Khi loài thú xa nhau

 Nhiều lúc hoàn tất một bài viết, tôi cứ băn khoăn không biết phải chọn cái tựa đề là gì. Nào có ai bên cạnh để mà hỏi ý. Kẻ mình nể nhất thì nghìn trùng, người mình thương nhất cũng muôn dặm. Trong những trường hợp đó, tôi thường dùng lại cách cũ là lục tung trong trí nhớ kiếm một cái gì dễ nhớ mà cũng có một ý nghĩa lan man dễ xài nhất. Thường khi đó là một thành ngữ, hay tên một nhạc khúc. Tựa đề của bài viết này là trường hợp thứ hai. Nhiều bài viết khác của tôi cũng vậy: Này Em Có Nhớ, Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Ngày Đó Chúng Mình, Kiếp Nào Có Yêu Nhau và mai này có thể là Trên Ngọn Tình Sầu. Lời thưa gởi này còn nhằm mục đích ngăn không cho ai độc mồm bảo tôi là kẻ cầm nhầm và nói như ông Bùi Giáng: Vui thôi mà!
Nói vậy không có nghĩa là tựa đề mấy bài viết chỉ mang ý nghĩa ngẫu nhiên, hay khiên cưỡng. Chẳng hạn ở đây, ý tưởng dẫn đến nội dung bài tùy bút này đến từ một chuyện không lấy gì làm vui vừa được đăng tải trên báo Tàu mấy ngày qua. Một thanh niên Trung Quốc ở Vân Nam vì ghen tuông đã giết chết người yêu bằng dao rồi tự sát bằng mìn tự tạo. Hai cái xác thiệt trẻ, và nói như ai kia, còn chưa phai dấu ái ân. Thật lạ, tôi đã đọc cái tin đó không bằng một tâm cảm bình thường vẫn có, mà bằng một dấu hỏi kỳ cục: Vì sao xưa giờ người tự sát vì tình riêng vẫn nhiều hơn kẻ tuẫn nghĩa, chết vì lòng vị tha đại lượng?
Có thể đó chỉ là một câu hỏi ruồi bu, nhưng để tự trả lời, tôi chợt nhớ lại câu nói ngộ nghĩnh của một chàng trai khi bị cha ép phải cưới một người mà cậu không yêu, nhưng theo ông cụ thì đó là một nàng dâu hiền. Thưa ba, ba nói là chọn vợ tốt cho con vì thương con. Nhưng xin ba nghĩ lại, ba đã thương con là vì con, hay là vì ba? Câu nói đó xem chừng chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi của tôi, đến câu chuyện của đôi tình nhân Trung Quốc, và cả cái tựa đề của bài viết này. Nhưng cũng là chuyện lạ, khi tôi lại thấy đó mới là toàn bộ vấn đề then chốt.
Một người giàu từ tâm có thể bỏ cả đời mình cho hàng trăm trẻ mồ côi hay những người mắc bệnh nan y tuyệt chứng. Cả đời người đó phải bao lần chứng kiến những cái chết thương tâm, nhưng nhiều lắm chỉ là vài giọt nước mắt, không thể nhiều hơn. Bởi nếu sự thương tâm hơn mức đó thì làm sao chịu thấu chứ. Con người đó có thương người với trái tim trời biển đến mấy, vẫn không hề bị cái tình cảm đó đè nặng trong lòng như một áp lực. Lý do đơn giản là kẻ từ tâm đó không đem cái tình kia bỏ vào lòng mình như một thứ của riêng. Tình thương trong trường hợp này là sự tháo cởi, là trao ra, là không đem Năm Uẩn đối chiếu với tự ngã. Thương chỉ là thương. Anh có ra sao tôi cũng thương, nhưng anh có sống thêm mươi năm hay lại ra đi đột ngột lúc này đều không phải chuyện để tôi nặng lòng đến mức phải chết đi sống lại. Lý do chỉ vì trong tấm lòng mênh mông không phân biệt của tôi, anh chỉ là một trong thật nhiều những đối tượng tương tự mà tôi vẫn mỗi ngày chăm sóc một cách thanh thản, vô tư, dù đầy trách nhiệm. Ngay khi tôi cố tình tách anh ra khỏi đối tượng chung ấy, anh sẽ trở thành một cây kim châm vào tim tôi. Khi xem anh là một phần của khối tập thể mênh mông, tôi không phải nặng lòng khi thương anh, chăm sóc anh, rồi tiễn anh ra mộ. Còn anh hay mất anh đều không là cái gì áp lực trong tôi. Anh còn thì tôi chăm sóc, anh mất thì tôi nhẹ nhàng đưa anh đi. Tôi thương anh là vì anh, không phải vì một dụng ý chiếm hữu nào hết. Tôi sẽ không có cái cảm giác mất anh, chỉ vì từ khi đặt chân vào chốn từ thiện này, lòng tôi đã như một bầu trời. Không một thứ gì nằm ngoài bầu trời. Từ đó, anh có nằm đây hay về đất, anh cũng không ra khỏi lòng tôi. Trong khi đó, dầu chỉ nhốt lồng một con chim nhỏ xíu, cơ hội đánh mất nó sẽ rất lớn. Chỉ cần con chim bằng cách nào đó ra khỏi chiếc lồng, người nuôi coi như đã mất nó. Bởi không gian giam nhốt của anh ta chật hẹp quá, cơ hội của con chim sẽ lớn hơn. Thay vào đó, một người chỉ thích ngắm nhìn muôn thứ tự tại trong thiên nhiên với một tấm lòng vô sở hữu thì cả đời anh ta sẽ không hề biết mất mát là gì. Con chim này bay đi, con bướm khác sẽ bay về. Xin đừng hiểu lầm đây là nếp nghĩ của một Don Juan bạt mạng, mà ngược lại, là của những hành giả có hết cuộc đời trong một ánh mắt thương.
Tôi dư biết có người sẽ cười thầm khi thấy tôi giở giọng cao đạo để rao giảng một đạo lý mà chưa chắc chính mình đã làm nổi. Nhưng dĩ nhiên phải có một lý do nào đó để tôi có thể bình thản viết lại những dòng trên chứ. Xin thưa, chỉ một câu đơn giản: Dầu muốn hay không, đó chính là lối thoát duy nhất để có thể yêu thương một cách an toàn nhất. Mà có ai trong trần gian ướt át này lại dám bảo mình không bao giờ dính chuyện phải lòng ai đó. Chẳng lẽ tôi phải thưa thiệt rằng chính tôi cũng vừa thoát chết từ một chưởng Thương Tâm Đoạn Trường của trang chủ Tuyệt Tình Trang thì thiên hạ mới chịu bằng lòng sao chứ. Câu khẩu quyết quan trọng cho những người bắt đầu nghe tim mình đập mạnh trước ai đó chính là hãy dẹp cái lồng và mở cõi lòng. Quên mất câu thần chú này, đoạn đường tiếp theo thường là lối về nghĩa trang!
Cách đây khá lâu, tôi nhớ có đọc ở đâu đó về một giống thiên nga bên Trung Quốc. Đó là một loài chim tuyệt đẹp, nhưng quý hiếm, thậm chí được kể vào danh sách những loài động vật sắp tuyệt chủng. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng nguy ngập này chính là cái nết chung tình hiếm thấy của loài thiên nga đó. Ta có thể nhìn thấy chúng xuất hiện từng đàn vài trăm con, nhưng trong đó, con thiên nga nào trưởng thành cũng đều có đôi. Khi một trong hai con chết đi, con còn lại sẽ sống vậy suốt đời, không cặp đôi với con thiên nga nào khác nữa. Không kể lý tưởng giải thoát của Phật giáo ở đây làm gì, nếu chỉ nói trên cái lẽ tạo hóa tuần hoàn của thiên nhiên thì cái kiểu chung tình ấy không dẫn đến việc tuyệt chủng mới là chuyện lạ. Trong mắt mỗi con thiên nga chỉ có một người bạn tình duy nhất, trái tim của chúng nhỏ quá, khi sức ép của niềm cô đơn lại quá lớn. Thế là số lượng của giống thiên nga này cứ vậy mà giảm dần.
Thế giới này không lớn cũng không nhỏ, nhưng không gian sinh hoạt của từng cá thể rộng hay hẹp hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng thích nghi. Ta càng mở rộng góc nhìn thì càng mở rộng không gian sống. Cái gì càng cao rộng thoải mái, không bó buộc, thì điều kiện tồn tại cũng càng sung mãn. Nghĩ lại mà thương, hôm Tết tôi có đi xa vài hôm, ngày về nhận được một gói quà xuân của một Phật tử có cái tên Thien Hoang (không bỏ dấu) từ Atlanta (bang Georgia) gửi cho, trong đó là một bức tượng Phật to bằng bàn tay, có hình dáng một chiếc lá bồ đề. Cái độc đáo là tay nghệ nhân làm nên bức tượng đó đã áp dụng một kỹ thuật khá cao tay là khắc sâu tượng Phật vào một mảnh nhựa tổng hợp rồi sau đó lại dùng màu sơn nhũ vàng thổi lên. Màu vàng ánh của kim nhũ lúc này phản chiếu vào nhau để tạo ra một hiện tượng độc đáo, là ta có thể nhìn bức tượng từ phía nào thì cũng thấy bức tượng xoay theo nhìn mình, không những ánh mắt, mà đến cả chiếc cằm cơ hồ cũng dịch chuyển thật ngoạn mục. Tôi nói với một người quen rằng đây mới đúng là bức tượng Phật của nhất thiết chúng sinh, vì ai ngồi ở đâu cũng thấy mình được Ngài để mắt. Tôi quyết định mai này có đi đâu để tiếp xúc đại chúng thì cũng phải thỉnh theo bức tượng như một đạo tràng cho tất cả thiên hạ, không để ai phải tủi thân hết. Một cốt tượng thôi, nhưng cái diệu dụng của người thợ đã chan hòa khắp thiên hạ. Bức tượng đã vượt ra ngoài cái riêng để đạt tới một cõi chung lớn rộng có thể chứa hết bao nhiêu là góc hẹp của cuộc đời. Xin cảm ơn người tặng quà, và dĩ nhiên tôi cũng phải cảm kích cả người nghệ nhân đã làm nên bức tượng mà theo tôi là tuyệt tác.
Mà cũng thiệt lạ lùng, nói loanh quanh rồi tôi lại nhớ đến giấc mơ đêm qua. Có con chồn với màu lông vàng óng tuyệt đẹp ngồi xổm trên một gò cao mọc đầy những bông lau trắng toát. Tuyết đổ dày chung quanh, gió thổi lồng lộng, chiều đang xuống dần, vậy mà nó cứ ngồi đó chong mắt nhìn vào một đống lửa ở đàng xa. Bên cạnh đống lửa hình như là một cái lều của dân trượt tuyết hay thợ săn gì đó. Trong giấc mơ tôi quên mất mình là ai, cứ nhìn con chồn tuyết rồi lần theo ánh mắt của nó mà đi, xem nó đang nhìn cái gì. Trời ạ, tôi thấy trên tuyết có vết máu tươi và bên mái lều kia là một miếng da thú cũng có bộ lông vàng óng. Tôi càng xót xa hơn khi thấy trên đống than hồng kia là một vỉ thịt nướng đang bốc khói. Tôi nhìn lại con chồn khi nãy và hiểu ra phần nào lý do nó ngồi ở đó. Cả phương trời tuyết trắng này với nó bây giờ chẳng còn lại gì ngoài một góc nhỏ có cái xác của bạn nó. Thương thì có thương, nhưng biết làm gì hơn. Tôi cắn răng quay đi. Tôi thầm cầu nguyện đêm nay sẽ không ai bắt gặp con chồn còn lại, và cũng thầm mong nó hiểu được rằng nó sẽ thoát chết nếu còn kịp nhớ là nó vẫn còn đó một cõi đất bao la để sống, không phải chỉ có một góc tù để mà vĩnh viễn nằm lại…
Nam Mô Vô Tận Biến Pháp Giới Vị Tha Vong Tình Bồ tát Ma Ha Tát!


 Onceland, cuối đông 2008
Toại Khanh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét