NHỮNG KẺ LÃNG PHÍ CỦA TRỜI CHO


Có rất nhiều người tự làm khổ mình, khổ gia đình, mà không vì một lý do chính đáng nào cả. Họ đã tự hủy hoại thời gian sống mà trời dành cho họ, phung phí cái tài sản quý baú, thiêng liêng trời cho. Ông trời rất công bằng, cho mỗi người trên dưới trăm năm để sống, mục đích chính yếu của cuộc đời là đi tìm hạnh phúc riêng cho mình, cho gia đình. Làm ra tiền, cũng chỉ để mưu cầu hạnh phúc. Danh vọng lớn cũng không ngoài tâm ý hướng về hạnh phúc. Nhưng nếu đời sống thiếu hạnh phúc, thì tiền tài bạc tỷ, danh vọng ngút trời cũng không là ý nghĩa gì cả. Hạnh phúc khó mua được bằng tiền bạc. Hạnh phúc có thể tìm ra dễ dàng khi lòng mình biết đủ, biết chấp nhận cái tương đối của cuộc đời, biết đếm cái đang có, không đếm cái chưa có, và không đứng núi nầy nhìn cái lóng lánh màu sắc của núi bên kia.

                                                       * * *
Hơn 55 năm chung sống dưới một mái nhà, ông bà Lê chưa có một ngày không cãi vả, to tiếng và giận hờn nhau. Cuộc khẩu chiến triền miên bất tận đó, chưa ai có lần toan tính mở cuộc hòa đàm. Cả hai ông bà đều là những người kiên trì hạng nhất trên thế giới nầy trong cuộc chiến tranh cục bộ gia đình. Thế mà hai ông bà có với nhau đến tám người con, ba trai và năm gái. Những người nầy nhân lên cho ông bà đến gần ba chục đứa cháu nội ngoại. Hai ông bà mở mắt ra là cãi nhau, gầm gừ nhau, nói nặng nói nhẹ, mai mĩa đủ điều. Rồi bà moi những tội lỗi cũ của ông từ thuở Hồng Bàng dựng nước ra mà hạch hỏi, dày vò, bêu rếu. Ông hậm hực, phản pháo lại những lời nặng nề thương tổn. Nhiều khi nghe lời nói đau lòng thốt ra từ miệng chồng, bà Lê ngồi thở dốc như con thú bị thương tích, mặt mày xanh mét. Thấy cái dáng điệu thê thảm của vợ, ông cụ Lê không xót thương mà hả dạ lắm. Bà cứ chờ dịp khi nhà có đông khách, lôi ông ra mà bêu rếu, mà kể tội, làm ông tím mặt, run lên vì giận. Tám người con của ông bà đều thành đạt, có gia đình, làm ăn khá giả, nhà cửa rộng rải. Người nào cũng muốn mời ông bà về ở chung cho vui cửa vui nhà, gia đình đoàn tụ ấm cúng. Nhưng những cuộc khẩu chiến triền miên dai dẵng bất tận của hai ông bà từ sáng tới chiều, làm mất yên bình, mất hạnh phúc gia đình của những người con, không ai chịu nỗi. Hai ông bà di chuyển từ nhà người con nầy qua nhà người con kia, mỗi nơi ở năm bảy tháng. Vấn đề không phải chỉ làm mất hạnh phúc của con cái, mà còn làm gương xấu cho các cháu nhỏ, nên các người con ông bà đều không muốn ở chung nửa. Khi hai ông bà cãi vả hài tội nhau, thì các ông con rể như để ngoài tai chuyện xấu của hai ông bà, như không nghe, không nhớ, nhưng các bà con dâu thì nhạy cảm hơn nên ghi nhớ, và khi có chuyện bất bình với chồng, thì nêu ra mà làm chứng, mà dày vò bêu rếu. Biện pháp tốt đẹp nhất mà những người con ông dàn xếp là thuê nhà cho hai cụ ở riêng, các con thay phiên nhau đến thăm viếng, chở hai cụ đi chợ, đi chơi. Mỗi lần ông con cả đến thăm bố mẹ, mà chưa nghe hai ông bà cằn nhằn cải vả nhau, thì ông cười và trêu ghẹo: “ Sáng nay ba mẹ chưa cãi nhau sao? Coi chừng sắp có thiên tai lớn xẫy ra dó.” Bà cụ Lê lại bắt đầu kể lể: “ Kiếp trước tao tàn sát cả gia đình bố mầy, mắc đại tội, nên kiếp nầy phải còng lưng trả nợ. Mấy chục năm nay bị dày vò đau đớn mỗi ngày, mỗi đêm.” . Ông cụ Lê tằng hắng mấy cái lấy giọng, rồi phản pháo: “ Chính tôi là người đau khổ nhục nhã mấy mươi năm nay, có ngày nào tôi không bị bà cho những vết chém qua tim đau nhói, bị mất mặt, nhục nhã với bà con, bạn bè, đôi khi còn không dám nhìn thẳng mặt ai.” Bà Lê bồi thêm; “ Con người xấu xa thì chỉ nên cúi gầm mặt xuống kẽo thiên hạ họ thấy mà ghê tởm.” Ông con trai cắt lời mẹ nói: “ Sao mẹ nói bố những lời nặng nề như vậy?” Bà cụ Lê thét lên: “ Nói nặng cho ba mầy chừa”. Ông con nhìn mẹ cười mà nói: “Mẹ hay chưa! Năm chục năm rồi mà có chừa đâu, mẹ nói thêm có được gì không?”
Hai ông bà Lê như ghiền cải vã và làm trái ý nhau. Dường như hai ông bà không chịu được cái không khí yên ổn hạnh phúc trong gia đình. Phải xào xáo gây gổ mới vui. Thế mà hai ông bà vẫn cặp kè, đi đâu cũng có nhau. Khi ra đường, nếu ông muốn đi về hướng bắc, thì bà cứ nằng nặc đòi đi về hướng nam, bà muốn đi chậm, thì ông muốn đi nhanh, ông muốn đi xe buýt, thì bà đòi đi taxi. Ông muốn đi ăn phở, thì bà đòi đi ăn mì, nhưng nếu ông đòi đi ăn mì trước, thì bà nhất định phải đi ăn phở cho bằng được. Họ không bao giờ muốn làm nhau vui lòng, chỉ muốn làm trái ý nhau, như để trả thù, cho đã tức, đã ghét. Cả hai ông bà đều là người tốt, rất lịch sự vớí bạn bè, với bà con, rất chiều lòng mọi người, ai cũng quý mến hai ông bà. Nhưng hai ông bà thiếu lịch sự với nhau, thiếu nhường nhịn nhau, tranh hơn thua với nhau từng li, từng tí như hai đứa trẻ con hư hỏng. Sáu trong tám người con của ông bà Lê, thấy gương xấu của cha mẹ, nên tránh được những cãi vả, hục hặc không đáng có trong gia đình, và đời sống vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc. Hai trong số những người con đó, biết những khuyết điểm của cha mẹ, nhưng gương xấu như đi vào tiềm thức, rồi họ cũng hành động y như cha mẹ. Cứ tranh hơn thua, cải vả với người hôn phối, nói những lời đau độc, và gây bất hòa trong gia đình, mà chính họ cũng không thấy.
Mọi người đều bảo rằng, đáng ra hai ông bà phải hạnh phúc sung sướng vô cùng trong tuổi già, vì con cháu đều sung túc, học hành giỏi dang, hai ông bà lại có sức khỏe, ít đau yếu bệnh hoạn, không phải lo cơm áo hàng ngày. Sướng mà không biết sướng, gây đau khổ cho mình, cho người bạn đời mình. Làm hư hỏng cả ngày tháng trời cho, khi tuổi trẻ cũng như trong tuổi già. Đời sống hai cụ có còn được bao lâu nữa, mà tranh hơn thua nhau, hơn cũng không được gì, mà thua cũng chẵng mất gì, thế mà cứ làm cuộc trường kỳ kháng chiến. Mỗi ngày khẩu pháo vào mặt nhau những lời khó nghe, gây đau đớn, bực mình cho nhau. Những người con cụ, cũng tiếc trong tuổi thơ đã mất đi không khí ấm cúng hòa thuận của cha mẹ, và mất đi cả tuổi thơ quý báu. Riêng hai cụ, thì không ai khuyên được, và tự xem như cái nghiệp phải trả. Một đứa cháu lớn, cho rằng, không có cái ‘nghiệp’ nào cả, chỉ có mối sân si trong lòng hai ông bà quá lớn, và nói cho đúng hơn, hai ông bà tuy trọng tuổi, nhưng thiếu hiểu biết về phương sách xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy thế, hai ông bà vẫn thường lấy lời khôn khéo dạy cách sống cho vợ chồng ông Thu, một người cháu kêu ông bằng chú. Ông Thu nhờ mở được cơ sở thương mãi làm ăn khấm khá, tiền bạc dồi dào, ba đứa con đều học giỏi, được vào những lớp học sinh đặc biệt xuất sắc. Tiền bạc thì nhiều, nhưng gia đình không có hạnh phúc, vì bà Thu hay ghen tuông vô lý. Bà luôn hăm he li dị, và kể lể những tội lổi mà ông Thu không hề có. Ông Thu thường nói với vợ: “ Em xem, anh bận làm ăn đến thế đó, mỗi ngày không đủ thì giờ giải quyết công chuyện, đêm về không có thì giờ giúp con học hành, lấy đâu ra thì giờ khác để nghĩ đến những chuyện cô nầy với bà kia. Vã lại, lấy nhau bao nhiêu năm nay, em đã thấy anh có khi nào có không chung thủy chưa?” Nhưng bà Thu vẫn cứ ghen, vẫn cứ nghi ngờ, và dằn vặt ông, làm cho gia đình thêm khó khăn rắc rối. Bà Thu ghen với cả anh em họ hàng nhà ông Thu. Thấy ông Thu nói chuyện thân mật vui vẻ với các ông anh ruột, bà Thu cũng không chịu nỗi, và tìm cách phân li họ. Bà còn tìm cách làm cho bà con bên ông Thu xa lánh ông. Nhưng ông Thu lại là người mang nặng tình gia đình, tha thiết với anh em bà con. Vì chị ông Thu đã thay mẹ nuôi nấng chăm sóc ông từ tuổi nhỏ. Những lần có cúng giỗ bên gia đình ông Thu, thì bà Thu cố trì hoãn, cố làm khó khăn, hoặc đến thật trể, và khi chưa ăn uống xong đã đòi ra về. Thái độ của bà Thu làm anh em bên chồng càng bực bội và ghét ra mặt. Nhiều khi bà Thu giả bệnh để ngăn cản không cho ông Thu đi thăm bà con của ông. Bà thường nói: “ Tôi bệnh, đau đớn, cần có anh bên cạnh, mà anh bỏ tôi đi thăm người khác, anh có thương vợ con đâu.” Thế là ông Thu phải bỏ chương trình đi thăm anh em ruột thịt. Có thời bà Thu cấm những đứa con liên lạc với bà con bên nội, không cho chúng gặp nhau, không cho nói chuyện qua điện thoại. Những đứa con bà dần dà thấy xa cách, lạt lẻo với bà con họ hàng bên nội. Bà Thu chìm dắm trong những cơn ghen tuông vô lý. Có người khuyên ông Thu đem bà đến các bác sĩ tâm lý để trị liệu. Ban đầu bà không chịu đi, vì bà không có bệnh hoạn, và không có vấn đề chi cả, nhưng về sau ông áp lực và hăm dọa, bà Thu đi gặp bác sĩ tâm lý. Khi gặp bác sĩ, bà thao thao bất tuyệt về tâm lý, về phương cách làm sao để giử hạnh phúc gia đình, làm sao cho được chồng thương, dạy con, xử thế. Bà nói đến nỗi ông bác sĩ tâm lý phải cắt ngang lời bà: “ Bà sành về môn tâm lý quá rồi, tôi không còn điều gì để có thể nói với bà cả. Tôi chỉ có thể cho bà một toa thuốc uống mỗi ngày, để làm cho bớt chất kích thích tố tạo ra cái ghen, làm khổ riêng cho bà, và làm khổ cho ông nhà”. Bà Thu cười ha hả trả lời: “ Nầy ông bác sĩ, chính ông mới cần uống thuốc đó hơn tôi, người ta đồn rằng ông ghen mà đánh vợ, bị cảnh sát còng tay, có không?”. Ông bác sĩ chịu thua. Chị bà Thu thường nói với bà rằng: “Người khác trong hoàn cảnh của em, thì gia đình hạnh phúc, đời sống sung sướng tuyệt vời, em đã phụ lòng trời đất, tự phá hủy cái phước hạnh trời ban cho em. Em cứ đem so sánh với gia đình của chị, chị thua em đủ thứ, ông chồng không giỏi, không hiền bằng chồng em, lại còn ưa nhậu nhẹt bạn bè, con cái chị cũng không học hành xuất sắc như con em, tiền bạc của chị cũng vất vả, thế mà gia đình chị vui sướng, hạnh phúc tràn đầy, chồng vợ vui vẻ, sống trong êm ấm thuận hòa. Em có tất cả mà em không thấy, không hoan hỉ đón nhận. Tất cả khổ đau, là chính do em gây ra. May mà chồng em là người có tình nghĩa, chứ người khác, thì họ đã li dị cho đời bớt khổ, rồi tất cả thiệt thòi em gánh chứ ai.” Bà Thu nghe người chị nói rất có lý, có tình, bà cũng rất muốn thực hành theo lời chị khuyên, nhưng không thể nào dẹp được cơn ghen nó âm ỉ ngày đêm đốt cháy trong lòng. Bà tiếp tục gây khó khăn rắc rối cho ông chồng. Rồi một hôm, đang ngồi xem truyền hình, ông Thu duỗi dài trên ghế bành, mắt nhắm như ngủ. Đến khuya, con ông tắt truyền hình, đánh thức ông dậy để vào giường ngủ, thì ông đã chết từ lúc nào không ai biết. Ông Thu bị dồn máu cơ tim mà chết. Bà Thu đau đớn, và chợt biết mình đã mất tất cả. Trong tang lễ, bà chị ông Thu cay đắng chỉ mặt bà Thu khóc mà xỉ vả: “ Cô giết em tôi, giết nó chết từ mấy chục năm nay rồi, không phải bây giờ cậu ấy mới chết. Không chừng chết đi, cậu còn sung sướng hơn là sống mà bị cô dằn vặt hành hạ.” Bà Thu biết, tất cả đã muộn màng rồi, đáng ra bà đem phải lại cho chồng niềm an ủi dịu dàng, hơi ấm của gia đình, nhưng bà chỉ biết dày vò, cẳn nhẳn, khóc lóc và làm khổ ông một đời. Bây giờ, thiếu ông, bà mới chợt thấy khủng khiếp khi nhìn vào bao khó khăn của tương lai đang chờ đón.
Bà Thu chơi thân với bà Sa, bà Sa thường ao ước chồng của bà có được một phần nhỏ dịu dàng, rộng lượng nhân từ như ông Thu. Hai bà thường tâm sự về chuyện gia đình, vì cả hai đều cảm thấy bất hạnh, dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, không ai giống ai. Bà Sa trong quá khứ đã phạm phải một lầm lỗi, ông chồng không khoan thứ. Nhưng hai người vì thương con, vì tương lai của đàn con, nên không quyết định xa nhau. Sống với nhau trong một căn nhà, ăn chung nhau cùng mâm cơm, mà hai người không bao giờ nói với nhau một câu nào tư mười mấy năm qua. Khi có chuyện cần nói lại với nhau, hai vợ chồng bà Sa phải nhắn qua mấy đứa con. Bà biết bà có lỗi, bà biết ông không khoan thứ được cho bà, vì ngày xưa tình nghĩa hai người quá vun đầy. Bà cũng không dám mong ông tha thứ và quên cái lầm lỗi tầy trời của bà. Ông thì tấm lòng cứng như núi đá, không ai lay chuyển được. Trong một căn nhà mà tình cảm băng giá lạnh lùng. Hai cô con gái lớn đều có nhan sắc, nhiều bạn trai muốn làm quen, muốn lui tới, nhưng chính hai cô thấy khiếp sợ, và hãi hùng vì cho rằng đời sống gia đình là bất hạnh, là khủng khiếp, không dám bước chân vào. Gia đình bà Sa khuyên bà nên chấm đứt đời sống lạnh lùng khủng khiếp đó, thà sống một mình, mà thấy có tự do, có thong thả, và dễ chịu hơn. Bà Sa cũng thấy được điều đó, nhưng không đủ can đảm để đi đến quyết định dứt khoát. Anh em của chồng bà Sa, cũng khuyên ông rằng, chuyện gì cũng tha thứ được, con người ai cũng có lúc yếu đuối sa ngã. Ai cũng có lúc thiếu sáng suốt, nhưng nếu sau đó, biết tìm đường sáng mà đi, thì phải mở đường cho người ta tới. Nếu không tha thứ được, thì phải dứt khoát bỏ nhau, dây dưa với nhau làm chi, cho khổ đời nhau, cho ngày tháng thêm phí phạm. Hai vợ chồng bà Sa như quanh năm chìm trong mùa đông bắc cực. Trong nhà không có tiếng cười chung ròn rả. Những nụ cười xô lệch, gượng gạo và che dấu nhau. Trong nhà lúc nào cũng thầm lặng như có tang. Những tia nhìn của ông bà không chiếu thẳng vào nhau. Hai người sống gượng gạo với nhau, và nghĩ là vì hạnh phúc của đàn con. Nhưng đàn con cũng không tìm thấy được hạnh phúc nào dưới mái gia đình đông giá đó.
Bên cạnh nhà bà Sa, là gia đình ông Nam. Ông bà Nam là hai người linh hoạt, vui vẻ, bà con láng giềng đều thương mến. Hai người rộng rải, tốt, khi nào cũng sẵn lòng giúp đở người quen biết trong xóm. Một hôm, bà Nam báo cho bà Sa biết là sẽ bỏ gia đình, qua Pháp sống. Bà Sa tưởng bà Nam bỏ chồng đi theo tiếng gọi của tình yêu, vội vả can gián, bảo rằng; “Người nào cũng đã lớn tuổi rồi, mà phải làm lại cuộc đời từ đầu, cũng là vô cùng khó khăn và mệt nhọc. Chắc chi cuộc tình duyên mới êm đềm và hạnh phúc bằng đời sống hiện tại. Ngay cả khi đang còn son trẻ, mà phải làm lại từ đầu, cũng đã mệt lắm. Những quyết định lấy từ sự rung động của con tim thường hay sai lạc rất xa với sư thực.” Bà Sa khuyên bà Nam hãy nghĩ thật kỹ, rồi hãy hành động. Bà Nam thì nói rằng, vì chồng không thương bà nữa, thì bà đi, bà không thể chịu đươc nhục nhã, hạ mình xuống để xin ai tình thương. Ông Nam thì không hiểu tại sao vợ nói như vậy, vì trong lòng ông khi nào cũng như khi nào, và công cũng chưa làm điều gì trái với đạo vợ chồng. Ông dỗ dành, năn nỉ bà, nhưng bà cứ khăng khăng nhất quyết đòi bỏ ông mà ra đi. Ông không nghĩ bà bỏ ông để theo ai, vì có lẽ chẵng ai còn muốn thấy một vẽ đẹp của một thân thể lắm thịt nhiều chất mở, chất béo của bà. Cái vòng bụng lấn lướt hẵn cái vòng ngực, và cái vòng mông thì nổi loạn bành trướng rất vô trật tự. Đôi má chảy xệ, hằn lên những nếp nhăn như vùng địa chấn, thì cũng không là nét đẹp mà người đời ưa chuộng. Ông Nam cũng không tin rằng, bà bỏ ông đi vì khả năng sinh dục của ông càng ngày càng suy đồi, không còn được như xưa, và vì chính bà cũng không còn nồng nàn trong việc chăm gối nữa. Đó là chuyện bình thường của người lớn tuổi. Ông yêu cầu bà chứng minh, và nói cho ông biết những sai sót nào của ông làm cho bà có những ý nghĩ đó. Bà chỉ nói mơ hồ, không căn cứ, và nhất quyết bỏ qua Pháp sống với người cháu. Bà giao hết nhà cửa, tài sản cho ông, ra đi hai tay không, chỉ yêu cầu ông phải gởi cho bà mỗi tháng một ngàn đồng để sinh sống. Ông Nam nhờ bạn bè khuyên bảo, và tìm hiểu, nhưng không ai lay chuyển quyết định muốn ra đi của bà. Các con bà khóc lóc, van nài và có đứa giận bà. Cuối cùng ông Nam bằng lòng cho bà ra đi, xem như bà đi thay đổi không khí một thời gian, ông dặn bà khi nào chán ngán thì trở về, cửa nhà luôn luôn mở rộng. Bà qua Pháp ở với người cháu ba tháng, thì chán ngán quay về lại Mỹ. Về Mỹ, bà thuê nhà ở riêng, gần khu nhà ông và các con. Thỉnh thoảng ông cũng đến thăm viếng, và buồn không biết vì sao bà vợ trở chứng, chướng kỳ. Rồi bà Nam tính chuyện về lại Việt Nam sống trong tuổi già, tuy không còn nhiều bà con, nhưng bà tin là sẽ tìm được nguồn an ủi và ấm áp của quê hương. Bà lấy hai mươi lăm ngàn tiền tiết kiệm, về mua một căn nhà ở Biên Hòa, sống ở đó. Về quê hương, bà không đi chơi, không thăm thú ai cả, ai đến thăm thì bà tiếp. Chỉ hơn một năm sau, bà trở về lại Mỹ. Lý do là bà con xa gần tưởng bà giàu có bạc triệu, đến xin tiền mãi. Người thì xin vài trăm đô vì con đau cần trả tiền bệnh viện, người thì để sửa lại căn nhà bị dột nát, người khác nữa thì để kiếm chút vốn làm ăn, không cho thì không được, chẵng yên lòng, mà cho mãi thì không có tiền. Bị vòi vỉnh nhiều quá, bà không chịu nổi, phải thuê người canh giữ căn nhà, dọn về lại Mỹ ở. Ông Nam lại phải thuê nhà riêng cho bà, và hàng tháng đưa tiền cho bà chi tiêu sinh sống. Ông Nam khổ tâm lắm, nhưng không lẻ đem ra tòa li dị, cho con cái buồn, mà cũng không giải quyết được việc gì cả.
Có rất nhiều người tự làm khổ mình, khổ gia đình, mà không vì một lý do chính đáng nào cả. Họ đã tự hủy hoại thời gian sống mà trời dành cho họ, phung phí cái tài sản quý baú, thiêng liêng trời cho. Ông trời rất công bằng, cho mỗi người trên dưới trăm năm để sống, mục đích chính yếu của cuộc đời là đi tìm hạnh phúc riêng cho mình, cho gia đình. Làm ra tiền, cũng chỉ để mưu cầu hạnh phúc. Danh vọng lớn cũng không ngoài tâm ý hướng về hạnh phúc. Nhưng nếu đời sống thiếu hạnh phúc, thì tiền tài bạc tỷ, danh vọng ngút trời cũng không là ý nghĩa gì cả. Hạnh phúc khó mua được bằng tiền bạc. Hạnh phúc có thể tìm ra dễ dàng khi lòng mình biết đủ, biết chấp nhận cái tương đối của cuộc đời, biết đếm cái đang có, không đếm cái chưa có, và không đứng núi nầy nhìn cái lóng lánh màu sắc của núi bên kia
.


Tràm Cà Mau