KINH PHƯỚC ĐỨC

Kinh Mangalasutta thuộc Sutanipata (Tiểu bộ kinh) trong tạng Nguyên thủy. Mangala có nghĩa là điềm lành; kinh này cũng có thể dịch là "Kinh điềm lành". Tất cả chúng sinh đều tìm hạnh phúc và tránh né khổ đau.
Về phương diện này, quả thực mọi loài đều bình đẳng, từ động vật thấp nhất là súc sinh cho đến cao nhất trong thang tiến hóa là người, trời. Mặc dù mọi loài đều muốn hạnh phúc, tránh đau khổ, nhưng động vật chưa tiến hóa thua con người ở chỗ chúng không biết mưu cầu tiện nghi vật chất cho mình như con người. Nhân loại tuy biết mưu cầu tiện nghi vật chất để đạt đến những mức sống hết sức văn minh tiến bộ, song đồng thời cũng tạo ra vô số tai ương đe dọa hủy diệt tất cả.


Do đó nỗi thao thức lớn của con người biết suy nghĩ chính là, phải chăng ta nên đặt lại vấn đề: Cái gì đem lại hạnh phúc thực thụ? Đâu là yếu tố chính khiến cho con người, dù có sở hữu bao nhiêu của cải và tiện nghi vật chất, vẫn sống không được an vui ? Và yếu tố nào gây nên tai họa cho con người, đem lại sự thiếu thốn, thất bại, nghèo cùng? Thông thường, một công việc được trôi chảy là do bước đầu tốt đẹp.
Quả thực khi bắt tay làm việc gì mà suông sẻ bước đầu thì nó giúp ta đủ tự tin để tiếp tục, và do đó dễ thành công. Bởi thế đa số người đặt nặng sự khởi đầu một ngày (người bán hàng xem trọng mối bán mua đầu tiên trong ngày), một năm (đa số xem quan trọng chuyện ai là kẻ xông nhà đầu năm), một chuyến du lịch (xem ngày giờ khởi hành, tránh những ngày tam nương)... Do để ý những gì thường khởi đầu sự thành công hay khởi đầu cuộc thất bại, mà người ta liệt kê một dọc dài những điềm xui.
Mỗi dân tộc mỗi quốc gia, qua thời gian đều có những niềm tin như vậy và đã trở thành một thứ "vô thức tập thể" ảnh hưởng đến những người sống trong cùng một cọng đồng dân tộc. Có những niềm tin hơi hữu lý, và có một lợi ích thực tiễn nào đó, ví dụ người Anh tin rằng bước đi dưới một cái thang là điềm xui (khỏi bị thang ngã đè), hoặc tin rằng ba người cùng mồi thuốc từ một que diêm quẹt sẽ rất xui (niềm tin này có lợi cho người bán diêm), v.v.
Nhưng cũng có những niềm tin vô lý như ở Anh, người ta tin rằng cắm hoa hai màu đỏ trắng không có màu nào khác xen vào là điềm sẽ chết trong bệnh viện. Khi đi ra gặp tu sĩ đối với người Thái lan là một điềm lành, có lẽ vì đạo Phật ở đấy là quốc giáo. Trái lại ở Trung quốc, mặc dù là một nước đa số dân theo Phật, họ lại xem gặp tu sĩ là điềm rất xui vì Phật dạy cái gì cũng không, thì ngày đó họ sẽ không được gì hết trọi. Người VN cũng tin tương tự như người Trung quốc, nghĩa là tu sĩ đồng nghĩa với số không. Một ni cô về thăm nhà vừa đến cổng làng đã nghe bà hàng xóm la lên "Nhớ đánh số dê rô thế nào cũng trúng".
Trung quốc và VN cùng tin đi ra gặp đàn bà là một điềm xui. Chứa chấp phụ nữ mang bầu là điều tối kỵ. Đi ra gặp ngay cái đám cưới là điềm gở, ngược lại gặp đám ma là điềm hên. Niềm tin này có phần nào mang tính triết lý: với cái chết, chấm dứt mọi rắc rối, trong khi với một đám cưới thì rắc rối mới bắt đầu. Chết ở ngoài, không nên đưa về nhà, vân vân đều là những niềm tin thâm căn cố đế của người VN.
Những điềm đem lại may mắn coi bộ quá ít so với điềm xui, và hơi gượng gạo. Chẳng hạn người ta tin một người nào đó có vía nhẹ, xông nhà đầu năm sẽ đem lại may mắn cho họ quanh năm. Hoặc tin vào việc hái lộc chùa đầu năm, và thế là con người nhẹ vía và cây kiểng trong vườn chùa trở thành nạn nhân cho những nhà nào có niềm tin như vậy (ví dụ một năm vào đêm mồng một thầy MP phải đi từ 12 giờ khuya cho đến sáng để xông nhà theo yêu cầu của thiên hạ.) Do niềm tin việc xông nhà phổ biến trong quần chúng, nên sáng ngày đầu năm người ta ưa đi chùa.
Xông nhà người khác có thể bị mắng vốn nếu chẳng may sau đó nhà kia gặp chuyện không vui. Xác chết đường cũng thế, thường được quàng trong khuôn viên một ngôi chùa thay vì đưa về nhà, để tránh xui xẻo. Bởi thế, ta có thể thấy rằng sự tin vào những điềm xấu nói trên có thể có phần nào lợi ích vì nó mang lại sự an tâm, tự tín cho người ta khi làm công việc. Niềm tin ấy cũng như một kiểu tự kỷ ám thị, hoàn toàn thuộc về tâm lý. Nhưng ngoài điểm lợi ích này ra, nó có nhiều tai hại.
Thứ nhất là làm người ta có thói "đồng bóng", hi vọng lo sợ hão huyền vì chỉ căn cứ vào những điềm triệu vu vơ. Thứ hai nó duy trì tính sợ hãi, ỷ lại, ích kỷ nơi con người, đôi khi thành ra tàn nhẫn. Ví dụ những người chài lưới tin rằng nếu vớt người chết đuối, họ sẽ không lưới được cá, nên thà bỏ mặc cho người ta chết thì hơn.
Đọc kinh Điềm lành, ta thấy đức Phật có một nhận định hoàn toàn trái ngược: Ngài nêu lên 38 điềm lành do chính chúng ta tự tạo, chứ không phải căn cứ những dấu hiệu ở cảnh ngoài. Những điềm lành Phật nêu lên bao gồm bốn phạm vi:

1. Trách nhiệm đối với gia đình
2. Trách nhiệm đối với xã hội
3. Trau dồi đạo đức
4. Đời sống tâm linh

Ở đây, hai việc đạo đức và tâm linh là trách nhiệm đối với bản thân. Đạo đức khác tâm linh khác. Tâm linh bao gồm đạo đức nhưng đạo đức không thể bao gồm tâm linh. Khi một con người có đời sống đạo đức mẫu mực thì chỉ là một người con hiếu, cha mẹ hiền, công dân tốt, nhưng vẫn còn quanh quẩn trong phạm vi bản ngã và cuộc đời này. Người có đời sống tâm linh thì không dễ dàng hài lòng với những quy luật đạo đức sẵn có mà còn đi xa hơn, tự đặt cho mình những câu hỏi như ta từ đâu đến, khi chết ta sẽ đi về đâu. Có ích gì để mãi tham dự một ván bài mà ta biết chắc phần thua sẽ về mình, dù trong cuộc chơi đó ta không gian lận.
Đức Phật khi giảng về những điềm lành, ngài đã cho ta thấy những gì ta phải làm để gặt hái hạnh phúc thế gian và xuất thế gian. Ngài đi từ hạnh phúc vật chất đến hạnh phúc tinh thần và tâm linh, đến điềm lành tối thượng là giải thoát giác ngộ. Sau đây chúng ta sẽ rút ra những bài học từ những đoạn kệ Phật dạy trong kinh Điềm lành.

ĐIỀM LÀNH TỐI THƯỢNG

Bài kệ 1: Trời người thao thức muốn biết đâu là điềm lành thực sự, vì họ thấy thông thường, những gì họ xem là tốt lành ban đầu về sau hóa ra ngược lại.

Bài kệ 2: Ba nguyên tắc đầu:
1. Tránh xa bạn ác (asevanà ca bàlànam)
2. Thân cận người hiền (panditànam ca sevanà)
3. Kính người đáng kính (Pùjàca Pùjanìyànam)

Bạn ác là người chuyên xúi bậy. Họ khen chê với một hậu ý ích kỷ hại nhân. Vua A Xà Thế vì nghe theo bạn ác Devadatta mà giết cha. Angulimala cũng vậy. Người hiền trí thì ngược lại, chỉ vì Pháp mà khen hay chê.

Bài kệ 3: Phật dạy ba điều:
4. Môi trường tốt: Patirùpadesavàso. (Mạnh mẫu ba lần dời nhà để dạy con)
5. Đã tạo nhân lành từ trước (giúp ta có ba quả báo dị thục: bản thân, môi trường hay y báo, và thói quen.) Pubbe ca katapunnatà.
6. Theo chính đạo. Attasammàpanighi

Bài kệ 4:
7. Có học : bahusaccam(tri)
8. Có nghề hay: bahusippam(hành)
9. Khéo học giới luật (5 giới) (ninayo ca susikkhito)
10. Ái ngữ, tránh 4 kiểu vọng ngữ (subhàsità ca yà vàcà)

Bài kệ 5:
11. Phụng dưỡng cha mẹ (Màtàpitu upatthànam), lúc sống cũng như sau khi chết (bằng những công đức của mình để hồi hướng).

12. Yêu thương gia đình: (Puttadàras-sa sangaho). Chồng có năm bổn phận với vợ như: thương mến, không khinh lờn, không ngoại tình, tôn trọng vai trò "nội tướng", thỉnh thoảng tặng đồ trang sức (kinh Thiện Sanh). Vợ cũng có bảy loại tư cách khi sống chung là vợ như bà chủ, như oan gia, như kẻ cướp, vợ như người mẹ hay chị, vợ như bạn, như em gái và như nô tì. Người vợ có bốn thái độ sau là tốt, ba thái độ đầu là xấu.

13. Hành nghề thích hợp (anàkulà ca kammantà) là nghề không tổn hại chúng sinh, lại còn giúp mình hướng thượng, ví dụ nghề dạy học. Tránh các tà mạng như buôn bán súc vật, săn bắn chài lưới, buôn bán vũ khí, nghề đồ tể, nghề đao phủ, vân vân.

Bài kệ 6:
14. Bố thí gồm tài và pháp (dàna)
15. Sống đúng pháp (dhammacariyà) 10 lành về thân lời ý để trau dồi đức hạnh.
16. Giúp bà con (nàtakànam ca sangaho)

Bài kệ 7:
17. Hành xử không tì vết (giữ luật để khỏi bị nghi ngờ, bổ túc điều 15 chỉ là giữ giới-Anavajjàni kammàni).
18. Tránh điều ác về pd thân lời (giới) (àrati pàpà)
19. Không làm ác (virati pàpà) cả trong ý nghĩ. €Ác là có hại cho mình, người trong hiện tại và tương lai (tuệ).
20. Không say sưa nghiện ngập (majjapànà ca samyamo- refrain from intoxicants)
21. Tinh cần làm việc lành (appamàdo)

Bài kệ 8:
22. Tôn trọng Tam bảo (gàravo)
23. Khiêm cung (nivàto)
24. Hỉ túc (santutthi)
25. Biết ơn (katannutà)
26. Không bỏ dịp học đạo (kàlena dhammasavanam)

Bài kệ 9:
27. Nhẫn nhục (khanti)
28. Phục thiện (sovaccassatà)
29. Thân cận người hiền (yết kiến bậc sa môn: samanànam ca dassanam)
30. Biết thời để học pháp (kalena Dhammasàkacchà)

Bài kệ 10:
31. Tinh cần tỉnh thức (tapo)
32. Phạm hạnh (brahmacariyà)
33. Thấy lý tứ đế (aryasaccàna dassanam)
34.Thực chứng niết bàn (sacchikiriyà)

Bài kệ 11:
35. Tâm bất động (na kampati) trước tám pháp thế gian như được, mất, ...
36. Tâm vô ưu (asokam)
37. Tâm ly dục (virajam)
38. Tâm an nhiên (khemam).


Thích Nữ Trí Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét