TRỞ VỀ VỚI BIỂN

Người Việt Nam theo ảnh hưởng của phong tục Tầu thường quan trọng vấn đề mồ mả, tìm kiếm chỗ có địa lý phong thủy vượng phát để con cháu được hưởng. Nhưng hiện nay điều này dường như rất khó thực hiện, và càng ngày người ta càng chọn phương cách hỏa táng cho tiện lợi và ít tốn kém hơn. Sau khi hỏa táng rồi, đem những hũ cốt đi chôn, gởi vào chùa hay đem ra biển rải tro là tuỳ thuộc vào ý nguyện của người nhà hay người đã mất. Người ta tin rằng, đem tro rải xuống biển sẽ làm cho người thân không còn chỗ để vương vấn, dễ siêu thoát hơn.


Một ngày giữa tháng tám, mùa hè nắng chói chang…
Một ngày người ta tìm đến những thú vui trên biển, tận hưởng những làn gió mát miên man, vui đùa với sóng nước…
Nhưng từ sáng sớm tinh mơ, đã có những đoàn người Việt Nam sắc mặt nghiêm trang cầm giỏ hoa lũ lượt kéo đến một bến đậu du thuyền ở Newport Beach, một trong những thành phố ven biển dọc theo miền Nam California.
Đó là những hành khách trong chuyến đi cầu siêu trên biển và hải táng do chùa Bảo Quang tổ chức hàng năm, như một thông lệ.
Chín năm trước, năm 2007, lần đầu tiên tôi được tham dự chuyến đi biển này và đã có những cảm tưởng sâu sắc ghi lại trên bài viết tựa đề “Chuyến tầu siêu độ” đăng trên báo Trúc Lâm Vu Lan ngày ấy. Từ đó đến nay, tôi đã có dịp đi lại một lần, và chuyến đi ngày hôm nay kể như là lần thứ ba.
Những tưởng rằng các cảm xúc và ấn tượng ban đầu đã phôi pha đi qua sự quen thuộc, nhưng không hẳn là như vậy. Bởi vì mỗi chuyến đi là mỗi kinh nghiệm khác nhau, những bạn đồng hành khác nhau, và thân tâm của chúng ta cũng thay đổi qua giòng thời gian. Nhưng quan trọng hơn cả, mỗi chuyến đi là lần tiễn biệt cuối cùng của chúng ta đối với những người thân khác nhau, những hành khách thầm lặng nằm trong những hũ cốt mà giờ đây chỉ là cát bụi. Cát bụi đó là những gì còn lại của một cuộc đời, của một con người có một không hai, chỉ hiện hữu một lần qua vô lượng kiếp, và không bao giờ trở lại nữa. Người ấy đã từng sống, đã từng có những tình cảm hỉ nộ ái ố, hạnh phúc và đau khổ qua những giai đoạn của cuộc đời, và đã từng chia xẻ với chúng ta những kỷ niệm khó quên. Nhưng kinh Phật nói tất cả những gì có hình tướng, như sắc thân hình hài của chúng ta, đều chỉ là giả tạm, huyễn ảo, đến một lúc nào đó sẽ phải hoại diệt như tất cả những gì duyên hợp, theo quy luật “Thành, Trụ, Hoại, Không”. Con người thường xem trọng, vướng mắc vào thân tướng của mình, nhưng khi trở thành cái xác không hồn thì chỉ như đồ phế bỏ, không còn gì để lưu luyến, tiếc thương. Tuy nhiên, sự sống không chỉ dừng lại ở cái chết, mà vẫn luôn tiếp tục chuyển biến từ đời sống này qua đời sống khác, ở trong tất cả mọi cõi giới.
Con tầu khởi hành từ 9 giờ sáng, nhẹ nhàng lướt qua con vịnh nhỏ, hai bên là những dãy nhà, những bến đậu và các con thuyền đủ loại. Buổi cầu kinh cũng bắt đầu sau những lời giới thiệu và giải thích của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh về ý nghĩa chuyến đi hàng năm này. Hiện diện bên cạnh Hòa Thượng Quảng Thanh là Hòa Thượng Thích Chơn Thành, một sự phối hợp bền chắc của hai chùa Bảo Quang và Liên Hoa trong nhiều năm qua. Đặc biệt cũng có sự tham dự của một phái đoàn 20 người từ chùa Việt Nam ở Arizona, dưới sự hướng dẫn của Đại Đức Thích Tuệ Kiên, đệ tử của Hòa thượng Thích Chân Tôn, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới. Tiếng chuông mõ hòa nhịp cùng tiếng cầu kinh trầm hùng đưa hồn người về cảnh giới an lành của Tây Phương Cực Lạc Quốc, xả bỏ đi những ràng buộc phiền não của kiếp sanh tử trầm luân.
Người Việt Nam theo ảnh hưởng của phong tục Tầu thường quan trọng vấn đề mồ mả, tìm kiếm chỗ có địa lý phong thủy vượng phát để con cháu được hưởng. Nhưng hiện nay điều này dường như rất khó thực hiện, và càng ngày người ta càng chọn phương cách hỏa táng cho tiện lợi và ít tốn kém hơn. Sau khi hỏa táng rồi, đem những hũ cốt đi chôn, gởi vào chùa hay đem ra biển rải tro là tuỳ thuộc vào ý nguyện của người nhà hay người đã mất. Người ta tin rằng, đem tro rải xuống biển sẽ làm cho người thân không còn chỗ để vương vấn, dễ siêu thoát hơn.
Tro cốt tôi đem rải hôm nay là của hai người thân nhất trong giòng họ, bác Cả, chị lớn của mẹ tôi, và cô Thụy, người em thân thương của mẹ tôi, người đã xem tôi như con và tôi cũng đã gọi là “má”. . ...
Tầu ra đến biển lớn thì bắt đầu chòng chành theo những đợt sóng, chiếc bàn dài để giữa phòng đầy những đồ cúng cho các vong linh uổng tử bắt đầu có những đồ đạc rơi lả tả. Hòa thượng Quảng Thanh nhanh chóng ra cửa sổ đổ những khay đồ ăn bánh kẹo, trái cây xuống dưới biển. Tiếng cầu kinh vẫn không dứt “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật”. Sau đó thân nhân chuyển những giỏ tro cốt xuống tầng dưới để đem thả xuống biển. Chiếc tầu vẫn không ngừng lắc lư, tôi loạng choạng đến xách hai chiếc giỏ lên, cố giữ thăng bằng nhưng không khỏi chóng mặt, sẵn sàng té ngã. Một thanh niên đến giúp tôi đem một cái giỏ xuống bậc thang. Hòa thượng Quảng Thanh đã đứng sẵn ở dưới, chờ đợi người đem giỏ đến để thả xuống biển. Trời nắng chói lòa, biển mênh mông lấp lánh dưới ánh mặt trời, sóng biển lênh đênh dạt dào, sóng kêu gào như biểu dương sức mạnh của thiên nhiên trước sự nhỏ bé của con người. Tôi mở nắp đựng tro cốt, nhìn lại lần cuối những gì còn lại của hai người thân yêu, rồi đưa cho thầy thả xuống biển. Tất cả đều xẩy ra thật nhanh chóng, tôi không kịp thấy gì, chỉ thấy vài cành hoa còn lại nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi nghĩ, chắc bác Cả và cô Thụy cũng đã sẵn sàng cho chuyến trở về này, qua những lời cầu nguyện gởi gấm từ những người thân trong mấy ngày nay.
Thật vậy, đối với tôi đây không phải là một chuyến đi, mà là chuyến trở về, trở về với biển, với pháp giới bao la của sự sống. Biển là nguồn sống của trái đất, của con người, không chỉ riêng cho loài thủy tộc. Biển hàm chứa đầy đe dọa, nhưng cũng là nguồn an ủi cho tâm hồn. Biển bao la dung chứa tất cả những gì quý giá nhất cũng như những gì cặn bã nhất, mà vẫn không suy suyển, không thay đổi vị mặn của muối, ví như Pháp Phật dung chứa tất cả chúng sanh không phân biệt tốt xấu sang hèn, mà không bao giờ suy suyển, không thay đổi vị của giải thoát.
Biển còn là sự sống còn, biển chết là sự sống cũng chấm dứt theo. Từ bên này bờ Thái Bình Dương, tôi hướng về biển Đông nơi quê hương Việt Nam mà khắc khoải đau lòng cho sự phá hoại biển xanh, phá hoại sự sống từ lòng tham vô độ và độc ác của con người. Phá hoại biển có thể được coi như một trọng tội của nhân loại, không chỉ vì những tàn phá môi trường, mà còn vì những hệ lụy tiêu diệt nguồn sống của con người. Biển Đông đã từng là nguồn hi vọng của những người Việt Nam vượt biển tìm tự do, cũng là mồ chôn những con người kém may mắn, mà ngày nay Hòa Thượng Quảng Thanh vẫn nhớ đến và cầu nguyện trong những chuyến đi biển hàng năm. Người ta ra đi trên biển với niềm tin về một phương trời cao rộng, một tương lai mới tươi đẹp ...
Niềm tin ấy thương yêu mở rộng
Nghĩa tự do khao khát khôn lường
Sóng gào thét phong ba bão tố
Chốn nơi nào đích thực quê hương
Ra đi với niềm tin và hi vọng tràn trề, nhưng thực tế phũ phàng ập tới, khiến không khỏi có những linh hồn lang thang, không biết đâu là nơi nương tựa.
Bài hát nào ru ngủ biển Đông
Ngôn ngữ nào đánh động tấm lòng
Thiên thu ấy hồn ai nương tựa
Mặc dòng đời lưu chuyển có, không

(trích bài thơ Hoa Biển Cài Tim Đá, thi sĩ Thanh Trí Cao)

Trải qua nhiều chục năm đã trôi qua, những linh hồn phiêu bạt ấy chắc hẳn cũng đã tìm thấy chỗ nương tựa nơi sự sống bao la của biển. “Hoa biển cài lên tim đá” nói lên tấm lòng tưởng niệm của người ở lại, cầu mong cho những người đã “bỏ cuộc thương đau” tìm thấy sự bình an trong một đời sống mới.
Và những người thân của chúng ta, khi trở về với biển, chắc hẳn cũng đã được bình an, giải thoát trong sự hòa tan vào pháp giới vô tận.

Ngọc Bảo
Mùa Vu Lan
14/8/2016


http://www.ngocbao.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét