Hồi tưởng về con đường trí tuệ

Đang là một thành viên của Hải quân bước vào đời sống tu viện, từ một thành phố Hoa Kỳ đến sống trong rừng già Thái Lan, quỹ đạo cuộc đời của Thiền sư Sumedho thật là thú vị. Ít nhất ta cũng có thể nói được như vậy.

Ra đời tại thành phố Seattle thủ phủ bang Washington vào năm 1934 với thế danh là Robert Jackman, Thiền sư Sumedho đã phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ suốt bốn năm với tư cách của một thầy thuốc quân đội. Ông cũng đã công tác tại đảo Sabah (1) trong hai năm dưới danh nghĩa của đạo quân gìn giữ hòa bình hồi đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
Tuy vậy, mặc dù đã là một Phật tử suốt hơn 40 năm qua và đã được coi là một tu sĩ đáng kính, trong bộ Tăng phục, Thiền sư Sumedho trông vẫn cứ như một Mat Salleh (2). Tất nhiên, có thể chỉ vì chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh truyền thống của các vị sư Á châu.
Ngay cả như vậy đi nữa, Thiền sư Sumedho vẫn nhớ lại cái cảm giác mà bộ Tăng phục đã làm ngài khó chịu đến thế nào khi ngài mới là một Sa di vừa nhập Tăng đoàn ở Nongkhai trong vùng Đông Bắc Thái Lan hồi năm 1966.
“Chúng tôi phải mặc cả ba y trong những buổi sáng đi khất thực, và tôi thường phàn nàn về sự nóng bức cuãng như việc đổ mồ hôi như tắm khi trở về tu viện”, vị tu viện trưởng của tu viện Amaravati ở Hertfordshire (3), Anh quốc, nhà sư kể lại.
“Tăng bào được nhuộm bằng thuốc nhuộm lấy từ vỏ cây mít, cái hỗn hợp mùi mồ hôi với mùi thuốc nhuộm từ vỏ cây mít bốc mùi khủng khiếp. Cuộc sống dường như chỉ xoay quanh những bộ Tăng bào với việc giặt giũ hoặc vá víu chúng. Tôi phản đối vì tôi chỉ muốn hành thiền”.
“Tôi cũng đã từ chối việc cúi xuống rửa chân cho các vị tăng cao tuổi hạ hơn. Là một người Hoa Kỳ, tôi đã được nuôi lơn trong lý tưởng bình đẳng, và việc phải rửa chân cho một người khác có vẻ là một sự sỉ nhục nặng nề. Khi tôi rời Nongkhai để gặp Đại sư Chah (4), cớ tới 30 Tăng sĩ chạy đến để rửa chân cho ngài khi ngài vừa trở về sau một cuộc đi bộ với đôi chân trần băng qua những cánh đồng lúa và những con đường bẩn thỉu”.
“Chuyện này sẽ không có tôi. Tôi đã nghĩ điều này thật là ngốc và chỉ làm tăng cái tự ngã của ngài Đại sư Chah”. Ngài Sumedho nhớ lại.
Thực phẩm cũng không phù hợp với khẩu vị của nhà tu người Hoa Kỳ này, nhưng xưa cũng như nay, các vị sư phải ăn bất kỳ thứ gì mà người dân quê cúng dường.
“Người dân quê mang lại nào cà ri gà, cà ri cá và cả cà ri nấu với ếch, nhưng hồi đó, Đai sư Chah thường đổ tất cả những thứ ấy vào một cái chậu thau to tướng rồi trộn lẫn chúng với nhau. Mùi vị của thứ thức ăn ấy thật là khủng khiếp. Cạc vị Ni còn mang về những loại củ và các thứ rau hoặc cành thảo mộc để chúng tôi ăn kèm. Tôi nhớ là đã viết thư cho mẹ tôi, “Con đang sống bằng lá cây”, khiến mẹ tôi lo lắng vô cớ”.
Chính là vị Đại sư đầy tuệ giác Chah đã giúp gỡ bỏ những tăm tối vẫn lởn vởn trong tâm thức người thanh niên Hoa Kỳ. “Tôi hoàn toàn chán nản bởi thanh quy nghiêm ngặt của tự viện dựa trên cấu trúc trật tự có trên có dưới. Đã có một khía cạnh ích kỷ trong tâm thức của tôi khiến tôi muốn sống đời sống tự viện nhưng lại theo những điều kiện của chính mình. Những điều phàn nàn không ngớt giày vò tôi – cử lải nhải, nheo nhéo trách móc và suy luận rằng tôi mới đúng, rằng tôi cảm thấy chán ngấy, tôi không chịu hợp tác và muốn trở lại cuộc sống thế tục”.
“Nhưng rồi tôi nhận thức rằng ngay cả khi tôi được sống một cuộc sống tiện nghi thì tôi cũng vẫn có thói quen phàn nàn và nhìn vào cuộc đời bằng con mắt phê phán. Đại sư Chah đã chỉ cho tôi một quan điểm khác, tích cực hơn. Thay vì cứ nghĩ đến mình vói thái độ “gạt bỏ điều này, giành thêm việc nọ”, tôi bắt đầu nhìn cuộc đời như nó vẫn thế, đầy những thay đổi.
“Tôi đã học được việc biết vui mừng trước cơ hội được ăn những thức ăn mà mình không thích, vui mừng được mặc ba y trong những ngày nóng nực và vui mừng trước sự thiếu tiện nghi. Cuộc sống là vậy đó. Đôi khi cuộc sống thật dể chịu, lúc khác lại thật đáng tởm và hầu hết thời gian, cuộc sống chẳng có gì khó chịu mà cũng chẳng có gì vui tươi”.

Gặp gỡ đạo sư Chah

Kẻ cuồng tín vẫn bị thuyết phục rằng và đúng lúc thích hợp, họ sẽ gặp được vị chân sư, người sẽ hướng dẫn anh ta đạt đạo. Tương tự như vậy, Thiền sư Sumedho, vẫn sống độccư suốt từ khi phát nguyện thọ đại giới, rất ao ước được gặp chân sư.
“Hầu như ngay lập tức, ngài Summai, đại đệ tử của Đại sư Chah, đến viếng Nongkhai! Trùng hợp ngẫu nhiên ư? Tôi không rõ, nhưng đó chính là sự thật”.
Ngài Summai đưa ngài Sumedho tời chùa Pah Pong trong tỉnh Ubon, tại đó, ngài Sumedho ở lại dưới sự giáo huấn của Đại sư Chah suốt mười năm. Một lần nữa, đó cũng là một sự tiến bộ khắc nghiệt. Suốt đời mình, Đại sư Chah chỉ nói tiếng Thái, còn khi ấy, Sa di Sumedho chỉ nói được tiếng Anh! Đã mất nhiều năm để người học trò có thể nghe trực tiếp từ thầy mình.
“Đại sự Chah thường giảng những bài pháp dài lê thê vào buổi chiều, đôi khi thầy giảng luôn bốn năm tiếng đồng hồ, trong khi tôi không thể hiểu lấy một từ! Tôi thật chán nản, cảm thấy bị gò bó và thật bối rối. Nhưng, vào cuối một buổi thuyết pháp, thấy ngó thẳng vào mặt tôi mỉm cười rồi hỏi qua một người thông ngôn rằng tôi cảm thấy thế nào. Thật là ngạc nhiên, tôi đã trả lời, ‘Con thấy dể chịu’, và ngay lập tức, mọi sự chán nản của tôi biến mất”.
Đó chính là sự khởi đầu. Thầy đẩy tôi đến bờ vực để tôi thấy được thực tại và thấy được điều tôi đang làm. Tôi đã tin vào thầy một cách tuyệt đối, chẳng bao lâu sau, sự ác cảm của tôi đối với việc rửa chân cho thầy cũng được giũ bỏ và bấy giờ có tới 31 vị Tăng chạy ào tới rửa chân cho thầy mỗi khi thầy đi khất thực trở về”.
Về phần bức tường ngôn ngữ, người học trò Hoa Kỳ ấy hiểu nhiều hơn những gì mà ông đã được nghe phiên dịch bởi người thông ngôn. “Ban đầu, chúng tôi không thể duy trì một cuộc đối thoại sâu sắc đúng mực nhưng thầy tôi luôn nói, ‘Thầy Sumedho học bằng ngôn ngữ của chánh pháp’ và nếu có người họi ‘ngôn ngữ ấy là ngôn ngữ nào?’ thì thầy trả lời, “Đó là ngôn ngữ của đời sống và của sự quan sát, đó là việc học tập thông qua sự tỉnh thức và có nhận thức, của việc có một thân người và có sựtrải nghiệm về những cảm thọ bao gồm tham, sân và si, những tâm sở thông thường của con người”.
Thiền sư Sumedho đã bắt đầu nhìn thấy một hình ảnh lớn hơn. Một lần ngài được yêu cầu giảng pháp trong thời gian ba tiếng đồng hồ.
“Tôi phải nói chuyện và quan sát các thính giả hoặc bỏ đi hoặc nằm dài dưới sàn ngũ gà ngủ gật ngay trước mặt mình. Cuối hạn định ba tiếng đồng hồ ấy, chỉ còn đúng bốn người phụ nữ lịch sự có mặt trong giảng đường!”.
Đó là lúc mà ngài Sumedho nhận thức rằng Đại sư Chah muốn mình khảo sát những hình thái khác nhau của sự tự giác: từ sựtự phụ, sự kiêu ngạo, lòng tự hào, việc làm dáng cho tới việc cằn nhằn, kể cả việc khao khát làm hài lòng và nhận được sự ưng thuận.
“Tôi biết ơn Đại sư Chah vì lòng từ ái của ngài”. Thiền sư Sumedho phát biểu một cách đơn giản.
Vì sao lại là đạo Phật?
“Đạo Phật cung hiến cho loài người một con đường đưa tới giải thoát. Tôi vốn là một người Thiên Chúa giáo nhưng đã không còn ảo tưởng khi tôi không thể hiểu được giáo lý Thiên Chúa giáo mà cũng chẳng tìm được ai hướng dẫn. Trong khi đó, đạo Phật không cưỡng buộc bạn phải tin một cách mù quáng mà cho phép bạn được tự do tìm kiếm sự thật thông qua những kinh nghiệm cá nhân, đó là một sự khám phá tươi mới”.
Dưới đây là một số tinh túy của tuệ giác mà ngài Sumedho chia sẻ vói các bậc cha mẹ:

“Các bậc cha mẹ thường có sẵn những quan điểm về việc con cái của mình sẽ trở thành thế nào. Nếu chúng không thành tựu những ước vọng ấy của họ, họ sẽ giận dữ và chán nản. Và khi ấy, họ thường không yêu thương chúng nữa. Việc băn khoăn về con cái theo kiểu đó không cho phép các bậc cha mẹ yêu thương con cái một cách thích hợp. Nếu các bậc cha mẹ từ bỏ sự quyến luyến đối với con cái, họ sẽ nhận thức rằng sự quan tâm một cách tự nhiên chính là tình thương yêu, và các bậc cha mẹ sẽ nhận biết như thật về chúng, chứ không phải như những gì mà họ vẫn tưởng tượng ra. Tất nhiên, cả hai hình ảnh đó thường có thể như nhau”.
Về hành phúc, ngài Sumedho nói, “Hãy nhận thức rằng ‘niềm hạnh phúc miên viễn’ là một điều không bao giờ có thể có được. Nhưng cũng chẳng bao giờ có sự bất hạnh miên viễn. Khi còn là một đứa bé, có lúc tôi đã thích một món đồ chơi đến nỗi tôi nói với mẹ mình rằng tôi sẽ không bao giờ thích một món đồ chơi nào khác nữa. Thế rồi mẹ tôi mua cho tôi món đồ chơi ấy, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì có nó..hình như trong khoảng năm mười phút gì đó, trước khi tôi khao khát một món đồ chơi khác”.
“Tôi nhờ lại sự kiện ấy một cách rõ rệt vì tôi đã từng nghĩ rằng một khi có được món đồ chơi ấy, tôi có được hạnh phúc mãi mãi”.

Lâm Hạnh Nhiên dịch

Nguồn: The Star, Malaysia

Ghi chú của người dịch:
Sabah là bang lớn thứ hai của Mã Lai nằm ở phần cực Bắc của đảo Bornéo. Bị đế quốc Anh cai trị tới ngày 1-8-1963 thì giành được quyền tự quản và gia nhập Liên bang Mã Lai vào ngày 16-9-1963.
Mat Salleh là một lãnh tụ nghĩa quân Bắc Bornéo, tên thật là Datu Muhammad Salleh, đã lãnh đạo người Mã Lai khởi nghĩa chống thực dân Anh trong thời gian từ 1894 đến 1900 và bị tử thương trong cuộc giao tranh với quân đội Anh vào ngày 31-01-1900. Ông được người Mã Lai coi là một vị anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, khi nói tới Mat Salleh, người Mã Lai thường hình dung đó là một tay giang hồ vô tổ chức có màu hải tặc. Mat Salleh được phát âm giống như mad sailor trong tiếng Anh có nghĩa là một người thủy thủ khùng.
Hertfordshire là tên một địa phương ở miền Đông nước Anh, gần thủ đô Luân Đôn. Tu viện Phật giáo Amaravati được dòng thiền Tòng Lâm Thái Lan xây dựng tại vùng này vào năm 1984. Hiện nay tu viện này nằm dưới quyền cai quản của Thiền sư Sumedho.
Đại sư Chah hoặc gọi theo tiếng Thái là Ajahn Chah, một trong những vị thiền sư nổi tiếng thuộc dòng thiền Tòng Lâm Thái Lan, người có công truyền bá đạo Phật Nguyên thủy sang Tây phương . Nhiều đệ tử của ngài là các vị thiền sư lỗi lạc phương Tây như ngài Sumedho được nói tới trong bài viết trên. Sinh 17 tháng Sáu 1918 và thị tịch ngày 16 tháng Giêng 1992. Tang lễ của ngài có hàng triệu người đi đưa trong đó có mặt hầu hết các thành viên của Hoàng gia Thái Lan.■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 100

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét