Đa thư loạn tâm

1. Thưa Thầy, con là giáo viên và hiện giờ cũng đang là sinh viên. Trong quá trình học tập, con nhận thấy mình đang cố gắng tích lũy kiến thức không ngừng. Và sau này khi ra trường, con lại trở thành người giúp sinh viên tích lũy kiến thức, kỹ năng. Nếu không có đủ kiến thức và kỹ năng thì không thể hoàn thành chương trình, không lấy được văn bằng và không tìm được công việc tốt. Như Thầy thấy đó, xã hội bây giờ hầu như ở đâu cũng đòi hỏi tích lũy - cái này hay cái khác. Con cảm thấy mình đang bị kẹt giữa hai thái độ sống đối nghịch nhau, đó là tích lũy và từ bỏ, và con chỉ có thể chọn một trong hai. Nhờ lời dạy của Thầy, con hình dung được cái đẹp của sự từ bỏ, nhưng nếu chọn cách từ bỏ thì chắc là con không thể sống cuộc sống thế tục bình thường trong xã hội.
Thưa Thầy, con nên giải quyết vấn đề này như thế nào? Có phải con bị kẹt vào lý luận không? Đối với con, câu hỏi này rất thật. Hiện giờ, con đang viết luận văn, và con đối mặt với câu hỏi này hầu như mỗi ngày, vì như Thầy biết, khi viết luận văn, con phải thu thập và trình bày sự hiểu biết của mình.
Ngoài ra, nếu không có tâm mong cầu tích lũy kiến thức thì việc học kinh điển sẽ diễn ra như thế nào? Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con. Con cảm ơn Thầy rất nhiều. 


Trả lời:

1) Con đang nhầm lẫn giữa tục đế và chân đế rồi. Đối với chân đế thì "Thật tế lý địa bất thọ nhất trần" nhưng đối với tục đế thì "Thế sự môn trung bất xả nhất pháp". Nghĩa là, trong thực tánh chân đế (lý địa) thì không cần nắm giữ một pháp nào, nhưng trong tướng dụng tục đế (sự môn) thì không bỏ pháp nào cả. Vậy khi con hướng ra sống với tướng dụng ở đời thì tích lũy càng nhiều kiến thức và kỹ năng càng tốt, nhưng con phải biết quay về với tự tánh, ở đó vạn pháp đều không. Đây gọi là "biết tấn thối", nên thiền gọi là "Việc đến tâm liền ứng hiện, việc đi tâm trở vể không". Đối với người giác ngộ hai việc này không có gì mâu thuẫn cả. Tích lũy mà không tích lũy gì cả mới hay, như ăn vào phải tiêu hóa và thải ra, nếu không bị "tích" mà thành bệnh đấy.
2) Học Kinh thuộc về chân đế, không thuộc tục đế nên không phải học để tích lũy kiến thức mà chính là để giải trừ kiến thức - phá kiến thức sai lầm để chỉ bày sự thật. Tích lũy Kinh văn mà không thấy ra sự thật Kinh muốn khai thị thì cũng bị bệnh "bội kinh" y như ham ăn quá nhiều đồ ngon đồ bổ mà không tiêu hóa được bị "bội thực" vậy."Đa thư loạn tâm" nên có nhiều người giảng Kinh Luận trên mây nhưng vẫn không ra khỏi bùn lầy phiền lụy. Đó là giàu kiến thức lý thuyết nhưng nghèo tri kiến trải nghiệm thực địa.


2. Bạch Thầy,
Con thường nghe Thầy nhắc nhiều lần cụm từ "đa ngôn loạn tâm". Theo con nghĩ điều này cũng tùy trường hợp, nếu đa ngôn chỉ để tích lũy kiến thức, ít trải nghiệm bằng pháp hành thì khó tránh khỏi loạn tâm, đó là sở tri chướng. Nhưng tuần rồi con nghe Thầy dạy nếu đa ngôn mà càng ngày càng nhận ra nhiều sự thật thì càng tốt, như vậy đâu có gì phải sợ loạn tâm. Con nghĩ như vậy có đúng không ạ, xin Thầy chỉ dạy. Con xin tri ân Thầy.


Trả lời:

Thầy không nói "đa ngôn" mà đổi lại là "đa thư", ý thầy là lệ thuộc vào kiến thức sách vở, kinh điển, nhất là các thứ Luận Giải đời sau nhiều quá thì khó mà thấy được sự thật. Trong Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện ông thợ mộc nói với nhà vua "Thánh Thư" cũng chỉ là "cặn bã của Thánh Hiền". Hoặc Nho giáo có câu: "Tận tín thư bất như vô thư" tin cả vào sách chẳng thà không sách còn hơn. Còn Nietzches thì nói "Chẳng thà là thằng điên cho chính mình còn hơn làm bậc Thánh cho tư tưởng của kẻ khác". Vì vậy đức Phật dạy trong Pháp Cú kiến thức là sở tri chướng:

Quả thật điều nguy hại
Người ngu sinh sở tri
Huỷ phần sáng của mình
Tự chẻ đầu chính nó!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét