Viên ngọc như ý

Một trong những bản văn Phật giáo mà tôi rất thích là bài dạy của một vị Lạt-ma cao cấp cho hoàng tử nước Dege, một vương quốc nằm phía Bắc Tây Tạng. Vị Lạt-ma nói với hoàng tử, người sắp sửa lên ngôi để lãnh đạo một vương quốc lớn, rằng: “Để thành tựu trong thế giới này, cần có đủ ba điều kiện: trí tuệ, từ bi, và lòng can đảm. Ba điều này dẫn đến một đời sống thành công, hạnh phúc, và viên mãn”.Tính chất đầu tiên để thành tựu trong đời sống là trí tuệ. Trí tuệ là sự nhận biết điều gì sẽ đem đến hạnh phúc chân thật.
Phần đông chúng ta sống trong sự điên rồ cho đến hết cuộc đời. Ở Tây Tạng, “người điên rồ” có nghĩa là người chỉ làm một việc giống nhau mà mỗi lúc lại mong cầu một kết quả khác nhau. Người điên rồ không biết hạnh phúc chân thật đến như thế nào, họ luôn chạy đuổi theo sau hạnh phúc, nghĩ rằng nó tùy thuộc vào người nào đó hay những sự việc bên ngoài như thức ăn, áo quần. Ngược lại, một người khôn ngoan là người biết tiến thẳng về phía trước, thay vì chạy loanh quanh trong những vòng tròn. Người đó biết nguồn gốc chân thật của hạnh phúc: cái Tâm.
Trong một bài kệ rất đẹp, ngài Santideva (Tịch Thiên, so sánh bản chất chân thật của tâm với một viên kim cương lớn nằm trong một đống rác mà chúng ta qua lại mỗi ngày. Đó là viên ngọc Bồ đề tâm – tánh chất từ bi và thương yêu của chúng ta. Nó được gọi là viên ngọc như ý vì nó đem đến hạnh phúc và thành tựu. Rác là ẩn dụ cho vọng tâm, tâm thức rong ruỗi không biết dừng, thiếu vắng lòng tin vào nguồn gốc của hạnh phúc chân thật là từ bi.
Khi thoáng nhìn vào viên ngọc như ý này, chúng ta có thể không tin rằng nó luôn luôn đồng hành cùng chúng ta. Do đó, chúng ta làm những cuộc hành trình tìm kiếm nó. Một số người tưởng rằng họ có thể tìm thấy viên ngọc như ý đó chỉ bằng cách rút vào những khóa tịnh tu thâm mật. Có người nghĩ rằng họ có thể tìm thấy nó ờ những nơi xa xôi như Ấn Độ hay Tây Tạng. Nhưng khi họ đi đến đó rồi, họ sực tỉnh ra rằng họ có thể dễ dàng tìm thấy viên ngọc như ý đó ngay tại quê nhà.
Không cần phải du hành đến những xứ xa lạ nào đó để tìm kiếm cái Tâm chân thật của chúng ta. ở bất cứ nơi nào chúng ta đang ở và trong bất cứ việc gì chúng ta đang làm, viên ngọc Tâm quý báu của chúng ta vẫn ở đó. Khi chúng ta nhận biết lòng từ bi nơi chúng ta, chúng ta có thể nương tựa vào nó để thành tựu trọn vẹn những ý nguyện của chúng ta. Và chúng ta có trí tuệ để nhớ về suối nguồn của niềm hạnh phúc chân thật và sống đời sống xứng đáng.
Từ bi là con đường tốt đẹp nhất để thực hiện trọn vẹn đời sống của chúng ta, không chỉ trọn vẹn trong ý nghĩa tâm linh, mà còn trọn vẹn trong ý nghĩa thế gian. Nhưng vẫn còn một số người nghĩ rằng chúng ta không thể thực hành từ bi từ thứ Hai đến thứ Sáu, hoặc nghĩ rằng thực hành từ bi không thích hợp với đời sống thực tế. Có thể chúng ta có nghĩ đến từ bi, nhưng chúng ta không sống được với những ý nghĩ đó. Do đó, một điều cắn thiết khác là hùng lực hay lòng can đảm.
Can đảm là dám ghi nhớ trong lòng rằng chúng ta có khả năng thay đổi tâm thức của mình bằng một kỹ thuật đơn giản. Nếu dám dừng lại việc liên tục nghĩ đến bản thân, chúng ta sẽ có thể đến với người khác bằng những câu hỏi “Họ sống như thế nào?”, “Họ có nhu cẩu gì?”.
Với lòng can đảm, chúng ta có thể nghĩ về những điều chúng ta muốn cho mà không cần tính toán sẽ nhận lại được bao nhiêu.
Điều chúng ta luôn luôn có thể cho là lòng từ bi. Tôi để ý thấy rằng khi lo lắng về điều gì, tôi có thể chuyển hướng sự lo lắng của tôi bằng cách phát khởi lòng từ bi, nghĩ đến người khác thay vì đầu hàng trước sự khó khăn của mình. Làm điều đó cũng là tỏ lòng từ bi đối với chính bản thân mình. Nghĩ về người khác làm cho tâm chúng ta thư giãn, mở cửa cho niềm hạnh phúc đi vào. Tâm trở nên nhẹ nhàng, không còn bị đè nặng do niệm về “tôi”. Đó là lý do khi làm một việc gì tốt đẹp cho người khác, chúng ta thường có cảm giác hăng say, năng động. Tương tự, khi có người nào đối xử ân cần, tử tế với chúng ta, chúng ta nhớ rất lâu. Chúng ta nhận ra sự can đảm trong hành động từ bi khi chúng ta nhìn thấy nó.
Khi nghĩ về những cảm thọ nhẹ nhàng đến từ hành động từ bi, tôi thường liên tưởng đến những vị thầy cùa tôi. Càng lớn tuổi, các ngài càng tỏ ra vui vẻ hơn. Khi tôi hỏi lý do thì được các ngài trả lời rằng nó đến từ việc hướng tâm đến người khác. Cảm giác hạnh phúc là một phản ảnh của sức mạnh từ bi. Nhưng có điều ít người hoàn toàn tin rằng lòng từ bi vốn sẵn trong tầm tay của mỗi chúng ta. Chúng ta muốn nghĩ nhiều hơn về chúng ta trước khi có thể nghĩ đến người khác.
Hướng về người khác có thể như là một việc rất đa đoan. Nhưng thật ra hướng về bản thân đòi hỏi nhiều nỗ lực và năng lượng hơn. Khi chỉ nghĩ đến bản thân, chúng ta trở nên nghiêm trọng, căng thẳng và nặng nề. Những thứ làm chúng ta vui trở nên ít hơn, những thứ đem đến hạnh phúc cho chúng ta trở nên bị giới hạn.
Khổ đau xuất hiện khi chúng ta tạo sự ngăn cách giữa chúng ta với những chúng sanh khác. Khi thiển quán về từ bi, chúng ta nhận ra rằng chúng ta không có mảy may ngăn cách nào với những chúng sanh khác. Họ và chúng ta đểu có cùng trải nghiệm. Tất cả chúng sanh đểu muốn hạnh phúc và chúng ta mong muốn họ đạt được hạnh phúc. Đó là một sự tu tập hết sức đơn giản, nhưng đó cũng là một sự tu tập tạo nên sự chuyển hóa. Khi chúng ta tiếp tục thực hành việc tu tập này, lằn ranh ngăn cách chỉ có trong khái niệm giữa “chúng ta” và “họ” sẽ dần tan biến. Điều đó đem đến cho chúng ta nhiều năng lượng hơn để nghĩ về những nhu cầu của những chúng sanh khác, phát huy những ý niệm và hướng vọng an lành, sống một đời sống đặt căn bản trên những nguyên lý đó.
Nghĩ về việc giúp đỡ kẻ khác là từ bi, biết cách thực hiện ý nghĩ đó là trí tuệ, và cố gắng thực hiện nó là can đảm. Bất kể chúng ta là ai – là những người tu tập hay không tu tập – tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và toại nguyện. Và từ bi là nguyên nhân đưa đến hạnh phúc và toại nguyện. Từ bi là suối nguốn của niếm vui không dứt.
Khi hầu chuyện Đức Đạt-lai Lạt-ma về từ bi như là nền tảng của một đời sống có ý nghĩa, chúng tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao có nhiều người nghĩ lầm rằng bạo lực là cách làm cho công việc đạt được thành quả trong một ý nghĩa quy ước. Vì sao chúng ta cứ cố gắng giải quyết những vấn đề bằng lòng sân giận, đố kỵ, và những phản ứng không thân thiện? Bạo lực không bao giờ ổn định, do đó nó tạo ra sự không ổn định. Bạo lực chỉ là một cách giải quyết ngắn hạn tạm thời, gây ra sự khó khăn và đau khổ cho người dùng bạo lực và những người khác. Khi cố gắng hoàn thành một việc gì đó bằng bạo lực, chúng ta bước vào con đường riêng của chúng ta.
Nhiều người cho rằng sống một đời sống từ bi là vấn để thuộc tâm linh. Thật sự, sống từ bi là một cách sống có hiệu quả nhất để thành tựu trong bất cứ lãnh vực nào. Tu tập từ bi có thể tốn nhiều thời gian hơn là áp dụng bạo lực, nhưng những kết quả của từ bi thì ổn định và dài lâu hơn nhiều. Từ bi là cách giải quyết dài hạn cho những vấn đề. Cách giải quyết này tạo ảnh huởng tích cực lên xã hội và nền kinh tế của chúng ta. Nó làm cho đời sống của chúng ta và đời sống của người khác được ổn định. Khi chúng ta có can đảm trong việc trau dồi trí tuệ và từ bi, những loại cỏ dại sân giận, đố kỵ, và ích kỷ có ít khoảng trống hơn để mọc.
Mang viên ngọc như ý vào đời sống là cách chúng ta khởi động nguồn hạnh phúc chân thật, nâng cao tâm hồn và làm giàu thêm năng lượng cho sức sống.

Thị Giới dịch (từ Shambala Sun)

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 101

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét