Thư Pháp Việt Nam - Triển lãm Thư Pháp

Thư pháp, nói nôm na và dễ hiểu thì nó là nghệ thuật của các con chữ.
Vào khoảng những năm 50-60 của thế kỷ trước, nhà thơ Đông Hồ đã viết những bài thơ luật Đường bằng bút lông, nét chữ đều đặn, chân phương, xương kính, nhưng chưa được gọi là thư pháp vì thiếu nghệ thuật của các con chữ.
Tiếp đến là nhà văn Nhất Linh và nhà thơ Vũ Hoàng Chương; các vị đã viết thơ với nét chữ tung lượn, phóng khoáng, có nghệ thuật, nhưng lại sử dụng bút sắt nên cũng chưa được gọi là thư pháp.
Sau đó không bao lâu, nhà thơ Trụ Vũ ở Sài Gòn sử dụng bút lông để viết thơ, đối, liễn... với nét chữ có hồn, có khí, có thần. Nhưng do chữ khó đọc (phải đoán) nên chỉ giới hạn trong nhà chùa và một số thân hữu, chưa tạo được một hiện tượng như là “hiệu ứng nghệ thuật” cho thư pháp Việt.

Mãi cho đến năm 1979-1980, khi sư Giới Đức (nhà văn, nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh) xuất hiện, ông viết thơ thiền, kinh lời vàng bằng bút lông, thể hiện nghệ thuật của các con chữ với nét bút nhẹ nhàng, thanh thoát, dễ đọc - tuy mới phôi thai thí điểm, đang còn trong giai đoạn mày mò, tìm kiếm sáng tạo - trên các chất liệu đa dạng như giấy dó, giấy xuyến chỉ, trên gỗ, trên mành trúc, trên đá... tại vườn chùa Huyền Không, Huế - đã tạo được niềm yêu thích và sự lưu tâm của giới trí thức văn nghệ sĩ đất Thần kinh.
Ít năm sau, tại Huế có nhà thơ Nguyệt Đình, ở Sài Gòn có nhà thơ Song Nguyên, có lẽ do đồng thanh, đồng khí nên nhị vị nhiệt tình hưởng ứng, tham gia vào loại hình nghệ thuật còn mới mẻ này - thì phong trào thư pháp Việt mới trở nên rầm rộ, được phổ biến, quảng bá, thu hút mọi người, nhất là giới trí thức trẻ và chư tăng ni tại các tu viện, tự viện, thiền viện... 

Các câu lạc bộ thư pháp lần lượt ra đời, thơm lan khắp nước, nhiều nhất là Đà Nẵng và Sài Gòn. Đồng thời, song song với bước đi khám phá thú vị này, là một số công trình nghiên cứu lý luận với nỗ lực đi vào chiều sâu tư tưởng và những quyển sách dạy thư pháp của một số tác gia lần lượt xuất hiện.
Rồi những cuộc hội thảo, triễn lãm thư pháp trong các dịp Tết, lễ Phật đản, lễ Vu Lan... được tổ chức khá quy mô, đáp ứng được nhu cầu tâm linh cùng các giá trị nhân văn ngàn đời – nên từ đó mọi người mới bắt đầu nói đến, bàn đến, xác định “thư pháp Việt” như là một loại hình nghệ thuật có khả năng đóng góp giá trị mỹ học cho gia tài bản sắc văn hóa Việt.
Trong chuyến vân du hành hóa và viếng thăm anh em huynh đệ và chư Phật tử trên đất Mỹ, đại sư Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) sẽ tổ chức triễn lãm thư pháp Việt tại chùa Hương Đạo (địa chỉ nói trên) trong dịp Đại lễ Vesak, vào lúc 8 giờ sáng đến 9 giờ tối ngày 25, 26 May 2013 (Thứ Bảy và Chủ Nhật).
Điều đặc biệt nữa là ngài Viên Minh, một vị thiền sư đương đại, hỷ hoan điểm xuyết một số tranh thủy mặc, bàng bạc tùng trúc khói sương, lung linh cỏ hoa trăng nước của nghệ thuật bút mực Đông phương để cho những con chữ được ướp thêm hương vị đạm phác và dị giản của đạo thiền - vốn từ vô ngôn và vô tướng mà hiển bày chân diện mục.

Trân trọng giới thiệu,
T/m. Thư pháp gia,
Trụ trì chùa Hương Đạo
Tỳ Kheo Bửu Đức