Nước Mỹ

... Đó là cảm giác đầu tiên ngay khi vừa đặt chân lên đất Mỹ.Vẫn là những căn nhà xinh xắn, khang trang, sân trước vườn sau, nhưng khoảng cách từ nhà này đến nhà kia trông giống như những dòng kênh mà vắng bóng chiếc cầu, chia cắt.
Trước nhiều căn nhà ở Mỹ thường có một lá cờ tung bay, không biết đó là dấu hiệu của tự hào, phô trương hay đơn giản chỉ là ý nghĩ thuộc về một cộng đồng nào đó để thấy mình bớt lẻ loi?
Quy hoạch đô thị ở Mỹ khá giống Úc, khu nhà ở, khu thương mại riêng biệt và cách xa nhau… nhưng cách tổ chức xã hội năng động hơn, hiện đại hơn và dĩ nhiên là cũng xô bồ, náo động hơn.
Người Việt ở Mỹ sống ở những căn nhà rộng, tiện nghi, đời sống sung túc nhưng nếp sống và sinh hoạt của họ chẳng khác lúc còn ở VN là bao.
Khác với người Việt ở Âu Châu, thường xem mình là dân ngoại quốc sống trên đất người, người Việt ở Mỹ sau vài mươi năm sinh sống đã tự cho mình là dân Mỹ. Nghĩ, Tin như vậy ..nhưng trên thực tế, bị bứng gốc, thế hệ thứ nhất đâu dễ gì hội nhập nơi quê người. Tôi tin là rất khó thể xóa mất nền văn hóa đã ăn sâu vào máu thịt.
Nhà ở và phố thị cách xa nhau, không phương tiện công cộng- hay hạn chế- nên hai giới là người già và trẻ em coi như bị bỏ rơi. Ở Mỹ vì chỉ có thể đi lại bằng xe hơi và mục đích của quy hoạch này là tăng tiêu thụ xăng, món hàng ruột của các tập đoàn tài phiệt. Vì lý do đó mà xe lửa gần như vắng bóng trên đất Mỹ.
Sự cô đơn và lạc lõng ở Mỹ dễ khiến những người già bị trầm cảm. Họ cô đơn, sống qua ngày trong những căn nhà đóng kín. Con cháu đi làm từ sớm, chiều tối mới về, họ nằm nhà xem phim Hàn hay nghe nhạc, thi thoảng mới có thể tổ chức gặp nhau để tha hồ kể chuyện ngày xưa.
Đường phố rộng mà những ai không biết lái xe là xem như bị bỏ tù giữa bốn bức tường, cho đến khi con cháu rảnh rỗi đưa đón.
Khoảng cách ở Mỹ không tính bằng km mà bằng đơn vị thời gian. 30 phút. 60 phút. Đó là thời gian đi xe, nếu không bị tắt đường. Khoảng cách rộng, mỗi lần rời khỏi nhà mất rất nhiều thời gian..
Bạn bè hẹn cà phê mất cả buổi. Những người già từng nhóm chụm đầu nói chuyện, nhiều nhóm khác nhau. Vắng bóng những người trẻ. Sinh ra ở đây, họ thực dụng, tính toán, thiếu tình cảm gia đình và phần lớn không rành tiếng việt nên ít quan tâm đến cộng đồng của cha mẹ, ông bà mình.
Khi mới qua, ai cũng cố làm việc để mua nhà lớn, nhiều phòng. Lớn lên, các con đi làm xa và cha mẹ sống đơn độc trong căn nhà rộng.Các phòng trống, họ giữ lại nhiều kỷ vật của các con, những bức vẽ nguệch ngoạc ngày còn bé. Còn khi ba mẹ mất đi, các con thường vất bỏ các đồ vật vô ích mà ba mẹ đã mua và lưu giữ.
Trên đây chỉ là vài nét chấm phá về cảm giác ngay khi vừa mới tới Mỹ. Có thể còn thiếu sót hay chủ quan…và tôi muốn để dành một bài viết khác về giấc mơ Mỹ và về miền đất hứa này.
Nghĩa trang Quốc gia Arlington nằm trên khu đồi có nhiều cây xanh và cỏ bao phủ rất rộng lớn, nằm gần bờ dòng sông Potomac phân chia Washington và tiểu bang Virginia và chỉ cách trung tâm thủ đô chừng hơn mười lăm phút xe hơi.
Chúng tôi tới nghĩa trang vào giữa mùa thu, hầu hết lá trên cành đang khoe sắc, từ màu vàng đến đỏ, tím. Nhìn quanh đâu cũng thấy bạt ngàn những bia đá cẩm thạch màu trắng giản dị, cắm thành hàng rất đều trên mặt đất bằng phẳng. Tất cả các ngôi mộ đều giống nhau về kích thước, kiểu dáng và cách trang trí. Arlington còn là nơi chôn cất các nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ, như các nhà chính trị, các bộ trưởng, các thành viên tòa án tối cao liên bang, các vận động viên thể thao xuất sắc và một số minh tinh màn bạc.
Khác với nghĩa trang Père-Lachaise (Cimetière du Père-Lachaise) nổi tiếng nhất thế giới và lớn nhất ở của thành phố Paris có rất nhiều các ngôi mộ quý tộc và danh nhân. Nếu khi sống người ta ăn mặc nhiều kiểu cọ thì lúc chết cũng có những ngôi mộ không giống nhau. Đủ hình. Đủ kiểu. Những pho tượng tiếc thương. Cầu nguyện. Người quỳ gối, kẻ ngửa mặt nhìn trời. Mộ đơn độc. Mộ gia đình. Những nhà nguyện. Pere-Lachaise là một bảo tàng về nghệ thuật và một trong những địa điểm thu hút khá nhiều khách du lịch tại Paris. Hằng năm hàng trăm ngàn lượt người đã đến đây để thăm viếng những ngôi mộ có từ 200 năm qua và mộ các danh nhân.
Arlington thì cũng nổi tiếng nhưng vì một lý do trái ngược. Ở đây, khi chết mọi người đều bình đẳng trước Chúa, phương châm đó bắt nguồn từ Kinh Thánh. Nơi đây, mộ của đại tướng John Pershing lừng danh thời đệ nhất thế chiến hoặc của nguyên soái George Marshall thời thế chiến lần thứ hai cũng y hệt như mộ của hàng vạn binh nhất, binh nhì dưới quyền chỉ huy của họ. Vẫn chừng ấy diện tích đất, cùng một dãy với nhau, và vẫn chiếc bia mộ đá màu trắng giản dị. Khác chăng chỉ dòng chữ khắc trên bia. Nơi đây yên nghỉ trong danh dự và vinh quang người lính Mỹ và chỉ một mình Chúa biết là ai.
Kể lại vài sự kiện nhỏ trong chuyến thăm viếng nhưng trong bài này người viết muốn tìm hiểu do đâu mà (trước đây) nước Mỹ được xem là thiên đường và hiện nay đó là một thiên đường có súng và két sắt giữ tiền.
Câu trả lời có thể nằm trong những con người vĩ đại và lý tưởng lớn giành lấy tự do và dân chủ từ thời lập quốc. Phần lớn đều có tầm nhìn xa và tấm lòng nhân ái. Chính họ mới là những người đã làm nên một Nước Mỹ vĩ đại…
Từ Vị tướng thắng vinh quang…
Douglas MacArthur là vị tướng tài ba của nước Mỹ vào thời Thế chiến Thứ hai. Nhưng thành công sáng chói nhất của ông là chỉ trong vài năm mà đã tạo ra nền tảng tự do và dân chủ cho một nước Nhật bại trận hồi sinh từ những hoang tàn đổ nát. Ngày ông rời Nhật Bản, hàng trăm ngàn người xếp hàng dài hàng chục cây số để tiễn đưa. Họ kêu to “Sayonara, Sayonara,” hay giơ cao biểu ngữ ghi “Chúng tôi thương mến và cảm ơn ông.”
Sau hai quả bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật hoàng Hirohito kêu gọi nhân dân Nhật hãy can đảm chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.
Khi ông đến Tokyo để tiếp quản, bộ tham mưu thúc ông triệu Nhật Hoàng đến tổng hành dinh để biểu lộ quyền uy nhưng ông bỏ qua những lời đề nghị của họ. “Làm như thế là xúc phạm đến tình cảm của nhân dân Nhật và biến Nhật Hoàng thành người tuẫn đạo”và ông bình tĩnh và kiên nhẫn chờ Nhật Hoàng sẽ tự đến gặp mình.
Quả nhiên chẳng bao lâu Nhật Hoàng yêu cầu cuộc hội kiến. Ông dành cho Nhật hoàng tất cả những danh dự thích hợp với bậc quân vương và tiếp đón chân tình. Khi ông châm thuốc lá cho Nhật hoàng, ông nhận thấy hai tay ông này run nên tin rằng Nhật hoàng sẽ kể ra những lý do để khẩn cầu đừng truy tố ông như một tội phạm chiến tranh.
Trước đấy nhiều đồng minh, đặc biệt Nga và Anh, đã đòi đặt tên của Nhật Hoàng đứng đầu danh sách tội phạm ấy. Thế nhưng MacArthur cực lực chống đối. Khi Washington sắp nghiêng về quan điểm của người Anh, ông đề nghị là sẽ cần thêm ít nhất một triệu quân tiếp viện nữa. Lý do: Dân Nhật vẫn còn sùng bái Hoàng Đế của họ. Nếu Nhật Hoàng bị buộc tội và bị treo cổ như tội phạm chiến tranh, chính quyền quân sự phải được thiết lập trên toàn cõi Nhật Bản, và chiến tranh du kích chắc chắn lẽ sẽ bùng phát. Nhờ vậy tên của Nhật Hoàng bị gạch ra khỏi danh sách tội phạm chiến tranh.
Nhưng Nhật hoàng chẳng hề biết gì về tất cả điều này.
Nhưng những lo nghĩ của ông không có căn cứ. Nhật Hoàng đã không van xin mà còn nói: “Thưa Tướng Quân MacArthur, là người chịu trách nhiệm duy nhất cho mọi quyết định chính trị và quân sự và mọi hành động của nhân dân tôi khi tiến hành chiến tranh, tôi đến đây gặp ông để chịu sự phán xét của các cường quốc mà ông đại diện.” Lòng MacArthur chợt dâng trào cảm xúc phi thường. Sự can đảm gánh vác trách nhiệm này đồng nghĩa với cái chết, khiến ông xúc động đến tận cõi lòng. Ông biết là trong khoảnh khắc lịch sử ấy mình đang đối diện với một Đệ Nhất Quân Tử Nhật Bản.
Và thế là MacArthur nhẹ nhàng nói “Tôi mời Ngài hôm nay đến đây để giúp tôi và cùng hợp tác với tôi tái kiến thiết lại một nước Nhật đang hoang tàn.”
Cách hành xử này minh chứng rằng MacArthur, ngoài bộ áo quân nhân, còn là một chính trị gia cực kỳ khôn ngoan và có tầm nhìn.
Sau đó MacArthur còn nghiêm cấm quân Mỹ không được phép ăn thực phẩm của Nhật vì dân Nhật đang đói. Ngược lại, chương trình cứu trợ Nhật với thực phẩm Mỹ đã giúp Nhật tránh được nạn đói mùa đông 1945 vì đất đai khắp nơi vẫn còn bị tàn phá. Sau 3 năm, tất cả quân Mỹ đều rút về căn cứ ở Okinawa. Ngoài việc dùng quyền lực Mỹ như một lá chắn bảo vệ nước Nhật khỏi những đe doạ nguyên tử từ Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Hàn, McArthur còn “lobby” quốc hội Mỹ viện trợ tái thiết Nhật liên tục qua nhiều chương trình kinh tế và xã hội. Sau 40 năm, nước Nhật phát triển ngoạn mục và vào thập niên 80’ được coi như con rồng Châu Á.
Nước Mỹ rộng mênh mông. Từ thảo nguyên rộng lớn đến những vùng sa mạc hoang vu. Có lẽ đó là lý do mà Người Mỹ có tầm nhìn xa, cởi mở và rộng lượng khi họ thắng trận chăng? Đọc lịch sử Mỹ, chúng ta thấy từ Washington, Lincoln đến MacArthur, Eisenhower, các lãnh tụ luôn luôn muốn làm “quân tử” và giúp kẻ bại trận phục hồi. Không hề có chuyện trả thù, nợ máu hoặc bị tru di tam tộc!
Những chính khách Mỹ đã nghĩ nghĩ sâu xa với tầm nhìn rộng lớn như miền đất sinh ra họ? và Grand Cayon với những dãy núi đa sắc mầu hùng vĩ đã giúp con người nơi đây có tầm nhìn vượt qua thời gian và không gian?
Còn Nhật Hoàng Hirohito kêu gọi nhân dân Nhật hãy can đảm chấp nhận đầu hàng vô điều kiện để “mở đường cho tất cả những thế hệ tương lai bằng cách chịu đựng những gì không thể nào chịu đựng được và đau khổ những gì không thể nào đau khổ được… để theo kịp đà tiến bộ của thế giới.” Lời kêu gọi của ông đã khích lệ rất lớn đến tinh thần và nỗ lực kiên trì tái kiến thiết lại đất nước của người Nhật trong hoàn cảnh nhục nhã nhất và tuyệt vọng nhất của họ sau khi bại trận.
Nhưng Douglas MacArthur đã đối xử với họ rất bao dung, độ lượng, trắc ẩn, và công bằng trong suốt thời gian ông nắm giữ quyền lực tối cao ở Nhật Bản. Ông nhận hàng trăm ngàn lá thư cảm ơn từ các tầng lớp người Nhật. Ngày ông rời Nhật Bản về nước, hàng trăm ngàn người già trẻ nam nữ xếp hàng dài dày dặc ở hai bên đường từ sáng sớm trên suốt hàng chục cây số để tiễn đưa ông lần cuối. Họ kêu to “Sayonara, Sayonara,” hay giơ cao biểu ngữ ghi “Chúng tôi thương mến Tướng Quân MacArthur,” và “Chúng tôi cảm ơn ông.”
Hai người đã gặp nhau sau khi lực lượng đồng minh chiếm đóng dưới sự lãnh đạo của tướng Douglas MacArthur đến Nhật Bản vào tháng Chín, 1945 và buổi gặp nhau ban đầu của hai người mà tiêu biểu cho hai chiến tuyến thù nghịch mới ngày nào đã mở cánh cửa tương lai tươi sáng cho nhiều thế hệ người Nhật.
Đến vị tướng bại cũng anh hùng
Ở nghĩa trang Arlington, ngay cả mộ của vợ chồng tổng thống Kennedy cũng thế, có điều chúng được bố trí ở một chỗ riêng, trên đỉnh đồi, dưới chân Nhà tưởng niệm danh tướng Robert Lee.
Nói đến tướng Robert Lee không thể không nhắc qua về cuộc nội chiến Nam Bắc, bắt đầu năm 1861. Khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống và muốn xóa bỏ thể chế nô lệ. Trước ngày ông nhậm chức, bảy tiểu bang miền Nam, sống về canh nông, phản đối và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm tổng thống. Chính quyền Abraham Lincoln không công nhận. Khi quân miền Nam tấn công đồn Sumter, nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ và thêm 4 tiểu bang khác gia nhập phe miền Nam.
Cuộc phân tranh kéo dài 4 năm, tổn thất gần 1 triệu nhân mạng và chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865. Trận chiến lớn nhất xẩy ra ở Gettysburg, sau ba ngày chiến đấu, quân hai bên đã thiệt mạng lên tới gần 50.000 chiến binh.
Chỉ huy quân Miền Nam là Tướng Robert Lee ra đầu hàng tại Richmond, thủ phủ tiểu bang Virginia, và được quân sử Hoa Kỳ ca ngợi như một nhân vật Anh Hùng. Ngày nay, ở bất cứ thành phố nào của Hoa Kỳ, cũng có ít nhất một con đường chính mang tên vị tướng này.
Ông Robert Lee nguyên là tướng lãnh của quân đội liên bang Hoa Kỳ nhưng gốc người miền Nam. Ông đã từng là chỉ huy trưởng trường West Point. Khi chiến tranh Nam Bắc xảy ra, Tướng Lee được đề nghị chỉ huy quân miền Bắc nhưng ông xin từ nhiệm để về đầu quân miền Nam tại Richmond, tiểu bang Virginia. Ông nói là không thể quay lưng với nơi ông đã sinh ra và trưởng thành.
Trong chiến tranh, ông lập được nhiều chiến công và là vị tư lệnh sau cùng của miền Nam nhưng sau khi thủ đô Richmond của miền Nam bị thất thủ, ông đã quyết định đầu hàng.
Cuộc chiến tranh tương tàn đẫm máu làm tổn hại hàng triệu sinh linh Hoa Kỳ, tan nát các đô thị miền Ðông và vùng Virginia. Tất cả đã thể hiện trong tác phẩm và cuốn phim bất hủ Cuốn Theo Chiều Gió mà phần lớn chúng ta đều đã đọc cũng như coi nhiều lần suốt thời niên thiếu.
Bài học từ câu chuyện đầu hàng. Chấm dứt chiến tranh.
Câu chuyện về vị tướng phe bại trận miền Nam Robert Lee được viết ra và hình ảnh của ông lại được chiêm ngưỡng nhiều hơn cả phe thắng trận.
Khi thủ đô miền Nam là Richmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui. Bộ tham mưu của Tướng Lee đề nghị phân tán để giữ lực lượng đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định đầu hàng. Ông viết thư riêng cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.
Ông Grant, vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam.Trưangày 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón.Cả hai vị tư lệnh đã từng biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ.
Theo quy luật chiến tranh thời đó thì quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng và được tự do trở về quê cũ. Tướng Lee đồng ý, nhưng đòi hỏi một điều là cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu chứ không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc.
Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà.
Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement).
Là bại tướng nhưng trên các bảo tàng viện, đặc biệt ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng dù thua vẫn không bị khuất phục. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục. Và tôi cho rằng đây chính là điều đáng yêu nhất của nước Mỹ. Lịch sử không ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào. Dù trên thực tế dư vị cay đắng giữa Nam Bắc vẫn còn nhiều.
Dễ gì mà trút bỏ hận thù ngay sau khi hai bên chết cả gần một triệu người mà một số lớn đã giết nhau khi giáp mặt bằng gươm dao? Hai phe cùng đốt nhà của nhau và cùng tàn phá đô thị, nông trại, đôi khi có cả những hành động dã man như hãm hiếp phụ nữ và tàn sát trẻ em. Cuộc chiến nào mà không có những lần quá khích? Nhưng thời gian rồi cũng xoa mờ những vết thương đau đớn ấy. Và Bảo tàng viện “Ðầu hàng” và nghĩa trang phe thua trận Arlington thường dạy chúng ta bài học làm người văn minh.
Rồi vết thương nào cũng phải được hàn gắn. Nước Mỹ đã có những bước ngoạn mục đầy màu sắc văn minh ngay từ khi chiến tranh chấm dứt để chấp nhận và tôn trọng người bại trận như những anh hùng.
Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương.
Bây giờ hình tượng của tướng Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Lee High Way, Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận như là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã thấm nhuần bài học về người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người quân tử của thời hậu chiến.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét