Nước nhỏ tràn bình


Lý thuyết nhân quả nghiệp báo hay quan niệm hành động của đạo Phật lưu ý với mọi người rằng cái khổ đau hay sướng vui của một người là hoàn toàn do người ấy quyết định, nghĩa là do các hành vi thiện hay bất thiện mà người ấy tích tập và thể hiện hàng ngày qua thân, miệng, ý. Theo đó, nếu một người cứ tích tập điều ác thì sớm muộn người ấy sẽ phải chịu bất hạnh khổ đau do chính các hành vi xấu ác của mình và ngược lại. Từ quan điểm như vậy, người con Phật được khuyên tránh làm điều ác và nỗ lực tích tập điều lành.Để giúp cho mọi người thực hiện ước mong hạnh phúc an lạc, tránh cái họa khổ đau lâu dài, Đức Phật lưu ý với chúng ta hai điều: Chớ coi thường điều ác và chớ xem nhẹ điều lành, Ngài khuyên chúng ta không được coi thường điều ác và không nên xem nhẹ điều lành, vì cả hai đều khiến con người rơi vào bất hạnh khổ đau, không đạt được hạnh phúc an lạc. Thái độ thứ nhất khiến tăng trưởng điều ác và thái độ thứ hai làm giảm thiểu điều lành. Ngài nhấn mạnh:

Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn,
Người ngu chứa đầy ác,
Do chất chứa dần dần.
Chớ chê khinh điều thiện,
Cho rằng chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn;
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần.
 
(Kinh Pháp Cú)

Thái độ thứ nhất – Coi thường điều ác. Nghĩa là coi thường thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, vì chưa đụng phải kết quả đắng cay của các ác hạnh. Thái độ này được chấp chặt sẽ dẫn đến thói quen không hay, đó là việc con người ta không còn biết lo lắng xấu hổ đối với các hànhvi ác, bất thiện, cứ tự do suy nghĩ điều ác, nói lời nói ác, làm các việc ác. Thói quen tích tập điều ác lâu ngày khiến chứa đầy điều ác, tràn đầy điều ác, không còn chỗ trống hay cơ hội cho điều thiện dấy khởi. Đây chính là mối nguy hại lớn cho những ai có thái độ coi thường điều ác, vì càng ngày điều ác càng được tích tập, càng được chất chứa tràn đầy trong người ấy.
Thái độ thứ hai – Xem nhẹ điều thiện. Tức là có thái độ coi nhẹ thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, do không nhận thức rõ kết quả lợi lạc của các thiện hạnh. Thái độ này cũng sẽ dẫn đến thói quen không hay, đó là việc người ta tỏ ra thờ ơ, không tha thiết tích cực trong việc nuôi dưỡng và tích tập điều thiện. Thói quen xem nhẹ điều thiện như vậy khiến cuộc sống không tiến bộ, không hướng đến chân-thiện-mỹ. Đây cũng là một thiệt hại lớn cho những ai có thái độ xem nhẹ điều thiện, vì người ấy tự đánh mất cơ hội tốt cho sự thăng tiến đạo đức và hạnh phúc của bản thân.
Đức Phật khuyên chúng ta chớ coi thường điều ác và chớ xem nhẹ điều thiện là vì vậy. Ngài nhắc nhở chúng ta không nên coi thường điều ác, vì lẽ một khi điều ác đã được làm thì không phải đưa đến kết quả ác. Ngay lập tức mà cháy ngầm theo kẻ làm ác cho đến lúc hoàn toàn thiêu hủy người ấy. Tương tự, Ngài khuyên chúng ta không nên xem nhẹ điều thiện, vì rằng một khi điều thiện đã được làm thì không đem đến kết quả thiện ngay liền lúc ấy nhưng cứ lớn dần theo người làm thiện cho đến lúc hoàn toàn phủ mát người ấy.
Lời Phật cũng lưu ý với chúng ta rằng sở dĩ con người ta trở nên xấu ác hay hiền thiện là do huân tập và tích tập điều ác hay điều thiện lâu ngày, không phải tự dưng trở thành kẻ xấu ác hay hiền thiện. Con người tựa như chiếc bình trống, chứa ác lâu ngày thì ác tràn đầy, tích thiện mỗi ngày thì tràn đầy thiện. Ngài bảo kẻ ngu chứa đầy ác chính là do thái độ coi thường điều ác và chất chứa điều ác lâu ngày. Còn người trí chứa đầy thiện ấy là do biết xem trọng điều thiện và nỗ lực tích tập điều thiện mỗi ngày. Như vậy, nếu một người có thái độ xem thường điều ác để rồi cứ tiếp tục làm các ác hạnh về thân, về lời, về ý thì lâu ngày người ấy sẽ chứa đầy điều ác và trở thành kẻ xấu ác. Trái lại, nếu một người biết xem trọng điều thiên và nỗ lực làm các thiện hạnh về thân, về lời,về ý thí dần dần người ấy sẽ chứa đầy điều thiện và trở thành kẻ hiền thiện.■

Thiên Đức

http://tapchivanhoaphatgiao.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét