Bí quyết già mà vui, khỏe

Có lần tôi viết một bài về người già có tựa là: “Già sao cho sướng?”, không ít bạn bè vừa đọc cái tựa đã kêu lên: Quái, cái ông bác sĩ này bây giờ bày đặt viết chuyện “tục tĩu”!
Cái chữ “sướng” thiệt là tai hại, gây hiểu lầm nhiều quá!
Thiệt ra “sướng” tôi dùng đây là trái với “khổ”. Phật dạy “sinh bệnh lão tử” là khổ, thương yêu mà xa cách là khổ (ái biệt ly), oán ghét mà gặp gỡ là khổ (oán tắng hội), mong muốn mà không đạt là khổ (cầu bất đắc); ngũ uẩn không điều hòa là khổ…
Kể đủ thứ “khổ” như vậy thực ra không phải để bi quan, yếm thế, mà trái lại, khi đã nhận chân được sự thực thì sẽ có cách giải thoát khổ đau; Như người thầy thuốc phải chẩn đoán đúng bệnh, tìm ra được nguyên nhân thì mới có phương cách chữa trị hiệu quả.
Già là một cái khổ không chối cãi được. Ít có ai già mà khăng khăng bảo mình sướng lắm, sướng lắm chớ! Sướng sao nổi. Lực bất tòng tâm. Muốn mà không làm được, tức lắm chớ, buồn lắm chớ. Muốn bay nhảy như hồi thanh xuân đâu có dễ! Nhiều nỗi cay đắng ngậm ngùi không tiện nói ra, không biết bày tỏ cùng ai. Người già đôi khi như hổ nhớ rừng: “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…” (Thế Lữ).
Đó là không kể già thì thường có bệnh. Bệnh thì không đơn giản. Đủ thứ bệnh ở lục phủ ngũ tạng, “ba cao một thấp”… Bệnh này kéo bệnh kia. Thuốc chữa được bệnh này thì sinh ra bệnh khác. Lòng vòng mãi không dứt.
Một người bạn ở nước ngoài về cho biết, lúc này bạn bè có tuổi của mình bên đó bị bệnh “ba cao một thấp” nhiều lắm. Tôi ngạc nhiên hỏi bệnh ba cao một thấp là bệnh gì? Đó là bệnh cao máu (tăng huyết áp), cao đường (tiểu đường) và cao mỡ (tăng axít béo, cholesterol xấu). Còn một thấp là gì? Bạn nói, một thấp là thấp khớp! Thì ra vậy. Nhưng đâu chỉ có ở nước ngoài, ở ta bây giờ cũng đầy “ba cao một thấp” đó thôi. Mấy năm trước, tỷ lệ tiểu đường (type II) rất thấp, nay đã tăng gấp mấy lần. Bệnh tim mạch, huyết áp, thấp khớp, béo phì… đang tăng nhanh. Ra đường bây giờ thấy thanh niên trai tráng thì cà phê thuốc lá, nhậu nhẹt tưng bừng, còn người già thì cà lết cà nhắc tập đi bộ, huơ tay múa chân thiệt là náo nhiệt!
Có một nhà báo nằm mơ thấy mình gặp thượng đế, và xin được phỏng vấn ngài. “Được, muốn hỏi gì thì hỏi”, thượng đế nói. Nhà báo bèn thưa: “Từ lúc tạo ra loài người đến giờ, ngài có thắc mắc hay ngạc nhiên gì về họ không?”.
“Nhiều lắm”, thượng đế trả lời: “Ta ngạc nhiên không hiểu sao con người lúc nhỏ thì mong cho mau lớn, lớn rồi thì mong cho nhỏ lại! Ngạc nhiên không hiểu sao con người lúc trẻ thì đem hết sức khỏe ra để kiếm thật nhiều tiền để rồi sau đó đem tiền ra phục hồi… sức khỏe! Lại nữa, ngạc nhiên thấy con người luôn sống trong tương lai hoặc trong dĩ vãng, mà tương lai thì chưa tới, dĩ vãng đã qua rồi, nên có thể nói con người chưa bao giờ… biết sống cả!”.

Sống trong hiện tại “ở đây và bây giờ” chính là cách sống tốt nhất của người già vậy.

BS ĐỖ HỒNG NGỌC

………………………………………………………………………
Già nhưng vẫn khỏe, vẫn vui; già nhưng không ai dám bảo mình già. Những chia sẻ thú vị, dí dỏm được nhìn dưới góc độ nhân văn và khoa học của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong chuyên mục mới Một tuổi già hạnh phúc sẽ mang đến cho bạn đọc cách nhìn, cách nghĩ mới về những người-không-chịu-già. Bạn đọc có thể gửi thắc mắc của mình để được BS Đỗ Hồng Ngọc trả lời về bí quyết già mà vui, khỏe qua địa chỉ: tuoigiahanhphuc@baophunu.org.vn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét