Vài cảm nhận về nét văn hóa phương đông tại Mỹ

Ngày nay, ảnh hưởng của văn hoá phương Tây lên xã hội các nước phương Đông (và cả thế giới) là rõ ràng, sâu đậm, phổ biến, trên đủ các mặt của đời sống. Với công cụ truyền thông hiện đại, với phương tiện giao thông nhanh chóng, với mạng Internet toàn cầu, với thế lực chính trị và kinh tế to lớn, ảnh hưởng đó lại càng ồ ạt, tức thời, có thể làm lu mờ văn hoá truyền thống các nước phương Đông. Tuy thế, ngược với dòng chảy văn hoá đó, cũng có những ngọn gió mát lành từ phương Đông thổi vào lục địa phương Tây, đặc biệt là vào Mỹ, đem lại thanh thản và ý nghĩa cuộc sống cá nhân cho một xã hội vận hành hợp lý, khoa học, khẩn trương.
Với tính cách là một kẻ nhàn du hơn một tháng trên đất Mỹ, tôi mở rộng đầu óc và tâm hồn để đón nhận biết bao điều kỳ diệu: đường sá thênh thang, nhà cửa tiện nghi, các dịch vụ được tự động hoá vô cùng hữu hiệu, các trường đại học hàng đầu thế giới, công nghiệp giải trí khổng lồ…, văn minh đô thị, đạo đức công dân thể hiện trình độ cao. Mặt khác, tôi rất thích thú cảm nhận: đất nước này, đặc biệt tiểu bang California hướng về phía Đông châu Á vẫn tiếp nhận một số nét văn hoá phương Đông, làm thêm phong phú tinh thần song song với giàu có vật chất. Vẫn biết nước Mỹ với đặc tính đa chủng, những nét văn hoá đó được lưu giữ nơi những người thuộc dân tộc phương Đông, tuy thế, văn hoá đó ngày càng thấm đượm trong lòng xã hội Mỹ.

Ngay khi vừa đặt chân lên nước Mỹ, chưa ra khỏi phi trường Los Angeles mênh mông, tôi thích thú bất ngờ trước hoa anh đào, màu hồng nhẹ nhàng, quý phái, nổi bật trong không gian bát ngát mùa Xuân nắng vàng se lạnh. Những cây anh đào tại phi trường Los Angeles là quà tặng của nhân dân Nhật, như là biểu tượng sứ giả của một đất nước phương Đông mạnh về khoa học kỹ thuật, giàu về văn hoá truyền thống.
Ảnh hưởng của văn hoá Nhật Bản văn hoá Trung Hoa dễ thấy trên nước Mỹ, hiển hiện là mỹ thuật cây cảnh, bonsai. Thì ra bên này người ta cũng chơi cây cảnh, bonsai, cây tạo thế, trong vườn nhà, trong công viên, bãi biển và cả đường phố. Nét tạo thế cây cảnh không quá cầu kỳ, không ép cây quá nhiều, mà làm dáng vừa xanh khoẻ, vừa sù sì. Nhiều cây rất lớn được tạo dáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, đa dạng về kiểu cách, xuất hiện không ít trên bãi biển, công viên, vườn nhà; còn trên đường phố của khu vực dân cư, cơ quan cây xanh tạo chế bằng cách cắt cành, tỉa ngọn, tạo những vòm màu xanh mất mắt. Về nghệ thuật vườn, mỗi nhà hoặc cụm dân cư nhỏ đều có sân vườn với hoa lá, bãi cỏ, rải rác có vài cây tạo thế hoặc bonsai. Điều bất ngờ là… tượng Phật tại một số vườn nhà: Đức Phật tĩnh tại giữa bãi cỏ, tảng đá, cây xanh. Không có một vị giáo chủ nào mà hình tượng lại đại chúng “bình dân” đến mức như vậy. Điều lý thú nữa là tượng Phật rất dễ thấy ở tiệm sách, nhà hàng bán đồ lưu niệm, văn hoá phẩm. Đức Phật Thích ca, Phật Di lặc, Phật Quán Thế Âm, các vị La hán, Bồ đề Đạt ma, … bên cạnh tượng Chúa, Đức Mẹ, thánh thần.
Đạo Phật ở Mỹ ngày càng phổ biến từ khoảng giữa thế kỷ XX, với sự truyền bá Thiền tông (Zen) của Nhật, và sau này trong quá trình thu nhận dân nhập cư từ các nước châu Á, nhiều truyền thống, môn phái Phật giáo đã tạo cho nước Mỹ một đạo Phật đa dạng, và mới nhất, tầm ảnh hưởng của Đức Đạt lai Đạt ma đã làm cho Phật giáo Tây Tạng khởi sắc, hấp dẫn nhiều người Mỹ. Ngày nay, Thiền của Phật giáo là thực hành tâm linh của rất nhiều người Mỹ; các trung tâm thiền mọc lên khắp nơi, đáp ứng nguyện vọng tu tập của những retreats – những người tạm rút khỏi công việc hàng ngày đầy lo âu phiền toái hoặc máy móc nhàm chán để đến các trung tâm sinh hoạt, tu tập cho thanh thản tinh thần, giải toả stress, nối kết tình người, tìm lại giá trị cuộc sống. Đạo Phật còn có đất đứng vững chãi ở Mỹ nhờ kinh điển đã được dịch sang tiếng Anh, và ngày càng có nhiều học giả nghiên cứu Phật học viết bằng tiếng Anh. Một tạp chí Phật giáo xuất bản hàng tháng, tờ Shambhala Sun, được phát hành rộng rãi tại Mỹ.
Đạo Phật đã đem lại chuyển biến về ẩm thực cho một xã hội tiêu thụ thịt khổng lồ: số người ăn chay, ăn kiêng ngày càng tăng. Người thì ăn chay vì thọ giới của đạo Phật, người thì ăn kiêng vì hạn chế cholesterol trong máu, chống béo phì, giảm rối loạn tiêu hoá,… Trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên là những người đi đầu về ăn chay. Không chỉ là chuyện ăn, đây là quá trình thanh lọc thân tâm, là chuyển biến về nhận thức và tình cảm đối với cuộc sống và môi trường. Ngày nay có một thực tế gây đau khổ cho cá nhân và nhức nhối cho xã hội là số người béo phì tại Mỹ quá lớn, nhan nhản ngoài xã hội, người lao động ít học lại càng dễ phì do thiếu kiến thức về dinh dưỡng, cứ theo thói quen ăn nhiều bánh mì, thịt, chất béo, chất ngọt, rồi fastfood, coca cola không chừa; cho nên phải chăng dân Mỹ cần phải theo phương Đông để tiết dục trong ăn uống?
Nói đến ẩm thực, không thể không nói đến món ăn Việt Nam mà thế giới ngày càng biết tiếng do ít dùng thịt, chất béo mà dùng nhiều rau quả, lại phong phú nhờ nước chấm và gia vị. Những người thân của tôi cho biết rằng, được đãi một bữa cơm Việt Nam tại nhà là ao ước thực sự của người Mỹ. Đặc biệt, phở là số một. Nhiều người Mỹ đã quen gọi phơ tai nam (phở tái nạm) trong nhà hàng. Phở phổ biến đến nỗi các nhà hàng Tàu, Thái cũng bán phở, cũng ghi bảng: Vietnammese cuisine. Nhưng phở là quốc hồn quốc tuý của Việt Nam, vào tiệm phở thì phải bắt ngay mùi thơm khói phở, không lẫn với các món ăn khác, trong không gian Việt Nam thì ăn mới ngon. Một buổi trưa tại thủ phủ Sacramento của bang California, chúng tôi ghé vào quán ăn gọi món phở thì mới hay là quán của người Hoa với không gian mùi vị đặc trưng; tô phở lúc đó đối với tôi chỉ là giải quyết bụng đói. Món thứ hai cũng nổi tiếng là chả giò, dân Mỹ cũng khoái khẩu lắm.
Có thể nói món ăn Việt Nam là niềm tự hào của người Việt. Tôi có dịp đến một nhà hàng Việt Nam nổi tiếng, tại một địa điểm có giá nhất tại thành phố San Francisco, nhìn ra biển, không xa cây cầu lừng danh Golden Gate. Tên của nhà hàng rất lạ: The Slanted Door (cửa lệch). Ngược về quá khứ, một gia đình đông con qua Mỹ định cư, thời gian đầu, cha mẹ đi làm vất vả, con thì đi học; người con út tuy còn nhỏ tuổi lại có thời gian lo việc cơm nước cho cả nhà. Không ngờ chuyện nấu ăn – thừa hưởng năng khiếu của người mẹ – đã gắn bó máu thịt từ lúc nào, Charles Phan (tên Việt Nam là Phan Thanh Toàn) bỏ dở ngành kiến trúc tại Đại học Berkeley để xây dựng sự nghiệp bằng nghề đầu bếp và kinh doanh nhà hàng, ban đầu với những món ăn “tủ” của mẹ ở quê nhà. Tiếng ngon đồn xa, quán trở nên đông khách, trong khi cơ sở thì vẫn khiêm tốn, cánh xửa chính bị lệch. Phải chăng tên quán – The Slanted Door – do chủ nhân lấy nguồn cảm hứng từ cánh cửa lệch, cửa thì lệch mà sự nghiệp thì rộng mở? Quán trở nên nổi tiếng đến nỗi Tổng thống Bill Clinton, phu nhân cùng ái nữ Chelsea, đã đến thưởng thức. Thời cơ đến, chủ nhân dời địa điểm về vị trí đắt giá nhất San Francisco. Ngày nay, khách phải đặt trước nhiều ngày mới có bàn. Người ta đánh giá cao nhà hàng bởi món ăn Việt Nam độc đáo, được chế biến thích hợp với mọi người Âu Á: chả giò, cá kho tộ, bánh xèo, lẩu mắm, bò lúc lắc…, bởi cách phục vụ chuyên nghiêp của khoảng 80 mươi người, bởi khung cảnh thanh lịch, mỹ thuật, đượm vẻ Đông phương. Ngay cả restroom (toilet) của nhà hàng được đánh giá rất sang trọng, rộng rãi, ai đã đến đó thì không nên bỏ qua – thiên hạ truyền miệng như thế. Đối với tôi, bữa ăn tại The Slanted Door là ngon nhất, đẹp nhất trong các nhà hàng ở Mỹ mà tôi đã thưởng thức, và tôi nghĩ rằng ẩm thực như thế mới nâng lên tầm kinh doanh quốc tế.
Thời gian ở Mỹ của tôi không được nhiều, tôi không thể thẩm thấu các giá trị văn hoá như là một cư dân, cho nên những cảm nhận của tôi về nước Mỹ chỉ có tính cách ban đầu, dầu cho tôi đã thu thập thông tin từ người thân để kiểm chứng hiểu biết của mình và để mở rộng tầm nhìn trước thực tế phong phú. Về lâu dài, có những giá trị văn hoá đã lan toả rộng rãi và vững chắc đến nơi đâu thì nơi đó hình thành giá trị mới. Đạo Phật chẳng hạn, sẽ hình thành một Phật giáo Hoa Kỳ luôn luôn mới, giàu sức sống, bên cạnh Phật giáo cổ truyền của các nước khác; điều đó càng đúng vì con đường giải thoát của đạo Phật là con đường chung của mọi chúng sinh, kể gì nước này nước nọ. Hay như tư tưởng triết học phương Đông: Âm – Dương như là hai thực thể đối lập nhau, thống nhất với nhau, tương tác với nhau, điều hoà lẫn nhau; Ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ như là 5 cấu thành của vũ trụ và con người; Khí như là nguồn năng lượng luân chuyển trong vũ trụ và con người,… ban đầu là những người nhập cư Đông Á (Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, …) gìn giữ như là báu vật của quê cha đất tổ, thì về sau càng quyến rũ nhiều người Mỹ, từ đó, việc luyện tập khí công trở thành phổ biến; các môn phái võ như Judo, Karatedo, Taekwondo, Kung Fu, hấp dẫn giới trẻ tại Mỹ, đến nỗi phim ảnh Mỹ không thể bỏ qua mà không khai thác; rồi đến dưỡng sinh, Đông y, châm cứu, thuật phong thuỷ trong kiến trúc… Toàn là những thứ có nguồn gốc bên kia Thái Bình Dương, nhưng gặp đất mới thì nảy sinh sức sống mới.
Nước Mỹ tiếp thu những giá trị văn hoá phương Đông, trước hết từ những người học vấn cao, chắc chắn sẽ nâng tầm các giá trị văn hoá đó, còn Việt Nam ta, chọn lọc, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống như thế nào trong thời đại toàn cầu hoá, trong nỗi cảnh giác của thế giới về văn hoá nghe nhìn khai thác thị hiếu tầm thường,về truyền bá lối sống thực dụng? Đó phải là sự quan tâm thường trực của mọi người Việt Nam.


Cao Huy Hóa
Theo tapchivanhoaphatgiao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét