LỖI LẦM


1. Lỗi lớn nhất trên đời là không thấy lỗi mình

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, con đang sống ở Mỹ. trước đây con đã phạm nhiều sai lầm trong cuộc đời nên bây giờ con nhận nhân quả (tù, tội, tình, tiền). Vài năm nay con rất ráng tu hành để mong chuộc lại những lỗi lầm của con. Nhưng Thầy ơi, con càng cố gắng bao nhiêu thì những tánh xấu của con lại càng lớn, nên con lại gây thêm hậu quả xấu. Con rất xấu hổ, con muốn tu sửa để trở thành một con người bình thường trong sạch. Nhưng con không thể và không biết cách làm sao cho đúng được. Mọi người bảo con khùng. Con buồn và mệt mỏi lắm.
Trước đây con đã theo nhiều pháp tu (ăn chay trường, ngồi thiền, tụng kinh, tham thoại đầu, niệm Phật ngày đêm), rồi cũng chẳng tới đâu. Con biết con kém cỏi, nhưng trong cuộc sống con lại thích người ta phải coi con là hight level, bởi vậy mọi người khinh khi con và cho con khùng. Con phần nhiều khi tiếp xúc thì không tự chủ mình, hay khoe khoang, giận dỗi, phản bội, ganh tỵ, tham lam và nhiều nữa. Mà gia đình con ai cũng tánh tình như vậy cả. Con xấu hổ và buồn nữa. Con phải tu như thế nào cho đúng. Con đã thử tu theo cách Thầy hướng dẫn (thận trọng, chú tâm, quan sát). Con xin Thầy giúp con và cho con có chỗ dựa để con trở thành con người đàng hoàng.
Con xin tạ ơn Thầy và mong được gặp Thầy nếu Thầy qua Mỹ giảng pháp.
Kính Thầy.
Trả lời:
Lỗi lớn nhất trên đời là không thấy lỗi mình. Nhiều người chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình, đó mới là tai họa, do vậy Đức Phật mới dạy trong Kinh Pháp Cú rằng không nên dòm ngó lỗi người, xem họ làm gì hay không làm gì mà chỉ nên nhìn lại mình thử đã làm được gì và chưa làm được gì. Dấu hiệu tốt đầu tiên của con là đã nhận ra hầu hết những sai lầm của mình.
Đúng tốt chỉ có thực khi nhận thức được điều sai xấu để chuyển hóa. Nếu chỉ cố gắng mô phỏng điều đúng tốt lý tưởng mà không thấy ra điều sai xấu của mình thì cái tốt đó vẫn là không thực, chỉ giống như người đang dơ bẩn mà xức nước hoa để khỏa lấp mà thôi. Mọi người đều sẵn có những đức tính đúng tốt, chỉ vì cái ngã nhận thức lầm lạc, tà kiến mà có hành vi sai xấu. Khi còn vô minh ái dục không ai không có sai xấu, tuy nhiên nhờ có sai xấu và nhận ra sai xấu đó mới thấy ra đâu là đúng tốt. Vậy con đừng mặc cảm tội lỗi mà nên qua đó điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình.
Đừng đợi lúc có sai xấu mới tìm cách đối trị. Nên ngừa bệnh hơn là chữa bệnh. Nghĩa là con cứ thường thận trọng chú tâm quan sát chính mình để trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm thì mức độ chánh niệm tỉnh giác sẽ chính xác và vững vàng hơn, lúc đó cơ hội vô thức để cho sai xấu phát khởi sẽ ít đi, như thế con không cần đối trị mà sai xấu vẫn tự giảm dần và chấm dứt. 


2. Tr
ạo Hối

Câu hỏi: Dạ bạch thầy mỗi lần tụng kinh hay niệm Phật, ngồi thiền thì những ký ức xấu lại hiện lên trong đầu con, làm cho con không thanh tịnh được. Con xin thầy dạy con làm cách nào mới có thể khắc phục được. Con thành kính tri ân thầy.
Trả lời: Con xem câu hỏi thầy mới trả lời cho một Phật tử ở Mỹ thì sẽ thấy rõ hơn. Ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật nếu để đối trị lỗi lầm thì chỉ mang tính tạm thời, dù có làm được cũng chỉ là dồn nén nó vào trong tiềm thức, còn nếu không làm được thì mặc cảm tội lỗi càng tăng thêm mà thôi. Con chưa thể bình tâm khi con chưa nhìn thấy nguyên nhân và bản chất của lỗi lầm. Hãy quan sát trực diện ngay khi những hành động lỗi lầm đang khởi sinh. Khi con thấy được tánh tướng, sự sinh diệt và sự nguy hại của nó thì con mới có thể thoát ra khỏi nó. Có chánh kiến mới có chánh tư duy, nhờ đó có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Khi đã có những nhận thức và hành vi đúng như vậy tâm con mới an tịnh trong biểu hiện của chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Con vào Pháp Thoại nghe giảng thêm để thấy ra việc tu tập như thế nào, không thể chỉ loay hoay trong các hình thức "tu niệm" khuôn sáo mà giác ngộ giải thoát được đâu. 

3. 
Sám hối

Câu hỏi: A-di-đà Phật, con thành kính tri ân những lời Thầy đã dạy con. Thưa Thầy, còn phần cuối câu hỏi của con về sự lỗi lầm mà con chưa vượt qua được. Thưa Thầy, có phương pháp nào để con tự sám hối mà tội lỗi của con cũng được tiêu trừ không? Kính mong Thầy dạy con. Con cám ơn Thầy.
Trả lời:
Trừ các bậc Thánh Alahán, không ai không có ít nhiều sai phạm trên hành trình tu tập, ngay cả các bậc Thánh Hữu Học vẫn còn sai phạm huống chi là người phàm. Giới luật là điều học giúp con thấy ra tính chất đạo đức trong hànhđộng của mình, nhờ đó con mới chuyển hóa được thái độ nhận thức và hành vi ngày càng thận trọng, tinh tế và trong lành hơn.
Vậy quan trọng không phải là có sai phạm hay không và phải sám hối như thế nào mà là qua đó con có học được điều gì để thấy ra bản chất hành động của mình không. Nếu một người thường sai phạm nhưng nhờ đó mà thấy ra cái ngã vô minh ái dục để giác ngộ giải thoát thì còn hơn một người cố giữ không sai phạm rồi tự mãn với sự trong sạch của mình mà không thấy ra cái ngã vô minh ái dục càng lớn lên thêm.
Sám hối cũng tốt nhưng không phải để chạy tội. Gieo nhân thì phải gặt quả để học ra bản chất cái đúng cái sai, cái tốt cái xấu. Mục đích của sám hối là để tâm thanh tịnh trong sáng. Vì vậy sám hối thật sự phải là hành động biểu hiện sự chuyển hóa trong nhận thức bản chất hành vi đạo đức của mình, nhờ đó mà thấy ra được nguyên nhân lầm lỗi chứ không phải lo sợ hậu quả của nó.