả lời:

 Sinh mạng được vận hành theo luật nhân quả của pháp. Còn cái ta ảo tưởng lại tạo tác ra sinh mạng ấy theo luật nhân quả của nghiệp. 

3/ Câu hỏi:

Bạch thầy,
Con có một sự hiểu chưa thông trên quá trình tu tập của mình. Con mong thầy chỉ dạy cho con ạ.
Thầy thường dạy phải Tùy Duyên Thuận Pháp. Nhưng con nhìn vào lịch sử thì thấy đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật biết người ta mang cháo nấm có độc cho mình mà vẫn thọ dụng. Tôn giả Mục Kiền Liên biết người ta đến giết đòi mạng mình, nhưng tôn giả vẫn để cho người ta lấy mạng. Tổ Bồ Đề Đạt Ma biết người khác chuốc độc để hại mình, rốt cuộc tổ vẫn xả thân. Đó có phải là duyên nghiệp phải trả của người đã đắc đạo không ạ? Đó có phải là Tùy Duyên Thuận Pháp không ạ? Con cũng từng nghe thầy giảng là, khi một người đã chứng ngộ đạo quả thì những duyên xấu như hạt không có đất để nảy mầm, nó sẽ tự khô héo mà chết. Tại sao những vị giác ngộ vẫn phải trả nghiệp quả của mình ạ? Con mong thầy chỉ cho con biết thông được tường tận ạ.
Con cám ơn thầy!

Trả lời:

Nghiệp quả có hai loại: Nghiệp trổ quả trong kiếp hiện tại và nghiệp trổ quả trong kiếp hậu lai. Đối với kẻ phàm phu thì cả hai loại quả trên đều phải thọ nhận, nhưng đối với bậc giác ngộ thì chỉ nhận quả trong hiện tại thôi, quả nào trổ sanh trong tương lai mới đều trở thành vô hiệu (ahosika).

4/ Câu hỏi:

Con xin ảnh lễ Thầy ạ! Thưa Thầy con vừa nghe xong pháp đàm vấn đáp của Thày tại Hà Nội hôm 16/7, có một chút vướng mắc mà con chưa khai thông đươc: Nhân quả có tính giáo dục cao vì vậy người đã giác ngộ giải thoát không còn phải trả nghiệp (vô hiệu nghiệp). Nếu như vậy thì tại sao khi đã giác ngộ hoàn toàn rồi mà Đức Phật vẫn bị bát nạn vẫn bị chửi bới khi đi khất thực hóa duyên. Xin thầy từ bi chỉ dạy cho con thấu rõ.
Con xin tri ân Thầy.

Trả lời:

 Chỉ những nghiệp cho quả trong kiếp hiện tại thì vị Phật và A-la-hán mới nhận, những nghiệp còn lại trở thành vô hiệu, Bậc A-na-hàm khi sinh lên Sắc Cứu Cánh Thiên thì tất cả nghiệp trả quả trong Dục Giới trở thành vô hiệu. Bậc Thất Lai và Nhất Lai tuy còn sinh lại cõi Dục Giới nhưng những quả thuộc Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh đều trở thành vô hiệu. Thực ra đức Phật có thể không nhận quả nhưng Ngài vẫn nhận để làm gương cho chúng sinh mà thôi.


Trích: Mục hỏi đáp Trung Tâm Hộ Tông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét