Ý nghĩa của cầu nguyện theo Phật giáo Theravàda

Kính thầy, cầu nguyện là nhu cầu tâm linh của con người. Thế nhưng Phật giáo Theravada không tin là có quyền lực linh thiêng nào có thể cứu độ chúng ta. Như vậy khi gặp tai ương, tật ách thì Phật tử Theravada phải làm gì?
Kinh xin thầy chỉ dạy cho con. Kính chúc thầy an khang.


Trả lời:


Câu hỏi của con không rõ ràng, có thể do con dùng từ thiếu chính xác nên thầy không biết con muốn hỏi gì để trả lời. Vậy cho thầy hỏi lại: Ý con nói cầu nguyện là bày tỏ tâm nguyện hay cầu xin? Nhu cầu hay mong cầu? Cứu độ hay cứu giúp? Quyền lực thiêng liêng là ám chỉ uy quyền của thần linh hay nguyên lý của pháp?

1) Nếu cầu nguyện là bày tỏ tâm nguyện (thệ nguyện) thì Phật giáo Theravàda có cầu nguyện, thí dụ như nguyện tâm luôn thanh tịnh trong sáng, nguyện sống vô ngã vị tha, nguyện cho tất cả chúng sanh thấy ra chánh pháp v.v...Nhưng nếu cầu nguyện là cầu xin thì ai muốn cầu cứ cầu chứ Phật giáo Theravàda không khuyến khích.

2) Nhu cầu khác xa với mong cầu. Nhu cầu là điều cần thiết không thể thiếu, còn mong cầu thì ai mong mới cầu chứ đó không phải là nhu cầu tất yếu của mọi người. Theo Phật giáo Theravàda nhu cầu tâm linh của người Phật từ là sống đúng Bát Chánh Đạo, chứ không mong cầu được Phật, Bồ-tát hoặc Thần linh biệt đãi cho riêng mình.

3) Nếu cứu độ là quyền năng cho người mê được giác ngộ giải thoát thì Phật Giáo Theravàda không chấp nhận, nhưng nếu có nghĩa là khai thị cho người si mê lầm lạc thấy ra đường chơn lẽ chánh để tự biết chuyển mê khai ngộ thì đó là sứ mạng của bất cứ ai đã giác ngộ, không phải là đặc quyền của tông phái nào. Còn cứu giúp thì bất cứ ai cũng có thể cứu giúp người khác, nhưng có khi cầu thì không được mà không cầu lại được giúp.

4) Phật giáo Theravàda không dựa dẫm vào quyền lực thiêng liêng của bất kỳ cá nhân nào mà chỉ tuân theo nguyên lý của pháp (Y pháp bất y nhân). Nguồn lực thiêng liêng nhất đó là pháp nên đức Phật dạy "Pháp hộ trì người hành đúng pháp". Vậy người sống đúng pháp sẽ được mọi nguồn lực thiêng liêng che chở, dù lực đó là nguyên lý nhân quả hay thần linh, Thượng Đế.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét