Những cánh đồng tỉnh thức

Người ta thường nói về việc “sống một mình trong thiên nhiên”. Điều này rất lạ lẫm với tôi. Tôi đang nhớ lại một ngày hè đặc biệt, dạo tôi lên 9, tôi chẳng làm gì ngoài việc nằm trên một cánh đồng ở miền Nam Ontario đăm đăm nhìn vào bầu trời xanh thẳm. Lúc đó, tôi là bạn của một con ngài có màu vàng đen, một con ong đang bận bịu, ba con quạ đang đậu trên một cây đu sắp chết, một đàn kiến, một con chuột túi đang lăn một viên đất không phải bằng đầu của nó ra khỏi hang, vài con ong bắp cày giận dữ ùa ra rồi lại biến mất và một đàn chim bay thành hàng thẳng. Còn vô số các sinh vật khác tôi không nhìn thấy nhưng tôi có thể cảm thấy được: cây cỏ, dây leo và tất cả những đời sống thực vật khác. Ánh mặt trời rực rỡ sưởi ấm tôi như một vòng tay ôm ấp.
Đó là nơi cho tôi cảm giác hạnh phúc nhất khi còn nhỏ. Chỉ một vài phút đạp xe ngược lại từ căn nhà nhỏ của tôi, tôi cảm giác dường như mình đã đi xa lắm, đến một nơi bình yên, chẳng còn ý niệm thời gian. Khi tôi đứng trên mặt đất lởm chởm đá ở đó và nhìn lên bầu trời, tôi có thể tan dần vào thế giới tự nhiên với “trí tuệ nguyên sơ” của một đứa trẻ. Trong những buổi chiều ấy, tôi thấy trong chính sự hiện hữu của mình một ốc đảo yên tỉnh được bao quanh bởi thiên nhiên rộn ràng. Sự tĩnh tại trong tôi có liên hệ sâu xa với sự bất động của rễ cây, của đá cuội, và những vòng quay bất tận của mùa.
Giờ đây, tôi bốn mươi tuổi. Trong những năm sau đó, tôi đã nằm trên những cánh đồng khác, cả những cánh đồng thật và những cánh đồng biểu tượng.
Có một cánh đồng như thế ở San Bernardino, California. Đó là mùa Thu năm 1982, khi tôi 26 tuổi, vào lúc nữa đêm, có lẽ vào lúc 1 giờ sáng. Tôi không có đồng hồ, tôi đã đưa nó cho một vị pháp sư tóc đỏ, người đã nhìn thấy trước nghi lễ an táng tôi một cách thần bí, từ xa hơn nửa dặm. Mục đích của tôi trên cánh đồng tối hôm ấy là nằm vào cái huyệt ba bộ rưỡi mà tôi đã đào sẳn cho mình. Cả đêm, tôi suy nghĩ về cái chết của mình và lắng nghe màn đêm. Xa rồi cánh đồng thời thơ ấu, tôi đã quên tôi từng biết điều gì, vì thế giờ đây tôi đang mong chờ sự tĩnh lặng. Nhưng thời gian của đêm tối kia cũng òn ào như xa lộ Santa Monica trong giờ cao điểm. Cây cối bắt đầu kêu cọt kẹt và cuối cùng gào thét trong cơn gió lốc. Những âm thanh kỳ lạ đó, từ trong huyệt, tôi chỉ cố tìm những lời giải thích. Tôi đã thử giải thích. Không giống như cánh đồng thuở nhỏ, chỉ một vài âm thanh ồn ã trong không gian, còn tâm trí tôi thì hoàn toàn thư thả. Giờ đây, trong đêm tối này, tôi đang bị ngôn ngữ, hình ảnh, những cuộc đối thoại và cả nỗi sợ hãi chế ngự. Như một kẻ hèn nhát, tôi run cầm cập suốt cả đêm. Nhưng cuối cùng khi bình minh đến, tôi đã tự trấn tĩnh được. Cánh đồng đã đem lại sự tĩnh tại cho tôi.
Sau đó là cánh đòng ở Kauai, Hawaii, một mảnh đất gồ ghề bên bờ biển. Đó là năm 1985, tôi 29 tuổi. Tôi ngồi, vừa xoay tít đồng ghine bằng cỏ trong tay, vừa nhìn những con sóng cuộn tròn. Tôi có một cuốn nhật ký và một cây bút, nhưng tôi không thể viết được gì. Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thật ra, tôi đã phản bội người mà tôi yêu rất nhiều để đi với người mà tôi nghĩ mình còn yêu nhiều hơn nữa. Và bấy giờ tôi bị mắc phải chứng tức ngực, có thể vào phòng cấp cứu lúc nào. Mặt trời đang dội những tia nắng gay gắt xuống tôi, còn đầu tôi thì chứa toàn kế hoạch và những lời biện giải.
Dần dần, tiếng gầm của sóng và tiếng gào thét của gió ứ đầy trong óc tôi và làm nó trống rỗng. Trong khi xung quanh có lẽ quá ồn ào để có thể suy nghĩ một điều gì thì nỗi buồn của tôi cũng không dứt, tôi nhìn chằm chằm vào những cơn sóng mong chờ một sự cứu rỗi mà tôi không nghĩ rằng mình đáng được hưởng. Tôi hướng mắt ra xa để đủ thấy không chỉ cách những con sóng cuộn tròn mà cả cách chúng ta biến. Một con sóng cuộn lại và vỡ vụn chỉ trong chốc lát. Sau đó, tôi đã nghiệm ra một phép mầu nho nhỏ thường xảy đến với con người trong cơn đau. Tôi nhận ra rằng nếu tôi dõi theo một con sóng và tập trung cao độ trong khoảnh khắc con sóng tan vỡ, tôi sẽ cảm thấy mọi việc đều trở nên tốt đẹp và chứng đau ngực cũng dường như biến mất. Sau khoảng một giờ, một ý nghĩ chạy qua khoảng trống đang gào thét trong đầu tôi giống như một băng giấy điện báo vừa gửi đến. Hiện tiền là đâu nếu không phải là chính bây giờ? Có phải chẳng cần lý thuyết, chỉ cần sự trải nghiệm và hiện tượng thôi?Khi tôi ngồi trên cánh đồng không bằng phẳng đó, mọi việc trôi đi chậm dần, chậm dần. Phút giây ấy trở thành phút giây duy nhất, phút giây vĩnh cửu. Tôi được cảm nghiệm rất sâu những điều tôi đã học được từ giáo lý Phật đà trong nhiều năm: khi bạn thâm nhập vào bên trong, sự tĩnh tại nằm ở đó, bây giờ và mãi mãi. Tôi ngồi bên bờ biển mãi cho đến khi mặt trời lặn phía chân trời. Khi mặt trời lặn, tôi đã tìm thấy sự tĩnh tại trong tôi. Tôi về nhà dọc theo con đường đá dung nham, cảm thấy vững tâm như năm mình lên 9. Từ chốn thanh lọc này, tôi sẽ đối mặt với những vụng dại và những chọn lựa của lòng mình.
Sau này, tôi nghĩ rằng cánh đồng tĩnh thức đó có giá trị tượng trưng nhiều hơn là ý nghĩa thật. Đó là cành đồng đớn đau mà tôi đã nằm trên đó khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống. Tôi đã nằm duỗi, nghiêng sang bên khoảng 5 độ và sau đó, tôi chỉ có thể nói có một thế giới hoàn toàn mới đã mở ra với tôi. Dường như có cái răng nào đó đang được khoan mà không có Novican giảm đau. Nhưng để thấu hiểu những gì tôi đã trải qua, bạn cần phải thực sự biết cảm giác đó. Thử hình dung nó là một cảm giác bị kìm hãm ở trong hàm, và giống như một cái kẹp, nó còn kéo dãi từ ngực đến tận đầu gối bạn. Tôi thở hổn hển và té xuống sàn. Tôi cố cử động nhưng không thể bởi vì mọi cử động đều làm tôi đau hơn, làm cho tôi thấy những tia sáng và sắc màu bên bờ sự chết. Tôi nằm rất lâu chờ một ai đó đến nhà, tìm thấy và đưa tôi đi bệnh viện.
Giờ đây, tôi hạnh phúc khi mình là người từng nhận biết những cánh đồng tĩnh thức trong nhiều năm. Điều đó chuẩn bị tinh thần cho tôi trước sự đau đớn. Bởi vì ngày đó tôi đã khám phá ra một nơi, hay có lẽ là một khoảnh khắc của vĩnh cửu mà tôi khám phá được ở Kauai. Trong thời gian dài chờ đợi đó, tôi phát hiện ra mình có thể tìm thấy trong một khoảnh khắc nơi không có nỗi đau, và sau đó đã tìm thấy nó lại mỗi lần tôi cố thở đều đặn và bình tĩnh. Tôi mất nó, rồi lại tìm thấy nó. Khi bị thời gian trói buộc, cơn đau gần như không bao giờ dứt trong tôi. Chỉ khi tôi có thể tồn tại trong khoảnh khắc, thì không còn cơn đau nào nữa, chỉ có sự tĩnh tại trong phút giây hiện tiền. Điều đó đã xảy đến với tôi, tôi đã thấy tất cả những thứ này thật sự là cuộc đời tôi, giống như một vòng tuần hoàn: đau đớn, hoảng loạn, ý thức về hơi thở, khoảnh khắc không có nỗi đau, và sau đó cứ thế lặp lại nhiều lần.
Đó là một trong những thành công của tôi. Tuy vậy, qua nhiều năm, tôi đã vượt thoát từ vô số nỗi đau, dù không thành công lằm như ai đó đã nói, tôi chạy trốn nhưng lại mang theo chính bản thân mình. May mắn thay, nỗi đau lại là người thầy nhẩn nại. Và cuối cùng tôi đã học được điều mà nó muốn dạy. Tôi bị cuốn xoáy vào sự hỗn loạn bên bờ vực của nỗi đau; còn tại tâm điểm của nỗi đau chính là sự tĩnh tại. Tôi gieo trồng sự tĩnh thức lúc bình yên và để dành khi sóng gió đến.
Thiền định là vô giá, nhưng với tôi, thiên nhiên là một sự hướng đạo dịu dàng và không bao giờ thất bại để ta bước vào trạng thái tĩnh tại hoàn toàn. Hôm nay, tôi sẽ đi tìm một cánh đồng khác trong cuộc đi dạo hàng ngày của tôi với con chó nhỏ. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ ngồi xuống đó một lát.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 24

Những giá trị sống | Joane Chapman | 
 Đỗ Mi dịch (Theo Tricycle)