Món ăn dưỡng gan bổ thận


Nhiều bạn đọc đã gửi thư hỏi về các món ăn, bài thuốc dùng dưỡng gan, bổ thận. Sau đây là một số món theo hướng dẫn của lương y Như Tá và Quốc Trung.

Dưỡng gan

Củ cải trắng nấu gan heo

Thành phần gồm: 200 gr củ cải trắng, 100 gr gan heo, 10 ml rượu trắng, các gia vị đường, muối, gừng, hành, tiêu bột… Cách chế biến: Củ cải trắng cắt lát; gan heo rửa sạch trụng qua nước sôi rồi vớt ra và cắt thành lát mỏng. Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào chảo và phi hành, gừng, rồi cho gan heo vào đảo qua vài lần, cho khoảng 1 lít nước vào. Nấu đến sôi thì cho củ cải vào, nêm nếm gia vị, nấu tiếp cho sôi lại, rắc tiêu bột. Món này dùng trong ngày.


Câu kỷ tử nấu gan gà

Nguyên liệu gồm: 100 gr vị thuốc câu kỷ tử, 100 gr gan gà, 100 gr giá đỗ xanh, hai quả trứng gà, một ít rượu trắng, 25 gr bột năng, gừng, hành, gia vị. Cách làm: Gan gà rửa sạch, cắt từng lát, trứng gà cho ra chén, đánh tan. Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào, phi qua gừng, hành, cho gan gà vào xào sơ qua, kế đó cho 3 chén nước vào nấu đến sôi, thì cho vị thuốc câu kỷ tử vào, nấu tiếp vài phút nữa; thêm rượu trắng, gia vị và giá đỗ xanh vào. Nấu đến khi sôi trở lại thì cho bột năng và trứng gà vào trộn đều là dùng được.

Cây rau dền thanh nhiệt, mát gan




Rau dền là loại rau mùa hè, có tác dụng mát gan, thanh nhiệt.
Một số nghiên cứu mới đây cho thấy: rau dền có khả năng tăng thải trừ chất phóng xạ, thanh thải chất độc vì có nhiều sterol, các acid béo không no.
Rau dền gồm nhiều loài: Dền cơm ( Amaranthus viridis L), Dền tía ( Amaranthus tricolor L).
Bộ phận dùng: toàn cây và rễ. Theo Đông y dền cơm vị ngọt tính hàn. Dền tía vị ngọt mát vào đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, ích khí và khai khiếu. Dùng cho các trường hợp kiết lỵ, táo bón, rối loạn tiết niệu, đau mắt đỏ, sưng đau họng, côn trùng cắn đốt. Có thể nấu, xào, ép nước. Ngày dùng 100 – 250g.
Một số món ăn, bài thuốc có rau dền:
+ Cháo rau dền tía (Tử hiện chúc): rau dền tía 200g. Rửa sạch, nấu lấy nước lấy nước rau nấu cháo với gạo lứt. Ăn khi đói. Dùng cho phụ nữ trước, sau khi sinh con có hội chứng kiết lỵ dùng cho người cao tuổi viêm ruột, kiết lỵ.
+ Canh rau dền: rau dền tía 200g rửa sạch nấu canh. Dùng cho các bệnh nhân ung thư cổ tử cung, hội chứng lỵ, u tuyến giáp trạng lành tính.
+ Canh rau dền thịt lợn: rau dền tía 60g, thịt lợn nạc 60g, nấu dạng canh. Dùng cho các bệnh nhân bướu giáp trạng lành tính.
+ Chữa phát ban: rau dền 10g, rễ hoặc lá lức 10g, ké hoa vàng 8g, rễ sắn dây 8g, cỏ mần trầu 8g, dây chiều 8g, rau má 8g, dây giác tía 8g, kinh giới 6g, cam thảo đất 6g, bạc hà 4g, gừng sống 2 lát. Sắc uống. Chữa sốt nóng thời kỳ đầu.
+ Lá dền tía 50g rửa sạch thái lát nấu bỏ bã lấy nước thêm gạo nếp nấu thành cháo. Ăn trong ngày. Chữa hậu sản
+ Chữa đau mắt: hạt dền cơm hạt thảo quyết minh liều lượng bằng nhau đều 10g. Sắc nước uống. Chữa mắt đau có màng mộng.
+ Canh rau tập tàng: dền cơm 100g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g hay rau đay nấu với bột canh bột tôm hay nước cua. Mát gan thanh nhiệt kích thích tiêu hoá.
Theo kinh nghiệm dân gian lấy lá rau dền giã nát uống nước và bã đắp chữa rắn cắn.
Rễ dền tía và rễ bí ngô với liều lượng bằng nhau, sắc uống chữa chảy máu do sảy thai. Hạt dền cơm 20g chữa tiểu tiện không thông.
Chú ý : Phụ nữ có thai và người hư hàn tiêu chảy dùng hạn chế.

Bổ thận

Hải mã hầm ba kích


Nguyên liệu gồm: 100 gr hải mã, 100 gr vị thuốc ba kích, 10 gr nhục quế. Cách làm: Nhục quế cạo sạch vỏ, để một bên. Bắc nồi lên bếp, sao cho giòn hai loại (vị thuốc ba kích và hải mã). Sau đó đem tán cả ba loại thành bột mịn, để dành dùng từ từ. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần chừng một muỗng cà phê, dùng trước bữa ăn.

Hải mã nhục thung dung

Nguyên liệu gồm: 100 gr hải mã, 50 gr vị thuốc nhục thung dung, cùng các vị thuốc (ba kích, đỗ trọng, ngưu tất – mỗi loại 50 gr), 10 gr tiểu hồi. Cách làm: Các nguyên liệu trên đem sao giòn và tán thành bột mịn để dành dùng dần. Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần độ 1 muỗng cà phê.

Hải mã nhân sâm

Nguyên liệu gồm: hải mã, vị thuốc ba kích (mỗi loại 50 gr), cùng nhân sâm, lộc nhung, dâm dương hoắc, đỗ trọng, ngưu tất, câu kỷ tử (mỗi loại 20 gr), 30 gr long nhãn, 10 gr phá cố chỉ. Chế biến như sau: Ngâm các nguyên liệu trên với 2-3 lít rượu gạo trắng (loại ngon), ngâm khoảng 10 ngày là có thể dùng được. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 20-30 ml, dùng trước bữa ăn. Có thể hòa với nước cho dễ uống.

Hạ Mai (TNO)


Nguồn: benhvathuoc.com