VỪA

VỪA THÌ ĐỨNG

Sách “Cổ học Tinh hoa” kể lại rằng: Ngày kia, Đức Khổng Tử vào xem miếu Hoàn Công nước Lỗ, thấy có một cái lọ đứng nghiêng. Ngài bèn hỏi người coi miếu. Người ấy nói rằng:
- Đó là một vật quí, nhà vua thường để bên chỗ ngồi chơi, hầu làm gương.
Đức Khổng Tử nói:
- Ta nghe nhà vua có một vật quí để làm gương. Vật đó bỏ không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa vặn thì đứng ngay, mà đầy quá thì lại đổ, có lẽ là vật này chăng?


Ngài bèn sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên, đổ nước vừa, thì lọ đứng ngay, nước đổ đầy thì lọ đổ; bỏ không, thì lọ đứng nghiêng. Ngài chép miệng than rằng:
- Hỡi ôi! Ở đời chẳng cái gì đầy mà không đổ!
Thầy Tăng Tử hỏi:
- Có cách gì giữ cho đầy mà chẳng đổ không?
Ngài nói:
- Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu độn; công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung; sức khoẻ hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát; giàu có bốn bể nên giữ bằng thói nhún nhường. Đó là là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi quá đầy mà đổ.
Mặt trời đứng bóng rồi lại xế, mặt trăng tròn rồi lại khuyết, nhân sự cũng vậy, thăng rồi trầm, thịnh rồi suy, đó là luật tự nhiên khó mà tránh khỏi. Tuy vậy, cứ theo lời dạy của Khổng Tử, thì cũng có cách giữ được lâu dài mà không suy đổ. Cách ấy là “hữu nhược vô, thực nhược hư”, nghĩa là có mà như không, đầy đặc mà như trống rỗng.
Vừa thì đứng. Quả là thâm thuý lắm vậy thay.

VỪA THÌ ĐỦ

Câu chuyện trên làm cho gã nhớ tới cái lý thuyết trung dung của Khổng Tử. Thực vậy, ngày xưa các cậu học trò cắp sách đến trường với mơ ước trở thành cụ đồ nho, thường phải học thuộc lòng Tứ Thư và Ngũ Kinh, là những cuốn sách nòng cốt của Nho giáo. Chẳng hạn như vừa mới nhập môn, các cậu đã phải ê a:
- Nhân chi sơ, tính bản thiện.
Trước hết, Ngũ Kinh là bộ sách do một số soạn giả Trung Quốc thời cổ đại, được Khổng Tử sưu tầm và sắp xếp lại thành 5 cuốn:
- Kinh Thi gồm những bài ca dao ở thôn quê và những bài hát ở chốn triều đình.
- Kinh Thư gồm những phép tắc, kế sách, những lời khuyên răn và dạy bảo từ đời Nghiêu Thuấn đến thời Đông Chu.
- Kinh Dịch, sách lý số đưa ra lời giải thích trời đất và muôn vật, có từ trước đời Chu đến đời Hán và được ghi lại thành sách.
- Kinh Lễ gồm các lễ nghi trong gia đình, thôn xóm và triều đình.
- Kinh Xuân Thu, sách sử ký nước Lỗ, được Khổng Tử san định lại theo kiểu biên niên.
Tiếp đến là Tứ Thư với bốn cuốn:
- Đại Học dạy cái đạo của người quân tử.
- Trung Dung gồm những lời dạy bảo của Khổng Tử về cái đạo ăn ở cho đúng mực.
- Luận Ngữ ghi lại những lời Khổng Tử nói với học trò và người đương thời về nhiều vấn đề triết lý, chính trị, luận lý và học thuật.
- Mạnh Tử, sách do Mạnh Tử viết, bàn về cái thiện của con người cùng với chủ trương “dân vi quí”, lấy dân làm gốc.
Tứ Thư và Ngũ Kinh kết hợp với nhau thành một bộ sách căn bản về kinh điển và văn chương của Nho giáo.
Như trên, ta thấy Trung Dung là một trong Tứ Thư. Sách chứa đựng những lời dạy bảo của Khổng Tử do học trò truyền lại, rồi cháu ngài là Tử Tư chép lại thành sách gồm 33 chương. Theo Khổng Tử: Trung hào là tính tự nhiên của trời đất, trung dung là đức hạnh của con người. Trung là ở giữa, không lệch về bên này, cũng không nghiêng về bên kia. Còn dung là bình thường. Sống theo đạo trung phải là điều rất bình thường trong cuộc đời của con người. Đạo trung dung thì ai cũng có được, thế mà không mấy người chịu theo. Chẳng khác gì ai cũng ăn, cũng uống, nhưng rất ít người nhận ra mùi vị của đồ ăn thức uống. Chỉ những bậc thánh nhân mới theo được mà thôi.
Đối với Khổng Tử, trung dung là một cái đạo, một con đường, một triết lý sống của con người. Quan điểm này không khác với quan điểm phương Tây là mấy, bởi vì nếu gã không lầm, thì các nhà đạo đức vốn thường bảo: Virtus in medio stat. Nhân đức thường đứng ở giữa.
Những điều vừa trình bày ở trên xem ra có vẻ nặng mùi lý thuyết. Người bình dân Việt Nam đã đưa cái lý thuyết này vào cuộc sống và đã đúc kết thành những kinh nghiệm cụ thể.
Cha ông chúng ta cũng đã thường nói: Thái quá bất cập. Phàm những cái gì quá mức, cũng đều bất ổn, nhất là trong mối liên hệ với người khác:
- Già néo thì đứt dây.
- Bên thẳng thì bên phải chùng,
Hai bên đều thẳng, thì cùng đứt dây.
Và như vậy, gã nghiệm ra rằng vừa thì đủ. Giống như một ông bác sĩ chữa trị cho con bệnh. Liều thuốc ông đưa bệnh nhân uống phải vừa đủ. Bởi vì nếu ít quá, bệnh nhân sẽ không khỏi, còn nếu nhiều quá, vượt quá liều lượng cần thiết, bệnh nhân có thể bị ngộ độc và dẫn tới tử vong. Hay như một câu tục ngữ cũng đã bảo: Tham thực cực thân. Ăn nhiều quá thì chỉ chuốc lấy những cực khổ vào thân mà thôi.

VỪA THÌ PHẢI

Mới bước vào cuộc sống hôn nhân, gã nhận thấy nhiều chị vợ bỗng quay phắt 180 độ, thay đổi cái rụp, khiến cho anh chồng bị chới với và hụt hẫng, như lời tâm sự trong “Thư gửi vợ” sau đây:

Nhớ lúc trước em dịu dàng, xinh xắn
Có bao giờ cay đắng với anh đâu.
Giờ cưới xong, sao em cứ “mặt ngầu”?
Làm ông xã của em rầu muốn chết.
Hồi xưa ấy, nàng luôn vui như tết
Dẫu gian nan, thấm mệt vẫn mỉm cười.
Chỉ nhìn thôi, anh hạnh phúc cả người
Anh vẫn ước “tám mươi năm chạy tốt”!
Em bây giờ mới sang ba mươi mốt
Nhưng âu sầu, ủ dột quá đi thôi.
Bao nhiêu phen anh đã góp ý rồi
Nàng sửa đổi có…hai ngày, như cũ!

Em càng ngày càng giống như bà chủ
Cứ la anh đủ thứ chuyện trên đời.
Và có nhiều lý luận rất “trời ơi”
Anh nghĩ đến mà rụng rời, bải hoải.
Anh chỉ muốn vợ anh xinh tươi mãi
Như cái hồi ta mới phải lòng nhau.
Được như vậy thời hạnh phúc dạt dào
Lòng vui sướng hổng lời nào tả xiết!


Nguyễn Huỳnh an Thơ
TP. HCM


Anh chồng bỗng thấy mình bị hất ra bên rìa mái ấm, không còn là chủ gia đình nữa vì mọi quyền hành đã chui tọt vào tay chị vợ:

Có câu: “nhất vợ, nhì trời”
Ngẫm ra từng chữ, từng lời chẳng sai.
Trong nhà em thật là oai
Một lời em phán bằng hai lệnh trời.
Em giận, năn nỉ hết hơi
Phân bua cho lắm, rốt rồi…anh thua.
Ông trời mưa nắng hai mùa
Còn em mưa-nắng-nắng-mưa…bất thường.
Em “chăm” quản lý tiền lương
Hoá đơn: điện nước, em nhường cho anh.
Thương em vất vả điều hành
Thủ thành, thủ quĩ, lại giành…thủ kho.
Biết điều anh phải ráng lo
Bằng không em chẳng cho chung một mùng.
Lệnh em nếu hỏng phục tùng
Thế nào cũng có “bão bùng” nổi lên.
Chuyện nhà toàn việc không tên
Thương em, anh nghĩ chẳng nên nề hà.
Vợ ơi, vợ hỡi, vợ à!
Quyền uy như thế, đúng là nhất…em.

Lê Anh Vũ

Trong sự nghiệp “nuôi chồng khoẻ, dạy chồng ngoan”, nhiều chị vợ cũng muốn áp dụng một thứ kỷ luật sắt, đưa ra những luật lệ, giống như 9 điều dưới đây được soạn ra nhằm bảo đảm sự “công bằng” giữa vợ và chồng:

1- Luật trong nước: Nhất vợ, nhì chồng.
2- Luật ngân sách: Chồng không thể là người giữ chìa khoá kho bạc, ngay cả khi vợ vắng nhà vài ngày.
3- Luật lao động: Chồng là người cho con bú, rửa chén và giặt đồ.
4- Luật thương mại: Mọi sự mua bán đều phải trình vợ duyệt.
5- Luật doanh nghiệp: Tất cả những hợp đồng đã ký kết với vợ phải triệt để thi hành.
6- Luật kinh tế: Nhà thiếu gạo, nhưng vợ không thể không có thêm một bộ quần áo mới trong ba tháng.
7- Luật gia đình: Nghiêm cấm mọi hành vi đánh lại vợ.
8- Luật bản quyền: Tác giả của cái bầu là chồng, còn xuất bản hay không là quyền của vợ.
9- Luật cung cầu: Chồng lúc nào cũng phải bảo đảm “cung” theo yêu “cầu” của vợ.

Khi nào có bổ sung, thì vợ sẽ thông báo sau, vì vợ là người làm luật.

(Thanh Ly st)

Cũng trong sự nghiệp “nuôi chồng khoẻ, dạy chồng ngoan’, nhiều chị vợ muốn chồng mình phải tốt ngay, phải giỏi ngay, mà quên mất cái kinh nghiệm quí giá, đó là “dục tốc bất đạt”, vội quá thì không đạt được như lòng mong ước.
Uốn cây thì phải từ từ. Nóng vội sẽ làm cho cây bị gẫy. Sửa lại một sai lỗi của anh chồng không phải là chuyện dễ, nhiều khi gắt quá sẽ tạo nên tác dụng ngược, khiến anh chồng càng chìm sâu vào những sai lỗi của mình. Gã xin đưa ra một vài thí dụ điển hình được Tô Diệu Hiền đề cập đến trong một bài viết trên báo Phụ Nữ Thứ Tư.
Để chữa trị bệnh lười mãn tính của chồng, chị vợ thường kết án nào là chồng ích kỷ, vô dụng, thiếu trách nhiệm. Khi đứa con có biểu hiện lười học, chị lại phán: Giống như bố mày. Nói trong nhà chưa đủ, chị còn mắng vốn nhà chồng để kiếm thêm đồng minh. Nói riết chẳng ăn thua, chị bèn nêu “gương điển hình” của ông hàng xóm, để chồng có hướng phấn đấu. Không ngờ, anh chồng không noi theo, mà lại còn sẵn sàng gây hấn với ông hàng xóm mỗi khi có dịp chạm mặt. Cuối cùng, chị đành phải thú nhận sự thất bại của mình:
- Thực ra, trước kia anh ấy cũng không đến nỗi chây lười như thế, chỉ vì tôi quá nôn nóng và không biết khuyến khích chồng. Mỗi khi anh phụ việc, tôi không khen vì cho rằng đó là trách nhiệm của anh. Tâm lý của bà vợ nào cũng muốn chồng phải giỏi ngay và giỏi hơn nữa, chứ không dừng lại ở đó, nhưng bản tính con người đã có từ bé, không thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều.
Anh chồng khác có tật hay nhậu với bạn bè. Để “sì tốp” cái tính ham vui của chồng, chị vợ thường điện thoại nhắc chừng chồng mua đồ, rước con…Sau một thời gian được vợ “bảo ban”, anh chồng có tiến bộ, nhưng cũng chỉ cố gắng làm xong nhiệm vụ vợ giao, rồi lại đi nhậu tiếp.
Được thể, chị vợ dấn thêm bước nữa, thường xuyên “giáo dục tư tưởng” cho chồng, nhưng có lần anh chồng đã phản ứng mạnh:
- Già mồm, biết rồi mà cứ lải nhải hoài.
Chị cự nự:
- Biết kiểu gì mà không thấy sửa đội, vẫn chứng nào tật nấy. Nếu anh không tự giác bỏ nhậu, thì tôi sẽ ra tay, anh đừng có trách.
Chị vợ bắt đầu làm mặt ngầu, không nể nang với bạn nhậu của chồng. Không ngờ, anh chồng cho rằng vợ làm vậy là mất mặt, nên bỏ đi nhậu suốt đêm. Trước nay, chưa bao giờ anh làm thế.
Khi anh chồng có thói tật hoặc những lỗi lầm, thì đương nhiên chị vợ trở thành “bác sĩ gia đình”. Điều quan trọng là phải sáng suốt để quyết định liều lượng và thời gian điều trị cho đúng. Bởi vì nói nhiều thì chạm tự ái, họ sẽ không tiếp nhận. Còn nói ít hay không nói, họ sẽ không biết cần thay đổi chỗ nào và thiếu động lực để sửa chữa. Vì thế, chỉ có “vừa” là phải. Nhưng thế nào là vừa phải?
Theo các chuyên viên tâm lý, để được “đúng liều” thì phải tuỳ theo từng hoàn cảnh của gia đình và cá tính của mỗi người. Với người này là quá, nhưng với người khác có khi lại chưa đủ đô. Muốn được như vậy, chị vợ cần phải bình tĩnh, nghĩ rồi mới hành động, mới góp ý. Cố gắng nói ít, không nói vòng vo, việc nọ xọ việc kia, Mỗi lần chỉ nên đề cập đến một sự việc. Cách nói không phê phán, không ra lệnh, nhưng mang tính tin tưởng, theo tinh thần “đóng cửa bảo nhau”.
Ngoài ra, cũng cần cho chồng một thời gian thay đổi, ta phải kiên nhẫn chờ đợi. Và khi anh chồng thay đổi và có tiến bộ, chị vợ phải có thái độ ghi nhận những cố gắng của chồng, cho dù sự tiến bộ có đi theo vận tốc của cụ rùa. Dồn ép quá, sẽ khiến anh chồng chán ngán rồi bỏ cuộc.
Mưa dầm thấm đất. Lạt mềm cột chắc. Xem ra cũng có lý quá đi chứ!

Chuyện phiếm của Gã Siêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét