Cánh cửa và chân mây


Cánh cửa là thiếp, là thiếu phụ trông chồng; chân mây là chàng, là chinh phu đi chinh chiến.Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây(Chinh phụ ngâm).
Đó là thời đất nước loạn lạc hay bị ngoại xâm. Nhưng khi thái bình, chàng không ru rú ở nhà mà ra thi thố việc nước, hoặc giồi mài kinh sử, hoặc nếu an phận ở quê nhà, thì làm nghề nông, quá lắm thì làm thầy thuốc, thầy đồ, thỉnh thoảng góp phần vào việc làng, việc họ. Còn thiếp, vẫn chủ yếu trong cánh cửa, lo chăm sóc con cái và gia đình nhà chồng, lo vườn tược, heo cúi gà vịt… Thiếp quanh năm thầm lặng, quá lắm là được tiếng khen: công dung ngôn hạnh… Tất nhiên, các vị nữ lưu xuất chúng thì không kể.

Nhưng thời thế đã khác từ lâu. Bên trời Âu, nữ giới đã càng ngày càng được học tập, lao động, gánh vác nhiệm vụ của xã hội như nam giới. Bên này Đông Á, đạo Nho mờ nhạt, ảnh hưởng văn minh phương Tây đã làm cho nữ giới được vươn lên về mọi mặt của xã hội; và ngày nay, chuyện nam nữ bình quyền là chuyện tất nhiên, dầu có nơi có lúc chưa hoàn toàn như ý. Thực tế cho thấy, ngoại trừ những ngành nghề có tính chất đặc thù về giới tính, còn thì nữ có thua gì nam, thậm chí học chăm hơn, đạt điểm cao hơn.
Vì vậy, tất nhiên nam nữ ngày nay kết hôn với nhau thì cả hai đều đi làm việc. Thiếp không thể chỉ ở trong cánh cửa, dầu cho chàng ra ngoài chân mây, lên biên giới bảo vệ Tổ quốc. Tình thế có khi lại đảo ngược: chàng có thể phải trong cánh cửa, dĩ nhiên không kể thời gian ra xã hội làm việc, còn thiếp thì xa xôi, tận chân mây cuối trời, để công tác hoặc du học, tu nghiệp nước ngoài.
Việc giải phóng phụ nữ tất yếu phải đưa đến phân công nhiệm vụ của hai vợ chồng trong gia đình. Vợ phải bớt đi công việc nhà để chồng chấp nhận vui vẻ sẻ chia. Thật tình đàn ông không muốn công việc bếp núc, nhưng nếu hoàn cảnh thôi thúc thì phải làm, cho nên nhiều khi được “tiếng” là ông nội trợ. Nếu hai vợ chồng không biết hòa hợp trên công việc chung, thì dễ xảy ra xung khắc, và bi kịch từ đó, nhất là khi vợ quá sắc sảo, quá lý lẽ lại thêm lý lẽ kèm theo sức mạnh kinh tế và văn hóa với bằng cấp cao hơn, thu nhập cao hơn chàng. Cho nên dễ hiểu đàn ông có khuynh hướng chọn vợ “thường thường bậc trung” về hai mặt văn hóa và kinh tế; tuy nhiên sau này có thể khuynh hướng này giảm nhẹ đi.
Cánh cửa xã hội mở ra thoáng đãng hơn cho cả nam và nữ, quan hệ xã hội rộng rãi hơn, cởi mở hơn, nhưng bụi phồn hoa dễ làm vẫn đục tâm hồn, cũng như tiền tài, quyền lực, sắc đẹp dễ làm con người mê mờ, cho nên vợ chồng lắm lúc gặp cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, “chán cơm thèm phở”, “quên nghĩa tào khang” mà nếu không kịp phản tỉnh thì tai họa cho gia đình, bất hạnh cho con cái. Trong khi đó, luật pháp mở đường cho hai người “đường ai nấy đi” nếu cả hai không còn chút mặn nồng. Một điều trái ngược là trước đây, ở xã hội gọi là phong kiến, nam nữ bị áp đặt hôn nhân lại gắn bó với nhau trọn đời, còn nay thì nam nữ tự do lựa chọn bạn đời sau khi đã tìm hiểu nhau, lại dễ xảy ra ly thân, ly dị.
Trong bộn bề lo toan việc cơ quan lẫn việc nhà, kể cả chạy vạy làm thêm kiếm tiền, không ít trường hợp hai vợ chồng phải bàn bạc để người này tạo thuận lợi cho người kia, lầm khi người này có chút hy sinh. Như vậy mới đúng là tình nghĩa vợ chồng, mới là thuận vợ thuận chồng để tát bớt lo âu… Lâu nay, ta cứ quen khi thấy phụ nữ thường tạo điều kiện để chồng tiến bước trên con đường công danh, sự nghiệp còn mình thì chấp nhận lo nhiều hơn cho gia đình, nhất là lúc con còn nhỏ, cần tình thương yêu chăm sóc của mẹ. Tuy nhiên, ngày nay số con ít đi, và khi con đã đến tuổi vào trường thì phụ nữ vẫn phải được tiến thân trên con đường học tập và nghề nghiệp, cho nên đức ông chồng phải biết chấp nhận làm việc nhà nhiều hơn. Lại nữa, không dễ để cả hai vợ chồng trẻ có được công việc như ý. Thất nghiệp đang rình rập đâu đó, vậy thì mỗi người phải nắm lấy cơ hội; nếu vợ có cơ hội thì chồng phải ủng hộ. Mọi khả năng đều có thể xảy ra, chẳng hạn: hai vợ chồng có con nhỏ, chồng chẳng may thất nghiệp, hoặc lương tiền ít, trong khi vợ có việc làm thu nhập cao, thì có thể chồng ở nhà lo gia đình, để vợ đi làm. Tình hình đó chẳng tốt lành gì, liệu có ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc gia đình không? Khó mà trả lời, có lẽ chỉ ỡm ờ: “Thì cũng tùy…”. Tuy nhiên, một bài viết trên tờThe New York Times ngày 22/1/2010, trả lời hẳn hoi, rất tích cực.
Nữ tác giả Tara Parker-Pope, với bài báo tựa đề: “She works, they’re happy” (tạm dịch: “Vợ làm việc gia đình hạnh phúc”) đã đặt ra câu hỏi bất ngờ ngay từ đầu bài. “Một bà vợ thành công về tài chính có đe dọa ông chồng hay là giúp đỡ ông chồng?”. Một vài con số thống kê lý thú về tương quan kinh tế và văn hóa giữa hai vợ chồng của xã hội Mỹ:
- 1/3 số đám cưới với vợ có trình độ học vấn cao hơn chồng.
- Số cặp vợ chồng với vợ là trụ cột gia đình chiếm 22% tổng số cặp vợ chồng trên đất Mỹ.
Không biết phụ nữ ở ta có tâm đắc hay không với nhận xét của bà Stephanie Coontz, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về gia đình hiện đại: “Phụ nữ không cần lấy chồng xứng hợp về giáo dục và kinh tế nữa, vì thế họ ngày càng thích lấy chồng trên nền tảng quan hệ bình đẳng”. Chính tác giả bài báo trên đã nói lấy mình làm ví dụ: “Trong hôn nhân của tôi, tôi được học nhiều hơn chồng; và, bởi vì chồng tôi đã nghỉ nên tôi có thu nhập nhiều hơn”, bà nói. “Tôi lấy nhà tôi không phải vì tôi cần phiếu thức ăn, nhưng vì tôi nhận ra anh ấy tôn trọng tôi và không có vấn đề gì khi chia sẻ trách nhiệm cuộc sống hàng ngày với tôi. Bây giờ, ngày càng nhiều phụ nữ có lựa chọn đó”.
Gia đình có cả hai vợ chồng đi làm việc, lại có hai con nhỏ thì không tránh khỏi khó khăn, vất vả, ở ta cũng như ở Tây. Bạn đọc thử xem hoàn cảnh của một gia đình bên Mỹ mà bài báo trên nêu ra: Hai vợ chồng lấy nhau đã năm năm, có bốn đứa con, dĩ nhiên còn nhỏ, trong đó hai đứa sau là song sinh; chi phí chăm sóc cho bốn đứa nhóc này không thể chịu nổi nếu cả hai đi làm việc, vậy thì một người phải nghỉ việc. Người ở nhà là người có thu nhập ít hơn: đó là ông chồng. Bực bội lắm chứ! Ông bộc bạch: “Nếu bạn hỏi tôi năm năm nay sao cứ quanh quẩn trong nhà, tôi sẽ trả lời ‘không còn con đường nào khác’”.
Chồng bực bội là thế, sinh ra so đo, mặc cảm, rồi thì cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, vợ chồng chia tay, dễ xảy ra lắm chứ! Thì ra ở Mỹ không phải như thế, theo nữ tác giả bài báo: “Trong lúc người ta dễ dàng tin rằng sự độc lập về tài chính của phụ nữ làm tăng nguy cơ ly dị, thì tỷ lệ ly dị tại Mỹ lại là chuyện khác: nó giảm xuống khi phụ nữ có thu nhập cao hơn. Vào cuối thập niên 1970, thống kê trên 1.000 cặp vợ chồng mà có thu nhập cao hơn thì con số vụ ly dị ở mức cao nhất là 23; từ đó cho tới nay con số đó đã đều đặn rớt xuống còn 17. Ngày nay, người ta thấy rằng ở Mỹ người phụ nữ càng độc lập về kinh tế và được hưởng một nền giáo dục cao thì càng giữ vững được lứa đôi. Và theo một báo cáo năm 2009 từ Center for American Progress (Trung tâm Khảo sát về tiến độ của nước Mỹ) thì ở những tiểu bang nơi các bà vợ có công ăn việc làm ít hơn thì tỷ lệ ly dị càng có xu hướng cao hơn.
Như vậy, đáng khen thay tinh thần chịu đựng của những ông chồng ở Mỹ, chịu đựng cao hơn những bà vợ, khi bình tâm chấp nhận ở nhà; đồng thời cũng cần ghi nhận những bà vợ “trụ cột” trong gia đình không có thái độ gia trưởng. Không những thế, thời gian bỡ ngỡ ban đầu khi hoán chuyển công việc thật là dễ thương. Nữ giáo sư Linda Duxbury, tại trường kinh doanh Sprott tại Đại học Carleton, nhớ lại thời kỳ bà đi làm, còn chồng chấp nhận ở nhà. “Chồng tôi mặc áo quần cho con gái đi học, và tôi nói, ‘Trời ơi, con gái giống như hề’’’, Chồng tôi trả lời vui vẻ: “Đó chỉ là sự bứt rứt của bà. Con nó thích thú lắm đấy. Nếu bà không thích sự lựa chọn của tôi, thì bà làm đi’”.
Đời sống gia đình của hai vợ chồng giáo sư ở trên trở thành bình thường ở Mỹ, và cũng có thể sẽ trở thành bình thường ở nước ta, nhất là ở các thành phố lớn. Dầu sao, người đàn ông cũng phải vượt qua trở ngại về tâm lý, là vấn đề tế nhị trong quan hệ vợ chồng. Đó là mặc cảm, hận đời, rồi nghi ngờ những quan hệ xã hội của người bạn đời của mình,… Nếu người vợ đoan chính, hết mực thương yêu gia đình, khéo léo cư xử với chồng thì mọi chuyện mới ổn thỏa, còn không thì… Nhưng rồi xã hội biến chuyển nhanh, thị trường lao động ngày nay vừa rộng mở, vừa bấp bênh; rộng mở vì người trẻ không chỉ có một con đường là biên chế làm suốt đời và thăng tiến trong bộ máy nhà nước và thành phần kinh tế quốc doanh, mà có thể làm việc rất năng động trong các cơ quan, công ty, cơ sở ngoài nhà nước; nhưng bấp bênh vì theo quy luật cạnh tranh, theo nhu cầu thị trường cũng như khả năng đáp ứng của người lao động, mà chuyện mất việc có thể xảy ra, cũng như khó tìm được việc ở nơi khác; vì vậy phải chấp nhận hoàn cảnh xảy ra có tính nhất thời .
Một phát hiện lý thú của bài báo là: trong xã hội Mỹ, vợ đi làm, chồng nội trợ, mà vợ chồng hạnh phúc; còn chồng đi làm, vợ ở nhà thì có nguy cơ ly tan. Căn cứ của phát hiện đó là số vụ ly dị, một căn cứ có giá trị thực tế ở Mỹ. Ở nước ta thì không thể căn cứ như vậy. Xã hội ta, dầu sao vẫn chưa đậm chủ nghĩa cá nhân như ở phương Tây, cho nên chuyện xung khắc vợ chồng không dễ đi đến ly dị, vì cả hai còn nghĩ đến hạnh phúc con cái, vả chăng phía sau hai vợ chồng, còn có hai gia đình hai bên, và thường thường lời khuyên là: “Chín bỏ làm mười”, “Một sự nhịn là chín sự lành”… Chuyện hạnh phúc trong điều kiện “vợ đi làm, chồng ở nhà” chỉ là chuyện ở Mỹ. Ở ta, hạnh phúc hay không là tùy từng nhà. Còn chuyện chồng đi làm,vợ ở nhà, thì người vợ cũng không vui, nhưng không có căn cứ để tin rằng vợ chồng có nguy cơ ly tan. Hoàn cảnh khó khăn chính là thử thách của hai người. Hạnh phúc vốn có không mất đi nếu cả hai là con của Phật, để biết ngăn ngọn gió chướng vào nhà: Khi gặp hoàn cảnh không được như ý thì không khởi tâm bi lụy, chán nản.
Từ chỗ trọng nam khinh nữ, từ chỗ người đàn ông trong gia đình luôn luôn là gia trưởng, đến nay, đàn ông đã bớt gia trưởng hơn, trong khi phụ nữ càng cương nghị hơn. Nhưng không ai muốn vượt ra ngoài giới tính. Chức năng căn bản của mỗi người trong hai vợ chồng được quy định bởi giới tính, không chỉ ở loài người mà ở cả động vật. Việc sinh con, nuôi con, xây dựng tổ ấm không thể ra ngoài những đặc điểm của giới tính. Âm dương là hai thực thể đối lập nhau, bù trừ cho nhau, có thế mới gắn bó nhau, mới cần đến nhau. Trong xây dựng gia đình, có những việc chung mà cả hai vợ chồng cùng san sẻ, có những việc riêng theo giới tính, nói cho cùng thì tất cả khẩu hiệu chỉ là vỏ khô cứng, nếu không thuận vợ thuận chồng.