Như một hòn bi xanh

Như một hòn bi xanh, trái đất này quay tròn…
Này em, có mỗi con tim, nhớ mang quê hương của mình.

(Trịnh Công Sơn)


Những ngày cuối năm, buổi sáng, trời Saigon thường trở lạnh. Nhưng buổi sáng hôm nay thì khác. Không những lạnh mà còn rất lạnh, cái lạnh rất bất thường làm cho tôi liên tưởng đến mùa thu của xứ Canada tạm dung của tôi phía bên kia địa cầu.
Về đây một thời gian, tôi đã quen với cái không khí lúc nào cũng ồn ào nóng bức của Saigon, không còn sợ những xuôi ngược vô trật tự của dòng xe cộ trên khắp các đường phố. Và bây giờ thì tôi đã có thể chạy xe gắn máy một cách thong dong lui tới khắp nơi.
Sáng hôm nay lạnh thật lạnh. Trời không có gió, nhưng cái lạnh vẫn thấm vào trong cơ thể qua làn áo. Càng lạnh lại càng dễ cảm nhận được cái thú lang thang trên đường phố bằng xe gắn máy. Ở Canada không bao giờ được hưởng cái thú này.
Hình như ở Huế đang mưa gió. Càng ngày thời tiết càng thay đổi khắp nơi trên trái đất. Nghe nói năm nay Hà Nội rét đậm. Tôi đang nghĩ về những mùa đông ở Huế ngày còn thơ ấu. Trời mưa liên miên không dứt ngày này qua ngày nọ đến nỗi người Huế có câu “Mưa thúi đất” để nói về mưa Huế. Mưa nhiều quá làm Huế đã nghèo lại càng nghèo thêm vì mùa mưa, mọi sinh hoạt đều chậm hẳn lại. Không những mưa nhiều mà lụt lội cũng nhiều. Có những năm lụt lớn làm thiệt hại cho dân chúng không biết bao nhiêu mà kể. Không những thế, mùa đông cũng rét chẳng kém gì ngoài Bắc.
Tôi đã từng lớn lên và sống ở cái xứ muôn đời nghèo nàn này, dù Huế đã là một thời kinh đô của các bậc vua chúa. Vì thế mà thấy Huế lúc nào cũng gần gũi và dễ thương. Trời mưa nhưng vẫn có thể dừng chân trên cầu Tràng Tiền nhìn những giọt mưa điểm trên mặt nước lững lờ không gợn sóng.
Phía Bắc tỉnh Thừa Thiên còn nghèo và khổ hơn. Nhiều vùng đất ở đây còn được liệt vào danh sách những xứ “chó ăn đá gà ăn muối,” vì đất ruộng chẳng có là bao, phần lớn đất đai cằn cỗi. Mùa hè, gió Lào từ phía Tây bắc thổi qua, xuống tận Thừa Thiên, khô và nóng. Nóng đến mồ hôi chưa kịp chảy ra đã khô cả rồi.
Ngoài ra, nói chung đời sống khó khăn, người dân phải luôn luôn lao động vất vả để mong có đời sống tốt.

Canada thì khác nhiều lắm.

Cách đây rất lâu, lần đầu tiên tôi đặt chân lên xứ này đúng vào đầu mùa đông. Ban đêm cảnh tuyết rơi thật nên thơ, lãng mạn. Bầu trời trắng xóa. Những bông tuyết như những cánh hoa màu trắng từ trên không lững lờ rơi xuống. Nhìn tuyết đọng trên những cành thông không khác gì hình chụp trên những thiệp Giáng sinh. Tôi đã từng mơ ước có ngày nào đó đưa nhà tôi qua một lần cho biết tuyết rơi nên thơ như thế nào.
Về sau, khi qua định cư, ở hẳn cái xứ lạnh lẽo quanh năm này, thì mới thấy tuyết không phải lúc nào cũng đẹp, cũng nên thơ như thế.
Có những hôm bão tuyết làm tê liệt cả thành phố Montreal. Lái xe đã là vất vả, đỗ được xe bên đường là một kỳ công. Một lúc sau, muốn lấy xe ra lại phải cạo hết lớp tuyết phủ đầy xe. Trời thì rét căm căm, làm việc dưới bầu trời tuyết chẳng có thích thú gì. Lái xe ra được chỗ đỗ xe cũng khá nhiều khó khăn. Về đến nhà, muốn đỗ xe lại phải lấy xẻng thu dọn một chỗ bên lề đường cũng không phải dễ dàng gì.
Nói chuyện về tuyết, có lẽ hoài không hết. Ở chừng năm ba năm, càng thấy mệt mỏi hơn với tuyết, nhất là lúc đã lớn tuổi, bớt sức phấn đấu với cái lạnh gần như quanh năm trên đất nước này. Lắm lúc tôi cũng đã có ý nghĩ muốn dời qua miền cực Tây, không khí ôn hòa hơn nhiều.
Trái lại, người dân Canada không bao giờ thấy họ phàn nàn với cái lạnh lẽo đó. Tuyết giá lạnh lẽo cũng là một đặc trưng của quê hương họ. Ở Mỹ, có những vùng đất năm nào cũng bị lốc xoáy tàn phá nhà cửa mùa màng. Chính phủ cũng khuyến cáo dân chúng nên di dời qua vùng đất khác để tránh bớt thiên tai, nhưng vẫn có rất nhiều người không chịu xa rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Họ thiết kế những nơi trú ẩn để chống chọi với những cơn lốc dữ dội của ông trời. Đi qua vùng khác cũng là nước Mỹ, cũng là quê hương của người Mỹ, thế mà họ vẫn không muốn rời bỏ nơi đã được sinh ra và lớn lên, mới là lạ.
Người mình bây giờ ở khắp hành tinh. Có xứ quá lạnh lẽo như miền cực Bắc địa cầu. Cũng có nơi quanh năm nóng như nhiều vùng ở Texas, hoặc một vài nơi ở Úc. Dù sao cũng là xứ tạm dung, không thích hợp thì có thể đi qua vùng khác một cách dễ dàng. Vùng nào cũng là vùng tạm dung. Nơi nào cũng tương đối trù phú, đẹp đẽ. Nói chung, không có nơi nào là “chó ăn đá, gà ăn muối” như ở vài vùng Việt Nam, không có “nước mặn đồng chua” như ở xứ mình, vì đất tạm dung do mình có thể lựa chọn. Nhiều người Việt, sau một thời gian di tản qua Mỹ, lúc trở về thăm quê hương đã phải than: “xứ mình nóng quá, không chịu nổi” hoặc “ở đây sao mà bụi bặm quá, chịu không nổi”. Thực ra thì có lắm điều chịu không nổi hơn là nóng nảy bụi bặm kia, nhưng đây đúng là quê hương mình.
Ở bất cứ nơi đâu được chọn làm xứ tạm dung trên thế giới, điều kiện có lẽ cũng tốt hơn ở Việt Nam bây giờ, nhưng phần đông người ta cũng muốn trở lại thăm viếng quê hương của mình. Tuy nhiên có những người một lần đã rời bỏ đất nước với những lý do làm cho họ không thể trở về quê hương cũ, không thể nào trách được.

Nghĩ cho cùng…

Không thể nào có một quê hương khác nơi chôn nhau cắt rốn của mình được. Những nơi tạm dung thì muôn đời vẫn là nơi tạm dung. Ngay cả với một số người Việt Nam được sinh ra trên xứ người, có thể kể như nơi đó là quê hương thứ hai của họ.
Đi trên phố nhà nhớ về một nơi chốn khác, chỉ là nghĩ đến một nơi chốn khác hẳn với phố nhà.
Đi trên phố người nhớ về xứ mình mới cảm thấy cái da diết của thiếu vắng nhớ thương hai chữ quê hương.
Vào một quán trong một con hẻm lụp xụp ăn một tô phở, có thể nói với nhau “Bây giờ khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng có bán phở”.
Ở đâu đó trên quả đất, vào một tiệm bán phở thật sang trọng, ăn phở trong một cái bát to đùng như một cái thau, thịt ê hề, nhưng sẽ chắc lưỡi “Rau thơm ở đây thật vô duyên, không làm sao như cái cọng rau bé tí của bên mình được”.Lá vẫn rụng về cội. Một hôm nào đó bỗng nhiên nghĩ ra, ở một nơi xa xôi trên trái đất, cha mẹ ông bà mình đã sinh ra, rồi bâng khuâng nhung nhớ một cái gì đó không thể nào giải thích được.
Bây giờ bước ra đường, ngay giữa phố, có thể bị giật túi xách bất cứ lúc nào, nhưng ở đây chính là quê hương.■
HOÀNG TÁ THÍCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét