Hãy suy nghĩ như một tên trộm

Trong truyền thống Theravada, mối quan hệ giữa vị thầy và người đệ tử tương tự mối quan hệ giữa người thợ cả và kẻ học việc với ông ta. Thực hành giáo pháp của Đức Phật cũng là một kỹ năng giống như làm nghề thợ mộc, nghề bắn cung hay nghề nấu bếp vậy. Nhiệm vụ của vị thầy là truyền trao kỹ năng không chỉ bằng ngôn từ và thí dụ mà còn bằng việc tạo ra những hoàn cảnh để nuôi dưỡng sự khéo léo và năng lực của việc quan sát mà người học trò sẽ cần đến để thực sự trở thành thiện xảo. Nhiệm vụ của người đệ tử là chọn được một vị thầy khả tín – một người mà tài năng của vị ấy là chắc chắn và mục đích của vị ấy là có thể tin cậy được – và trở thành một người càng khéo quan sát càng tốt. Dù sao chăng nữa, chẳng có cách nào để người ta có thể trở thành một người thợ khéo bằng việc chỉ quan sát người thợ cả một cách thụ động hoặc chỉ tuân thủ những chỉ dẫn của người ấy. Không ai có thể từ bỏ trách nhiệm đối với những hành động của chính mình. Người ta phải chú tâm vào cả các hành động của mình lẫn những kết quả của các hành động ấy; cùng lúc, phải sử dụng sự khéo léo và sự sáng suốt của chính mình để điều chỉnh mọi nhầm lẫn và vượt qua mọi trở ngại khi gặp phải. Điều đó đòi hỏi một hành giả phải phối hợp sự kính trọng vị thầy của mình với sự kính trọng luật nhân quả khi nó thể hiện bằng ý nghĩ, lời nói và việc làm của chính hành giả.
Chẳng bao lâu sau khi tôi thọ giới, vị thầy của tôi, ngài Ajaan Fuang Jotiko, nói với tôi: “Nếu con muốn học, con sẽ phải suy nghĩ giống như một tên trộm và hình dung ra cái cách mà con khéo léo đoạt lấy kiến thức cho chính mình”. Và rất sớm, tôi hiểu ngay được điều mà thầy tôi đã dạy. Trong những năm đầu tiên tôi theo học với thầy, ngài chẳng có một ai quan tâm đến những nhu cầu của ngài: quét dọn am thất của ngài, nấu nước để ngài tắm, chăm sóc khi ngài bệnh… cho nên, mặc dù tôi là một người ngoại quốc, chỉ biết lõm bõm tiếng Thái và có lẽ lại là một kẻ man rợ thô lỗ vụng về nhất mà ngài đã từng gặp – tôi đã nhanh chóng đảm nhận vai trò thị giả của ngài. Thay vì chỉ dẫn cho tôi biết vật gì nên được đặt ở đâu hoặc khi nào thì nhiệm vụ nào cần được thực hiện, ngài đã để mặc cho tôi tự quan sát lấy mọi việc. Nếu tôi làm đúng ý ngài, ngài chẳng nói gì. Nếu không, ngài lập tức chỉ ra cái lỗi của tôi, nhưng không bao giờ ngài giải thích trọn vẹn cho tôi biết tôi đã sai ở chỗ nào. Tôi phải biết tự quan sát: Ngài đã đặt những vật dụng cá nhân của ngài ở đâu khi ngài dọn dẹp am thất? Và tôi cũng đã phải tìm hiểu những điều đó bằng khóe mắt của mình, vì nếu tôi cứ thô lố con mắt ra quan sát ngài thì ngài sẽ nhanh chóng đuổi tôi đi chỗ khác. Vì ngài bảo, “Nếu ta phải giải thích tất cả mọi chuyện, con sẽ quen với điều mọi việc đều được giao sẵn cho con. Và như thế thì con sẽ làm gì khi có những trở ngại đến với con trong lúc con thiền định mà con lại chẳng có chút kinh nghiệm nào để hình dung sự việc và thực nghiệm cho chính mình?”.
Thế là tôi nuốt lấy lòng kiêu hãnh của mình và học để chấp nhận những lỗi lầm của mình vì vị thầy của tôi. Trước đây, tôi không bao giờ có thể dung thứ cho việc mình có lỗi. Nhưng cho đến khi cuối cùng tôi có thể nhìn nhận là mình sai lầm, tôi đã bắt đầu tìm được những nguồn lực nội tại mà tôi cần đến để bắt đầu sắp đặt mọi thứ một cách thích hợp.
Lại nữa, vấn đề làm quân bình sự kính trọng cũng là một điều khó khăn. Ngài Fuang giữ gìn nguyên tắc, có tuệ giác và có lòng nhân từ một cách đáng ngạc nhiên; và tôi có thể luôn luôn đặt niềm tin vào những ý định của ngài đối với tôi. Kết quả là tôi có một cảm giác kính trọng ngài một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, ngài vẫn là một con người với những nhược điểm. Vì nền tảng giáo dục Thiên chúa giáo của tôi đã dạy tôi phải để dành sự kính trọng của mình cho một bậc được coi là thánh thiện hoàn hảo, tôi luôn luôn lúng túng khi phải giải quyết những trường hợp mà ngài Fuang tỏ ra chưa phải thực sự hoàn hảo. Cùng lúc, tôi hoàn toàn chẳng biết phải làm gì với cái cá tính độc lập thâm căn cố đế của mình. Thế rồi, một ngày kia, hoàn toàn bất ngờ, ngài Fuang kể cho tôi nghe một câu chuyện về một lần ngài đã có một sự bất đồng với vị thầy của ngài, ngài Lee Dhammadharo.
Vào lúc cuối đời, ngài Lee Dhammadharo đã xây dựng một tu viện trong một rừng đước tại vùng đầm lầy ngập nước ở ngoại ô thành phố Bangkok. Các vị cư sĩ ủng hộ việc xây dựng mong muốn có một giảng đường dành cho lễ thụ giới, cho nên đó là công trình xây dựng kiên cố đầu tiên được dựng lên trong tu viện. Khi đặt móng, họ đã xây một cái hầm bằng bê-tông ngay phía dưới chỗ tượng Phật sẽ được tôn trí và đặt vào trong hầm những vật thiêng như xá-lợi Phật, ảnh tượng của Đức Phật, các loại mạn-đà-la, kinh điển… Sau đó, họ lấp cái hầm ấy để dành cho hậu thế. Theo truyền thống ở Thái Lan, tượng Phật luôn luôn được đặt quay mặt về hướng Đông – hướng mà Đức Phật đã nhìn về trong ngày Ngài chứng ngộ Chánh đẳng giác – cho nên cái hầm đã được đặt ở phía tây của tòa tu viện, dưới chỗ pho tượng Phật chính của cả tu viện sẽ được tôn trí. Khi công trình xây dựng đã được thực hiện xong khoảng một nửa, ngài Lee đổi ý và quyết định là tượng Phật phải được tôn trí ở phần phía Đông của tòa tu viện, mặt hướng về phía Tây. Mặc dù ngài không bao giờ đưa ra một lời giải thích cho sự chuyển dịch bất thường ấy, các đệ tử của ngài đều nhất trí trong việc diễn dịch ý tưởng mà ngài muốn biểu thị: Phật pháp đang đi về phương Tây.
Mặc dù vậy, không phải đợi đến khi công trình xây dựng được hoàn thành, ai cũng nhận thức rằng cái hầm đặt những vật dụng cho đời sau không tương thích với vị trí đặt tôn tượng Phật. Điều đó có nghĩa là khi mọi người bước vào tu viện thông qua cổng chính ở phía Tây, họ sẽ bước lên những vật thiêng chứa trong căn hầm, vi phạm trầm trọng những điều cấm kỵ theo truyền thống Thái Lan. Cho nên vào một buổi chiều, ngài Lee bảo với ngài Fuang, “Tập trung tất cả các tăng sĩ lại để di chuyển căn hầm sang phía bên kia của công trình”. Ngài Fuang tự nghĩ, “Căn hầm này đã được đặt rất kiên cố dưới mặt đất, và toàn bộ khu vực bên dưới giảng đường thọ giới toàn là bùn”. Tuy nhiên, ngài cũng hiểu là nếu ngài nói rằng căn hầm không thể di chuyển được, ngài Lee sẽ bảo, “Nếu ông không có đủ niềm tin để làm việc này, thì tôi đành phải tìm người khác giao việc”. Thế là sáng hôm sau, ngay sau bữa điểm tâm, ngài Fuang tập trung tất cả những người có thể lực tốt trong số tăng sĩ cũng như các vị mới nhập chúng tại tu viện về công trường xây dựng, dùng dây và ròng rọc để kéo căn hầm di chuyển về phía đông của tu viện. Họ hì hục làm việc suốt một ngày nhưng không thể dời căn hầm được lấy một ly.
Bấy giờ là lúc để trình bày ý kiến – và đề nghị một giải pháp khác cho vấn đề. Ngài Fuang đến tham vấn ngài Lee và nói, “Hay là con cho dựng một căn hầm mới ngay dưới vị trí sẽ đặt tôn tượng Đức Thích-ca, rồi khui căn hầm cũ ra, di chuyển tất cả những vật thiêng về căn hầm mới và đậy kín căn hầm mới lại?”. Ngài Lee nhẹ nhàng gật đầu, thế là vấn đề được giải quyết.
Ngài Fuang kết luận, “Và đó là cái cách con làm để thể hiện sự kính trọng của con đối với vị thầy của mình.” ■ „

Nguồn: Think Like a Thief, Thanissaro Bikkhu, Access to Insight (phiên bản 2013.12.02.17),http://www.accesstoinsight.org.

Tỳ-kheo Thanissaro là một tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy người Hoa Kỳ, thọ giáo với dòng Tu Trong Rừng của Thái Lan, hiện trụ trì một tu viện thuộc dòng này ở San Diego County, Hoa Kỳ. Ông là một trong những dịch giả đã chuyển sang tiếng Anh nhiều kinh điển gốc tiếng Pali, tác giả nhiều tác phẩm Phật giáo mang tính thực hành.

Văn Hoá Phật Giáo số 199

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét