Vật chất và tâm linh

Sự chia cách vật chất và tâm linh thành hai điều khác nhau và đối nghịch nhau đặt chúng ta đứng thường trực trong một sự lựa chọn không hợp lý: hoặc là đi đường tâm linh và loại bỏ vật chất, hoặc theo đường vật chất và loại bỏ tâm linh.
Sự thật là tâm linh và đời sống vật chất, như ăn với uống, làm thành con người chúng ta như hai mặt của một đồng xu (Xem “Mục dích của đời sống“). Cả hai đều cần thiết, đều ngang nhau, và đều không thể tách rời nhau. Bạn không thể tách rời một mặt của đồng xu ra khỏi đồng xu, vì làm thế thì bạn chỉ tách một đồng xu thành 2 đồng xu, và mỗi đồng đều có hai mặt.
Các việc mà chúng ta thường gọi là tâm linh, như thiền định, cầu nguyện, tĩnh lặng…. cũng đều là các việc bồi dưỡng cơ thể của ta—tức là việc vật chất—giúp cơ thể giảm stress, hết căng thẳng, thoải mái, tăng sức mạnh cho hệ miễn nhiễm…
Và các việc vật chất ta làm đều là việc tâm linh. Căn bản nhất, ăn uống ngủ nghỉ, là để bảo tồn sự sống và cơ thể, và đó là các việc tâm linh hàng đầu, vì cơ thể mà chết đi thì cũng chẳng có tâm linh. Công việc ở sở, kinh doanh… đều là những công việc tâm linh: ta luôn luôn làm việc tốt cho đời, luôn luôn tạo công ăn việc làm cho nhân viên, luôn luôn phục vụ khách hàng cách tốt nhất… Tất cả mọi việc đều là việc tâm linh.
Mọi việc ta làm trong ngày—dù là ăn uống ngủ nghỉ, hay làm việc văn phòng, gồng gánh, làm ruộng, kinh doanh, hay đọc kinh cầu nguyện—ta đều làm vì Chúa, cho Chúa, và với Chúa…
Hay làm mọi việc trong ngày luôn luôn với Thiền từng phút, với trái tim Bồ tát tĩnh lặng từng phút.
Nói chung là tất cả mọi việc ta làm trong ngày đều là việc vừa vật chất vừa tâm linh, cả hai—vật chất và tâm linh đều có mặt, bằng nhau và ngang nhau. Có vài việc có vẻ tâm linh hơn—như là cầu nguyện và thiền định; có vài việc có vẻ vật chất hơn–như là ăn uống. Nhưng trong xét nghiệm cuối cùng, thì cái “hơn kém” đó quá nhỏ để ta nói điều gì hơn điều gì về khoản nào.
Tất cả mọi sự trên đời đều phát triển đời sống vật chất và tâm linh con người như nhau cho nên tách rời vật chất và tâm linh là phi lý. Ví dụ: Internet là vật chất hay tâm linh?
Đương nhiên là điều gì cũng có lạm dụng. Ăn uống thì cũng có người ăn bậy bạ, không ý tứ, để cơ thể nhiễm đủ thứ bệnh. Kinh doanh thì cũng có người gian lận, để làm hại cho người hơn là làm lợi cho người. Làm việc thì cũng có người nhũng lạm, hối lộ, để công việc thành bất công và thiếu hiệu năng. Cầu nguyện thì cũng có người “cầu cho chúng nó trở lại” nhưng không hề cầu cho mình thấy cái sai của mình. Cha sư thì không ít người dạy đạo mình là số một, các đạo khác là lạc đường hay si mê, thay vì dạy giáo dân yêu thương và tôn trọng tất cả mọi người…
Các lạm dụng này không thay đổi bản chất tinh tuyền của vật chất và tâm linh đi đôi, ngang nhau, và không thể phân cách, trong mọi hành động của ta.
Chúng ta có thói quen vào nhà thờ vào chùa đọc vài kinh, xá vài xá, theo công thức, và gọi đó là tâm linh. Rồi bước ra ngoài là gian dối, láu cá, trong các việc mình làm, và gọi đó là vật chất. Cho nên chúng ta mới có sự phân cách giả tạo, trong sự đối nghịch giả tạo của cái giả tạo mà ta gọi là vật chất và tâm linh.
Tôi bán giày trong một cửa tiệm. Một ông khách hỏi mua giày. Tôi phục vụ ông ấy với ý tưởng tôi đang làm việc trong team của Chúa, và phục vụ ông khách là phục vụ Chúa, với yêu thương, thành thật, và khiêm tốn trong lòng. Dù ông khách có mua hay không, ông ấy vẫn bước ra khỏi tiệm với một cảm giác siêu nhiên trong lòng: “Sao người bán giày này lại làm cho mình cảm thấy bình an đến như vậy.”
Đó là đưa thánh linh của Chúa đến với mọi người trong mọi việc ta làm.
Hay, nói cách khác, đó là đưa tĩnh lặng và từ tâm của Bồ tát đến với mọi người trong mọi việc ta làm.
Tất cả mọi việc trong ngày—không cần chia ra nó thuộc loại nào—đều là việc làm vì Chúa, với Chúa, cho Chúa.
Tất cả mọi việc làm trong ngày—không cần chia ra nó thuộc loại nào—đều là việc làm của Bồ tát vô ngã và từ tâm đối với mọi chúng sinh.

Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com