Nỗi oan của Corona

Một sáng ở núi Sương…

Năm nào rừng thiền mùa này cũng thật nhiều hoa rừng. Hoa vàng nở khắp cả triền núi, thấp thoáng trong sương trắng. Sương mù lãng đãng xen lẫn trong tán rừng, đỉnh núi mờ ảo như lúc có lúc không. Nơi đây thật bình an và tĩnh mịch. Chỉ có tiếng mấy con chim đang hót gọi nhau. Sáng nào chúng cũng ríu rít.
Núi sương mùa này tĩnh lặng và đẹp huyền ảo như ở cõi chư thiên. Nơi đây như một thế giới khác, hình như xa lắm với thế giới đang đầy bất an và phiền não ngoài kia. Thế giới ấy dường như không có thực với tôi. Cuộc sống chánh niệm và giản đơn, một mình nơi rừng vắng, ngày lại ngày lặng lẽ trôi qua. Lâu rồi chưa xuống núi…
Dạo này ngoài kia đang xôn xao vì dịch bệnh. Nhiều người viết thư cho tôi về con virut corona ấy. Người thì sợ hãi, bất an, người thì than thở, lo lắng, người quan tâm thăm hỏi rừng thiền có đủ đồ ăn tích trữ hay không…

Bỗng nhiên, cả thế giới nháo nhào vì con virut.
Người thì stress vì tự nhiên nhàn rỗi, tù túng quá, người thì đau đầu vì không biết tống mấy đứa trẻ đi đâu, tìm việc gì cho chúng nó làm và chơi, người khác thì gần như trầm cảm vì làm ăn gặp rắc rối và tương lai không đoán trước… Ai cũng đau đáu với câu hỏi: bao giờ thì mọi việc mới trở lại bình thường đây.
Cuộc sống dễ dàng đảo lộn vì những việc ngẫu nhiên mà chẳng ai đoán được. Những thứ mình lên kế hoạch hay cho là quan trọng sẽ dễ dàng trở nên vô nghĩa vì bất cứ sự bất ngờ nào. Rất nhiều stress vì mọi thứ không như mình “plan” nữa. Mà thực ra có lúc nào nó cũng luôn như mình mong muốn hay hoạch định đâu cơ chứ. Vốn dĩ trong cuộc đời 10 việc thì có 9 là không như ý mình. Nhưng cuộc sống có nhiều thứ “hay ho” để giúp chúng ta làm ngơ trước thực tế ấy, để tiếp tục đuổi theo ảo tưởng về một cuộc đời “as planned”. Rồi con virut xuất hiện, kích hoạt lên một làn sóng lo sợ và bất an tập thể, làm đảo lộn mọi thứ. Một cơn phiền não tập thể gây nên tác hại ghê gớm, đột nhiên đập vào mắt chúng ta là thực tế phũ phàng: “Thì ra cuộc sống lại không chắc chắn đến thế”.
Thực ra, không chắc chắn là bản chất của cuộc sống, chỉ có một điều duy nhất chắc chắn là cái chết. Hãy tưởng tượng xem nếu giờ này mình chết đi, chúng ta sẽ chết với sự hối tiếc như thế nào, hối tiếc đã sống một cuộc đời vô nghĩa, theo đuổi những ảo tưởng vô giá trị… Nhưng chúng ta không thấy và không chấp nhận điều đó. Chúng ta không chấp nhận những thứ mình mong muốn, theo đuổi và tìm kiếm bấy lâu này hóa ra lại dễ bị tổn thương đến thế, dễ mất đi đến thế.
Dịch bệnh làm cuộc sống bỗng chậm lại đến mức khiến người ta hụt hẫng. Chúng ta không kịp chuẩn bị và trở nên stress vì bỗng nhiên có quá nhiều thời gian cho chính mình và cho gia đình (một điều xa xỉ trước khi bé corona ra đời). Có lẽ bây giờ nhiều người mới có dịp nhìn kỹ ngôi nhà mình đang sống, mày mò ra tác dụng của những vật dụng mình phải gian khổ kiếm tiền để mua; ngẩn ngơ nhìn lại ông chồng, bà vợ mà cảm thấy có nhu cầu phải làm quen lại cho đỡ xa lạ (vì không có nhiều thứ mới hơn, hay hơn để nhìn, để nghe, để nói, để giải trí và hóng ra bên ngoài như trước nữa); bỗng nhiên giờ mới chợt nhìn kỹ con mình, lắng nghe con nói và hoảng hốt về điều đó… Bận rộn vốn là lý do biện minh để không làm những việc tốt đẹp và cần thiết cho chính mình, nay bỗng trở thành thứ mọi người nháo nhào tìm kiếm và tạo ra để chạy trốn sự buồn chán, vô nghĩa và rỗng tuếch bên trong cuộc sống tô vẽ màu mè của mình.
Tại sao con virut lại có thể tác động đến cuộc sống mình đến mức kinh khủng như thế? Khoan hãy viện đến tình trạng chung của mọi người. Bất an, lo sợ và hoang mang vốn là điều hiển nhiên và là kết quả không thể tránh khỏi đối với những người bình thường không có điểm tựa đích thực cho cuộc sống của mình, và nó đơn giản chỉ là được con virut kích hoạt và gia tăng lên nhờ tác động cộng hưởng bất an của mọi người thôi. Nhưng với chính những người đi tìm sự thật và nơi nương tựa bên trong, sao vẫn còn bị cuốn theo làn sóng bất an tập thể của xã hội này? Hẳn là có điều gì đó không ổn ở đây.
Hầu hết phiền não của cuộc sống có mặt bởi vì chúng ta đặt tầm quan trọng vào những thứ không đáng. Một thứ gì đó chỉ đủ sức làm cho cuộc sống chao đảo khi chúng ta dựa quá mức vào nó, đặt hết trọng tâm vào nó và rồi đổ gẫy, như khi ta đứng dựa vào cây gỗ mục. Vấn đề là dựa không đúng chỗ chứ không phải ở cây gỗ, nó vốn vẫn ở đó chứ có trách nhiệm gì đâu. Mọi người cứ đổ hết tội lỗi lên đầu bé corona. Oan cho nó quá. 99,99% dân VN chưa từng quen biết, chưa từng gặp mặt bạn ấy, và 99,99% xác suất là bạn ấy không gây nên vấn đề lớn với sức khỏe chúng ta. Bệnh cúm thông thường thực ra còn nguy hiểm hơn, riêng ở Mỹ số người chết vì cúm mùa mỗi năm là 70 ngàn người (từ bé đến giờ đã bao nhiêu lần bị cảm cúm rồi nhỉ, chẳng ai rỗi hơi đi đếm và nhớ cả). Và corona, theo dự đoán của các bác sỹ, cũng sẽ tiếp tục tồn tại sau dịch như một chủng loại cúm thông thường. Phần lớn số người chết là vì các bệnh nền nghiêm trọng khác đang có trong người, thường là ở người cao tuổi, và do hệ thống y tế quá tải không can thiệp kịp. Corona chỉ tấn công đường hô hấp và làm suy yếu thêm hệ thống miễn dịch vốn đã rệu rã, để các loại bệnh nặng kia hè nhau xô đổ tường, y hệt cách các bệnh truyền nhiễm khác như cúm mùa gây nên. Sự sợ hãi và bất an làm phóng đại mối nguy hiểm của nó, và truyền thông làm cơn dịch hoảng loạn lan nhanh gấp hàng trăm ngàn lần dịch corona. Sức phá hoại của bất an và sợ hãi đối với con người còn mạnh gấp vô số lần sức phá hoại của bản thân virut.
Dịch SARS (cùng họ với virut corona hiện nay) năm 2003 làm chết 5 người VN thì rất ít người biết và quan tâm, không tạo nên làn sóng lo sợ quá mức như hôm nay, chủ yếu là vì thời ấy chưa có facebook, báo mạng và điện thoại thông minh. Tôi nghe kể là mọi người ở thành phố đổ xô đi mua đồ, hậu quả là nhiều người sẽ phải đau khổ ăn mỳ gói liên tục vài tháng cho hết tích trữ; người ta còn vét sạch cả giấy vệ sinh nữa. Thật kỳ lạ, không biết từ lúc nào mà giấy vệ sinh đã nằm trong top list các nhu cầu thiết yếu để tồn tại như vậy!!! Mức độ bất an thật kinh khủng. Mọi người sợ bị cách ly, sợ bị kỳ thị, sợ bị mắng chửi trên mạng xã hội còn hơn sợ bị viêm phổi corona. Sự bất thiện của con người thật đáng sợ.
Có những điều đáng sợ hơn con virut bé nhỏ ấy thì con người lại chẳng chịu sợ. Thường người ta sợ những thứ có vẻ đe dọa, những thứ họ chưa biết; sự tưởng tượng đủ để hù họa người ta đến chết. Khi mới có tin về corona và những bệnh nhân đầu tiên xuất hiện, nỗi sợ và hoảng loạn không tạo thành làn sóng gia tăng đột ngột như khi đợt bệnh nhân mới xuất hiện gần đây. Vì các thông tin về corona đã liên tục kích hoạt sự sợ hãi và bất an trong chúng ta suốt cả 1 thời gian dài rồi, chỉ đợi đến lúc có sự kiện để bùng lên. Trong tâm chúng ta vốn luôn có sợ hãi và bất an, và một cách vô thức chúng ta đi tìm những lý do để biện minh và đổ lỗi cho sự bất an đó, thay vì tìm đến tận gốc vấn đề để giải quyết. Thế nên chúng ta rất quan tâm đến những thông tin kích hoạt bất an, hãy xem mỗi ngày bạn đọc, nghe, bàn luận, suy nghĩ… bao nhiêu lần về Covid-19 thì sẽ thấy. Càng quan tâm nó sẽ càng xuất hiện nhiều hơn trong tâm trí và càng tăng mức độ bất an. Chúng ta cố tình để nó thuyết phục rằng bất an không phải là do lỗi của mình, không phải trách nhiệm của mình mà là do con corona, do nhân tố “khách quan” bên ngoài. Và chịu cộng hưởng từ làn sóng bất an của xã hội, lo sợ và bất an đã tăng lên theo cấp số nhân.

Bên trong không an, thì bất cứ điều gì ở bên ngoài cũng kích hoạt nỗi bất an đó. Bên trong an, thì bên ngoài không thể làm chúng ta lo sợ.

Và cũng theo quy luật, khi người ta đã quen với corona thì tâm lý lại coi đó là 1 phần của cuộc sống và chẳng sợ nữa, còn giỡn mặt với nó cơ. Người nước ngoài khi đến VN thì vô cùng sợ hãi và bất an khi đi trên đường, lúc nào cũng như tai nạn gần kề. Ở VN lâu rồi thì lại thấy bình thường, thỉnh thoảng còn thấy mấy anh Tây lượn xe máy trên đường như người Việt. Sác xuất để chúng ta chết vì tai nạn giao thông còn lớn và hiện hữu thực tế hàng ngày hơn nhiều sác xuất chết vì Corona. Số người chết vì tai nạn giao thông ở VN mỗi năm lớn hơn tổng số người chết vì corona trên toàn thế giới, tính đến ngày hôm nay. Trung bình mỗi ngày có 21 người chết vì tai nạn giao thông ở VN, trong khi 3 tháng qua VN chưa có ca nào chết vì corona. Hàng ngày chúng ta ở rất gần cái chết mỗi khi ra đường, có thể ra đi bất cứ lúc nào vì sự thất niệm của chính mình hay của người khác. Nhưng quen rồi, chúng ta hình như đã bị liệt mất dây thần kinh sợ, vẫn vô cùng thất niệm và vô trách nhiệm khi giao thông. Ngoài ra, đa phần bệnh tật của thân cũng từ sự dễ duôi trong ăn uống, thói quen sinh hoạt, từ tâm lý… Và cái giết mình dần dần, hàng ngày, làm hạ thấp chất lượng sống của chúng ta là các loại phiền não đang có mặt 100% thời gian trong tâm thì hầu như chẳng ai ý thức được, chẳng ai sợ cả. Thật mông muội làm sao.

Thực ra dịp dịch bệnh như thế này là cơ hội rất tốt cho chúng ta để nhận ra được nhiều điều quan trọng cho cuộc đời mình.

Thứ nhất, sự bất an của những người xung quanh và của chính mình cho chúng ta thấy rõ điểm tựa của cuộc đời chúng ta rất không ổn. Hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời chúng ta phụ thuộc vào quá nhiều điều kiện bên ngoài, toàn là những thứ có thể thay đổi ngẫu nhiên bất cứ lúc nào. Chẳng thế mà cuộc đời chúng ta dễ dàng bấp bênh và đầy lo sợ đến thế. Cũng như chúng ta dựa cả thân mình và mấy chục cây gỗ mục, chỉ cần một cây gẫy là đủ khiến mình chao đảo. Càng cần nhiều thứ để khiến mình an tâm và hạnh phúc, thì cơ hội đau khổ và bất an ập đến với cuộc sống chúng ta càng thường xuyên và dễ dàng. Chúng ta cần những gì để sống an ổn? Công việc phải ổn định, không mâu thuẫn trong gia đình, không chướng ngại ở chỗ làm, con cái không đau ốm, phải ngoan ngoãn, phải học giỏi…chồng, vợ phải chăm chỉ, ngoan hiền, không thay lòng đổi dạ, sếp (và nhiều người khác) phải vừa lòng với mình, đồng nghiệp phải đánh giá cao, tôn trọng và không ghen tỵ với mình, mọi thứ phải theo kế hoạch mình sắp đặt… rồi nào là thân không đau ốm, mặt không mọc mụn, đi làm không tắc đường, tiền đủ hoặc thừa tiêu, mua được thứ mình muốn, luôn có kết nối internet và điện thoại phải đảm bảo nằm trong khoảng cách nửa mét ở mọi nơi, mọi lúc… Hàng mấy chục cái cây mục khác nhau để chống đỡ cuộc sống của chúng ta. Toàn những thứ chẳng phụ thuộc vào mình, nó có thể thay đổi và đổ gẫy bất cứ lúc nào. Càng ngày danh mục những thứ không thể thiếu trong cuộc đời càng được chúng ta bổ sung thêm – và chẳng chịu bớt đi thứ gì. Thiếu đi 1 thứ là cuống lên như cấp cứu. Đấy, hãy nhìn mà xem, danh sách còn có cả giấy vệ sinh… Hầu hết danh mục “thiết yếu, sống còn” là những thứ nhu cầu do mình tưởng tượng ra, do bất an hoặc do xã hội và truyền thông thúc ép, dụ dỗ, làm chúng ta tin rằng không có nó thì cuộc sống của mình không ổn. Chúng ta đã đánh mất chính mình trong dòng lũ tham sân si của thế gian.

Quan sát mọi người và chính mình, để thấy rõ cái gì làm nên sự bất an và lo sợ ấy. Và thấy ra vấn đề ở những tiêu chuẩn sống, những giá trị mà chúng ta dựa vào; cái gì mới làm nên hạnh phúc vô điều kiện và là điểm tựa cho cuộc đời của chúng ta. Nó phải là ở bên trong, chứ không phải ở bên ngoài. Hãy quan sát với chánh niệm và thái độ đúng để trưởng thành, đây là cơ hội rất đáng quý, rất thực tế cho mỗi thiền sinh.

Đâu là nơi mình cần nương tựa, là cái thực sự quan trọng đối với mình? Đặt tầm quan trọng của cuộc đời vào những thứ có thể thay đỗi ngẫu nhiên bất cứ lúc nào…thì thật  là rủi ro.

Thứ hai, đây là cơ hội để trải nghiệm và hiểu rõ bản chất của cuộc sống. Không hiểu được bản chất của cuộc sống thì chúng ta còn luôn ảo tưởng và không chấp nhận được nhiều thứ. Nó là nguồn gốc của nhiều đau khổ. Bản chất của cuộc sống là không chắc chắn, và mọi thứ được xây dựng trên sự không chắc chắn thì luôn có tiềm năng đau khổ.

Thiền sư Sayadaw U Jotika nói: “Chấp nhận được sự không chắc chắn là một dấu hiệu chắc chắn của sự trưởng thành”. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận được khi hiểu rõ về nó và không còn ảo tưởng nữa. Quan sát với thái độ đúng: không mong cầu, không chống đối, không tìm cách thay đổi, chúng ta mới có thể hiểu được đúng bản chất của cuộc sống. Quá trình đó luôn đi kèm với nỗi đau đớn của thất vọng và vỡ mộng. Trí tuệ và sự trưởng thành được sinh ra từ những nỗi đau đó.

Sự hiểu biết rõ ràng khiến cho chúng ta có được sự thanh thản và nhẹ nhõm vô cùng. Chúng ta không còn nghi ngờ gì về điểm tựa đích thực của cuộc đời, là ở bên trong, là trí tuệ hiểu biết về bản thân mình, hiểu biết về bản chất cuộc sống. Hãy nhìn sự bất an và đau khổ ở xung quanh, hãy so sánh với mình và nhìn sâu vào trong tâm: những gì đang có mặt, những gì đang chi phối và định hướng cuộc đời chúng ta… khi đó niềm tin của chúng ta sẽ ngày càng vững mạnh, mục đích và hướng đi cuộc đời ngày càng rõ ràng. Chúng ta đang rèn luyện các phẩm chất tâm linh của mình, đang sử dụng các phẩm chất ấy để quan sát và trải nghiệm thực tế, và điều đó đang đưa mình đi xa khỏi những đau khổ, u mê quanh quẩn của thế gian.

Bé corona có mặt trên đời là có lý do của nó. Bé có thể là tai họa với nhiều người, là thủ phạm của nhiều đau khổ, nhưng bé cũng có thể là người bạn tốt đang giúp chúng ta mở mắt. Bé là ai tùy thuộc vào cách nhìn và trình độ phát triển tâm linh của mỗi người. Đừng đổ oan cho bé. Đừng trút trách nhiệm cuộc đời của mình, trách nhiệm với nỗi khổ, niềm vui của mình lên vai bé. Bởi bé cũng chỉ là một trong vô số nhân duyên mà cuộc đời này ưu ái ban tặng để khai thị cho chúng ta thấy rõ thực tế mà thôi. Hãy biết ơn cuộc đời bạn ạ, và hãy tận dụng đầy đủ cơ hội sống để trưởng thành, thay vì oán trách và bế tắc trong 1 cuộc đời vô nghĩa.
“Pháp này chỉ dành cho những người biết và thấy, không dành cho những kẻ không biết, không thấy”.

Đức Phật, sutta pikata.

Sư Tâm Pháp
Rừng thiền Núi Sương

Nguồn: sutamphap.com

How nature is reclaiming its spaces due to Coronavirus




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét