Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Thiên Thần Đen là chuyện sống thực tại nơi cô làm việc.
Buổi sáng ngồi trong phòng làm việc, tôi thấy hai người khách vào office. Một người đàn bà da trắng trẻ, mãnh mai với khuôn mặt tuyệt đẹp cùng một người đàn ông da thật đen gầy ốm, cao lêu khêu. Cả hai đều ăn mặc thật lịch sự, thái độ có vẻ trang trọng. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là họ không được cân xứng khi đi chung với nhau, người đàn bà trông quá sang trọng, trang nhã, còn người đàn ông thì toát ra một chút gì quê kệch, vụng về trong bộ quần áo sạch sẽ, mới toanh. Tôi luôn luôn không bằng lòng mình bởi những nhận xét chẳng được tốt lắm về một người hay một sự kiện gì đó, nên vội xua đuổi những ý tưởng chợt đến và chăm chú vào công việc của mình.
Một lát sau hai người khách được bà chủ hướng dẫn đi xem các nơi trong công ty, cuối cùng họ bước vào phòng chúng tôi đang làm việc. Đó là một căn phòng lộn xộn, bề bộn với đủ màu sắc, hình vẽ trên vách tường của những họa sĩ chuyên nghiệp hay tài tử đã đến và đi, mỗi người đều nghĩ mình có quyền trang trí cho góc phòng mình mà không sợ phiền hà ai. Cho nên cuối cùng tôi- một trong những kẻ lâu đời nhất trong cái phòng vẽ bề bộn này- thỉnh thoảng vẫn nhìn lên vách mà hồi tưởng lại những khuôn mặt của gần hai mươi năm qua, không biết giờ này ở những nơi chốn nào? Tôi ở lại vì tôi chấp nhận mình không phải là một họa sĩ giỏi, dù những màu sắc, những cây cọ đã nuôi sống tôi một thời gian khá lâu khi lưu lạc xứ người. Tôi chỉ là một người sơn phết, tô điểm lại những gì mà các họa sĩ đã sáng tác hay khách hàng cần đến. Nói tóm lại họ cần nơi tôi sự khéo tay, chăm chỉ chứ không cần đến sự sáng tạo và tôi vẫn ra đi, trở về mỗi ngày trong những bộ quần áo lúc nào cũng dính đầy vết sơn đủ màu sắc. Tôi không lấy đó làm phiền vì trong một chừng mực nào đó tôi yêu công việc của mình, dù có thể đối với những người khác đó là một nghề chẳng có gì hấp dẫn hay quyến rũ lắm!
Bà chủ giới thiệu chúng tôi với hai người khách. Người đàn bà làm trong nhà thờ đem người đàn ông là một thanh niên tị nạn từ Phi Châu đến để xin việc làm, như vậy những nhận xét ban đầu của tôi hoàn toàn đúng. Người thanh niên có tên Kepi, anh ta đen và gầy hơn tôi nghĩ với hai hố mắt sâu ánh lên tia nhìn long lanh thật lạ lùng. Bà chủ nhận Kepi vào làm trong phòng vẽ vì tuy không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng anh ta cho biết rằng đã từng cầm cọ trong thời gian qua. Phòng vẽ chúng tôi đã có rất người đến từ những quốc gia khác nhau như: Nhật Bản, Malaysia, Trung Hoa, Anh, Pháp, Phi Châu, Thái Lan và Việt Nam… Có người làm vài tuần, có người ở lại vài tháng, một năm rồi bỏ đi, hay thay đổi chỗ làm là bản tính của những người nghệ sĩ như con chuồn chuồn “Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay”.
Bà chủ kêu Annie một nữ họa sĩ lâu đời nhất trong công ty chuyên lo phần kỹ thuật, mẫu mã, màu sắc cho những sản phẩm và nói:
- Cô hãy trắc nghiệm xem Kepi có thể vẽ được những gì và xếp anh ta vào những vị trí thích hợp trong công ty nghe!
Annie vui vẻ nhận lời, cô chạy đi tìm sơn cọ cho Kepi thử tay nghề. Những người khác nháy nhó, mỉm cười với nhau, không ai ưa Annie vì họ hay thì thầm to nhỏ rằng: Annie muốn làm con Ong Chúa (Queen-Bee) thật ra cũng chẳng oan ức gì cho lắm đâu! Annie là một họa sĩ có tay nghề cao và không muốn ai hơn mình, riêng với tôi cô ta là một người đàn bà giỏi dang, khéo tay, ngăn nắp, nhanh nhẹn và tỉ mỉ quá mức độ bình thường ( tôi ghét Annie về điều này vì trong hội họa không cần sự cân xứng quá đáng). Jack thì nói không ưa cô vì cái tính lăng xăng, không đi mà chỉ chạy, một vài người khác như Rosie, Kim ghét Annie vì cô ta chưa bao giờ có chồng và chẳng bao giờ xem việc lấy chồng là quan trọng. Ai ghét mặc ai, Annie vẫn bình chân như vại, được chủ tin cậy, lương cao và chỉ huy mọi người trong công ty.
Kepi loay hoay với màu sắc, sơn cọ một hồi thật lâu, tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy những điều mới lạ hay thú vị từ bàn tay khẳng khiu xương xẩu của người họa sĩ xuất thân từ Phi Châu xa xôi, ở đâu chẳng có người tài ba, xuất chúng. Bà chủ cũng nôn nóng đi tới, đi lui từ văn phòng xuống phòng vẽ nhiều lần để nhìn nhìn, ngắm ngắm Kepi biểu diễn tài nghệ. Thời gian trôi qua chậm chạp, tuy chăm chú làm việc nhưng mọi ngưòi hình như đều theo dõi công việc của Kepi, hai con mắt sáng và trong suốt của Annie không rời tấm bìa cứng mà Kepi đang tì tay lên để hoàn thành một tác phẩm nào đó. Tuy nhiên, sau đó tôi bỗng có cảm tưởng là lạ rằng Kepi không phải đang vẽ mà anh ta đang khổ sở, chật vật, tuyệt vọng với một việc làm khó khăn nào khác, mặt anh ta nhăn nhúm, cau có, tấm lưng dài cong vòng xuống bàn một cách tội nghiệp và bàn tay cầm cọ nữa trời ạ! Bàn tay nắm chặt cây cọ nhỏ xíu như một người thợ nề cầm chiếc bay hay tệ hơn nữa như một tiều phu đang cố gắng dùng chiếc rìu để chặt một thân cây. Thường thì khi đang vẽ cử chỉ người họa sĩ rất nhẹ nhàng, thoải mái hay có đôi lúc mạnh dạn, táo bạo trong đường nét hay màu sắc thì họ cũng không để lộ những cử chỉ vụng về, thô tháp gần như vô vọng mà Kepi đang có. Tôi bỗng khám phá ra rằng: Kepi chưa bao giờ biết vẽ, người đàn ông Phi Châu này chưa bao giờ biết điều khiển, cầm cọ hay biết pha màu. Tôi thấy mặt mình hơi nóng lên trong một thoáng sượng sần, tội nghiệp vu vơ, tôi liếc nhìn Annie mà nghĩ rằng với hai con mắt thông minh, sắc sảo của một họa sĩ chuyên nghiệp dễ gì cô ta không hiểu như tôi đã hiểu.
Bà chủ và Annie trao đổi nhau một cái nhìn có ý nghĩa, sau đó bà chủ thở dài và nói với Kepi:
- Thôi được rồi, cô Annie sẽ tìm cho anh một việc làm thích hợp ở đây. Tôi nghe người bên nhà thờ nói anh biết vẽ đôi chút mà!
Bà nhìn mọi người rồi nói:
- Thật ra ở đây chúng tôi không đòi hỏi những người vẽ giỏi nhưng cần sự khéo tay,
Chăm chỉ. Trong nghề chúng ta sẽ học được nhiều thứ từ những người chung quanh.
Thấy tôi đang tò mò nhìn vào tác phẩm của Kepi bà hỏi:
- Này cô Nguyễn, tôi nói đúng chứ?
Tôi chỉ im lặng mỉm cười. Chứ nói gì bây giờ! Bà chủ di rồi, Kepi nhìn mọi người xung quanh với vẻ ngượng ngùng, xấu hổ, một người nào đó hỏi Kepi có biết nói tiếng Pháp không, vậy là anh ta xổ một tràng dài tiếng Tây làm mọi người cười xòa và quên đi mọi chuyện.
Kepi ở trong phòng vẽ vài ba ngày, Annie hướng dẫn anh làm những việc lặt vặt như tô màu, kẻ chỉ, trang trí hình lập thể, đánh màu kim nhũ lên những đường viền, nói tóm lại đó là những việc đơn giản nhất trong Artist Room, tuy nhiên phải công nhận rằng Kepi không có duyên với nghề hội họa. Sau vài hôm, Annie phải dẫn Kepi xuống warehouse, ở đó có những công việc khác như: sơn bàn ghế, đóng thùng, khiêng hàng hóa … Bà chủ đã hứa với những người bên nhà thờ là sẽ cố tìm cho Kepi một chổ làm trong công ty. Kepi cho biết anh ta đã từng làm lao động bên Ai Cập trước khi được bảo trợ qua Mỹ, tôi không hiểu rõ lắm về những chương trình giúp người tị nạn từ Phi Châu mà chỉ biết rằng Kepi đến Mỹ quốc hơn một năm, Anh ta nói tiếng Anh, tiếng Pháp rất khá.
Ở trong công ty được vài tuần tôi có nhận xét là Kepi rất vụng về trong mọi công việc. Sơn bàn ghế không phải là một việc khó khăn nhưng nó cũng cần sự khéo tay, lanh lẹ, đối với phần đông người Việt Nam đây là một chuyện dễ dàng nhất trong sở nhưng trái lại đối với Kepi thì đó là một việc làm nhiêu khê ngoài khả năng của anh ta. Anh đánh đổ sơn tùm lùm, mặt mày, tóc tai lúc nào cũng lấm lem nhiều màu sắc làm cho những người trẻ tuổi (đa số là sinh viên hay học sinh làm part time) chọc ghẹo, bông đùa cả ngày. Kepi trở thành niềm vui và đối tượng đùa cợt cho người khác.
Một người nào đó hỏi:
- Ê, Kepi! Sao ông không biết gì về hội họa mà dám nói mình đã từng là họa sĩ?
Kepi thật thà trả lời:
- Mấy người qua Mỹ trước dạy tôi rằng khi đi phỏng vấn cứ nói mình biết làm mọi thứ, sao cho được nhận vô sở rồi mình sẽ học hỏi sau!
Mọi người bò lăn ra cười. A! Tôi đã từng nghe điều đó từ những đồng bào của tôi, tuy nhiên điều đó chỉ đúng với những người sáng dạ, thông minh mà thôi, riêng đối với Kepi thì không thể áp dụng được. Kepi có thói quen xấu là hay ngủ gà, ngủ gật và ngủ quên trong giờ nghỉ giải lao, bà chủ hay leader đã bắt gặp, phàn nàn nhiều lần nhưng anh ta không sửa được khuyết điểm ấy vì một điều rất giản dị: Kepi quá thiếu ngủ.
Anh cho biết sáng nào cũng dậy khoảng 5 giờ sáng, đi bộ để đón hai chặng xe bus đến sở. Kepi trú ngụ ở một khu apartment nghèo và chưa bao giờ biết lái xe, làm ở công ty tám tiếng đồng hồ xong, anh lại đi bộ ra trạm xe bus để đón xe đến một cây xăng làm thêm năm giờ nữa. Xong việc ở cây xăng, Kepi không thể về nhà ngay vì không có chuyến bus nào lúc gần nửa đêm, anh phải ngồi đó chờ người bạn tan ca lúc 1 giờ sáng chở về nhà. Ngủ chưa đầy ba tiếng lại phải trở dậy để bắt đầu cho một ngày mới. Một thời khóa biểu quá ư kinh khủng!
Tôi ái ngại hỏi Kepỉ:
- Sao anh không ráng dành dụm tiền mua một chiếc xe tàm tạm để đi làm. Chiếc xe sẽ giúp anh giải quyết được nhiều khó khăn lắm.
Kepi lắc đầu:
- Tôi không thể làm điều ích kỷ đó vì tôi còn cha mẹ già và năm sáu anh em bên Phi Châu. Mọi người đều trông ngóng tiền bạc từ khi tôi qua Mỹ Quốc. Tôi đã gởi về nhà được mấy ngàn đô trong hơn năm nay, quê hương tôi nghèo lắm!
Tôi phản đối:
- Ai cũng thương yêu gia đình và quê hương cả, nhưng anh phải nghĩ đến mình một chút chứ! Đâu phải anh ích kỷ khi quyết định mua cho mình một chiếc xe, đó là phương tiện giúp anh kiếm tiền mà. Anh còn làm lâu dài trong tương lai, nếu mất ngủ nhiều anh đau ốm thì cha mẹ anh cũng chịu thiệt thòi thôi.
Thật ra tôi muốn nói như thế này:
- Tôi nghe bà chủ phàn nàn về anh nhiều lắm vì cái tật hay ngủ quên giờ làm, coi chừng bị đuổi việc thì cũng chẳng còn tiền gởi về Phi Châu nữa đâu!
Tôi đã nghe Annie nói:
- Bà chủ không bằng lòng về Kepi nhiều, bà chưa đuổi anh ta vì còn nễ những người bên nhà thờ, nhưng nếu anh ta cứ ngủ gà, ngủ gật trong giờ làm việc thì bà cũng phải quyết định thôi.
Tôi nói với Annie:
- Kepi bị mất ngủ nhiều vì không có xe riêng Annie à! Anh ta phải gởi tiền về Phi Châu cho gia đình.
Annie gật đầu:
- Tôi cũng biết điều ấy, nhưng đó là vấn đề khó khăn riêng tư mà Kepi phải tự lo liệu chứ bà chủ đâu có trách nhiệm về gia đình anh ta ở Phi Châu.
Annie có lý, tôi chợt nghĩ đến những đồng bào của tôi: khi chân ướt, chân ráo đến Hoa Kỳ cũng phải làm việc cật lực để kiếm tiền lo cho gia đình ở Việt Nam, những sự hy sinh đó dễ gì những thân nhân biết được. Gởi tiền về quê nhà được xem như một bổn phận chứ không phải là lòng tốt và đôi lúc còn bị chê khen nhiều, ít. Thật ra nếu chỉ phải lo cho chính mình cùng gia đình trên nước Mỹ, tôi tin rằng mọi người đều có một cuộc sống sung túc, dư dả nếu không muốn nói là giàu có nhưng có mấy ai dứt bỏ được những vướng bận ruột rà, thân thuộc. Người ta nói bây giờ nước Mỹ khó khăn lắm rồi, ở Việt Nam còn sung sướng hơn nhiều lắm. Một đàng cho và một đàng nhận, dĩ nhiên nhận là phải sung sướng rồi và chúng ta cũng nên thôi đừng than van nữa bởi vì nước Mỹ may ra có trách nhiệm với chúng ta chứ đừng bắt nước Mỹ phải có trách nhiệm với những liên hệ và đòi hỏi bất tận của những người thân chúng ta còn ở quê nhà.
Tôi biết một người qua đến Mỹ thì tuổi cũng quá nửa đời người, người mình hay nói đùa một cách rất cải lương là”Nửa đời hương phấn”. Chị này rất chăm chỉ làm hai ca nên kiếm được rất nhiều tiền. Bao nhiêu tiền kiếm được chị ta chỉ tiêu dùng chút ít, số lớn còn lại gởi về Việt Nam cho cha mẹ, anh em xây nhà, buôn bán, mua đất làm vườn, đào hồ nuôi tôm, nuôi cá, nuôi heo …Chồng chị lo cho gia đình bên này, chị tuyên bố là không cần xây dựng trên nước Mỹ vì đó đâu phải là quê hương mình. Chị không cần thi vào quốc tịch Mỹ vì có ý định về Việt Nam khi đã có một số tiền lớn, khi làm việc nhiều quá bị căng thẳng thì chị rủa xả:
- Ai nói qua Mỹ sung sướng đâu, làm việc như trâu mà chẳng thấy dư.
- Ước gì tôi có được độ trăm ngàn về Việt Nam ở luôn cho khỏe.
Nghe chị than tôi chỉ thấy buồn cười thôi. Tại số chị muốn khổ thì cứ khổ, nếu bỏ đi một job, bớt gởi tiền về Việt Nam thì gia đình chị cũng dư dả như ai, đâu ai bắt chị phải làm con trâu đi cầy. Làm sao có được vài trăm ngàn khi làm được đồng nào thì chị vội vàng bỏ vào cái túi không đáy và sự đòi hỏi không bao giờ ngưng nghỉ của những người thân. Chúng ta không phải là những người ích kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình nhưng chúng ta cũng đừng nên bỏ quên chính mình và hạnh phúc của mình. Ai sẽ có trách nhiệm cho cái tôi, với một thân thể con người yếu đuối cần nghĩ ngơi sau những giờ làm việc, ai không muốn sống trong những điều kiện thoải mái vật chất, tinh thần. Sống trên một đất nước giàu mạnh mà sao chị ấy lại khổ sở như thế chứ? Cái gì cũng vừa phải thôi chứ, ngày xưa Thái Tử Tất Đạt Đa cũng đã chọn cho mình một con đường trung dung để thành Phật và đạt đến niết bàn.
Rồi tôi nhớ đến cuốn phim Phục Sinh (Resurrection) được thực hiện bởi một tác phẩm của một nhà văn Nga Leo Tolstoy, mà tôi đã coi từ hồi còn trẻ. Phim có đoạn người đàn ông quí tộc cho tiền những người nghèo, ông cho bao nhiêu cũng không thể nào đủ vì người xin thì nhiều vô hạn mà tiền túi ông thì chỉ có hạn, làm sao mà giải quyết được sự hữu hạn và vô hạn đó. Phải chăng chỉ có con đường ở giữa. Trong truyện cổ tích Phật Giáo cũng có chuyện vị Thái Tử phát tâm bố thí Ba La Mật, ngài cho tất cả những gì mình đang có vậy mà có kẻ còn xin luôn cả vợ lẫn con của ngài. Thật là bất nhẫn, cuộc đời có những tình huống thật đau lòng luôn trói buộc con người không chút xót thương, trắc ẩn và chỉ những người có lòng phải chịu phần thiệt thòi mà thôi!
Một buổi sáng tôi thấy Annie loay hoay dẫn một chiếc xe đạp vào sở làm, cô ta kêu tôi lại nói:
- Tôi đem chiếc xe của ba tôi cho Kepi, may ra chiếc xe đạp này sẽ giúp anh ta đôi chút.
Cha Annie mất được mấy tháng nay ở tuổi 93. Tôi vỗ tay reo lên:
- Hay quá, hay quá! Chúa sẽ chúc lành cho cô bởi vì tôi đã nghĩ anh ta là Thiên Thần Đen mà. Anh ta được gởi đến thế gian để thử lòng người đấy.
Annie cười xoà:
- Thôi, cô đừng khùng điên nữa Nguyễn ơi, tôi không tin anh ta là Dark angel đâu, tuy nhiên ba tôi mất rồi, chiếc xe này có ai dùng nữa đâu cho Kepi là hợp lý nhất.
- Tôi hoàn toàn đồng ý với cô Annìe ạ!
Thiên Thần Đen vui mừng, hí hửng đem chiếc xe vào warehouse sau khi cảm ơn Annie rối rít.
Có lý do để tôi gọi Kepi là Dark Angel!
Tan sở Kepi leo lên chiếc xe đạp vun vút như một cua rơ thành thạo làm mọi người trong công ty chạy ra reo hò inh ỏi, ai cũng vui cho anh ta và trở nên có thiện cảm với Annie một chút. Nhưng ngày vui thì qua mau mà ngày buồn thì dài dằng dặc vì chỉ một vài ngày sau thì Dark Angel lại phải tiếp tục đi xe bus và dĩ nhiên là tiếp tục ngủ gục. Anh cho biết không thể đem chiếc xe đạp dềnh dàng lên hai chuyến xe bus và xe của người bạn mỗi ngày. Vì nhà quá xa, Kepi không thể đạp xe đi làm, thực tế chiếc xe đạp chỉ giúp anh một quảng đường duy nhất từ công ty đến cây xăng để làm job thứ nhì mà thôi, quảng đường này chỉ độ năm dặm. Kết luận chiếc xe Annie cho không giúp được gì cho chàng trai Phi Châu lạc lỏng đến một đất nước giàu mạnh với hệ thống xa lộ chằng chịt, rộng lớn, phức tạp, với giòng xe vun vút lao đi như cơn cuồng lưu không bao giờ ngừng chảy.
Công ty nằm trên một khu đất cuối cùng của con đường được chấm dứt bởi khu rừng nhỏ khá rậm rạp phía sau. Những chiều tan sở tôi hay gặp Kepi đi như đang bay bằng cặp giò cao lêu khêu trên con đường dẫn ra đại lộ, anh ta đi vun vút nhanh không thể tưởng tượng nhưng dĩ nhiên là phải chậm hơn xe hơi rồi. Tôi hay dừng lại cho anh ta quá giang đến trạm xe bus rồi lái xe về nhà mình, tôi chỉ có thể giúp Kepi một chút xíu như thế thôi vì tôi còn phải về để lo cho gia đình. Trước kia tôi có thói quen đi làm trễ, về trễ (vì ngủ dậy trưa) nhưng phải nói thật rằng từ hồi biết những khó khăn trong việc di chuyển của Kepi, tôi cũng có thiện chí là đi sớm một chút để thỉnh thoảng có dịp cho anh ta đi ké một quảng đường ngắn ngủi. Trong mẫu đối thoại trên xe anh ta thường kể những sự đói khổ bên xứ sở Phi Châu, những nhọc nhằn khi đi làm bên Ai Cập, Kepi cũng hỏi về giá cả xe cộ, cách thi để lấy bằng lái xe và tỏ ra khâm phục tôi vì tôi là đàn bà mà biết lái xe giỏi (!)
Tôi phì cười:
- Giỏi gì, thì cũng đã từng đâm đầu vô thùng thơ, lọt xuống hố như ai may mà chưa chết.
Kepi le lưỡi:
- Trời ơi, ghê quá mà sao cô vẫn dám lái?
- Không lái làm sao đi làm được khi ở trên nước Mỹ này, từ nhà đến sở gần nhất cũng mười mấy cây số. Khó hay dễ cũng tuỳ người, đàn ông dạn gan hơn nên tập rất mau. Tôi nhát như thỏ đế mới lên xe đã run rồi, tôi chưa hề biết đi xe đạp khi còn ở Việt Nam vậy mà qua đây cũng phải lái xe. Kepi học mấy hồi, thôi ráng để dành tiền mà mua chiếc xe đi! Tôi thành thật khuyên như vậy.
- Nhưng tôi còn phải lo cho thằng em vừa mới bị té gãy chân hôm tuần trước, tháng này tôi phải gởi cho nó một ngàn cô Nguyễn ạ, dù gì nó cũng là em tôi, nó trở thành tàn phế làm sao lương tâm tôi yên ổn được!
Đại khái là thể. Thôi thì cứ cho là như vậy, tôi cũng chẳng muốn xía mãi vào đời sống của người khác, tôi tìm cho mình một cách để bớt áy náy trong lòng là cố gắng đi làm sớm hơn để cho Kepi quá giang buổi chiều mà không mất nhiều giờ làm việc của mình là tốt nhất. Tuy vậy có một việc lạ đã xảy ra làm tôi suy nghĩ cả tuần nay:
Buổi chiều tan sở lái xe trên con đường độc nhất đưa ra đại lộ tôi không còn gặp Kepi đi bộ nữa. Hai ba ngày đầu, tôi cũng không chú ý cho lắm vì tưởng mình bận suy nghĩ mung lung nên không thấy Kepi giữa đường nhưng những ngày sau sự thắc mắc cứ lớn dần trong đầu làm tôi càng tò mò muốn khám phá ra sự thật. Liên tiếp hai ba hôm ngồi trong phòng vừa thấy Kepi bấm thẻ ra về là tôi cũng vội vã thu dọn sơn cọ để chạy theo sau nhưng vừa ra đến bãi đậu xe là anh ta biến mất. Tôi cố gắng nhìn kỹ hai bên đường, đó là con đường độc nhất dẫn ra lộ vì công ty nằm ở cuối đường, mà cũng chẳng thấy Kepi đâu cả.
Ngày hôm sau tôi hỏi dò:
- Này Kepi, bạn anh hết làm ca đêm rồi sao?
- Nó vẫn làm ca đêm và vẫn chở tôi về mỗi tối ở cây xăng!
- Tôi tưởng buổi chiều người bạn đến đây đón anh chứ.
Kepi lắc đầu:
- Không phải như vậy đâu, tôi vẫn đón bus để đi làm như thường ngày.
Tôi không hỏi gì thêm nhưng sự thắc mắc vẫn đè nặng trong ý nghĩ làm tôi thấy khó chịu và sự tò mò càng làm cho tôi muốn khám phá ra bí mật của Kepi. Có nhiều lần tôi nhìn trộm anh ta và với cái đầu óc nhiều tưởng tượng của tôi, tôi thấy Kepi có cái vẻ gì là lạ, nhất là hai con mắt sâu thâm thẩm tỏa ra một thứ ánh sáng lạ kỳ, bí ẩn. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra và bao nhiêu câu trả lời cứ lẩn quẩn trong ý tưởng của tôi. Kepi biến đâu mất mỗi chiều tan sở, không lẽ anh ta bay, mà ai có thể bay được cơ chứ, chỉ có thiên thần là bay được, không lẽ anh ta là thiên thần mà thiên thần đến đây để làm gì? Chắc để thử lòng con người, thử lòng tôi, Annie và nhiều người khác. Tôi phì cười một mình, cái thời buổi văn minh này mà còn tin chuyện thần tiên thì quả thật chỉ có mình tôi nhưng sự thật có một bí ẩn nào đó trong sự di chuyển của anh chàng Phi Châu này!
Một buổi chiều tôi nói với Annie câu chuyện này và kết luận nửa đùa, nửa thật:
- Kepi bay mỗi chiều, anh ta đến đây để thử lòng chúng ta đó.
Annie giễu cợt:
- Tại anh ta đen quá nên cô nhìn không thấy chứ gì?
Tôi phản đối:
- Dân Việt Nam tôi có câu: “Tháng Năm chưa năm chưa nằm đã sáng, tháng Mười chưa cười đã tối”. Bây giờ tháng Năm, trời sáng trưng khi tan sở thì làm gì tôi không trông thấy Kepi đi bộ như trong mấy tuần trước. Anh ta là Dark Angel đó, anh ta biết bay, cô không tin thì thôi, tuy nhiên lòng tốt của cô trời sẽ ban thưởng cho.
Annie cười ngất:
- Thiên thần gì mà ngủ gục cả ngày, không khéo lại bị đuổi làm cho xem. Thôi cho tôi xin đi, Nguyễn ơi! Cô thật là một kẻ giàu tưởng tượng quá sức, tôi nghĩ cô nên tập viết văn để viết chuyện thần tiên thì hay hơn là làm trong cái phòng vẽ này!
- Biết đâu đấy, có ngày cô sẽ đọc được truyện Dark Angel của tôi cho coi.
Chuyện phải đến rồi đã đến, bà chủ gởi trả Kepi lại cho nhà thờ sau khi đã cố gắng đưa anh ta làm ở khắp nơi trong công ty. Anh ta vụng về quá nên không thích hợp ở bất cứ nơi nào cả, mọi người cũng nhắc nhở anh vài ngày rồi thôi và chính bản thân tôi cũng không nhớ Kepi lâu hơn nữa, dù có một thời tôi đã nghĩ anh là một thiên thần, thiên thần đen đến từ Phi Châu.
Một buổi chiều nắng đẹp sau đó vài năm, trong giờ nghĩ giải lao tôi đi bách bộ phía sau công ty nhìn ra cánh rừng nhỏ đối diện thì trông thấy vài người thợ điện đang leo lên cây cột đèn nằm sâu phía trong những lùm cây rậm rạp để sửa chữa gì đó. Họ đến từ phía bên kia khu rừng vì tôi không thấy xe của họ trong bãi đậu của công ty, chắc bên kia có những con đường nên họ để xe ở đó rồi lội bộ qua đây. Tôi bổng nhớ đến Kepi và chợt khám phá ra điều bí ẩn đã làm tôi phân vân trong nhiều năm trước đây.
Sự thật chẳng có gì là bí mật cả, Kepi đã dùng con đường tắt xuyên qua khu rừng nhỏ để ra trạm xe bus. Rừng cây rậm rạp, hoang vu kia chắc chắn là nơi ẩn nấp của muôn loại côn trùng, rắn rít nên chẳng ai có can đảm đi vào, nhưng đối với người thanh niên Phi Châu như Kepi đã quá quen với những khu rừng hoang dã, mặt trời không xuyên thấu thì lùm cây dại sau công ty có nghĩa gì đâu. Bản năng của một con người sống trong những môi trường sơ khai, gần với thiên nhiên đã giúp Kepi nhìn thấy con đường tắt này. Con đường tắt đã giúp Kepi thâu ngắn quảng đường đi rất nhiều dù trên thực tế nó cũng chẳng ích lợi mấy đối với hệ thống giao thông được phát triễn, hiện đại hóa vượt bậc trong một quốc gia giàu mạnh như Hoa Kỳ. Kepi không thể đi bộ mãi dù là xuyên qua rừng, qua núi, phía bên kia là những con đường xe cộ lao vun vút, tốc độ kinh hoàng, đời sống văn minh cuốn hút con người vào một guồng máy khổng lồ, chúng ta trở thành những con ốc nhỏ không thể buông rơi ra được.
Không có một thiên thần nào đã bay sau mỗi chiều tan sở, chỉ có Kepi người thanh niên tội nghiệp đến từ Phi châu, một thiên thần đen chưa bao giờ có cánh mà đôi vai lại nặng oằn một gánh gia đình với cha mẹ, anh em. Người thanh niên với thân hình ốm o, hai chân lêu khêu lưu lạc đến một đất nước mà sự di chuyển bằng hai chân chỉ là một thứ thú tiêu khiển. Một con người đáng thương chưa bao giờ được ngủ cho đủ, không dám mua cho mình một chiếc xe vì mãi lo gởi tiền về cho những người thân mà sự đòi hỏi về tiền bạc, vật chất như không bao giờ ngưng nghỉ.
Kepi đáng thương hay đáng trách, anh ta là một người dại hay người tốt những câu trả lời thay đổi liên tục trong ý nghĩ tôi. Không biết bây giờ anh trôi dạt nơi nào, đã mua cho mình được một chiếc xe chưa hay vẫn mãi miết tìm kiếm những lối đi tắt qua những khu rừng để thâu ngắn bớt một đoạn đường nào đó, để đón những chuyến xe bus đến sở làm như ngày nào. Những lối đi tắt, những cánh rừng hoang vu trong thành phố thì ngày càng hiếm hoi với đà phát triễn giao thông, kỹ thuật ngày càng cao vời vợi. Tôi tự hỏi sao Kepi không tìm cho mình một giải pháp thật giản dị, thay vì gởi hai ngàn về Phi Châu thì anh bớt đi một ngàn để mua một chiếc xe làm phương tiện đi lại, anh phải sống chính đời sống của mình, phải nuôi dưỡng thân xác còm cõi mình trước rồi mới cứu giúp người khác được chứ.
Kepi chưa bao giờ là một thiên thần, chưa bao giờ có cánh để bay, sự tưởng tượng quá đáng của tôi chỉ có giá trị như một chuyện khôi hài, buồn cười trong cái thế giới văn minh, khoa học này. Những ràng buộc bởi máu mủ, ruột rà, tình yêu tha nhân đã đầy đọa những con người giàu tình cảm, có trái tim nhân ái. Họ cho đi mãi, cho đi mãi cho đến lúc sức tàn, thân kiệt và có những kẻ, rất nhiều kẻ đã lợi dụng lòng tốt của kẻ khác không chút nương tay. Kẻ lợi dụng biết kể lể, vuốt ve, tỉ tê, than thở và dĩ nhiên là biết xưng tụng, ngợi khen, Kepi có thể là một thiên thần trong ý nghĩ những người thân nghèo khổ của anh ở Phi Châu, như anh đã từng là thiên thần đen có cánh bay đi trong ý nghĩ của một người giàu tưởng tượng là tôi ở một thời gian nào đó! Ôi, những điều đó có thể giúp được gì cho Kepi không?
Bây giờ con đường ẩn nấp bên kia khu rừng nhỏ với những người thợ điện đã làm tôi bừng tỉnh, Kepi là một người cần những giấc ngủ bình an như mọi người và nhất là cần một chiếc xe hơi để lái, để đi làm. Làm sao tìm được con đường chính giữa để đi, điều đó thuộc về Kepi, người thanh niên Phi Châu tội nghiệp tôi đã gặp trong Artist Room ngày nào. Người họa sĩ chưa bao giờ lưu lại một hình vẽ nào để làm kỷ niệm trong căn phòng bề bộn, tràn đầy màu sắc, dấu tích của những người nghệ sĩ đã đến và đi. Kepi chỉ là người thanh niên gầy gò với hai con mắt lạ lùng đến từ Phi Châu, người luôn muốn giữ sự bí mật về những con đường tắt xuyên qua cánh rừng nhỏ. Những cánh rừng ngày càng thu hẹp nhỏ hơn bởi đời sống văn minh và những nhu cầu lưu thông./.
Mimosa Phương Vinh
Nguồn: http://vietbao.com