Tiền kiếp và trẻ em


Phải chăng khoa học ngày nay đi giật lùi khi có nhiều tác phẩm của các chuyên gia về tâm lý, bệnh lý và khoa học quan tâm tới chuyện tiền kiếp mà một số trẻ em thuật lại. Có tiền kiếp hay không? Tại sao chỉ ở một số trẻ em mới có ký ức về tiền kiếp? Những nghi vấn này làm cho nhiều người thắc mắc tìm câu giải đáp.
Phần sau đây, chúng tôi giới thiệu qua những công trình nghiên cứu về tiền kiếp để quý độc giả có cơ hội suy ngẫm về một số vấn đề siêu hình trong thời đại chúng ta bên cạnh những rắc rối hữu hình xảy ra trên thế giới hiện nay.Cuối thế kỷ trước, Ts. Stevenson đã đề cập trong cuốn Reincarnation and Biology: A Contribution to the Etiology of Birthmarks and Birth Defects (Đầu thai và Sinh học: Một đóng góp vào việc đi tìm nguyên nhân các vết bớt và dị tật bẩm sinh), còn Carol Bowman từng viết hai cuốn sách về những đứa trẻ có ký ức về kiếp trước – Children’s Past Lives (Cuộc sống kiếp trước của trẻ) và Return from Heaven (Trở về từ thiên đường). Gần đây nhất, Bs. Tucker, giáo sư về tâm bệnh học tại Đại học Virginia, cho phát hành cuốn Return to Life (Tái sinh) thuật lại những chuyện trẻ em nhớ được những gì xảy ra ở tiền kiếp.
Bs. Tucker được cả thế giới công nhận là nhà khoa học nghiên cứu về tiền kiếp qua tâm lý nhi đồng đáng tin nhất, ông là tác giả của nhiều công trình về loại này như Life before Life: Children’s Memories of Previous Lives (Tiền kiếp: Ký ức của trẻ em về kiếp trước). Ông là cộng tác viên của Bs. Ian Stevenson và hiện là trưởng ban nghiên cứu tâm lý của khoa Division of Personality thuộc Đại học Virginia kiêm giám đốc của dưỡng đường bệnh tâm trí của thiếu nhi và gia đình (Child and Family Psychiatry Clinic).
Như đã trình bày trong số báo trước, Bs. Tucker trong tác phẩm Tái sinh đã dành hàng chục năm để theo dõi các chuyện kỳ lạ, tới tận nơi để điều tra, phỏng vấn các nhi đồng có hiện tượng hồi ức tiền kiếp bằng phương pháp khoa học và ông đưa ra kết luận những gì chúng kể là có thực.
Cuốn sách có tên Return to Life: Extraordinary Cases Children Who Remember Past Lives (Tái sinh: Những trường hợp lạ lùng trẻ em nhớ lại kiếp trước) mới được phát hành cuối năm 2013 do S. Martin’s Press xuất bản, và là một trong những sách được bán chạy nhất Mỹ.
Các nhà nghiên cứu về hiện tượng tái sinh trước đây đã tìm hiểu một số trường hợp lạ lùng khó giải thích bằng khoa học, về một số trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có những hành động, thói quen, ngôn ngữ nhiều lúc thể hiện mà người lớn không hiểu nổi. Phần đông cha mẹ bỏ qua những “chứng trạng này” vì cho rằng là trò trẻ. Nhưng khoa học gia không nghĩ thế, nên từ Stevenson tới Tucker, đã để tâm nghiên cứu. Họ còn tìm ra không phải chỉ căn cứ vào ký ức về kiếp trước qua lời trẻ kể lại mà nhiều trường hợp có sự trùng hợp kỳ dị giữa những vết nám, vết bớt, vết sẹo mà kẻ đã chết mang trong người và người đang sống bị ngờ là kiếp sau của kẻ xấu số.

Trường hợp của cặp song sinh gia đình Pollock

Gillian và Jennifer Pollock, sinh ra ở Hexham, Northumberland, Anh quốc vào tháng 10 năm 1958, là một trường hợp sinh đôi kỳ lạ. Các chị gái của hai em – Joanna và Jacqueline – đã thiệt mạng từ năm rưỡi, vào tháng 5 năm 1957, trước khi cặp sinh đôi này ra đời khi bị một chiếc xe hơi đâm phải trong lúc đang đi bộ đến nhà thờ. Lúc đó Joanna mới 11 và Jacqueline 6.
Khi bà Florence Pollock mang thai Gillian và Jennifer, ông chồng, John Pollock, tin vào sự đầu thai, đã quả quyết rằng hai đứa con gái đã mất của mình sẽ được tái sinh làm một cặp song sinh, mặc dù bác sĩ sản phụ đã nói chỉ có một bào thai. Quả nhiên, đúng như người cha dự cảm.
Khi cặp sinh đôi chào đời, cha mẹ các em nhận thấy hai trẻ song sinh giống nhau nhiều phần nhưng họ khác nhau, vì ở bé Jennifer có vết trầy trên trán và vết sẹo ngang hông. Những “dấu hiệu” này làm cha mẹ nhớ tới đứa con gái yểu mạng Jacqueline. Jacqueline trước khi chết có lần té xe đạp nên trên trán có vết sẹo mờ, còn vết sẹo trên hông là do Jacqueline té vào xô nước gây ra. Trong khi Gillian thì không hề có đặc trưng nào trên thân thể.
Khi lên ba, các em đã bắt đầu nói về những người chị xấu số của mình và đặc biệt, mẹ các em đã vài lần vô tình nghe được các em kể về những chi tiết của vụ tai nạn đã giết chết họ ở kiếp trước. Bên cạnh đó, cha mẹ họ trước đó đã cất đồ chơi của hai người chị xấu số, nhưng sau đó lại lấy ra hai con búp bê cho hai đứa trẻ sinh đôi chơi. Khi cặp sinh đôi nhìn thấy chúng, Gillian đã lấy con búp bê của Joanna, còn Jennifer lấy con búp bê của Jacqueline. Hai em nói Ông già Noel đã tặng chúng những con búp bê này và kỳ lạ thay đó đúng là quà giáng sinh khi trước dành cho những đứa trẻ xấu số.
Một ngày nọ, Gillian chỉ vào vết trầy trên trán của Jennifer và nói: “Đó là vết do mày bị ngã xe đạp gây ra!” Đúng như thế, lần té xe đạp khiến Jacqueline phải khâu mấy mũi và có sẹo trên trán.
Một lần khác, khi ông John Pollock đang sơn, ông đã mặc một chiếc áo khoác ngoài mà mẹ các em thường mặc khi những đứa con gái đầu vẫn còn sống. Jennifer nhìn thấy nó và hỏi: “Ba lại mặc áo khoác của mẹ à?” Khi ba của cô bé hỏi lại vì sao em lại biết đó là áo của mẹ, thì cô bé đã trả lời chính xác rằng mẹ mình đã thường mặc nó khi đi giao sữa.
Gia đình họ chuyển khỏi Hexham khi cặp sinh đôi chỉ mới chín tháng tuổi. Khi cặp sinh đôi được bốn tuổi, gia đình trở về thăm Hexham lần đầu. Trong lúc cả nhà đang đi bộ dọc theo con đường gần một công viên nơi hai người chị gái quá cố từng đến chơi thường xuyên, cặp sinh đôi nói muốn băng qua đường để đến chỗ đu quay trong công viên. Chúng đã tưởng tượng hay nhìn hình ảnh từ kiếp trước?
Ngoài ra, thói quen, cách ăn nói của hai đứa trẻ sinh đôi Gillian và Jennifer Pollock nhiều khi chẳng khác gì hai người chị đã mạng vong của chúng, chẳng hạn cách cầm bút trái lệ thường của Jennifer chẳng khác thói quen từng bị cô giáo la rầy của Jacqueline khi trước. Một trùng hợp khác nữa, thuở còn sống Jacqueline thường bám lấy chị là Joanna. Còn khi tái sinh thì vẫn Gillian điều khiển em là Jennifer.
Một điều các nhà nghiên cứu đồng ý là thường vào tuổi lên 5 trở đi “các trẻ có hồi ức kiếp trước” đều quên dần dĩ vãng và trở lại phát triển bình thường. Trường hợp Gillian và Jennifer Pollock cũng thế.

Bị đánh dấu cả đời

Bây giờ sang chuyện bên Mỹ.
Patrick Christenson là một cậu bé được sinh mổ ở tiểu bang Michigan vào năm 1991. Khi y tá bế cậu bé lại cho người mẹ, ngay lập tức bà mẹ có cảm giác cậu con trai mới sinh có mối liên hệ nào đó với đứa con trai đầu của mình đã chết trước đó 12 năm, vào năm 1979, vì bệnh ung thư khi mới được hai tuổi. Bà mẹ sớm nhận ra Patrick có ba dị tật giống với đứa con trai đầu của mình có tên là Kevin lúc chết.
Kevin bắt đầu đi khập khiễng khi mới được một tuổi rưỡi. Một ngày nọ, em bị ngã và bị gãy chân trái. Sau đó các bác sĩ đã xét nghiệm cho em, họ làm cả phép sinh thiết và khám phá ra một khối u nhỏ ở vùng da nằm trên tai cậu bé. Họ chẩn đoán em mắc bệnh ung thư đã di căn metastatic cancer. Phim chụp xương cho thấy rất nhiều chỗ khác thường. Mắt trái của cậu bé bị lồi ra và bầm tím do có một khối u. Bác sĩ phải chữa cho cậu bé bằng hóa trị thông qua một đường truyền tĩnh mạch lớn ở phía bên phải cổ của em. Mặc dù chỗ truyền các chất hóa trị vào người khiến cổ của cậu bé sưng đỏ lên nhưng em không gặp vấn đề gì lớn trong quá trình chữa trị và cuối cùng đã được ra viện. Cậu bé được chữa trị theo chế độ ngoại trú nhưng phải quay lại bệnh viện năm tháng sau đó. Vào thời điểm đó em gần như đã mù mắt trái. Cậu bé nhập viện trong tình trạng bị sốt, được chữa trị bằng thuốc kháng sinh và rồi được trả về nhà. Em mất hai ngày sau đó, ba tuần sau ngày sinh nhật lần thứ hai của mình.
Cha mẹ Kevin đã ly thân trước khi em mất và mẹ của em cuối cùng cũng bước thêm bước nữa. Bà này đã có một cô con gái và một cậu con trai trước khi sinh hạ Patrick. Ngay lúc chào đời, cậu bé đã có một vết bớt (birthmark) nằm chéo có hình dạng giống với một vết cắt nhỏ ở cổ phía bên phải, nơi trước kia Kevin bị mổ để hóa trị, và một cục u nhỏ ở vùng da trên tai phải giống như khối u đã sinh thiết của Kevin. Ngoài ra, Patrick cũng bị mờ mắt trái, được chẩn đoán là chứng vảy cá (corneal leukoma), khiến thị lực con mắt đó giảm, cũng như Kevin khi trước.
Khi đến tuổi biết đi, cậu bé Patrick cũng đi khập khiễng và nghiêng người về phía trái như người anh Kevin đã quá cố.
Khi Patrick được gần bốn tuổi rưỡi, cậu bé bắt đầu kể cho mẹ mình những chuyện mà bà này cảm thấy có liên quan đến cuộc sống của Kevin khi xưa. Cậu bé thỏ thẻ với mẹ mong muốn được trở về ngôi nhà cũ, nơi em đã bỏ mẹ ra đi. Cậu bé cũng cho biết ngôi nhà có màu cam và màu nâu. Sự thật đúng là vậy. Em hỏi mẹ xem có nhớ em đã phải làm phẫu thuật hay không và khi bà mẹ trả lời rằng em chưa hề phải làm phẫu thuật, cậu bé khẳng định là mình đã trải qua và chỉ lên chỗ phía trên tai nơi bác sĩ đã sinh thiết khối u cho Kevin ngày trước. Cậu bé cũng nói không nhớ rõ ca phẫu thuật đó diễn ra như thế nào vì em đã ngủ trong suốt thời gian bị mổ.
Một lần khác, Patrick nhìn thấy tấm ảnh của Kevin, mặc dù mẹ cậu không mấy khi trưng ảnh của anh trai quá cố của cậu ra, và nói đó chính là ảnh của mình.
Sau khi nghe Patrick kể như vậy, mẹ cậu bé hoảng hốt đã liên hệ với Carol Bowman – một tác giả đã từng viết hai cuốn sách về những đứa trẻ có ký ức về kiếp trước – Children’s Past Lives (Cuộc sống kiếp trước của trẻ) và Return from Heaven (Trở về từ thiên đường). Họ đã nói chuyện qua điện thoại một số lần, trong đó nhà nghiên cứu đã dặn dò bà mẹ Patrick một số chỉ dẫn về cách ghi nhận các biểu lộ của đứa trẻ dị thường.
Bs Tucker kể lại: “Cuối cùng Carol Bowman báo cho chúng tôi biết về trường hợp này để nghiên cứu. Sau đó ông Stevenson và tôi đến nhà cậu bé Patrick khi cậu lên năm tuổi.
Chúng tôi đã nhìn thấy và chụp ảnh vết bớt trên cổ Patrick, một đường chéo rộng 4 milimet trên vùng phía dưới, bên phải cổ cậu bé và trông giống một vết thương đã lành. Cục bướu trên đầu cậu bé rất khó nhìn nhưng lại dễ sờ ra. Chúng tôi có thể thấy mắt trái của Patrick bị mờ đục và đã hỏi xin một bản sao hồ sơ khám mắt của Patrick. Chúng tôi nhận ra cậu bé bước đi hơi khập khiễng, mặc dù không mắc phải một chứng bệnh nào có thể dẫn đến tình trạng đó. Chúng tôi đã xin được hồ sơ khám bệnh của Kevin khi trước có ghi lại tiền sử bệnh của đứa trẻ yểu mạng, trong đó có ghi rõ những vết mổ có vẻ như rất giống với các vết bớt sau này của Patrick. Chúng tôi đưa Patrick đến căn nhà Kevin đã ở cùng với mẹ mình khi trước. Không may là Patrick gặp vấn đề về phát âm và đôi lúc nói rất khó nghe nên em đã không khẳng định chắc chắn rằng em nhận ra ngôi nhà tiền kiếp.
Tóm lại, Patrick có ba vết bớt bẩm sinh kỳ lạ có vẻ như rất giống với những vết thương của người anh trai xấu số cùng mẹ khác cha của mình. Thêm vào đó, cậu bé đi khập khiễng khi tập đi và nhắc đến những sự kiện trong cuộc đời Kevin khi trò chuyện với người mẹ. Bằng ấy biểu lộ đủ xác định có tiền kiếp chưa?
Trường hợp của Patrick là một ví dụ của các trường hợp của các vết bớt và dị tật mà tiến sĩ Stevenson đã đề cập trong cuốn Reincarnation and Biology: A Contribution to the Etiology of Birthmarks and Birth Defects (Đầu thai và Sinh học: Một đóng góp vào việc đi tìm nguyên nhân có các vết bớt và dị tật). Trong đó ông đã viết về nhiều trường hợp trẻ không những đã thuật lại ký ức về tiền kiếp mà còn các vết bớt và dị tật tương ứng với những vết thương trên cơ thể của người kiếp trước. Các em đến từ những khu vực khác nhau trên thế giới và có rất nhiều loại vết bớt và dị tật khác nhau. Tôi không thể tóm tắt hết hàng trăm trường hợp kỳ lạ trong cuốn sách này nhưng một vài trường hợp trong số này rất đáng để đưa ra xem xét”.

Chu Nguyễn



Convinced: Dr Tucker, associate professor of psychiatry at the University of Virginia, has written in his upcoming book about the experiences of American children who he believes have been reincarnated
Convinced: Dr Tucker, associate professor of psychiatry at the University of Virginia, has written in his upcoming book about the experiences of American children who he believes have been reincarnated
Read more: http://www.dailymail.co.uk/news/article-2509769/New-book-reveals-children-believe-reincarnated.html#ixzz2yMdX2y3V