ĂN CHAY ĂN MẶN

Người Ấn Độ phần lớn ăn chay theo Ấn giáo. Mặc dù đức Phật sinh ra ở Ấn Độ nhưng vốn đất nước này đã theo đạo Bà-la-môn (gốc của Ấn giáo) và phân chia giai cấp từ trước nên đa số quần chúng bình dân vẫn tin tưởng nơi thần linh và xem Phạm Thiên là đấng Tạo Hóa. Khi đức Phật còn tại thế thì Phật giáo phát triển nhưng khoảng 200 năm sau đức Phật nhập diệt thì đạo Bà-la-môn phục hồi trở lại vì đa số quần chúng vẫn còn niềm tin ở đa thần giáo. Sau thời kỳ Nguyên Thủy của Phật giáo (khoảng 200 năm) ngay cả Phật giáo Phát Triển (Tiểu Thừa và Đại Thừa) cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của đạo Bà-la-môn, cụ thể như chủ trương ăn chay
hoặc đưa thêm nhiều vị Phật và Bồ-tát vào Phật giáo thay thế cho Thần Linh Thượng Đế để đáp ứng niềm tin tha lực của quần chúng vốn đã quá sâu dày...Khi Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) xin Phật quy định ăn chay, Phật đã từ chối và để mọi người tự chọn cách ăn của mình, miễn sao tùy duyên thuận pháp là được. Và khi được hỏi về điều này Krishnamurti đã trả lời rất tuyệt: "Điều gì đã trở thành quy định thì không còn là chân lý."



1.  "ăn chay tùy duyên"

Tức có gì ăn nấy không gượng ép để trở thành khuôn định...
 Ăn chay không phải chỉ ăn rau trái mà gọi là thanh tịnh, mà chính là ăn với tâm thanh tịnh (Trai giả tịnh dã, tẩy tâm viết trai). Và chủ yếu là ăn gì đừng tham đắm và cố chấp là được. Đức Phật không chủ trương phải hoàn toàn ăn rau trái nhưng cũng không có nghĩa là Ngài chủ trương phải chỉ ăn cá thịt. Cố chấp một phía là rơi vào nhị nguyên, vì vậy ăn cái gì ngay đó hợp duyên đúng pháp mới là trí tuệ.

2. Hãy để trí tuệ làm việc một cách tự do sáng tạo


Hỏi:  Kính thưa thầy! Thầy cho con hỏi việc ăn chay và ăn mặn có ảnh hưởng gì đến việc tu tập không ạ? Con nghe người ta nói ăn 1 miếng thịt vài bữa phải trả 1 miếng, mong Thầy giải nghi cho con, con cám ơn thầy.

T.S Viên Minh:
 Đừng quan niệm ăn chay hay ăn mặn gì cả, hãy để trí tuệ làm việc một cách tự do sáng tạo thì nó sẽ cho con biết ăn thế nào là đúng tốt chứ đừng theo một khuôn mẫu nào có sẵn. Con cứ ăn rồi tự nhận ra đâu là sai đâu là đúng thì cái đúng đó sẽ thực hơn là con tin theo một mẫu đúng nhất định nào đó để rồi làm thui chột nhận thức thế nào là đúng là sai. Cái đúng có từ nhận thức ra cái sai thì tốt hơn là chỉ tin và rập khuôn hay bắt chước theo cái đúng lý tưởng. Điều đúng của thầy chưa hẳn đã đúng với căn cơ trình độ của con, do vậy con đừng vội tin theo bất cứ ai, hãy tin vào bài học chuyển hóa nhận thức và hành vi tại đây và bây giờ nơi chính mình mà thôi.

3. "Người thanh tịnh dù ăn món ăn bất tịnh thì tâm vẫn thanh tịnh, người không thanh tịnh dù ăn món ăn thanh tịnh thì tâm vẫn bất tịnh"

Hỏi: Kính Thầy, một câu trả lời Thầy có dẫn: "Người thanh tịnh dù ăn món ăn bất tịnh thì tâm vẫn thanh tịnh, người không thanh tịnh dù ăn món ăn thanh tịnh thì tâm vẫn bất tịnh" (Kinh Jivaka). Vậy cho con hỏi:
1- Như thế nào là người thanh tịnh?
2- Một người còn ăn thịt chúng sanh (dù mình không giết, cũng không thấy, không nghe, không nghi người ta giết cho mình...) thì có là người thanh tịnh được không ạ? Người ấy có tâm từ bi (như đức Phật dạy) không ạ?

T.S Viên Minh:


1) Người thanh tịnh* là người hành động, nói năng, suy nghĩ thường sáng suốt, định tĩnh, trong lành, không còn bị tham sân si trói buộc.


2) Ăn thịt và ăn chúng sanh là hai việc khác nhau. 
Ăn thịt là ăn tứ đại** không thức tánh, 
còn ăn chúng sanh là ăn ngũ đại nghĩa là ăn vật có thức tánh***. Người ăn chay tưởng không ăn thịt nhưng lại không tránh khỏi ăn chúng sanh vì trong rau trái, trong nước uống đều có chúng đang sống. Vì vậy chúng ta là người tu đừng vội phê phán người khác, hay lên án ai mà nên thanh tịnh tâm mình và có lòng từ bi với mọi người mọi loài trước đã. Còn người ăn thịt có thanh tịnh và từ bi hay không thì cứ để họ tự nhận biết trên đường giác ngộ của họ. Người chấp mới xấu chứ người sai chưa hẳn đã xấu.
Về lòng từ bi thì như đức Bồ-tát bố thí máu thịt mình cho cọp mẹ ăn để sống mà nuôi đàn cọp con, đó là vì lòng đại bi của Ngài không phân biệt cọp ăn thịt hay bò ăn cỏ, hễ thấy chúng sanh khổ thì giúp trước rồi tính sau. Và vì Ngài là bậc đại trí nên biết rõ trình độ căn cơ và duyên nghiệp vay trả của chúng sanh mà vẫn bình đẳng không thiên vị chúng sanh nào. Đó là tấm gương cho lòng từ bi, thanh tịnh và trí tuệ của chư Phật và Bố-tát.


* Người thanh tịnh đương nhiên là bậc Thánh nhưng cũng có thể là người còn đang tu tập đúng hướng và đúngpháp, đó chính là tu theo Bát Chánh Đạo, Giới Định tuệ. Nghĩa là thường thận trọng chú tâm quan sát lại hành động nói năng suy nghĩ của mình, để cho tham sân si không thể dẫn dắt chi phối được. 

**
Ăn thịt tứ đại không có thức tánh giống như Ngài Milarepa Tây Tạng ăn thịt do những người thợ săn biếu, hoặc như Tổ Huệ Năng, Tế Điên Hòa Thượng ở Trung Hoa, Tuệ Trung Thượng Sĩ ở Việt Nam, v.v... Còn ăn thịt chúng sanh thì giống như những người sát sanh mà ăn, hoặc ăn sống trực tiếp những vật còn sống v.v... mà con đã từng biêt.

***
Thức tánh chính là tánh biết có nơi tất cả chúng sanh hữu tình. Tánh biết này nếu không bị bản ngã che lấp thì rất sáng suốt và mầu nhiệm nên Bắc Tông gọi là Phật Tánh. Chỉ khác là tâm thức thường ám chỉ hiện tướng của tâm, còn Tánh Biết hay Phật Tánh thì chỉ thực tánh chân đế của tâm.


Trích từ hỏi đáp: Trung Tâm Hộ Tông