Mỗi lần ông chủ Facebook có sự kiện gì đó gây chú ý cho công chúng, bên dưới các bài viết đều không thiếu các loại bình luận như:
Tại sao mỗi ngày Mark đều mặc quần áo giống nhau vậy nhỉ?
Tại sao một người giàu có như vậy vẫn ngồi ở lề đường ăn McDonald’s?
Tại sao lại lái một chiếc Toyota cũ đến mức không thể nát hơn như thế?v.v…
Nói thật, hai tuần trước tôi cũng không thể lý giải được cho đến khi tôi đến Israel và trò chuyện với một đối tác tại đây. Đó là vào tháng 7, tôi được công ty giao cho một dự án khảo sát về du lịch.
Khi ngồi trên máy bay, trong đầu tôi tưởng tượng ra đủ thứ: có lẽ đây chính là một nơi mà đâu đâu cũng là những doanh nhân thành đạt, các tòa nhà cao tầng, xe xịn, khắp nơi đều có người giàu tụ tập nói chuyện, v.v…
Thế nhưng, vừa đáp xuống đến Tel Aviv tôi đã cảm thấy rất thất vọng. Thành phố cũ nát theo kiểu như chưa được quy hoạch. Các loại xe trên đường, nếu không phải là loại xe hiện đại của Hàn Quốc thì là xe Scott, tốt hơn một chút thì là xe Nhật. Trong 1 tuần ở Isarel, tôi mới chỉ nhìn thấy không quá 5 chiếc BMW, 10 chiếc Mercedes, vài chiếc Land Rover, một chiếc Porsche. Tôi không hề nhìn thấy Ferrari, Lamborghini hay bất cứ chiếc xe đua nào. Thậm chí, ngay cả người mặc quần áo hàng hiệu, vai đeo túi xách xịn tôi cũng không thấy.
Đối tác của công ty chúng tôi là một nhà doanh nghiệp vô cùng thành công. Vào năm 2003, anh ấy đã khởi nghiệp thành công và đem bán lại công ty cho người khác với giá 75 triệu USD. Sau đó anh ấy không hề nghỉ ngơi như nhiều người vẫn nghĩ mà lại tiếp tục khởi nghiệp theo hướng khác và hiện đang là thành viên hội đồng quản trị của rất nhiều công ty. Anh hẹn tôi dùng bữa tối với anh vào lúc 7h.
Tôi ngồi ở quán rượu bên ngoài khách sạn vừa uống một ly cocktail vừa nghĩ về việc, người giàu có như vậy sẽ lái xe gì đến đón mình đây? Có lẽ lần này mình sẽ được nhìn thấy một chiếc xe hàng hiệu chăng? Đang mơ mơ màng màng như vậy thì tôi thấy trước cửa có một chiếc xe taxi đang bấm còi “bim, bim”.Bất ngờ anh bạn tôi thò mặt ra ngoài cửa kính xe, nhoẻn cười rồi vẫy vẫy tôi lại.
Tôi kinh ngạc không thốt lên lời. Biết ý, anh bảo: “Ở Tel Aviv đậu xe rất khó khăn, cho nên không lái xe, gọi taxi tiện hơn.” Tôi nghĩ thầm trong đầu nhưng không dám hỏi “chẳng lẽ anh ấy không có tài xế sao?“
Đến quán ăn, chúng tôi gọi một chai vang đỏ rất bình thường, gọi vài món ăn đơn giản rồi bắt đầu nói chuyện. Anh kể, năm 2003 anh đã trở thành một triệu phú trẻ tuổi sau khi bán công ty đầu tay của mình với giá 75 triệu USD. Ai cũng nghĩ chắc anh sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới một chuyến, nhưng không, lúc đó anh quyết định đi học. 6 năm sau đó, anh không làm gì ngoài học. Mỗi ngày anh đọc sách ít nhất 6 tiếng và lấy được bằng tiến sĩ.
Sau khi nói chuyện được một lúc, anh bắt đầu kể về cuộc sống riêng của mình. 3 năm trước vợ anh đã ly hôn với anh rồi. Lúc đó anh rất buồn nên nửa năm sau, anh đã lên một trang web kết bạn. Tại đây, anh đã gặp được một phụ nữ 40 tuổi có 2 đứa con và họ đã yêu nhau ngay sau đó. (Nghe đến đây tôi không thể tưởng tượng nổi. Ở Isarel, một ông chú cao to, phong độ, giàu có như vậy lại cần phải lên mạng tìm tình yêu sao? Không những vậy lại còn là một phụ nữ 40 tuổi đã có 2 con?)
Anh bảo, bạn gái ở thành phố Haifa cách khá xa nơi anh sống nên có nhiều thứ khá là bất tiện. Tôi không kìm được, liền bảo “anh kêu chị ấy dọn đến đây là được rồi”.
Anh nói “không được đâu, cô ấy cần cha mẹ cô ấy giúp đỡ trong việc trông con”. Tôi thản nhiên đáp: “anh không thể thuê một người giúp việc sao? Anh giàu có như vậy, thuê hai người cũng còn được mà.”
Thế nhưng câu trả lời của anh sau đó khiến tôi bừng tỉnh.
“Anh có biết không, cái mà người Do Thái chúng tôi tôn sùng chính là Frugalism (chủ nghĩa hà tiện). Chúng tôi cho rằng hà tiện là một đức tính đẹp. Vì vậy nếu như chúng tôi xa xỉ, lãng phí, khoe khoang giàu có thì sẽ rất mất mặt, sẽ bị tất cả mọi người xem thường. Nếu mà chúng tôi thuê bảo mẫu, hàng xóm tất sẽ cho rằng chúng tôi đang khoe khoang, hoặc là đang sống một cuộc sống xa xỉ. Vì vậy chúng tôi cần phải tự mình chăm sóc con cái, không được dùng bảo mẫu. Mọi thứ ở đây chính là như vậy đó”, anh nói.
Nghe đến đây tôi chợt hiểu ra mọi chuyện. Tôi đột nhiên cảm thấy sự tồi tàn và cũ nát ở Tel Aviv là có lý do của nó.
Vợ chồng tỷ phú Mark Zuckerberg rất thích đồ ăn nhanh.
Zuckerberg sở hữu một công ty trị giá hàng trăm tỷ USD, nhưng lại không mặc đồ hiệu, lái chiếc xe rất rẻ tiền, hôn lễ cũng rất đơn điệu, tôi cũng có thể lý giải được rồi.
Đó là vì anh ấy là người Do Thái!
Anh bạn doanh nhân bảo tôi rằng, tôi biết là tôi vô cùng giàu có, tiền của tôi có dùng cả đời cũng không hết được. Thế nhưng tôi tuyệt đối sẽ không để số tiền này làm hư hỏng cuộc sống của mình cũng như các con. Tôi sẽ quyên góp phần lớn số tiền này để làm từ thiện.
Ngay lập tức tôi liên tưởng tới Zuckerberg. Hình như anh ta cũng vậy. Tuy cuộc sống rất giản dị nhưng khi làm từ thiện thì không bủn xỉn chút nào.
(Ghi chú: Vào năm 2014, Mark Zuckerberg và cô vợ người Hoa Priscilla Chan đã đứng ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người quyên góp từ thiện nhiều nhất thế giới sau khi hào phóng quyên tặng gần 1 tỷ USD)
Loại văn hóa của người Do Thái thật đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Có lẽ chính vì không theo đuổi những thứ phù phiếm ở bề ngoài cho nên họ mới có thể chuyên tâm vào học tập, nghiên cứu và sáng tạo.
Đất nước Israel tuy nhỏ, nhưng lại là cái nôi của vô số những công nghệ, phát minh mới nhất với chất lượng vô cùng vượt trội. Điều tưởng chừng như bất hợp lý nhưng đọc xong câu chuyện này, có phải bạn cũng đột nhiên hiểu ra rồi phải không?
———–
Theo Đại Kỷ nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét