Cuộc tranh cãi về quyền rút dụng cụ trợ sinh

Một vấn đề trong thời đại chúng ta gây tranh cãi ráo riết là bác sĩ trị bệnh cho bệnh nhân khi nhận định người bệnh đã hết phương cứu chữa thì giành quyền rút dụng cụ trợ sinh (life support) ra khỏi người bệnh, trong khi thân nhân của bệnh nhân nhiều khi phản đối vì lý do tình cảm hay tín ngưỡng. Cơ quan nào đóng vai trọng tài trong cuộc phân xử, tòa án hay một hội đồng có tên là Consent and Capacity Board như ở Ontario? Liệu có thể dẹp bỏ được xung đột này hay không? Xem ra khó khăn và cuộc tranh thắng có xu hướng mới bắt đầu!Bài viết sau đây dựa vào nguồn tài liệu trong tờ MacLean’s số tháng 11, 2013 có tên “Why doctors want the right to pull the plug?”
Buổi sáng 18 tháng 10, Mojgan Rasouli và bà mẹ, Parichehr Salasel, từ căn nhà ở phía bắc Toronto, đáp subway tới trung tâm thành phố. Cái ngày mà họ chờ đợi đã tới và Rasouli, ở tuổi ba mươi, bình tĩnh đối phó với thử thách trước mặt.
Tới gần văn phòng của Gary Hodder, luật sư bảo vệ cho họ, họ nhận ra có chiếc van của báo chí đậu bên ngoài. Khoảng nửa giờ trước, Tòa Tối cao Canada(Supreme Court of Canada) đã tuyên bố một quyết định quan trọng liên quan đến quyền duy trì mạng sống của mọi công dân Canada và riêng với Hassan Rasouli, cha của Mojgan và là chồng của Salasel.
Khi hai phụ nữ này đi thang máy lên tầng 22, quyết định của Tòa Tối cao đã được báo chí đăng tải trên trang đầu nhưng Rasouli và Salasel vẫn còn chưa biết kết quả.
Vụ tranh cãi bắt đầu cách đây ba năm.
Vào năm 2010, Hassan Rasouli, một kỹ sư Iran di cư sang Canada cùng với vợ và hai con (Mojgan và Mehran 26 tuổi em của Mojgan). Nhưng ông Hassan, 61 tuổi này, mới tới Canada mấy tháng, bỗng nhiên cảm thấy tai ù, rồi đau nhức bên đầu nên phải vào bệnh viện khám bệnh. Nào ngờ bệnh viện phát giác Hassan có khối u ở não và xét nghiệm thấy khối u lành nên đề nghị mổ. Hassan trong lúc khỏe mạnh, tinh thần phấn khởi vì tới được miền đất mới nên sẵn sàng xin giải phẫu. Nào ngờ ông ta kém may mắn, vào tháng 10 năm ấy ông bước vào phòng giải phẫu tại bệnh viện Sunnybrook. Tai họa xảy ra, chỗ mổ nhiễm trùng, làm độc, gây tổn hại tới não bộ khiến bệnh nhân phải nằm lại trong khu săn sóc đặc biệt ICU (intensive care unit) của bệnh viện với dụng cụ trợ sinh.
Trong thời gian dài, bệnh nhân phải dùng máy trợ hô hấp (mechanical respirator), gắn vào khí quản để thở và dùng một ống khác để đưa thực phẩm vào bao tử. Các bác sĩ điều trị cho rằng Rasouli không bao giờ tỉnh lại nữa, dù họ đã tận tâm cứu trị, nên muốn rút tất cả phương tiện trợ sinh ra khỏi cơ thể bệnh nhân để bệnh nhân có thể ra đi dễ dàng. Nhưng gia đình bệnh nhân phản đối. Vốn là tín đồ Hồi giáo Shia kiền thành, họ tin rằng mỗi sinh mạng rất thiêng liêng và tin tưởng rằng người thân của mình sẽ hồi phục.
Salasel, là bác sĩ ở Iran, hằng ngày ở bên giường bệnh của chồng, và cho biết chứng kiến dấu hiệu sinh cơ nơi chồng như có thể co ngón tay cái lên hay hé miệng và lè lưỡi nếu yêu cầu.
Bà Salasel và con gái Mojgan quyết chống lại ý kiến của bác sĩ. Phía bác sĩ bệnh viện cũng cứng rắn, cho biết chỉ bãi bỏ quyết định nếu thân nhân người bệnh có được lệnh của tòa buộc họ không thể tùy ý rút dụng cụ trợ sinh ra khỏi Hassan. Salasel và Mojgan đã tìm tới luật sư Gary Hodder và được ông này giúp việc khiếu nại với Tòa.
Trong một quyết định 5 thuận 2 chống, Tòa Tối cao Canada nghiêng về phía gia đình Rasouli.
Khi mẹ con bước ra khỏi thang máy vào văn phòng của Ls Hodder và biết kết quả họ đã reo lên vui mừng trong nước mắt.
Cái chết là một thực tại phũ phàng trong cuộc đời mà mọi người đều phải chấp nhận. Nhưng với phương tiện của nền y khoa tân tiến, chúng ta có thể trì hoãn lưỡi hái tử thần trong một thời gian dài để chờ phép lạ. Trong trường hợp con bệnh như Rasouli, không thể tự mình bày tỏ nguyện vọng, thì một vài phần tử trong gia đình bệnh nhân đã đòi cho kỳ được những phương tiện kéo dài mạng sống cho ông ta, nghĩa là đòi tiếp tục chữa cho bệnh nhân.
Y bác sĩ điều trị không đồng ý vì cho rằng sự can thiệp vào tiến trình tử sinh của bệnh nhân một cách quá mức như thế chỉ làm cho bệnh nhân thêm đau khổ và cũng khiến y bác sĩ về mặt đạo đức cảm thấy áy náy không yên. Họ muốn giành quyền quyết định khi nào rút dụng cụ trợ sinh ra khỏi bệnh nhân để bệnh nhân có thể thoải mái hơn khi nhắm mắt.
Arthur Schafer, giám đốc của trung tâm theo dõi về đạo đức chuyên môn trong lãnh vực y khoa, có tên là Centre for Professional and Applied Ethics tại Đại học Manitoba, nhận định: nếu không cho y bác sĩ quyền quyết định “rút ống” (pull the plug) thì họ thường cảm thấy bản thân là những kẻ hành hạ bệnh nhân (Physicians often feel like torturers).
Thử nghĩ xem, những bệnh nhân không thể nuốt được phải có máy hút đờm ra khỏi phổi thì tránh sao khỏi đau đớn! Schafer cho biết trong trường hợp đó: “chẳng khác gì cho một que cời than nóng vào trong cuống họng. Hơn nữa, cứ nằm mãi thì thân hình lở loét, bị nhiễm trùng và phải giải phẫu chữa trị gây ra cơn đau thế nào không nói cũng biết!”
Tòa Tối cao cho dù đưa ra phán quyết bênh vực quyền của gia đình bệnh nhân nhưng vẫn không chấm dứt được cuộc tranh luận. Ngược lại, phán quyết này càng làm cho nhiều thân nhân người bệnh thách đố với quyết định của y bác sĩ điều trị dù họ thấy bệnh nhân đã hết phương cứu chữa và nên bỏ dụng cụ trợ sinh ra là hợp lý và thực tiễn.
Schafer cho rằng quyết định của Tòa chỉ gây thất vọng, thiếu minh bạch và lạc lõng (disappointing, muddled and incoherent). Với phán quyết như thế vô tình dồn y bác sĩ vào ngõ cụt đạo đức hơn là giải tỏa cho họ.
Cũng vì thế, trong năm 2008 đã xảy ra vụ ba bác sĩ ở một bệnh viện ở Winnipeg đã từ chức hơn là tiếp tục trị liệu cho Samuel Golubchuk, một bệnh nhân cao niên, não bộ đã gần liệt. Bác sĩ muốn tháo dụng cụ trợ sinh ra khỏi bệnh nhân để ông ta bớt thống khổ vì sống mòn, nhưng gia đình nạn nhân lấy được lệnh tòa buộc họ phải hủy bỏ quyết định này, với lý do làm thế là vi phạm tín ngưỡng của gia đình vốn gốc Do Thái theo Chính thống giáo (Orthodox). Kết cuộc, Golubchuck cũng chết sau tám tháng sống với dụng cụ trợ sinh.
Ở Canada thế hệ già nua gia tăng, niềm tin vào dụng cụ trợ sinh tân tiến là chiếc đũa thần có thể kéo dài mạng sống con người cũng gia tăng. Do đó, trước kia ít khi có sự bất đồng ý kiến giữa y bác sĩ điều trị và thân nhân bệnh nhân về việc rút dụng cụ trợ sinh ra khỏi người bệnh đã hết phương cứu chữa. Nhưng ngày nay những vụ tranh cãi về “quyết định chấm dứt cuộc sống” (end-of-life cases) như đã trình bày có chiều hướng gia tăng như một nghiên cứu của tạp chí Journal of Critical Care.
Tỉnh bang Ontario cách đây 17 năm đã thành lập một hội đồng, một thứ tòa án độc lập, có tên là Ontario’s Consent and Capacity Board để giải quyết các vụ tranh tụng trên, trong đó có nhiều vụ khiến người ta băn khoăn và đau lòng liên quan đến bệnh nhân cao niên, tàn tật hay cả trẻ thơ nữa.
Trong việc quyết định rút dụng cụ trợ sinh ra khỏi bệnh nhân Rasouli, y bác sĩ điều trị cho ông này không nhờ tới Consent and Capacity Board.
Hai bác sĩ Brian Cuthbertson và Gordon Rubenfeld, của phòng săn sóc đặc biệt (intensive care) thuộc bệnh viện Sunnybrook, cho rằng họ không cần ý kiến của bệnh nhân hay người thay thế bệnh nhân trong quyết định chấm dứt trị liệu vì theo họ chẳng lợi gì cho ai, cho y học cũng như cho bệnh nhân mà còn gây cho bệnh nhân thêm đau đớn vì sống đời thực vật mà cơ thể tiếp tục bị thương tổn.
Như đã trình bày, Tòa Tối cao không tán thành quyết định như thế và cho rằng họ phải thông qua hội đồng trọng tài Consent and Capacity Board xin ý kiến mới thỏa đáng. Hiện giờ “Hội đồng” (Board) này được Tòa Tối cao bật đèn xanh cho quyết định. Vụ tranh kiện của gia đình Rasouli như thế kể như chưa kết thúc vì “Board” có thể quyết định bênh vực ý kiến của y bác sĩ điều trị và cho phép tháo dụng cụ trợ sinh ra khỏi người bệnh.
Mặc dù có khả năng cuộc tranh kiện chưa hết nhưng hiện giờ Mojgan Rasoili đã yên tâm với quyết định của Tòa Tối cao. Cô tuyên bố: “Nếu sau này có quyết định trái ngược tôi sẽ vô sùng sửng sốt. Không ai có thể quyết định việc sinh tử của người khác ngay cả y bác sĩ cũng vậy”.
Như đã trình bày, thân nhân bệnh nhân muốn đòi quyền duy trì biện pháp trợ sinh cho người bệnh nhiều khi chỉ sống đời sống thực vật là việc thường gặp. Lý do thông thường là do tình thân gắn bó, chẳng ai muốn thân nhân vĩnh viễn ra đi. Cũng có thể là vì lý do tín ngưỡng và không ít trường hợp là tin sẽ xảy ra phép lạ vào phút chót.
Vào tháng 7 năm 2007, Consent and Capacity Board nghe trường hợp của bệnh nhân tạm gọi là “Mr. C.D”. Vị cao niên 81 tuổi này là cư dân St. Catharines, Ont. và là một cựu chiến binh Thế chiến II, khi tới Canada với hai bàn tay trắng và làm việc cần mẫn để trở thành một thương gia thành đạt. Ông nay về già mắc chứng loạn trí (dementia) và sống nhờ một ống đưa thực phẩm vào dạ dày. Nằm lâu nên bệnh nhân lở loét cả người tới mức không thể trị khỏi. Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân đề nghị tháo hệ thống trợ sinh ra khỏi người bệnh cho ông ta chút thoải mái để chờ phút lâm tử, vừa bớt đau khổ và được chết một cách tôn nghiêm. Nhưng bà vợ của bệnh nhân nhất định không đồng ý.
Vì người cựu chiến binh không thể trình bày ý kiến của mình nên một nhóm luật gia cho rằng bà vợ có thể “trên pháp lý là người quyết định thay thế” (substitute decision-maker) để bày tỏ nguyện vọng của người bệnh. Vợ chồng “Mr. C.D” đều là tín đồ kiền thành của giáo hội Chính thống Orthodox Hy Lạp, nên bà C.D. thay mặt chồng cho rằng chồng mình là một chiến binh nên phải chiến đấu tới cùng, nghĩa là quyết níu mạng sống cho tới hơi thở chót. Bà C.D. còn không chịu để bác sĩ cho tăng thuốc giảm đau cho chồng vì sợ ông sẽ mê man không nhận ra vợ con. Như thế đau lòng biết mấy vì khi họ tới thăm ông sẽ không thấy ánh mắt bệnh nhân bừng lên niềm vui như trước.
Trong mười năm qua, “Hội đồng” đã phải xét khoảng 25 trường hợp tranh tụng như trên, số vụ còn nhiều hơn tổng số các vụ loại này ở các tòa án gom lại.
The Consent and Capacity Board của Ontario hiện giờ có 150 thành viên được chỉ định, một phần ba trong số này là các tâm bệnh gia (psychiatrists), một phần ba khác là luật sư và một phần ba còn lại gồm nhiều thành phần khác biệt. Nhiệm vụ của ủy ban chủ yếu là phân xử các khiếu nại về việc săn sóc y tế cho bệnh nhân và những người thay thế bệnh nhân.
Trong vụ “Mr. C.D” thì hội động phân xử bênh vực quyết định của bác sĩ. Hội đồng cho rằng bệnh nhân đã quá kiệt lực trong cuộc chiến lâu dài chống chứng loạn trí, nay đã đến lúc cần cho người chiến binh yên nghỉ và đề nghị “bà C.D.” nên thuận tùng ý kiến chuyên môn thì hơn. Trong trường hợp này bên thua có thể chống án ra tòa Thượng thẩm “Superior Court of Justice” để tranh biện tiếp tục.
Tòa Tối cao, khi phân xử giữa hai bên chống và thuận duy trì hệ thống trợ sinh để kéo dài mạng sống thực vật của bệnh nhân, đã không lưu ý tới một vấn đề gây áp lực lên hệ thống y tế hiện nay. Để chữa trị cho một bệnh nhân tại trung tâm săn sóc đặc biệt (ICU) cần tốn phí vào khoảng 1 triệu Gia kim mỗi năm. Các bác sĩ tại Sunnybrook tuy không nêu vấn đề “tốn hao công quỹ” ra trong cuộc tranh cãi pháp lý. Tuy nhiên, dân Canada không thể không suy nghĩ về điểm này. Handelman, một luật sư của Board, nêu câu hỏi: “Liệu chúng ta có nên để ông nội mình đã bại liệt, lại không còn chút ý thức nào ở mãi ICU trong khi một bệnh nhân khác cần một chỗ trong ba ngày sau khi giải phẫu ghép mạch rẽ (bypass) hay không?”
Handelman hy vọng vụ Rasouli sẽ khuyến khích nhiều người bàn cãi về ước nguyện chấm dứt cuộc sống như thế nào cho hợp tình hợp lý. Ông nhận xét: “Chúng ta đôi khi gặp thân nhân của một người bệnh tin rằng họ đã làm việc đúng khi đòi duy trì mạng sống kéo dài trong tuyệt vọng của người bệnh dù bản thân người bệnh không muốn thế”. Trong trường hợp Hassan Rasouli, khó biết được liệu ông ta có muốn sống trong tình trạng “thực vật” hiện giờ hay không?
Riêng Mojgan Rasouli thì hoàn toàn lạc quan. Cô con gái của Hassan Rasouli mô tả cha mình là người sáng tạo, duyên dáng và tham vọng, lại có óc trào lộng và thích nhạc Ba Tư, và rằng niềm tin Hồi giáo là nền tảng của gia đình. Bà này nói: “Tín ngưỡng của chúng tôi rất riêng biệt. Sinh mạng rất quý trọng”.
Sau một cuộc họp báo đầy xúc động ở văn phòng luật sư Hodder, bà vợ và con gái Hassan Rasouli tới thăm bệnh nhân như thường lệ. Mojgan Rasouli, đầu năm mới lấy chồng, kể lại: “vào buổi tối, tôi, chồng tôi, mẹ chồng tôi và bè bạn tới thăm ba tôi”.
Hôm đó, cô cho cha cô biết quyết định của Tòa Tối cao. Cô nắm lấy tay cha cô và tiết lộ: “mắt cha tôi rực sáng!”
Chính tình cảm gia đình có thể khiến cô Mojgan có niềm tin như thế chăng?
Nhiều khi cha mẹ biết rằng đứa con mình sinh ra ngay từ lúc sơ sinh đã có dấu hiệu non yếu khó sống nổi nhưng vẫn đòi bệnh viện phải duy trì dụng cụ trợ sinh vì chờ “Thượng đế sẽ ra tay cứu lành hài nhi!”
Đó là trường hợp bé tám tháng tuổi có tên là EJG mà hội đồng Consent and Capacity Board vào tháng 9 năm 2007 phải làm trọng tài phân xử. Bé này bị tình trạng thiếu dưỡng khí trước khi ra đời, sống trong tình trạng thực vật, không có chút cảm xúc, không nháy mắt, không ăn, không uống. Bác sĩ đề nghị rút dụng cụ trợ sinh nhưng gia đình không chịu vì hy vọng vào phép lạ hoặc sau này y khoa tiến bộ hơn sẽ cứu bé. Dĩ nhiên Hội đồng phải tán thành ý kiến của bác sĩ.


Chu Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét