Ly nước dâng mẹ

Má tôi tên Nhiễu, Quách Thị Nhiễu. Ngày bà vào nhà thương sanh ra tôi, ba tôi bận đi nhậu với bạn bè nên bà nói với cô mụ là bà không có chồng và muốn tôi mang họ mẹ. Vì thế tôi thành Quách Thị Lệ Hoa. Sau này ba tôi năn nỉ quá nên bà cho ba tôi ra tòa nhận con nhưng vẫn cương quyết để tôi mang họ mẹ. Bà nói một người chồng lo đi nhậu ngày vợ chuyển bụng không xứng đáng để cho con mang họ. Tôi tiếp tục mang họ Quách. Ba tôi tiếp tục nhậu.

Má tôi dốt đặc! Bà chưa từng bao giờ đến trường ngoại trừ một buổi tối vào khoảng năm 1955. Bà tham dự vào lớp học tối của Hội Truyền Bá Quốc Ngữ (mà tôi là cô giáo), học ký được chữ X, rồi thôi. Bà không bao giờ trở lại. Vậy mà trong đầu bà có cả một máy tính điện tử và một bộ nhớ tới mấy chục megabytes .
Vào nhiều năm cuối đời bà bán hột xoàn ở Chợ Củ, Sài Gòn. Mỗi khi có chuyến hàng về từ Hong Kong, bà phân chia hột xoàn thành từng loại lớn nhỏ, sạch dơ, nước trắng hay vàng v.v.. rồi bán sỉ lại cho bạn hàng. Vì không biết chữ nên bà không thể ghi chép lại bằng giấy tờ được. Mọi chuyện mua bán trong ngày bà đều ghi lại trong óc. Chiều về bà ngồi đọc lại cho con ghi chép, vài chục vụ trao đổi với mọi tình tiết éo le, bà nhớ không sót một ly. Tôi chỉ phải ghi chép thôi mà đầu óc còn tá hỏa lên thế mà bà tỉnh bơ, vanh vách không sót một chi tiết nào. Từ chuyện nầy tôi cũng học được một bài học là Trời Đất công bình, không cho mình cái này thì bù trừ cái khác, không nên nhìn vào cái thiếu sót mà thất vọng, khóc than.
Má tôi sanh ra trong một gia đình nghèo, rất nghèo. Khi mới lên mười tuổi, ngoại tôi không đủ tiền đóng thuế thân (là một thứ thuế cá nhân cho nhà nước pháp thuộc) nên đem má tôi đến “ở đợ nát lời” cho bà phủ Ngọc. Tôi tự hỏi có ai còn nhớ đến hai chuyện này không: Đóng thuế thân và ở đợ nát lời ? Ở đợ nát lời có nghĩa là mình đem con đến cho nó giúp việc trong nhà người ta, lấy một số tiền về để trả nợ. Con mình làm người ở mà không được trả tiền lương cho đến khi nào mình có đủ tiền đem đến hoàn trả cho nhà chủ tiền mượn lẫn tiền lời thì mới chuộc được con ra khỏi cảnh nhục nhằn.
Nghe má tôi kể lại, ngoại tôi nước mắt dầm dề, cầm tay con không nở rời, lớp thương con, lớp tủi hổ. Ngoại cầm tiền mà khóc mùi mẫn. Má tôi mếu máo nhìn ngoại, sợ sệt cho một tương lai đen tối, khắc nghiệt nhưng cương quyết tiến thẳng vào nhà chủ bắt đầu cuộc đời tôi mọi để trả hiếu cho người mẹ nghèo.
Bà phủ Ngọc có hai cô con gái, một bằng tuổi má tôi, một nhỏ hơn hai tuổi. Thời bấy giờ con gái nhà quan, nhà giàu là phải biết may vá thật giỏi, nấu nướng thật ngon , bánh mứt thật khéo, ăn nói dịu dàng... có nghĩa là phải có đầy đủ công dung ngôn hạnh thì mới được gia đình đàng hoàng sang trọng đến coi mắt và cưới hỏi. Má tôi lớn lên cùng hai cô, làm tất cả mọi chuyện trong nhà, học tất cả khéo léo của chủ. Ngoài những lúc phụ nấu ăn và làm bánh trái thêu thùa, buổi tối bà còn ngồi đấm bóp cho mấy bà khách đánh tứ sắc, đổ ống nhổ trầu, chạy mua cà phê, hủ tiếu v.v... thôi thì mọi chuyện sang hèn gì cũng đổ lên đầu đứa bé gầy nhom mười tuổi !
Nhưng má tôi không hề than khóc số phận hẩm hiu, mới mười tuổi phải đi ở mướn. Bà thấy đó là một chuyện hết sức tự nhiên, cha mẹ nghèo thì con đi ở đợ, không có gì quan trọng hết. Nhưng bà cũng không bao giờ nghĩ là bà sẽ ở mướn trọn đời. Ngay khi quay lưng vào nhà chủ, bà đã tự hứa là sẽ ra khỏi đó dù mẹ có tiền đến chuộc hay không . Bà chắc mót từ đồng xu của khách đánh bài cho, rồi dần dần lớn lên, tài khéo léo của bà khiến bạn bà phủ phải nhờ tới mỗi khi nhà có tiệc tùng, cưới hỏi. Tiền thưởng của mấy bà nhà giàu vắt máu tuy ít ỏi nhưng cũng đủ để bà tự chuộc mình ra khỏi cảnh ở đợ nát lời.
Từ đó bà bắt đầu bán bánh mứt, thức ăn rồi dần dần mở sạp bán quần áo may sẵn ở chợ Cần Thơ rồi cuối cùng là bán hột xoàn ở Chợ Củ, Sài Gòn. Bà ăn mặc giản dị, chưa từng bao giờ biết xài son phấn. Cả đời bà hy sinh cho mẹ và sau đó cho đàn con.
Thắm thía thân phận con nhà nghèo thất học, bà nhất quyết cho anh chị em tôi đi học đến nơi đến chốn dù bà phải tốn hao cực khổ bao nhiêu. Bà buôn gánh bán bưng, thức khuya dậy sớm nhưng không bao giờ cho anh chị em tôi nghỉ học một ngày để phụ giúp bà. Chúng tôi chỉ được giúp mẹ sau khi đi học về và xong bài vở trong trường.
Có đêm nằm ngủ ở bộ ván ngựa sau bếp, chợt thức dậy lúc gần sáng, tôi thấy bà lui cui nướng bánh để kịp buổi chợ mai. Ngọn đèn dầu lung lay hắt bóng bà lên tường. Nó xiêu vẹo, ngả nghiêng như những bước chân bà khi bưng thau bột nặng trĩu. Lòng tôi rào rạt thương mẹ. Tôi nằm đó nước mắt nóng hổi lăn dài xuống má, cổ họng nghẹn đau vì nén tiếng khóc. Nếu lúc đó tôi nhảy ra khỏi bộ ván ngựa, chạy tới ôm bà khóc chắc bà nghỉ là tôi bị... ma nhập! Vì bà hy sinh mà không chờ đợi tiếng cám ơn, bà nuôi dưỡng mà không cần đền trả. Bà không nghỉ lôi thôi rắc rối như người có học. Bà đem cuộc đời ra trả ơn cho mẹ, đem máu tim ra nuôi dưỡng đàn con. Giản dị, tự nhiên, toàn vẹn. Không thấy đó là hy sinh, là cao cả, là thiêng liêng.
Tôi không biết nếu khi tôi được sanh ra má tôi đã là người giàu sang, tôi được nuôi dưỡng như con nhà giàu, hãnh diện, kiêu ngạo, khinh người thì tôi sẽ đối phó với những hoàn cảnh trắc trở, khổ đau như thế nào? Tôi đã đi qua cuộc đời với nhiều thất bại, nhục nhằn nhưng bài học về cuộc tranh đấu để vươn lên của mẹ khiến tôi chưa bao giờ ngả xuống mà cứ nằm đó khóc than trách móc số phận, đổ thừa cho những ngôi sao xấu, oán hận sự sắp đặt không công bình của “ông Trời.” Tôi nhìn lại chính mình, sữa đổi và lại cố đứng lên. Tôi chia sẻ bất hạnh, thông cảm lầm lỗi và tha thứ những vấp ngã của mọi người. Vì thế tôi lần lần hoán đổi được những nghiệp xấu mà tôi đã gây ra đời này hay những đời trước. Và tất cả đều là do má tôi. Bà không nói ra lời nhưng cách sống của bà đã thấm nhuần vào mạch máu tôi và giúp tôi vượt qua biết bao là hầm hố chông gai của cuộc đời.
Bây giờ má tôi đã qua đời. Tôi nghĩ lại, tôi chưa từng bao giờ nói một lời cám ơn mẹ. Tôi chưa từng bao giờ nói cho mẹ biết trái tim tôi đã dào dạt bao nhiêu tình cảm biết ơn, nước mắt tôi đã từng chảy tràn trề trong đêm tối khi nhìn bóng mẹ hắt hiu qua ánh đèn dầu. Tôi làm tất cả chuyện bà sai tôi làm nhưng tôi chưa từng rót cho bà một ly nước mà bà không hỏi, nấu cho mẹ một chén cháo mà bà không sai. Dù cho đầu óc má tôi có giản dị tới bực nào thì chắc tim bà cũng nở ra khi con nhìn mẹ trìu mến và dịu dàng nói với mẹ lời cám ơn. Vậy mà tôi đã chưa từng làm điều đó.
Ngày Lễ Vu Lan báo hiếu sắp tới rồi. Chiều nay khi các cháu đi học về, bài vở đã làm xong, cơm nước đã đầy đủ, mẹ đang ngồi trong phòng khách xem truyền hình, hoặc vá chiếc áo, hoặc đọc một cuốn sách... cháu hãy rót một ly nước đem tới cho mẹ dù mẹ không hỏi. Cháu hãy để ly nước bên cạnh mẹ, quàng tay qua cổ mẹ, cúi xuống hôn mẹ và dịu dàng nói, “Con cám ơn mẹ.”
Mẹ cháu sẽ ngạc nhiên không biết đứa con nhỏ này ngày hôm nay lên cơn gì đây hoặc muốn món quà gì đây, nhưng khi mẹ nhìn lên ánh mắt chứa chan sự biết ơn, thương yêu cũng như nụ cười rạng rỡ của cháu, bà lập tức biết rằng ly nước kia được rót ra từ trong trái tim của cháu . Bà sẽ từ hòa nhìn cháu và nói, “ Mẹ cũng cám ơn con.”
Cháu có nghĩ ra được một món quà nào quí hơn là ly nước này trong Ngày Vu Lan báo hiếu không?
Một bài hát vang vang trong đầu tôi, “ Nếu có thương tôi... xin hãy thương tôi ngay bây giờ!...” Hãy hát đi cháu... Nếu có thương mom... Xin hãy thương mom ngay bây giờ...
Hãy yêu thương mà uống ly nước đi, mẹ nhé!

Tác Giả: Lệ Hoa Wilson

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét