Chúng tôi chuẩn bị ăn tối chợt có bà chủ của xưởng gỗ ở quốc lộ số 1 Nha Trang xuất hiện. Chồng bà là đảng viên của Quốc Dân Đảng đã bị Việt Minh ám sát, nên bà đưa Tuyết Mai và con trai tên Tri vào Nam, một mình lo dựng nghiệp. Bà vô cùng đài các sang trọng, nét dịu dàng đằm thắm và quý phái làm tôi hơi choáng trước chiếc áo dài nhung đen thanh lịch với mái tóc quấn quanh đầu, vẻ cổ kính của miền Bắc Việt Nam. Bà xin anh tôi giấy chứng nhận Tuyết Mai bị bệnh không thể đến trường nhập học đúng ngày. Tuy đã biết nhau trước đây, nhưng Mai và tôi thân hơn từ hôm ấy.
Tuyết Mai học trường Convent des Oiseaux ở Đalat, mỗi dịp tết hay nghỉ hè Mai đều về Nha Trang tìm tôi, hai đứa bàn chuyện gió mây trên trời dưới đất rồi đi ăn quà vặt, rồi cùng nhau đạp xe thư giản dọc theo bờ biển để nghe tiếng sóng vỗ về thơ mộng.
Trước khi chia tay, Tuyết Mai dặn tôi:
- Nhớ viết thư cho Mai, nếu ăn món gì ngon thì nhớ quẹt vào trong thư và tả cho Mai nghe, ở nội trú không được ăn các món mình thích đâu.
Tình bạn cứ diễn ra đều đều như vậy. Vào năm chúng tôi cùng học đệ tứ (lớp 10), Tuyết Mai đạp xe đến tìm trong lúc tôi đang học bài thi.
- Mai muốn đi xem bói coi kỳ thi này mình đậu không? Mai biết chỗ, 2 đứa mình cùng đạp xe đi nhé.
Chỗ Mai chỉ là ông thầy mù ở Cây Dầu Đôi cách Nha Trang 3 km. Vừa đến nơi, thầy kêu chúng tôi ngồi nghỉ mệt, uống nước. Mai nhường cho tôi xem trước. Thầy bỏ 4 đồng xu vào cái mai rùa nhỏ, hỏi tuổi tôi và nói muốn coi gì? Thầy lắc mai rùa vài lần rồi đổ ra dĩa, lấy tay mò trên mỗi đồng xu, đoán chuyện thi cử cho tôi.
Đến phiên Mai ông cũng làm như vậy, nhưng ông lắc đổ ra nhiều lần và ông nói thật kỳ lạ quá, cháu này mạng quý, sẽ có chồng danh tiếng nhất Việt Nam, cháu rất nổi tiếng, đừng bao giờ sửa sắc đẹp trên mặt, sẽ phá đi quý tướng.
Vừa bước ra khỏi cửa nhà thầy mù, tôi cười rộ lên vì người nổi tiếng nhất nước Việt nam lúc ấy là tổng thống Ngô Đình Diệm, chẳng lẽ Mai kết hôn với tổng thống Diệm. Tôi thích thú ghẹo Mai rồi đạp xe thật nhanh, vì phía sau Mai đang rượt theo phản đối, nhờ thế đường về Nha Trang ngắn lại.
Cả hai đứa cùng bàn về vụ coi bói, ông mù thật vì cặp mắt sụp mí xuống thì làm sao thấy Mai đẹp mà nói có tướng quý và kết hôn với người nổi tiếng nhất Việt Nam, chúng tôi càng không tin dù Tuyết Mai thật duyên dáng mỹ miều, nhất là miệng cười thật tươi với bản tánh hồn nhiên phúc hậu.
Năm sau Mai chuyển về học trường Peter Lycer Nha Trang gần bãi biển. Mỗi chiều tan học từ trường Lê Quí Đôn chúng tôi đạp xe đến trường Pháp, Mai đứng đấy chờ rồi hai đứa chạy xe dọc theo bãi biển, có khi cùng uống một ly nước mía hay ăn chè v...v... rồi mạnh ai nấy về nhà.
Thi tú tài xong, Mai vào chiêu đãi viên hàng không, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Thỉnh thoảng bận việc xuống phi trường, tôi đều gặp mẹ của Mai, bà đem thức ăn tẩm bổ cho con gái, lúc đó tôi mới thấy được Mai. Mỗi lần được nghỉ phép, Mai về Nha Trang thăm nhà rồi tìm tôi hay nhắn tôi xuống nhà Mai chơi.
Rồi Mai kết hôn với ông Nguyễn Cao Kỳ và bắt đầu nổi tiếng thật. Lần đó, Mai đi Nhật về có ghé thăm và tặng tôi một con búp bê Nhật thật đẹp.
Một lần tình cờ gặp nhau trên đường phố Lê Lợi Sài Gòn, Mai nhất định mời tôi đến thăm tổ ấm của Mai ở Tân Sơn Nhất, và lần sau, Mai đem đứa con gái là Kỳ Duyên đến khoe.
Rồi tôi có gia đình, chồng tôi là phi công phản lực. Những lần ông Kỳ ra Nha Trang đều mời người các phi đoàn ra ăn sáng ở bãi biển và tối đến tổ chức những buổi dạ vũ chung vui. Chồng tôi biết Mai và tôi quen nhau từ nhỏ nhưng anh không muốn tôi tham dự ăn uống hay hòa vào những buổi dạ vũ, vì lúc đó chung quanh Mai rất đông bạn bè quan khách. Vã lại, vợ chồng tôi trân quí từng ngày bên nhau, thời chinh chiến mạng sống anh quá đỗi mong manh! Mỗi sáng chúng tôi luôn ôm nhau thật chặt trước khi anh rời nhà, bởi chúng tôi đều hiểu rằng biết đâu buổi chiều anh sẽ không về nữa, có thể anh sẽ gãy cánh bất cứ lúc nào, nên tôi tôn trọng ý kiến của chồng.
Có lần vợ chồng tôi đang ăn ở tiệm phở Chutt Cầu Đá Nha Trang, là tiệm phở gà nổi tiếng nằm trong lòng chợ, khi chợ chiều tan quán mới mở cửa tới khuya, thì Vợ chồng Mai bước vào. Lúc đó ông Kỳ là phó Tổng Thống mà cũng là tư lệnh Không Quân. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, ông rất thương binh chủng Không Quân và sống rất có tình với bạn bè lẫn cấp dưới, cũng như Mai đối với bạn bè trước sau như nhất, Mai thường nhắn lời hỏi thăm tôi và đôi khi gởi tí quà.
Năm 75, ông Kỳ hẹn các anh phi công phản lực đến bến Bạch Đằng để cùng nhau di tản.
Ngày ông Kỳ mất chồng tôi ngồi im lặng thật lâu, nét mặt anh buồn vời vợi cũng như tôi khi nghe tin Tuyết Mai đã ra đi, tôi đã cảm nhận sự mất mát quá chân tình và nhớ lại những kỷ niệm ấm áp ngày xưa, dù sau này chúng tôi ít liên lạc với nhau.
Ông thầy bói đã nói với chúng tôi rằng mọi người sanh ra đều có số mệnh định sẵn. Bên đạo Phật thì người sanh ra thế nào là do duyên nghiệp, giàu nghèo đẹp xấu là do nghiệp do túc duyên mỗi người đã tạo ra từ đời trước để đúng lúc đúng thời là trổ quả. Cũng có biết bao nghiệp do mình mới tạo ra kiếp này và quả trổ liền. Số mệnh có thể chuyển do trí tuệ nhận thức ra rằng nghiệp chỉ là bài học cho mình thấy ra nhân quả, từ đó mới có sự tiến bộ cho bản thân phát triển lòng từ, vì chỉ có lòng từ mới vĩnh tồn giữa trời đất bao la vi diệu.
Trương kim Báu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét