Văn là người”, “Đời người qua nét bút”

“Văn là người”, “Đời người qua nét bút” có lẽ vẫn còn đúng. Nên khuyên trẻ viết “nghiêm chỉnh” vì chữ viết nói lên tính cách con người.
Thư gởi bạn xa xôi,
( … ) Đó là đề tài mà cô Đàm Lê Đức, hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Lý Tự Trọng đặt ra cho mình trong buổi “giao lưu” với hơn 600 vị phụ huynh học sinh tại trường Minh Đức, 75 Nguyễn Thái Học, Quận 1, vào ngày 5.8 vừa qua. Từ sớm, hội trường đã đông nghẹt vì ai cũng quen tính cô Đức, nói 8 giờ là 8 giờ! Cô Đức năm nay đã 82 tuổi, sang sảng đọc thơ và nói những lời đầy tâm huyết về đề tài cũng như giới thiệu “diễn giả”, một người không xa lạ với quý vị phụ huynh!
Mình bắt đầu bằng cách… gãi đầu và thú thiệt đây là một đề tài khó. Nhưng, như thông lệ, những buổi “giao lưu” đối với mình đều là những buổi trao đổi hai chiều, từ những kinh nghiệm sống thực. Không có cái “lý” gì để “thuyết” cả! Mình nhắc chuyện Jack Canfield – một “huấn luyện viên” hàng đầu về Thành công (success coach) ở Mỹ dạo nọ và nói rằng mình không thích kiểu… thành công đó. Nó kích thích người ta phải “hành động” để đạt được điều mình muốn với bất cứ giá nào. Hôm đó Jack Canfield suýt bị chấn thương sọ não vì người ta chạy lên giành cuốn sách dạy về thành công trên tay ông, xô ông ngã chõng gọng. Dĩ nhiên, thông điệp ông đưa ra không chỉ có vậy, ông còn dạy về những vấn đề đạo đức, đắc nhân tâm v.v… nhưng nhiều người chưa kịp nghe. Mình thì mình thích cái định nghĩa thành công đơn giản hơn: Thành công phải mang lại hạnh phúc- hạnh phúc cho mình và cho người- giúp mình hoàn thiện tiến trình thành nhân, đồng thời chia sẻ, đóng góp cho sự phát triển tốt đẹp chung cho cộng đồng, xã hội. Thành công như vậy không phải là… chụp giựt, sống chết mặc bây! Còn về Thành nhân ở đây cũng chỉ khu trú theo cái nghĩa là một tiến trình hoàn thiện con người, cái mà Carl Rogers gọi là human becoming chứ không phải thành nhân theo nghĩa của người xưa là vì nghĩa lớn quên thân như Nguyễn Thái Học nói : “không thành công cũng thành nhân”.
Khu trú đề tài như vậy rồi mình tập trung vào việc làm sao phụ huynh giúp con em mình… thành nhân và thành công trong môi trường gia đình, học đường, xã hội hôm nay. Mình nhắc đến IQ và EQ (đọc trên dohongngoc.com), đến cuốn “7 bước đến thành công”, cuốn “Tự học để thành công” của Nguyễn Hiến Lê biên soạn và cũng chia sẻ ít nhiều những kinh nghiệm cá nhân. Gút lại, cũng có “7 bước” để giúp con em thành nhân và thành công trong cuộc sống như sau:

1. Rèn nghị lực/ ý chí và tự tin.
Muốn vậy, trẻ đừng ngồi “nhầm lớp”, nghĩa là đừng chạy theo danh hão, không đủ trình độ mà học lớp cao. Muốn tự tin thì phải học vừa sức. Học mà thấy khoái thấy vui mới đáng học. Học thấy nản cần coi lại. Phụ huynh không nên ép con phải vào được trường này trường nọ để lấy “danh giá” cho gia đình.

2. Rèn nhân cách: Đây là điều cốt lõi. Muốn vậy trẻ phải được sống trong một môi trường trung thực, tự trọng, từ trong gia đình đến nhà trường và cả… xã hội! Bây giờ chuyện này có vẻ khó quá! Chỉ thấy nói một đường làm một nẽo, nói vậy mà không phải vậy. Không qua mắt được trẻ đâu. Nó thấy nó biết hết. Và nó cũng đóng kịch rất giỏi. Cha mẹ làm giàu một cách gian dối thì… trẻ sau này có bổn phận phải phá tan hoang để… trả “nghiệp”! Một nguyên tắc cốt lõi “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) phải được rèn tập từ thuở nhỏ. Đừng đòi làm “hot”. Nghèo mà học giỏi như “Trần Minh khố chuối” thì cũng đủ “hot” nhất trường!

3. Rèn luyện thân thể. Một linh hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Cho nên không thể quên chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện thở, vệ sinh cá nhân, thể dục thể thao… cho trẻ. Nghỉ hè phải ra nghỉ hè. Không nên để trẻ chúi đầu vào TV hay mê chơi game… trái lại càng cho trẻ gần gũi với thiên nhiên càng tốt. Nhiều trẻ đã bị tâm thần, trầm cảm vì bị ép học, bắt học. Hãy để trẻ được là trẻ, hồn nhiên, thảnh thơi, vui sống…

4. Ngôn ngữ.
Trẻ phải giỏi tiếng mẹ trước đã. Chuyện có vẻ đương nhiên mà không phải vậy. Bây giờ người ta viết tiếng Việt trật lất, ca hát nói năng toàn ngoại ngữ, cho là cao sang. Lối viết của teen bây giờ đang là một vấn đề, vì các em đã quen tay, lúc làm bài thi cũng viết như vậy thì rất dễ rớt, dễ bị mất điểm. “Văn là người”, “Đời người qua nét bút” có lẽ vẫn còn đúng. Nên khuyên trẻ viết “nghiêm chỉnh” vì chữ viết nói lên tính cách con người.

5. Tự học. Không ai thành công mà không nhờ tự học. Nhà trường thường chỉ cho ta một chiếc chìa khoá, hoặc chỉ ta cách làm chìa khóa, còn ta phải tự mở toang cánh cửa ra thì mới khám phá được kho tàng bên trong. Chỉ ôm chìa khoá ngủ thì chẳng được gì cả. Vậy phải biết tự học, và có phương pháp tự học. Dạy học bây giờ là dạy cách học, để có thể tự học bất cứ lúc nào, ở đâu. Làm sao giúp trẻ biết tự học là việc của phụ huynh chớ không của ai khác. Tự học tốt nhất là đọc sách. Lên mạng cũng phải biết chọn thông tin, nếu không sẽ bị tẩu hỏa nhập ma! Một gia đình có ông bà cha mẹ mê đọc sách thì con cháu mới mê đọc sách. Phải chọn sách mà đọc cũng như chọn bạn mà chơi. Đọc sách thì ta có cái sướng là có nhiều người thầy, người bạn từ… ngàn xưa! Hãy “dụ dỗ” trẻ đọc sách. Bắt đầu bằng những chuyện kể ly kỳ, hấp dẫn, rồi dần dần cho trẻ đọc sách từ dễ đến khó theo lứa tuổi, theo trình độ.

6. Nâng cao kiến thức: Đây không chỉ là kiến thức hẹp trong nghề nghiệp để trở thành một người “thợ” giỏi mà là kiến thức rộng, giúp ta “thành nhân”. Có thể gọi đó là văn hoá nền, một thứ văn hóa cần thiết, được vun xới, tưới tẩm, để trên đó gieo trồng các hạt giống tốt, làm cho cuộc sống phong phú hơn và có được hạnh phúc hơn, nghĩa là thành công hơn. Thầy cô giáo ở trường thường không có đủ thời giờ để giảng giải, mở rộng kiến thức cho trẻ thì chính phụ huynh phải dạy dỗ, giải thích, mở rộng thêm kiến thức cho bài học, làm sao để biến một bài học chán ngán ở trường (vì trẻ không hiểu, vì sợ mà học) thành một bài học sinh động, lý thú, để trẻ thấy ham học, thích học. Phụ huynh nào làm được cho trẻ “ham học” thì phụ huynh đó đã… thành công. Cho nên khi phụ huynh quá bận rộn cần phải mời thầy dạy kèm thì nên đặt điều kiện thầy phải làm sao cho trẻ đang ghét học, biếng học thành “mê học”, thay vì dạy tủ để lấy điểm cao trong lớp!

7. Rèn luyện kỹ năng
. Đương nhiên rồi. Phải có kỹ năng mới làm được việc. Ngày nay người ta không chỉ dạy kiến thức. Kiến thức thì vô vàn. Gõ một cái trên bàn phiếm là vô số kiến thức xuất hiện. Cái cần rèn chính là Thái độ và Kỹ năng. Và người ta đánh giá là đánh giá trên thái độ và trên năng lực thực sự của một con người, chớ không dựa trên học vị, bằng cấp như bây giờ! “Kỹ năng sống” không phải là cái gì mới lạ đâu! Các bà mẹ từ xưa vẫn dạy con nấu cơm, rửa chén, quét nhà… đó thôi! Dĩ nhiên cần phải mở rộng rất nhiều như ta biết. Kỹ năng phải được học bằng thực hành chớ không phải bằng lý thuyết.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì cũng phải dạy… làm người trước khi dạy làm… nghề. Nếu chỉ giỏi kỹ năng không thôi thì chỉ có thể làm thuê! Còn không có kỹ năng cũng không ai cần. “Những anh mít đặc thôi thời/ Ai còn mua chuộc đón mời làm chi” ?
Để giúp trẻ thành nhân và thành công trong cuộc sống phải bắt nguồn từ trong gia đình. Dành thì giờ cho trẻ, gần gũi hơn với trẻ, lắng nghe và thấu cảm. Mình nhắc đến Quốc văn giáo khoa thư. Lạ lùng, nhiều bà mẹ bây giờ không hề biết và họ thực sự ngạc nhiên, cảm động, khi nghe mình kể vài câu chuyện trong sách như chuyện Quả bứa, chuyện Đường đời, chuyện Anh em nhà họ Điền, Đừng phá tổ chim… Những câu chuyện rất đời thường đó lại đi vào lòng người, bởi nó là chuyện của con người chứ không phải của… siêu nhân!
Thôi vắn tắt. Hẹn thư sau.

Đỗ Hồng Ngọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét