Tìm Hiểu Về Câu Đối Tết

Nói đến câu đối đỏ, chắc hẳn không ai thấy lạ. Thế nhưng khi tìm hiểu cặn kẽ về nguồn gốc, sự hình thành và ý nghĩa của nó thì không mấy người biết rõ. Nhân dịp xuân mới, mời các bạn tìm hiểu về “Câu đối đỏ”, phần văn hóa tinh thần tạo nên hương vị ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Theo một số nhà nghiên cứu, câu đối vốn là một thể loại văn học bắt nguồn từ Trung Hoa. Thể thơ này gồm 2 vế đối nghiêm ngặt về từ ngữ, âm thanh, vần điệu và ý tứ. Câu đối còn gọi là “doanh thiếp” hay “doanh liên” (doanh: cột; thiếp: tờ giấy có in chữ; liên: đối xứng với nhau). Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm hiểu chính xác ý nghĩa của câu đối:
1. Về phương diện chức năng xã hội: Câu đối Việt Nam có một chức năng xã hội vô cùng to lớn, được sử dụng rộng rãi trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh, mọi không gian, thời gian, mọi môi trường xã hội và chiều dài lịch sử của dân tộc.
Ông bà ta trước đây có phong tục viết câu đối Tết. Vào sáng mùng 1 tết Nguyên Đán, sau khi đã làm lễ cúng tế trời đất, gia tiên, gia chủ ngồi vào án thư viết câu đối, khắc bút đề thơ, cốt bộc lộ ý nguyện, mong muốn gia đình họ tộc một năm mới an khang, thịnh vượng.


Cụ Tú Xương xưa kia đã viết câu đối rằng:
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoai (1)
Tới thế thượng ư phong lưu, giang hồ khí cốt (2)

Câu 1: Phẩm giá cao quý nhất là tính cách khoáng đạt, biết yêu gió mát, trăng trong…
Câu 2: Cái phong lưu, giàu sang nhất ở trên đời là cốt cách, tinh thần ham hiểu biết, nay đó mai đây.

Câu đối tết thường viết vào giấy màu đỏ, vì màu đỏ tượng trưng cho sự đầm ấm, phù hợp với không khí thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền. Màu đỏ chống được hơi sương, cái khí ẩm của mùa đông buốt giá. Giấy đỏ có 2 loại, hồng điều và cánh sen. Hồng điều thì rực rỡ, nồng ấm, biểu trưng của sự nhiệt thành. Màu cánh sen đỏ như tím biếc pha chút tươi mới, gợi ra những ước vọng. Có khi người ta dùng giấy vàng để viết câu đối. Nhưng do màu vàng có thể lẫn với màu tường vôi nên ít được sử dụng hơn. Do vậy, tuỳ từng màu nền (tường), sở thích của mỗi người, chất liệu để viết câu đối khác nhau, và có thể lựa chọn chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ. Câu đối có thể viết lên giấy khổ lớn in hoa văn đẹp hoặc viết trên những giải liễu gồm 14 chữ, tạo thành 2 câu, có sự đối lập rất chỉnh về cả phương diện ngôn ngữ từ và ý nghĩa. Những người chơi câu đối lâu năm khi chọn câu đối là cả một quá tình nghệ thuật. Về cơ bản, câu đối được coi như 2 vế đối nhau. Về cách trang trí, câu đối thường phổ biến 3 dạng:
Dạng thứ nhất: Cẩn hay đắp chữ nổi
Muốn cẩn hoặc đắp nổi câu đối, người ta đem chữ đã viết trên giấy cẩn (dán rồi ấn chìm xuống), hoặc đắp nổi trên một khung đã chuẩn bị trước, sau đó dùng mực tàu hay sơn thun (đen) tô từng nét chữ. Hoặc lấy mảnh bát đĩa sứ, có hoa văn đẹp, đem đập nhỏ rồi gắn vào từng nét chữ. Keo gắn bằng mật nứa, giấy moi, giã nhuyễn.
Dạng thứ hai: Câu đối gỗ
Cần chọn loại gỗ tốt, ít mối mọt, thớ mịn và dai như dổi, vàng tâm, mít… để khi chạm khắc không bị sứt mẻ. Câu đối gỗ có một số dạng như, dạng ống bương bổ đôi, dạng lá dong, lá chuối để treo ở những phòng trà, nơi tiếp khách hoặc thư phòng. Dạng chữ nhất treo vào các cột vuông hay mặt tượng.
Dạng thứ ba: Câu đối đi liền với hoành phi, chữ có thể khảm trai, xà cừ hoặc thếp vàng. Những câu đối này xuất hiện nhiều ở các đình, chùa, văn miếu, nhà từ đường.v.v…
2. Tính chất, ý nghĩa, mục đích của từng câu đối:
 Câu đối được chia thành 2 loại: loại mang tính quy phạm loại mang tính thi ứng. Câu đối mang tính quy phạm, thường làm ở trường thi, làm để giáo huấn, thờ phụng… Câu đối mang tính chất thi ứng, thường làm trong các dịp hội hè, vãn đàm, hý lộng…, lại chia thành các loại nhỏ như: Châm biếm - đả kích, thử tài trí, ứng phó.
- Loại câu đối để giáo huấn như:
Nhất cần thiên hạ vô nan sự
Bách nhẫn đường trung hữu thái hòa
(Mọi sự cần cù thì ở dưới trời này không có việc gì khó cả. Trăm điều nhường nhịn và kiên trì thì trong gia đình luôn có niềm vui vẻ và hạnh phúc). Câu đối loại này hướng tới sự khuyên răn những điều nhân đức, lễ nghĩa.
- Loại câu đối châm biếm - đả kích: Loại này hay nói lỡm, tế nhị, không sỗ sàng; Không nói ám, nói lái; có khi vận dụng âm thanh, ý nghĩa, hình ảnh để khơi trường liên tưởng của vế đối. Thi sĩ Hồ Xuân Hương lỡm mụ Hậu Cẩm chồng chết, bỏ làng ra phố lấy Tây:
- Khéo khéo khen ai đẽo đá chênh vênh, tra hom ngược để đơm người đế Há;
- Gớm con tạo bữa cơ tem hẻm, rút nút xuôi cho lọt khách cổ kim.
- Câu đối thử tài trí: Là loại câu đối thử trí thông minh, phát hiện nhân tài và cốt cách của người đối. Vế đối của cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành khi nhỏ) năm xưa làm thầy trò trong lớp kinh ngạc. Thầy Vương Thúc Quý trong một buổi dạy học, thấy một trò rót dầu vương ra đế đèn, liền ra câu:
Thắp đèn lên dầu vương ra đế
Nguyễn Sinh Cung đối lại:
Cưỡi ngựa phi thẳng tấn lên đường.
Vương vừa là chảy, dính vào, vừa có nghĩa là Vua; đế: đế đèn và Hoàng đế. Tấn vừa có nghĩa là tiến vừa có nghĩa là thời nhà Tấn; Đường là đường đi và nhà Đường. Nhà Tấn vừa lập ngôi Vương mà nhà Đường đã lập ngôi Đế. Câu đối không chỉ chỉnh về ý, lời, ý nghĩa sâu rộng mà đã thể hiện ý chí phi thường của người thiếu niên 12 tuổi này.
- Câu đối ứng phó trong những tình thế nghiêm trọng: Đây là câu đối cho những bậc tài cao, đức trọng, ứng tác.
Nhiều khi những câu đối loại này mang tính quốc gia trọng đại: Đối giữa các Vua ở các nước khác nhau…
- Câu đối chúc mừng: Loại này gắn bó với đời sống sinh hoạt thường ngày của dân lao động. Nó là câu đối để họ bày tỏ những nỗi lòng, tình cảm, lời cầu chúc năm mới với nhau, chúc hạnh phúc đôi lứa. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ làm câu đối mừng tân hôn:
Bình gấm phất phơ loan múa nhạn
Trướng xuân nghiêng ngửa phượng đề oanh

Cụ Tam Nguyên chỉ đảo lộn 2 vế chữ Nho rồi đọc thành chữ Nôm, mà được đôi câu đối rất thú vị. Thật tài tình, cái vui, cái hóm là ở chỗ: hai chữ múa và đề, đọc theo giọng địa phương Bình Lục lại lơ lớ thành mó và đè, chỉ 2 động tác vợ chồng ân ái, loan mó nhạn và phượng đè oanh, để tả cảnh tân hôn. Thật đáng bái phục.
Câu đối ngày xuân, thú chơi tao nhã cho mọi người, mọi nhà, từ nông dân đến trí thức, từ kẻ nghèo hèn đến bậc đế vương, từ trẻ nhỏ đến người già. Chính vì thế, ngày xuân, nếu thiếu một đôi câu đối đỏ treo trong nhà chắc hẳn là ngày Tết chưa toàn vẹn. Đôi câu đối khiến người ta cảm thấy Tết cổ truyền trở nên thiêng liêng hơn, trang trọng hơn, và đặc biệt hơn những ngày bình thường khác.
Và sau đây xin mời thưởng thức một số Câu Đối Tết:
Photobucket



































































































(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét