Cuộc sống là những cơ hội ngẫu nhiên, còn lựa chọn thế nào là của riêng mỗi người. (Ảnh: Uplifers)
Năm 1976, hai nhà tâm lý học người Mỹ Lange và Rhodin đã tiến hành một nghiên cứu liên quan đến lựa chọn và hạnh phúc. Họ lựa chọn ngẫu nhiên hai nhóm người già, rồi để họ sống trong điều kiện tương tự nhau, chỉ khác là một nhóm người già có quyền chủ động đối với cuộc sống của họ, còn một nhóm thì bị động tiếp nhận sự sắp xếp của nhân viên viện dưỡng lão.
Kết quả sau 3 tuần phát hiện ra rằng, 93% người của nhóm có quyền chủ động cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng hơn, trong khi nhóm đối chứng thì số người già cảm thấy hài lòng chỉ có 21%.
Lange và Rhodin đã rút ra kết luận từ nghiên cứu này: Quyền lựa chọn mang đến cho con người ý thức trách nhiệm. Hơn nữa, khả năng kiểm soát cuộc sống có thể giúp nâng cao chất lượng và thái độ đối với cuộc sống.
Hai câu chuyện dưới đây, sẽ cho ta thấy rằng, cuộc sống cho chúng ta rất nhiều cơ hội, nhưng lựa chọn thế nào lại là quyết định của riêng mỗi người.
Câu chuyện thứ nhất
Một phụ nữ trẻ trong khi điền vào một mẫu đơn xin nhập học, đã gặp câu hỏi: “Bạn có phải là một nhà lãnh đạo không?”. Cô gái nghĩ rằng tốt nhất là mình vẫn nên điền đúng sự thật, nên viết: “Không phải”. Lúc mang đơn đi nộp, cô nghĩ rằng có thể vì câu trả lời đó mà cô sẽ không nhận được hồi âm.
Thế nhưng sau đó không lâu, cô nhận được hồi âm từ trường học: “Cho tới nay, chúng tôi đã nhận được hàng ngàn lá đơn xin nhập học, và năm tới sẽ có 1452 ‘nhà lãnh đạo’ mới đến trường học. Chúng tôi quyết định tiếp nhận đơn xin nhập học của bạn, bởi vì chúng tôi cảm thấy, những vị kia ít nhất sẽ cần một tùy tùng”.
Nếu như cô gái kia trong đơn nhập học điền một chữ “Phải”, thì có lẽ cô cũng giống như hàng ngàn người kia, bị chính lời nói dối của mình đào thải. Bởi vì cô lựa chọn làm một người chân thật, nên mới đắc được điều tốt đẹp như thế. Kiểm soát được bản thân chính là nắm chặt được may mắn. May mắn, sẽ luôn được giữ lại cho những ai có trách nhiệm với chính mình.
Câu chuyện thứ hai
Trong núi có một gia đình thợ săn. Người cha là một tay thợ săn lão luyện, đã lưu lạc trong núi nhiều năm, săn bắt vô số loài động vật hoang dã, đi đường núi như giẫm trên đất bằng, chưa bao giờ xảy ra chuyện gì. Nhưng có một ngày, bởi vì trời mưa đường trơn trượt, ông ta không cẩn thận bị ngã xuống vách đá.
Trong khoảnh khắc sinh tử, ông chỉ lên hai sợi dây thừng treo trên tường, nói với 2 đứa con trai: “Ta cho các con mỗi đứa một cái”. Ông còn chưa nói hết câu thì đã ngừng thở.
Sau khi chôn cất cha xong, hai huynh đệ tiếp tục kiếp sống bằng nghề săn bắt. Nhưng mà, thú hoang càng ngày càng ít, có khi đi săn cả ngày nhưng đến con thỏ cũng không bắt được, hai anh em đã trải qua quãng thời gian thật khó khăn.
Một ngày, người em bàn với người anh: “Chúng ta làm nghề khác kiếm ăn được không anh?”. Người anh không đồng ý: “Chúng ta cả đời đều đi săn bắt, tốt nhất vẫn nên giữ lại cái nghề từ thủa đầu đi em”. Người em không nghe, liền mang theo sợi dây thừng mà bố đã cho rồi rời đi.
Anh ta lên rừng đốn củi, rồi dùng dây thừng buộc lại đem ra ngoài chợ đổi lấy một ít tiền. Về sau anh ta phát hiện, trên núi có những loài hoa dại mà người bên ngoài rất thích, mà giá tiền lại rất cao. Thế là từ đó về sau, anh ta không đốn củi nữa, mà mỗi ngày đều vác một bó hoa dại ra ngoài bán. Mấy năm trôi qua, anh ta đã xây dựng cho mình một căn nhà mới khang trang.
Còn người anh thì vẫn ở trong căn phòng cũ nát, vẫn làm nghề đi săn. Bởi vì người anh thường xuyên không săn được thú, nên cuộc sống càng ngày càng túng quẫn, ngày đêm than thở khổ não. Một ngày, người em đến gặp anh, mới phát hiện người anh đã dùng sợi dây thừng mà cha để lại treo cổ tự tử trên xà nhà.
Cách lựa chọn sợi dây thừng, cũng chính là lựa chọn đối với cuộc sống. Một người nếu không thể kiểm soát được bản thân mình, thì cuối cùng chỉ có thể tự giam mình trong cái khung của tư tưởng nhỏ hẹp, thiếu thái độ lạc quan vui sống, thì sao có thể nói đến chất lượng cuộc sống đây?
Tuệ Tâm biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét